22 May 2010

Nhiệm vụ người biên tập

Mời các bạn đọc bài mới (bài hai của loạt bài về biên tập). Chúc tất cả vui.

---

Dành cho bạn trẻ muốn vào nghề biên tập

Nhiệm vụ người biên tập


Để trở thành biên tập viên chuyên nghiệp, bạn phải có tố chất và nỗ lực cũng như chịu khó học hỏi. Nhưng thế nào là biên tập viên chuyên nghiệp? Bạn sẽ phải làm gì, cần biết những gì trong tình hình hiện nay khi hầu như không mấy ai mở lớp đào tạo biên tập viên báo chí chuyên nghiệp cho bài bản?



Trước hết, hãy tìm hiểu sơ qua về nhiệm vụ của một người biên tập. Trong tòa soạn truyền thống của một tờ báo ngày, có khá nhiều loại biên tập viên: biên tập viên văn bản, biên tập viên là trưởng ban, là thư ký tòa soạn, tổng thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập chuyên trách nội dung, tổng biên tập. Mỗi người đều có nhiệm vụ riêng. Nếu mở rộng ra khỏi báo ngày, qua báo mạng, đài phát thanh, đài truyền hình thì số lượng biên tập viên sẽ tăng lên gấp bội phần.

Tuy nhiên, nhiệm vụ của các biên tập viên này đều có những điểm tương đồng. Sự phân biệt chức danh đôi khi chỉ là hình thức, không phải dựa trên nội dung công việc. Chẳng hạn, người phụ trách tòa soạn, tại báo này có chức danh tổng thư ký tòa soạn nhưng ở báo khác lại là thư ký tòa soạn hoặc trưởng ban biên tập. Và nhiệm vụ của những người có chức danh khác nhau đó là hoàn toàn giống nhau.

Các biên tập viên cũng thường khác nhau về trình độ, kinh nghiệm và mức độ chịu trách nhiệm. Nhưng họ đều chia sẻ một trách nhiệm chung: lên kế hoạch, tổ chức thực hiện và bảo đảm chất lượng của tin tức. Vậy các biên tập viên thực hiện quy trình tạo ra tin tức như thế nào? Dưới đây là một ví dụ.

Vào 3 giờ chiều hôm qua, tòa soạn một tờ báo ngày nhận được tin một ngân hàng bị cướp và ngay lập tức đã cử một phóng viên đến hiện trường. Người phóng viên sẽ nói chuyện với các nhân chứng vụ cướp (khách hàng, nhân viên ngân hàng, người qua đường) và cảnh sát điều tra.

Không lâu sau đó lại xảy ra sự kiện thứ hai: hai người được cho là cướp đã bị bắt cách trụ sở của ngân hàng không xa, sau khi đấu súng với cảnh sát.

Trở về tòa soạn, người phóng viên viết lại những thông tin đã thu thập được và chuyển bài viết cho một biên tập viên. Biên tập viên này sẽ kiểm tra thông tin và sau đó báo cho người trực tòa soạn rằng bài báo đã được hoàn thành và cần có chỗ trên số báo ra ngày mai. Nhờ đó, bạn đọc sẽ được biết ngày hôm qua đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng trong thành phố.

Thông tin trên có thể đã được kiểm tra và được cho là chính xác. Tuy nhiên, những người biên tập luôn hiểu rằng chính xác không có nghĩa là đầy đủ.

Như đã nói ở trên, hai người bị tình nghi thực hiện vụ cướp đã bị bắt, sau khi đấu súng với cảnh sát không xa trụ sở ngân hàng. Người phóng viên cũng đã quay về tòa soạn để viết bài về cướp ngân hàng và nộp bài cho biên tập viên. Người biên tập báo với thư ký tòa soạn và thư ký tòa soạn sẽ dành chỗ để đăng bài báo. Đó là nói một cách tóm tắt. Còn quy trình thực sự của bài báo này (và của hầu hết các bài báo thời sự) ra sao?

