22 October 2011

Hội An- thủ phủ tiếng Anh (Hoi An, an English Capital)

Các bạn thân mến: Mời các bạn xem một bài hơi khác thường về Hội An.

Chúc tất cả vui.

Bản tiếng Anh của bài này tại:(You may read the English version of this essay at:)

Hoi An, an English Capital...

---
Hội An - thủ phủ tiếng Anh


Từng là nơi thương nhân từ nhiều nơi trên thế giới đổ đến làm ăn, Hội An ngày nay lại trở thành địa điểm du lịch ưa thích của du khách nước ngoài cũng như trong nước. Hoàn toàn có thể tận dụng ưu thế này để xây dựng nơi đây một “thủ phủ tiếng Anh”, dự án có thể giúp Phố Cổ thêm hội nhập toàn cầu và phát triển bền vững.
Hội An nằm trên bờ sông Thu Bồn, chỉ cách biển Đông 5 cây số. Từ cuối thế kỷ thứ 16, nhờ chính sách trọng thương của Chúa Nguyễn cùng vị trí địa lý thuận lợi, bến cảng của Hội An - tức “Faifo”, tên do người phương Tây đặt - đã khá tấp nập. Nhà buôn từ nhiều nơi như Trung Quốc, Ấn Độ, Xiêm La, Philippines, Indonesia, Nhật, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan, Anh, Pháp thường tụ về đây.
Trong một thời gian dài, Faifo đã là trung tâm giao thương của Đông Nam Á và nơi giao lưu văn hóa Đông Tây. Nhưng đến giữa thế kỷ 19, đô thị tầm cỡ khu vực này đánh mất dần lợi thế, không còn thịnh vượng như trước nữa. Bởi Cửa Đại, nơi sông Thu Bồn đổ ra biển, bị thu hẹp lại, sông Cổ Cò chảy từ Hội An ra Đà Nẵng cũng bị phù sa bồi lấp; và nhà Nguyễn thực hiện chính sách đóng cửa. Đến đầu thế kỷ 20 thì Faifo thực sự rơi vào quên lãng khi thực dân Pháp xây dựng Tourane (họ gọi Đà Nẵng như thế) thành một thương cảng hiện đại.

Phố Hội hồi sinh
Tuy nhiên, vào những năm 1980 của thế kỷ 20, Faifo - Hội An đã hồi sinh. Giá trị của Phố Cổ từ từ được công nhận, đến cuối năm 1999 thì vào danh sách Di sản văn hóa thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc. Đô thị này khá độc đáo do còn lưu giữ các kiến trúc giao thoa Chăm Pa, Việt Nam, Nhật, Trung Quốc, Pháp và lối sống hiền hòa, sinh hoạt nền nếp của người dân. Chính sự độc đáo đó đã giúp Phố Hội ngày càng thu hút khách phương xa.
Theo Phòng Thương mại và Du lịch Hội An, lượng khách đến đây trong giai đoạn 2006-2010 đạt gần 3,5 triệu lượt, bình quân mỗi năm tăng 11,02%. Riêng trong bảy tháng đầu năm nay, Thành phố đã đón 750.000 lượt khách, cao hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Và năm 2010, du lịch và dịch vụ liên quan cũng đã chiếm đến trên 70% tổng sản phẩm nội địa của Hội An.
Một trong những điều kiện cần có để Hội An thêm du khách quốc tế là người làm du lịch nói riêng và người dân nói chung sử dụng thành thạo ngôn ngữ của Shakespeare. Muốn thế cần biến nơi đây thành một thủ phủ tiếng Anh. Qua đó, còn tạo ra nét khác biệt với các thành phố du lịch trong cả nước. Khi đến Việt Nam, du khách thường gặp phải một số cản ngại, trong đó cản ngại giao tiếp là quan trọng nhất vì phần lớn người dân không nói được thứ tiếng phổ biến toàn cầu này.
Ngoài việc hỗ trợ phát triển du lịch, dự án thủ phủ tiếng Anh còn có thể giúp Phố Cổ thu hút người từ Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, thậm chí từ những địa phương khác đến học tập - một nguồn nhân lực tiềm năng cho kinh tế Hội An. Hơn nữa, đối với một thành phố nhỏ, thật không dễ để phát triển các ngành công nghiệp do có thể ảnh hưởng xấu đến du lịch. Vì vậy Hội An nên lựa chọn lĩnh vực phù hợp, chẳng hạn như “outsource call centre” - dịch vụ chăm sóc khách hàng thuê ngoài rất phát triển ở Ấn Độ và Philippines, những nơi tiếng Anh song hành với tiếng mẹ đẻ.
Nếu vượt qua được khó khăn về ngôn ngữ, Thành phố hoàn toàn có thể phát triển outsource call centre - một loại dịch vụ không khói, tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa và xã hội. Qua đó đa dạng hóa cả cấu trúc kinh tế, bớt lệ thuộc vào du lịch.
Công cuộc xây dựng thủ phủ tiếng Anh không hề đơn giản. Tuy nhiên, Phố Hội vẫn có những lợi thế nhất định so với những địa phương khác do truyền thống mở cửa và nay lại thu hút khá đông du khách nước ngoài. Môi trường tại đây quả thật thuận lợi để người học không những chỉ biết có lý thuyết mà còn được thực hành nhiều - một điều kiện quan trọng giúp học ngoại ngữ thành công.

