Nhân ngày giỗ thứ 9 nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mời các bạn đọc bài dưới đây, xem như một nén hương tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa.
--
Nhạc Trịnh, không chỉ là âm nhạc
Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đắc Lắc, mất năm 2001 tại TP.HCM. Ông lớn lên tại Huế và tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp, ông lên Lâm Đồng dạy học. Đến năm 1965 hay 1967, ông chuyển về Sài Gòn.
Tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn là “Ướt mi”, được viết năm 1958. Trong suốt quãng đời làm nghệ thuật của mình, ông đã sáng tác khoảng 600 ca khúc. Một số ca khúc như Diễm xưa, Như cánh vạc bay và cả Ướt mi… đã được dịch ra tiếng Nhật và trở nên nổi tiếng ở xứ sở hoa anh đào.
Các ca khúc của Trịnh Công Sơn mang đậm một phong cách riêng và tạo ra hẳn một dòng nhạc: nhạc Trịnh. Sáng tác ông của đa dạng với những bài hát về chủ đề tình yêu, những trăn trở về số phận con người, các ca khúc phản chiến… Giai đoạn sáng tác sung sức nhất của Trịnh Công Sơn chính là những năm tháng chiến tranh. Sự tàn nhẫn của chiến tranh, ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết ám ảnh trong từng bài hát phản chiến của ông. Ông xót xa trước những biến cố đau thương diễn ra hằng ngày và đưa những cảm xúc của mình vào những “ca khúc da vàng”.
Nhạc Trịnh có âm điệu đơn giản, nhẹ nhàng, tiết tấu chậm và dễ đi vào lòng người. Chính vì điều này nên các bài hát của ông dễ hát nhưng lại khó hay. Lối hát cầu kỳ kiểu Đàm Vĩnh Hưng không phù hợp với nhạc Trịnh, nhưng để hát nhạc Trịnh một cách đơn giản mà hay cũng hoàn toàn không dễ dàng gì. Có lẽ vì thế số ca sĩ hát thành công nhạc Trịnh Công Sơn không nhiều, đặc biệt nhất phải kể đến ca sĩ Khánh Ly.
Trịnh Công Sơn và Khánh Ly gặp nhau lần đầu tại Đà Lạt khi cô đang hát cho các phòng trà. Tại thành phố cao nguyên này, thời hàn vi không tiền và cũng chưa nổi tiếng ấy, có một địa điểm Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường lui tới: café Tùng. Quán Tùng nhỏ bé luôn có một góc dành riêng cho người nhạc sĩ, chỗ ngồi đối diện quầy thu tiền, ngay cạnh cầu thang phía trong. Đôi lúc, ông đến quán không một xu dính túi, nhưng có lẽ vì ông là bạn của chủ quán nên được châm chước cho “ghi sổ” (theo lời kể của ông Trần Đình Thung, con trai chủ quán Tùng).
Chẳng biết tại góc nhỏ thân thuộc ấy, bên cạnh ly cà phê ấm nóng, Trịnh Công Sơn đã viết nên những tuyệt phẩm nào. Nhưng chính cuộc gặp gỡ như định mệnh giữa thành phố mộng mơ Đà Lạt đã tạo nên một cặp ca sĩ – nhạc sĩ bất hủ trong làng nhạc Việt. Nghe Khánh Ly hát nhạc Trịnh hẳn ai cũng tự hỏi: điều gì đã tạo nên một sự kết hợp tuyệt vời đến vậy? Khánh Ly hát nhạc Trịnh với tất cả tâm hồn, nồng ấm, tha thiết và mỗi khi cô cất lời, trái tim người nghe lại thổn thức.
Ca từ trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng mang một dấu ấn riêng biệt. Có lẽ sẽ là hoài công vô ích khi ta cứ cố đi tìm hiểu xem ông muốn nói gì qua mỗi lời ca. Để hiểu những ca từ ấy, mỗi người nghe phải tự cảm nhận và tự hiểu theo cách của riêng mình.
