15 May 2010

viết lách luôn cần ý tưởng và ...

Mời các bạn đọc bài này để hiểu thêm nghề viết lách. Chúc tất cả vui.



Dành cho sinh viên báo chí và bạn trẻ mới vào nghề

Viết lách luôn cần ý tưởng và …

Muốn viết bài trước tiên phải có ý tưởng. Ý tưởng về đề tài là quan trọng nhất. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.


Tại các tòa soạn, hằng tuần mọi phóng viên đều phải nộp một bản báo cáo, gọi là “Báo cáo tuần”, trong đó nêu rõ những gì muốn viết và dự định viết vào tuần sau. Muốn viết bài trước tiên phải có ý tưởng. Ý tưởng về đề tài là quan trọng nhất. Hôm trước, đi trên đại lộ Đông Tây (TP.HCM), tôi có nảy ra ý định viết một bài về tai nạn trên con đường này từ khi thông xe. Đó chính là ý tưởng về đề tài.

Ý tưởng ở mọi nơi, xung quanh ta. Bạn chỉ cần quan sát cuộc sống những gì xảy ra xung quanh cũng là đủ, vì mọi thứ đều nằm ở đó. Cũng có thể nhờ mạng Internet để tìm ý tưởng; có những nhà chuyên môn đã đưa cả câu hỏi lên mạng và tìm kiếm ý tưởng trong những câu trả lời hay.

Không phải ý tưởng nào cũng sẽ biến thành bài viết hoàn chỉnh, nhưng phải có ý tưởng về đề tài và phải rèn luyện thì sau này mới làm báo được. Sau khi đã có ý tưởng, các bạn cần bắt tay vào tìm kiếm thông tin để minh họa cho ý tưởng đó và viết dàn bài. Bất cứ ai khi viết cũng cần dàn bài. Những người viết lách kỳ cựu cũng thế, nhưng có thể họ nghĩ ra và để trong đầu. Đối với bạn, người mới bước vào nghề, thì nên ghi ra giấy.

Viết ra giấy hay trên máy tính là cách tuyệt vời nhất vì mình có thể nhìn vào đó để suy nghĩ và sửa chữa. Môn học phỏng vấn rất có ích vì môn này yêu cầu mình phải đặt câu hỏi; câu hỏi cho hay, hợp lý cũng đã là một loại dàn bài. Đặt câu hỏi tốt thì tự nhiên bài viết cũng sẽ hoàn thành. Qua đó, bạn còn rèn luyện được kỹ năng lập dàn bài và hoàn thiện cấu trúc của bài viết.

Bạn đã được học về cấu trúc: cấu trúc bài tin, cấu trúc bài tường thuật, cấu trúc bài phóng sự. Chỉ có cấu trúc bài tin là hơi đặc biệt một chút mà thôi. Những cấu trúc khác thì hồi ngày còn học phổ thông bạn đã được học rồi: cấu trúc kể chuyện theo thứ tự thời gian hoặc cấu trúc cụm vấn đề.

Bài viết muốn hay cần có giải thích, hình ảnh, so sánh cùng ví dụ minh họa. Như vậy người đọc mới dễ hình dung. Càng nhiều giải thích, hình ảnh, so sánh và ví dụ, bài càng hấp dẫn. Chẳng hạn, thay vì viết căn nhà đẹp lắm, bạn có thể viết căn nhà đó đẹp như cung điện hoàng gia Anh. Cũng có thể miêu tả căn nhà có cửa sổ sơn xanh đỏ, bên cạnh là vườn cây, ao cá…

Về từ ngữ, bạn cũng không nên chơi chữ mà dùng ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu để mọi người đều có thể tiếp cận. Khi dùng thuật ngữ cần giải thích thuật ngữ đó ra. Viết câu cũng cần ngắn gọn, súc tích và đúng ngữ pháp. Tránh viết những câu dài không có dấu chấm, dấu phẩy vì khi đọc sẽ rất mệt.

Bạn không nên học theo cách viết của Marcel Proust (nhà văn người Pháp) hay James Joyce (nhà văn người Ai-len). Một câu của họ có khi dài đến cả trang sách, thậm chí vài trang. Họ viết theo kỹ thuật “dòng ý thức” (stream of consciousness). Đây là kỹ thuật do Triết gia, nhà tâm lý học Mỹ William James, dựa trên các văn bản Phật giáo, mà đưa ra hồi cuối thế kỷ 19; Marcel Proust và James Joyce cùng một số nhà văn khác đã ứng dụng vào viết lách. Sử dụng kỹ thuật này, người viết sẽ thể hiện lại dòng ý thức của nhân vật bao gồm những ý nghĩ, liên tưởng, cảm xúc liên tục đan xen vào nhau. Và chúng chuyển động liên miên, nối tiếp nhau như dòng nước chảy.