Cần có quyết tâm
Làm gì để biến ý tưởng thành hiện thực? Chắn chắn phải có quyết tâm lẫn sự đầu tư sâu rộng. Quyết tâm, trước hết phải từ chính quyền. Đầu tư thì từ cá nhân cũng như tổ chức trong và ngoài nước, trong đó có người Việt ở nước ngoài. Ngoài hỗ trợ tài chính, họ còn có thể giúp cả cho việc giảng dạy tiếng Anh.
Chính quyền Hội An cũng nên trích một phần tiền từ lợi nhuận du lịch để đầu tư, và vận động các cơ sở kinh doanh du lịch đóng góp “phí phát triển tiếng Anh”. Họ sẽ hưởng lợi từ chính khoản đóng góp đó: trình độ ngoại ngữ nhân viên của họ sẽ được nâng cao. Ngoài ra, có thể thu tiền của người học để thêm tiền cho dự án.
Và đương nhiên không thể thiếu các cuộc vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ việc biến Phố Cổ thành một thủ phủ tiếng Anh danh tiếng toàn cầu.
Mục tiêu quan trọng nhất của việc xây dựng thủ phủ là chất lượng đầu ra, tức người học thực sự dùng được thứ tiếng thông dụng khắp thế giới này trong giao tiếp và công việc hằng ngày. Để làm được như thế, cần phải có một đội ngũ giáo viên giỏi (người Việt và người nước ngoài nói tiếng Anh có khả năng sư phạm).
Ban đầu nên dành lớp học cho cán bộ và thanh niên - những người cần dùng tiếng Anh trong công việc và giao lưu; sau đó sẽ có lớp cho phần lớn người dân Hội An. Tiếng Anh được ưu tiên, nhưng bên cạnh đó còn có thể dạy tiếng Pháp, Nhật hay Hoa để đáp ứng nhu cầu giao lưu. Và không thể thiếu “cua” tiếng Việt dành cho người nước ngoài lẫn Việt kiều không sử dụng được tiếng nói của cha ông.
Trên thực tế, một số người Hội An chưa bao giờ ngừng học ngoại ngữ. Có người học tiếng Hoa để giữ gìn tiếng nói cha ông như người gốc Hoa với trường Lễ Nghĩa - “Trung tâm Hoa văn Lễ Nghĩa” ngày nay. Có người học tiếng Pháp dưới thời Pháp thuộc, giờ vẫn thúc đẩy con cháu học ngôn ngữ của Molière. Và đương nhiên, có người học tiếng Anh, tiếng Nhật chỉ để đáp ứng nhu cầu buôn bán. Hiện nay, trường Tiểu học Lương Thế Vinh và Trung học Cơ sở Kim Đồng của Hội An cũng đã tổ chức giảng dạy thí điểm tiếng Nhật.

Kinh nghiệm nước ngoài
Để thực hiện dự án đầy tham vọng nói trên, cần thành lập một ủy ban vận động và điều hành, trong đó các thành viên thuộc Đại học Phan Châu Trinh (Hội An) đóng vai trò nòng cốt.
Hội An có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước, lãnh thổ đã thành công trong việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chính thức hay ngôn ngữ thứ hai như Singapore. Tại đây, tiếng Anh được dạy và học chủ yếu để làm dịch vụ quốc tế, từ cảng biển, ngân hàng cho đến giao thông vận tải, du lịch. Chính ý tưởng và chiến lược rõ ràng như vậy đã biến Anh ngữ trở thành tiếng nói thông dụng của hàng triệu người dân hòn đảo Sư tử.
Đài Loan và Hàn Quốc đã sử dụng những cách thức sáng tạo để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thân thuộc hơn với người dân. Một số thành phố của Hàn Quốc, chẳng hạn, đã lập “làng tiếng Anh” thu hút nhiều học viên. Trong làng, ngoài lớp học còn có cả ký túc xá, căng-tin, phòng tập thể thao… Và chi phí học tập được chính quyền hỗ trợ một phần.
Người học phải dùng tiếng Anh trong suốt quá trình sống ở làng, bị phạt tiền nếu dùng tiếng Hàn, nhưng có quyền lấy lại tiền nếu sau đó nói tiếng Anh nhiều hơn. Họ học sẽ theo phương pháp mô phỏng: giao tiếp trong lớp với giáo viên nhưng như trong đời thực tại nhà hàng, khách sạn, sân bay, ngân hàng… Cách học này buộc người tham gia phải luôn thực hành, nhờ đó dần trở nên tự tin khi tiếp xúc với người nước ngoài.
Tiếng Anh đang trở nên quan trọng và phổ biến hơn - không chỉ vì du lịch. Tuy nhiên, người Việt Nam nói chung, Quảng Nam, Hội An nói riêng đang sử dụng tiếng Anh “theo cách rất Việt Nam”. Có thể nghe được ở đây, câu “gút bai hỉ!”, chẳng hạn. Một số người nói đùa rằng đây là “quangnamlish”.
Và bảng cấm xe hơi, xe gắn máy ở Hội An vẫn ghi: “Walking street and primitive vehicle” (dịch từ “Phố đi bộ và xe thô sơ”). Chưa thấy ai lên tiếng sửa cho chỗ sai do lắp ghép từ trong tự điển mà ra đó: phố - street, đi bộ - walking; xe - vehicle, thô sơ -primitive. (*) Trong tương lai, nếu thủ phủ tiếng Anh ra đời, hẳn sẽ không còn xuất hiện kiểu viết như thế nữa trong Phố Cổ.
Ngọc Trân
--
(*) Nên dịch là “Pedestrians and Non-Motorized Vehicles Only” hoặc "This Street for Pedestrians and Non-Motorized Vehicles Only”.
--



(ảnh: Hoàng Duy)

No comments: