Trong số các tư liệu cũ, tôi tìm thấy một bài trả lời một số sinh viên báo chí về nghề nghiệp. Tôi đưa bài này lên đây vì nó có thể giúp ích cho các bạn sinh viên báo chí khác.
Chúc tất cả vui.
---
Vừa rồi có một số sinh viên đã hỏi tạp chí Nghề Báo một số vấn đề liên quan đến nghề nghiệp và tạp chí đã nhờ tôi trả lời, như sau:
Câu hỏi cho Nghề báo
Câu 1. Khi gửi ảnh (kèm bài viết) tới địa chỉ email của các tòa soạn, cần tuân theo những quy định nào? Kích thước của ảnh như thế nào là tốt nhất?
Câu 2. Là sinh viên báo chí, em nên cộng tác với nhiều báo hay chỉ nên tập trung vào một báo, một mảng nào đó trên báo mà mình muốn theo?
Đàm Thị Hồng Nhung
Báo chí K05, Khoa Báo chí – Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM
Trả lời
- Về ảnh, thông thường, bạn có thể gởi ảnh dung lượng dưới 300 KB, đuôi JPEG, kèm thư điện tử.
Nhưng tốt hơn hết, nên hỏi tòa soạn bạn định gởi bài và ảnh. Mỗi tòa soạn có thể quy định khác nhau về độ phân giải của ảnh, tùy vào việc ảnh đó dùng trang nào, trình bày ra sao nữa. Báo ngày, báo tuần, tạp chí thời trang,… đều dùng ảnh theo các cách khác nhau.
- Đối với việc làm cộng tác viên, bạn nên dựa vào thế mạnh và sự ham thích của mình để chọn lĩnh vực và báo cộng tác.
Ví dụ: nếu bạn viết được và viết tương đối dễ đọc về du lịch thì nên cộng tác với các tạp chí chuyên về du lịch, như tạp chí Du lịch TPHCM, tạp chí Du lịch Việt Nam.
Nếu giỏi tin học, bạn có thể tham gia các tờ như E Chíp, Thế giới @, Cẩm nang Máy tính.
Còn nếu bạn thuận tay với các đề tài kinh tế, thương mại, hãy viết cho các tờ như Thời báo Kinh tế Sàigòn, Đầu tư Tài chính, Nhịp cầu Đầu tư.
Nói chung, nên cộng tác với một hai báo hoặc tạp chí thôi. Để họ quen mình và mình cũng quen họ, biết được “gu” của họ.
Và có lẽ nên tìm đến các tạp chí trước. Biên tập viên tạp chí thường sẵn lòng hỗ trợ, sửa bài cho cộng tác viên.
Câu 3. Em đang phân vân giữa hai nghề báo chí và kế toán. Em đam mê nghề báo nhưng lại thấy nghề kế toán cũng hay. Quan trọng là làm kế toán thì kinh tế ổn định hơn và phù hợp với giới nữ hơn. Vậy em nên chọn nghề nào vì em đều có kiến thức về cả hai ngành này.
Nguyễn Thị Thanh Hương
Báo chí 4, Khoa Báo chí – Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM
Trả lời
Bạn nên làm nghề kế toán, nếu cần tiền ngay và không muốn đi ra ngoài đường nhiều. Tuy nhiên, trong khi ngồi bàn giấy, bạn vẫn có thể viết lách. Viết về …nghề kế toán, các kỹ thuật liên quan đến kế toán và tính toán, chẳng hạn.
Câu 4. Khi tác nghiệp, sinh viên báo chí gặp rất nhiều tình huống khó khăn mà chưa từng được học, được biết trước. Ví dụ như được nhân vật đưa phong bì, nhân vật từ chối trả lời phỏng vấn,… Nghề Báo có thể cho em một số lời khuyên để đối phó với những tình huống này được không?
Nguyễn Thị Khánh Hà
Báo chí 4, Khoa Báo chí – Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM
Trả lời
- Không nên nhận phong bì. Nếu “bị” nhận, hãy gởi trả lại sau đó. Trả không được thì báo cáo cơ quan để cơ quan xử lý. Nếu số tiền không lớn, bạn có thể gởi cho một tổ chức từ thiện, rồi lấy biên nhận.
Đừng yếu lòng. Không thể vì một vài trăm ngàn, một vài triệu bạc, thậm chí nhiều hơn nữa, mà bán rẻ danh dự. Để khỏi cảm thấy xấu hổ. Xấu hổ với chính mình đã là khốn khổ lắm rồi.
Về thực chất, đây là một vấn đề cá nhân. Bạn có thể đọc thêm bài liên quan - “Đạo đức báo chí, một cách tiếp cận thực tế” - trong Nghề Báo số 61 (11.2007).
- Khi nhân vật từ chối trả lời thì …năn nỉ. Năn nỉ không được thì …thôi, đi kiếm nhân vật khác, nguồn tin khác. Trên đời này thiếu gì chuyện để viết, thiếu gì người sẵn sàng tiếp chuyện các cây bút thứ thiệt.
Câu 5. Khi bắt tay vào viết một bài em thường lúng túng trong cách chọn thể loại cho phù hợp, vì vậy khi đọc lại thì bài viết có khi không biết mình viết theo thể loại gì, hoặc tổng hợp các thể loại. Em mới chỉ học năm nhất, những thể loại báo chí chỉ mới được giới thiệu khái quát và chủ yếu là các khái niệm, nên việc nhận dạng thể loại đã khó, việc xác định thể loại để viết càng khó hơn. Vậy khi bắt đầu viết báo em nên làm gì để xác định thể loại phù hợp và đạt hiệu quả cao cho bài viết.
Đỗ Thu Thảo
Báo chí K07, Khoa Báo chí – Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM
Trả lời
Việc nhận biết các thể loại là cần thiết. Nhưng có lẽ bạn nên tìm hiểu thật kỹ thể loại tin trước. Thế đã đủ để đi vào nghề báo.
Bạn cần đọc trang 2 các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, đối chiếu với những gì thầy, cô đã hướng dẫn về tư duy đề tài, săn tìm tin tức và viết tin.
Bài tin cũng thường ít chữ. Như vậy viết sẽ đỡ ngán. Vấn đề chung của những người mới tập viết là …viết cho ra chữ. Có chữ, mới có cái để sửa, nhờ đó mới thành bài.
Không ít người viết lách chuyên nghiệp viết tồi với bản thảo đầu tiên. Nhưng, sau đó, họ ra sức sửa. Sửa tới, sửa lui, cho tới khi nào cảm thấy “được được” mới thôi.
Gợi ý thêm: Hãy viết mỗi ngày. Và không nên coi thường những gì đã học trong trường, nhất là những môn nghiệp vụ do các thầy, cô viết báo và làm báo lâu năm nhiệt tình giảng dạy. Viết không được, nhiều khi là tại mình.
Chúc tất cả thành công.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
1 comment:
Em là Anh Tú, lớp báo chí K07. Em cám ơn entry này của thầy. Đây cũng là những câu hỏi em mong muốn có lời đáp từ lâu.
Chúc thầy luôn vui khỏe.
Post a Comment