Thứ nhất, ai quyết định cử chính phóng viên đó đi làm tin về vụ cướp ngân hàng? Đó là trưởng ban thời sự hoặc trưởng ban nội chính.

Thứ nhì, phóng viên đó phải ngưng công việc mình đang làm dở để đi làm tin này. Vậy công việc đang dở dang của anh hoặc chị ta sẽ ra sao? Trưởng ban thời sự hoặc trưởng ban nội chính sẽ quyết định việc này, có thể giao công việc dở dang đó lại cho người khác hoặc đơn giản hơn: chỉ thị tạm gát công việc đó lại.

Tiếp đến, việc hai nghi can cướp ngân hàng bị bắt sẽ do ai tường thuật, sẽ là bài riêng hay tổng hợp với bài về cướp ngân hàng? Nếu đây là một bài báo do một phóng viên khác viết thì việc này cũng do trưởng ban thời sự hoặc trưởng ban nội chính ra lệnh. Chắc chắn đây sẽ là một bài riêng vì là tin tức hấp dẫn; không phải ngày nào cũng có đấu súng trong thành phố.

Theo thông lệ, các trưởng ban sẽ họp với nhau và bàn thảo thêm về tin tức vào buổi chiều. Các tòa soạn báo ngày họp 2 lần mỗi ngày vào lúc 7 giờ hoặc 8 giờ sáng và 4 giờ hoặc 5 giờ chiều. Cuộc họp buổi chiều thường không kéo dài, chỉ để duyệt lại tin tức, bài vở và bổ sung tin tức mới nếu có. Và bài về vụ cướp và vụ đấu súng - tin tức mới - được quyết định tại cuộc họp này.

Thứ tư, có hình ảnh gì đi kèm hai bài báo nói trên không? Nếu có, ai sẽ đi chụp hình? Một phóng viên ảnh được trưởng ban ảnh cử đi theo đề nghị của trưởng ban thời sự hoặc trưởng ban nội chính.

Thứ năm, bài báo có cần thêm bảng biểu hay đồ họa và ai sẽ thực hiện việc này? (Giờ các báo như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đều có người chuyên trách đồ họa; trước đây thì không có). Thông tin để làm đồ họa sẽ được lấy từ đâu? Một nhân viên đồ họa được giao nhiệm vụ này và sẽ dựa trên thông tin do phóng viên đi làm tin cung cấp. Trưởng ban đồ họa cũng sẽ làm việc theo sự gợi ý của trưởng ban thời sự hoặc trưởng ban nội chính.

Thứ sáu, một biên tập viên đã đọc bài để xem bài có chính xác không nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Ai sẽ là người đảm bảo bài viết được viết đúng ngữ pháp và rõ ràng, dễ hiểu? Đó là một biên tập viên văn bản hoặc phòng biên tập. Trưởng ban thời sự hoặc trưởng ban nội chính chỉ sửa sơ qua hai bài rồi chuyển chúng cho họ.

Tiếp đến, ai sẽ quyết định bài được đăng ở trang nhất, trang 2 hoặc trang khác? Thư ký tòa soạn hay tổng thư ký tòa soạn quyết định. Hoặc cũng có thể các biên tập viên tham gia cuộc họp buổi chiều cùng nhau quyết định.

Về vấn đề tít, ai sẽ quyết định tít lớn cỡ nào? Phóng viên sẽ viết tít và trưởng ban sẽ sửa và biên tập viên văn bản có thể sửa thêm. Thư ký tòa soạn hay tổng biên tập cũng có thể làm việc này. Họ sẽ cho chạy tít lớn nếu muốn thu hút độc giả đến với tin đó.

Thứ chín, ai quyết định ảnh và đồ họa to hay nhỏ? Vấn đề này cũng được thực hiện theo quy trình ở trên. Thư ký tòa soạn, trưởng ban ảnh hay người phụ trách thiết kế tờ báo có thể quyết định chuyện này.

Thứ mười, tờ báo có tiếp tục theo đuổi chủ đề cướp ngân hàng vào những ngày kế tiếp nữa hay không? Các biên tập viên luôn giả định bạn đọc sẽ muốn biết thêm nhiều hơn vì đây là một sự kiện hấp dẫn. Trong những ngày sau đó sẽ có những bài báo khác về chủ đề này, với góc nhìn khác (dựa trên phỏng vấn cảnh sát điều tra, ban lãnh đạo ngân hàng, v.v.). Chắc chắn phóng viên đã làm tin đó cũng sẽ tham gia gợi ý cùng với các trưởng ban trong buổi họp tin sáng hôm sau khi đã đăng tin về vụ cướp và đấu súng.

Thứ 11, sau khi bài được đăng, nếu phát hiện sai sót ai sẽ viết đính chính? Thư ký tòa soạn sẽ quyết định việc đính chính. Tùy thuộc vào tính trầm trọng của lỗi trong bài báo sẽ có người ra quyết định ở cấp cao hơn.

Và cuối cùng: Ai sẽ đi làm tin về việc hai người bị tình nghi cướp ngân hàng được đưa ra xét xử; phóng viên đã làm tin về vụ cướp hay phóng viên chuyên về pháp luật? Việc này sẽ do trưởng ban thời sự, trưởng ban nội chính hay thư ký tòa soạn quyết định. Phóng viên tòa án thường được cử đi làm tin này; đôi khi, phóng viên làm tin về vụ cướp cũng có thể được cử đi.

Những công đoạn trên cho thấy công việc hậu trường của quy trình sản xuất một bài báo. Bạn thấy rõ rằng sau mỗi bài báo đều có bàn tay của các biên tập viên. Họ có mặt ở khắp mọi nơi. Nhiều khi họ làm việc một mình, nhưng lắm khi họ hoạt động tập thể, có lúc chỉ cần gặp nhau một chút để cùng đưa ra quyết định. Họ cũng có thể họp bất thường (ngoài 2 cuộc họp chính sáng chiều của một tờ báo ngày).

Như vậy, các biên tập viên là người chịu trách nhiệm về tin tức. Họ tổ chức việc thực hiện. Họ giám sát, thẩm định, hướng dẫn, hỗ trợ cho phóng viên. Họ quyết định bài báo được trình bày như thế nào và hình thức viết bài. Biên tập viên tham gia nhiều vào việc sửa chữa bài vở, cân nhắc việc dùng ảnh hay đồ họa như thế nào cho phù hợp với bài báo.

Biên tập viên tạo ra môi trường để sản phẩm báo chí được ra đời một cách tốt nhất. Họ tổ chức các trang báo để làm sao cho các bài báo trở nên hấp dẫn đối với bạn đọc.

Họ quan tâm đến mọi chi tiết, từ nhỏ đến lớn và cả tầm của bài báo. Đối với biên tập viên chuyên nghiệp yêu nghề, họ luôn nghĩ đến tương lai làm sao để mình biên tập tốt hơn.

Nhưng nói như thế không có nghĩa là vai trò của người phóng viên viết và phóng viên ảnh bị hạ thấp. Phóng viên luôn là tai là mắt của bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào. Họ gặp các nguồn tin để viết nên các bài báo. Tuy nhiên, biên tập viên mới là người đưa sản phẩm của phóng viên đến với người đọc, người xem đài, nghe đài.

2 comments:

Anh Tú said...

thưa thầy, dấu hiệu nào cho một sv báo chí thấy bài báo đó có tầm cỡ? Một bài báo tầm cỡ cần có những yếu tố gì?

Gatebeepers said...

Cảm ơn em. Cũng tùy người, tùy tòa soạn: Chỗ này cho là hay, chỗ kia lại chê.

Nhưng em không cần quan tâm đến việc này làm chi. Viết sao mình cảm thấy hài lòng là được; và nhớ áp dụng những gì đã được học.

Hễ đã vướng vào nghiệp thì chỉ có viết, viết và viết.