Mời các bạn đọc thêm bài về Đà Lạt (đúng ra là đoạn đầu của bài đã đưa lên đây tuần trước! Cũng chưa biên tập kỹ, mong được thông cảm).
--
Đà Lạt - một chuyến du Xuân (bài 1)
Chúng tôi đến Đà Lạt vào dịp đầu năm mới, khi không khí mùa xuân đang tràn ngập khắp phố phường. Trời dịu mát, có gió thổi nhè nhẹ nhưng đầy nắng và nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 300C khi mới 9 giờ sáng. Có lẽ thời tiết như vậy là hơi nóng đối với thành phố cao nguyên này. Chuyến du xuân Đà Lạt của chúng tôi mở đầu bằng màn « ăn và uống » vào ngày mùng 2 Tết.
Điểm đến đầu tiên là một quán bún bò gần khách sạn Trung Nghĩa, đường Phan Đình Phùng, nơi chúng tôi tạm trú những ngày ở Đà Lạt. Tô bún ở đây to gấp rưỡi bình thường và thịt bò rất mềm. Dù là ngày Tết nhưng, chủ quán cho biết, giá không tăng, vẫn 22.000 đồng/tô ; tô có giò 25.000 đồng/tô (nhưng một cô tiếp tân khách sạn nói cô ăn chỉ có 18.000 đồng/tô !). Bún bò ở đây ăn với rau theo kiểu Đà Lạt: xà lách thái sợi, trộn với giá và bắp chuối thái mỏng. Chỉ có bánh mì tăng giá thêm 1.000 đồng, lên 3.000 đồng/ổ. Theo lời chủ quán, chủ lò bánh mì nói rằng ngày Tết không đủ thợ làm nên phải tăng giá.
Rời quán bún bò chúng tôi đi uống cà phê. Đến Đà Lạt, hẳn không mấy người bỏ qua cái thú này. Chúng tôi đến quán cà phê Tintin ở gần khu chợ Hòa Bình, trên con dốc dài đường Nguyễn Chí Thanh (quán lấy tên theo tên anh chàng nhà báo không bao giờ viết chữ nào trong truyện tranh của Herge - mà chỉ lao vào những chuyến phiêu lưu đường xa, xứ lạ). Ngày Tết, mỗi ly cà phê ở quán Tintin tăng giá chút ít, theo lời cô phục vụ, tăng từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/ly. Cà phê đen có giá 12.000 đồng, đen đá 15.000 đồng, sữa đá 17.000 đồng.
Con dốc còn có quán tên Tây khác như Galy (không biết ý nghĩa gì) và những cái tên đầy chất nghệ sĩ như ...Nghệ Sĩ, Làng Văn hoặc thơ mộng như Cỏ Hồng, Phượng Tím, Phố Hoa. Các quán liền quán một dãy này chỉ cách quán cà phê Tùng nổi tiếng (sẽ nói đến sau), chừng 300 mét, một mặt nhìn xuống đường Lê Đại Hành, nơi có hàng cây đào trổ hoa màu hồng phấn.
Là người gốc miền Trung, tôi vẫn ưa hoa mai hơn hoa đào. Màu vàng rực rỡ của hoa mai trông thật thích mắt. Năm nay, mai ở thành phố Hồ Chí Minh được bán khá rẻ, cây kiểu bonsai (kiển lùn) trong chậu nhỏ có giá chỉ 50.000 đồng. Còn nhớ ngày còn bé, cứ đến giáp Tết, cha tôi lại dành thời gian chở tôi đi theo đến những nơi bán mai, chọn cho được một cành mai thật ưng ý để chưng những ngày Tết. Tôi từng ngắm những cành đào miền Bắc ở làng Nhật Tân, nhưng cảm xúc vẫn không được như mỗi lần ngắm những cành mai miền Nam hay miền Trung quê tôi.
Chúng tôi rời quán Tintin và đi dạo dọc quanh hồ Xuân Hương. Hồ cạn sạch nước và mất hẳn vẻ thơ mộng vốn có nhưng lại là dịp có một không hai trong đời người - kể cả người Đà Lạt, được xuống lòng hồ đã nhiều chỗ nứt vết chân chim. Thành phố Đà Lạt đang cho xả nước để thực hiện nạo vét lòng hồ. Dự kiến đến đầu năm 2011 dự án mới hoàn thành.
Bên bờ hồ Xuân Hương, trên đường Yersin, có một cái quán mang tên “Vang Đà Lạt” được thiết kế giống hình chiếc thùng chứa rượu vang. Trong sân trước quán có đặt những bức tượng nhà mồ của người dân tộc, trong đó có một tượng gồm 3 đầu người sắp chồng lên nhau. Bên trong “thùng rượu”, bàn ghế được sắp xếp khá đẹp mắt, trông như một quán cà phê nhỏ. Có tiếng nhạc nhè nhẹ.