Marcel Proust nổi tiếng với thiên trường tiểu thuyết “À la recherche du temps perdu” (Đi tìm thời gian đã mất), trong đó có viết về những kỷ niệm ùa về khi tác giả ngồi ăn bánh, uống trà, chẳng hạn, …dài đến 3 trang sách mới có dấu chấm. Đó là văn chương!

Hãy quay trở lại với vấn đề chính xác, rõ ràng và hợp lý của bài viết. Bài của mình đã hay rồi nhưng phải làm sao để độc giả tin vào những gì mình viết? Để làm được điều này, bài cần lô-gic và đáng tin cậy.

Có nhiều người viết rất bóng bẩy nhưng không lô-gic. Chẳng hạn, một số nhà báo rất hay dùng từ “ma trận” nhưng chưa chắc đã hiểu hết nghĩa của từ này. Ma trận là một thuật toán được dùng để tính toán nhiều nhân tố kết hợp với nhau sao cho hợp lý. Chẳng hạn, trong một cửa hàng, người ta sử dụng ma trận để tính đường đi của khách hàng, trưng bày các gian hàng như thế nào cho thuận tiện. Hoặc trong một khu phố, chỗ nào đặt cửa hàng gì, đặt như thế nào là có lợi nhất.

Một điều cần ghi nhớ nữa là để trở thành nhà báo giỏi, bạn phải thường xuyên thực hành. Đừng nên than phiền ở trường chỉ toàn dạy lý thuyết. Trước đây từng có những bài báo của sinh viên báo chí chỉ biết chỉ trích nhà trường, nói rằng trường dạy toàn dạy lý thuyết, không dạy thực hành. Họ chỉ thấy mặt xấu chứ không nhìn ra mặt tốt. Thật ra thực hành hay không là do ở người học nữa.

Để trở thành nhà báo, bạn phải có cái đầu và sự kiên trì; mỗi ngày ít nhất bạn cũng phải tập trung viết lách được 3 tiếng. Mỗi ngày, bạn cứ ngồi viết 3 tiếng trong vòng 6 tháng, chắc chắn sẽ tiến bộ vì chữ sẽ đẻ ra chữ. Chỉ khi mình bắt tay vào viết thì ý mới tuôn ra.

Nhà văn Mỹ Hemingway mỗi ngày ngồi viết văn 8 tiếng mà chỉ viết 300 chữ. Ông cho biết mỗi ngày chỉ cần viết được 300 chữ là mừng lắm rồi. Chừng đó chữ mà ông còn phải sửa tới sửa lui. Về việc này, ông nói: “Để cho chữ nghĩa được chính xác.”

Nhà văn Mỹ John Updike từng được hỏi tại sao ông viết được đến ba, bốn chục tác phẩm, giỏi vậy. Ông đã trả lời: “Giống như những người khác, tôi cũng làm việc đều đặn: từ 9 giờ sáng đến 13 giờ 30 chiều. Và như vậy, cho dù có chậm chạp đến đâu thì rồi ra, bạn cũng sẽ có được rất nhiều trang viết!” Quả thật ông ấy là “nhà văn - công chức”!

Cách làm việc của hai nhà văn lớn nói trên, hẳn bạn nên học tập.

Viết lách là một công việc đòi hỏi nhiều công sức. Khi viết xong bạn cũng cần xem lại thật kỹ, sửa nhiều lần, tránh tạo ra một tác phẩm nhếch nhác.

Không hề có nhà báo thứ thiệt nào, sau khi đi săn tin, mà lại không ngồi vào bàn và miệt mài với các con chữ.

8 comments:

Unknown said...

thầy kính mến! em đọc bài nào của thầy cũng thấy bổ ích lắm. Thầy ơi không chỉ áp dụng các quy luật mà thầy dạy vào các bài viết kinh tế mà tất cả các chuyên mục khác nếu áp dụng những quy luật này để viết bài đều rất tốt. em thích bài giảng của thầy.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em.

Anh Tú said...

em cám ơn thầy. Những kiến thức này hoàn toàn không mới với sv báo chí, nhưng qua cách viết của thầy, em học được cách diễn đạt ngắn gọn, rõ ràng súc tích.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em. Em học lớp nào?

Anh Tú said...

thưa, em học lớp BCK07, môn Tường thuật chuyên ngành Kinh tế.

Anonymous said...

Thưa thầy, bài viết của thầy hay và dễ hiểu, đọc xong vẫn đọng lại những ý chính trong đầu. Em vẫn luôn nhớ câu thầy dặn: "Hãy viết mỗi ngày".
Em chúc thầy sức khỏe, bệnh của thầy đã đỡ chưa ạ?
Phương Anh

Gatebeepers said...

Cảm ơn em. Thầy vẫn có bệnh (vì tuổi tác), luôn phải uống thuốc và kiêng cử trong ăn uống.

Hồ Quốc Nam said...

Em cám ơn thầy về một bài viết về cách học viết như thế nào rất hay! Em chúc thầy thật sức khỏe!

Nam BCK07.