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát từng nói: “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”. Lời ca chỉ “đơn giản” là phương tiện để Trịnh Công Sơn ghi lại cảm xúc của chính ông. Ca từ trong nhạc Trịnh đầy những hình ảnh ẩn dụ, đậm chất thơ và mang tính triết lý sâu sắc. Đôi lúc, người nghe không thể hiểu nổi những hình ảnh trong bài hát nhưng họ vẫn mặc nhiên chấp nhận, bởi họ luôn tìm được cho mình một điều gì đó trong những sáng tác của ông, những cảm xúc không thể diễn tả thành lời.
Mỗi tác phẩm của Trịnh Công Sơn cũng đều mang một triết lý sống nào đó, khiến người nghe ít nhiều phải suy ngẫm. Tính triết lý trong nhạc Trịnh thể hiện ngay ở nhan đề các ca khúc: Một cõi đi về, Cát bụi, Đóa hoa vô thường… Mỗi bài hát của ông đều là một niềm trăn trở, trăn trở về kiếp người, về tình yêu bởi “sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng” (lời nhạc sĩ). Chính cái “vô cùng” bị bó hẹp trong cái “hữu hạn” ấy khiến nhạc của ông luôn đau đáu một nỗi buồn nhân sinh.
Nghe nhạc Trịnh phải nghe vào những lúc tâm hồn tĩnh lặng, không vội vã và với cả trái tim chân thành. Hẳn chỉ có như vậy ta mới thấm được hết từng câu chữ, từng nốt nhạc và cảm nhận nhạc Trịnh, thường là theo cách riêng của mình.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
7 comments:
Ông mất đúng vào ngày 1/4, ngày mà ko ai có thể tin đó là sự thật
Trần Trọng Tú: Đồng ý hoàn toàn với tác giả về ca từ trong nhạc Trịnh.
Ca từ trong nhạc Trịnh dường như là thứ mê cung với nhiều hương thơm quyến rũ.
Vậy cho nên nó cứ ám ảnh người nghe, khiến người ta cứ ngẩn ngơ, rồi như vô tình hay hữu ý, bước chân vào mê cung ấy như để tìm kiếm, nắm bắt một cái gì hữu hình.
Tâm hồn Trịnh đã không là vật hữu hình thì làm sao ca từ của ông lại có thể hữu hình như ta tìm kiếm. Rồi những cái đầu logic cứ cố gắng tìm kiếm thứ gì đó cầm được, bắt được khiến họ bức bối khi nghe nhạc Trịnh, để rồi bùng nổ, để rồi rệu rã trong mê cung vô hình.
Còn những người lãnh mạn nghe Trịnh là nghe trái tim mình thổn thức. Và cứ thế trôi đi, nhẹ nhàng, buồn, vui, lo âu và hạnh phúc. Cái lý của ca từ Trịnh là ở đó.
Nhưng tôi không đồng quan điểm với tác giả khi nói nhạc Trịnh buồn nhân sinh. Chúng ta vận "cái tình của Trịnh" một cách quá bản năng, khiến nhạc Trịnh buồn thật. Nhưng trong trái tim Trịnh, nó là nỗi lạc quan. Đó là sự lạc quan của con người biết rằng chặng đường sống chính là tiến gần đến cái chết. Vậy cho nên "nôi buồn nhân sinh" như tác giả nói chỉ là một vế của một thứ được gọi là "dòng tâm tưởng của người xem cái chết, nỗi đau nhẹ tựa lông hồng".
Cảm ơn Tú!
Khi nghe Trịnh, cứ bị cuốn vào những giai điệu, ca từ đó dù nhiều khi chẳng hiểu lắm. :) Miên man và đắm chìm vào đó, đến khi ca khúc kết thúc, vẫn chưa thoát ra được. :D
Cảm ơn thầy.
ST
Em ST: Như thế đã là đủ rồi!
Hay quá thầy ơi! Em thích nhất câu "Để hiểu những ca từ ấy, mỗi người nghe phải tự cảm nhận và tự hiểu theo cách của riêng mình." Thầy quá Ok khi nói về Khánh Ly. l Love Khánh Ly
Cảm ơn em.
Post a Comment