Ông Vĩnh Định, người phụ trách quán, cho biết Vang Đà Lạt chỉ mới được mở cửa vào cuối năm 2009. Ở đây chuyên bán rượu vang của Công ty Cổ phần Thực phẩm Lâm Đồng, được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao các năm từ 2001-2010. Một chai vang ghi là Cabernet và Merlot (giống nho Pháp của vùng Bordeaux nổi tiếng về rượu, nay được trồng nhiều nơi trên thế giới, làm rượu vang đỏ) có giá 90.000 đồng, chai chỉ ghi đơn giản Red Wine, tức rượu đỏ, giá 85.000 đồng. Cao cấp hơn là Excellent Chardonnay (cũng xuất xứ Bordeaux, để làm vang trắng) giá 120.000 đồng.
Nếu chỉ muốn thử một chút rượu, bạn có thể gọi một ly vang đỏ giá 25.000 đồng. Tại đây bán cả hạt điều, hộp nhỏ 27.000 đồng, hộp lớn 54.000 đồng. Ngoài ra, buổi tối, bạn còn có thể thưởng thức sườn heo nướng, cánh gà nướng... Ông Định cho biết, trong dịp Tết, đồ ăn và rượu ở đây vẫn không tăng giá.
Chúng tôi lại đi vòng theo bờ hồ Xuân Hương đến vườn hoa Đà Lạt, nằm trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Tại đây đang tổ chức hội hoa xuân, vé vào cổng là 10.000 đồng/người. Phía trước vườn hoa, nhiều người bán hàng rong bày bán mắt kính, mũ, quần áo, đồ lưu niệm… và cả dâu Tây, đặc sản Đà Lạt, được bán với giá 25.000 đồng/ký. Những quả dâu tây đỏ mọng đựng trong sọt trông thật đẹp mắt.
Đối diện vườn hoa, phía bên kia đường, sát bờ hồ, những cỗ xe ngựa xếp hàng chờ khách. Xe ngựa bây giờ không còn đơn giản như ngày xưa nữa mà được kết thêm hoa giả sặc sỡ. Mỗi cỗ xe được một con ngựa kéo. Xe gồm 2 băng ghế, ngồi được 4 người. Giống ngựa này mới nhập từ nước ngoài về, to hơn ngựa Việt Nam.
Nghe nói cảnh vườn hoa không có gì xuất sắc nên chúng tôi không vào và chạy xe đến chùa Linh Sơn. Chúng tôi luôn thích cảnh chùa. Chùa Linh Sơn nằm trên một ngọn đồi, đường lên thoai thoải. Theo lời giới thiệu, chùa Linh Sơn là ngôi chùa mang tính văn hóa, lịch sử của Đà Lạt, nằm cách trung tâm thành phố chừng 700m về hướng Tây Bắc. Chùa do hội Phật học miền Trung xây dựng từ năm 1938, hoàn thành năm 1940, với sự đóng góp của thập phương bá tánh, đặc biệt là 2 đạo hữu Võ Đình Dung, Nguyễn Văn Tiến.
Ngay lối vào chùa là hai khoảng sân rộng. Sân dưới tráng nhựa, sân trên lát các tấm bê tông. Bên trái chính điện là một ngôi tháp 3 tầng hình bát giáp, hài hòa về mặt thẩm mỹ. Bên phải sân chùa, giữa đám cỏ xanh là hồ nước với những hòn giả sơn và bonsai tạo dáng đẹp xunh quanh. Xuôi theo hai bên bậc tam cấp dẫn vào chính điện có một cặp rồng há miệng được đắp bằng xi măng. Bên trái chính điện là đại hồng chung - chuông đồng lớn - đúc năm 1958 và nặng 800 ký.
Chính điện được bài trí hài hòa, trang nhã, ở giữa thờ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật bằng đồng nằm trên một tòa sen, nặng 1250 kg, đúc năm 1952. Phía sau chính điện là nơi thờ các vị sư tổ của chùa cùng Bồ đề Đạt Ma (người được cho là sư tổ Thiếu Lâm tự, sáng lập phái võ Thiếu Lâm). Hình thờ ở đây là hình Bồ đề Đạt Ma vác một cây gậy phía trên có một chiếc dép.
Chú tiểu Thích Nguyên Chơn cho biết, theo truyền thuyết, sau khi qua đời (do bị đầu độc), sư tổ Đạt Ma được chôn ở Hồ Nam. Một ngày nọ, một vị tăng đi hành hương từ Ấn Độ về Trung Quốc, đến núi Hùng Nhĩ thì gặp sư tổ Đạt Ma . Sư tổ, tay cầm một chiếc dép, cho biết mình trên đường đi về Ấn Độ. Sư tổ cũng nói rằng Trung Quốc cũng sẽ nối tiếp được dòng Thiền của ông. Vị tăng kia vô cùng kinh ngạc và khi về tới Trung Quốc vội báo để mở áo quan Bồ đề Đạt Ma ra và rồi không thấy gì cả, chỉ thấy một chiếc dép. Vì thế, tranh và tượng Sư tổ Đạt Ma sau này luôn được vẽ, đúc có vác gậy, đầu gậy là chiếc dép.
Trời đã quá trưa, chúng tôi rời chùa Linh Sơn và ghé ăn trưa tại một quán bánh canh. Quán bánh canh Minh Hoa nằm trên đường Nguyễn Văn Trỗi, số 71/1, có bán đủ loại bánh canh như bánh canh cua, giò, chả cá, cá lóc… và cả bún bò. Giá trung bình mỗi tô 20.000 đồng. Tại đây còn bán thêm cả đồ tráng miệng như sinh tố, nước ép trái cây, kem… Quán có bề rộng mỗi chiều khoảng 10 mét. Toàn bộ quán được sơn màu trắng, từ tường cho đến cửa, song cửa và một số chậu hoa.
Đà Lạt là xứ sở của hoa nên quán chưng nhiều loại hoa như ly, lay ơn, lan rừng nhưng cũng chưng cả … dây leo giả (không hiểu tại sao). Khi chúng tôi vào, quán mới chỉ có hai người khách nhưng sau đó đông dần. Trong quán có đặt một chiếc tủ kính chưng đủ nhiều loại trái cây : thơm, trái vải dâu tây, táo, mãng cầu… nhưng nhìn kỹ mới biết tất cả đều được làm bằng nhựa (tức cũng là đồ giả!). Chỉ có một vài trái cam ở phía dưới là cam thật.
Sau khi nghỉ trưa, đến 4 giờ, chúng tôi rời khách sạn. Nắng chiều rải trên những con đường, hắt lên những ngôi nhà phố. Chúng tôi đi bộ ra chợ, dự định mua vài chiếc áo len. Áo len ở Đà Lạt rẻ, kiểu dáng lại đẹp hơn ở những nơi khác. Giá một chiếc áo len sát nách chỉ khoảng 40.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với chiếc áo len gần 150.000 đồng tôi mua ở Hà Nội năm ngoái. Trên vỉa hè đối diện chợ Hòa Bình, Đà Lạt đầy những sạp hàng bày bán đồ len như mũ, khăn, áo… và các đồ lưu niệm như móc khóa trái dâu tây, nhà sàn nho nhỏ... Tuy nhiên, lẫn đâu đó còn có những đồ trang sức rẻ tiền của Trung Quốc.
Mùng 2 Tết mua bán vẫn tấp nập. Những người bán ở đây không nghĩ Tết ; họ khá dễ chịu trong bán hàng. Họ nói thách vừa phải chứ không phải với giá trên trời như trong khu thương mại sát nách chợ và con đường bậc thang lên dốc Nguyễn Chí Thanh (búp bê len ngoài vỉa hè nói 100.000 đồng –đã là thách ; khu thương mại ... 250.000 đồng !). Họ cũng không chửi xéo khách như những người bán hàng trong khu thương mại khi khách nghe nói thách nên bỏ đi.
Điểm đến kế tiếp của chúng tôi là ga Đà Lạt. Người Pháp đã xây dựng nhà ga từ 1932 đến 1936 thì xong và đưa vào sử dụng. Đây là là một kiến trúc độc đáo, mô phỏng hình ảnh dãy núi LangBian - Biểu tượng của Đà Lạt. Tòa nhà chính có 3 vòm mái đỏ nâu nhô cao như 3 đỉnh núi; cũng có người cho đó là kiểu mái nhà rông cách điệu. Trên vòm mái giữa có chiếc đồng hồ cổ, nghe đồn rằng hồi xưa chỉ ghi đúng một giờ là giờ mà bác sĩ Yersin chinh phục cao nguyên Lâm Viên (theo giờ ghi trong nhật ký của ông). Nay thì đồng hồ được lên dây cót cho chạy chỉ giờ nhưng lại chạy ...cà dựt. Năm giờ chiều thì chỉ 11 giờ !
Ga Đà Lạt đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia và hiện là một điểm tham quan thu hút khách du lịch. Xe lửa từ ga Đà Lạt nay chỉ để phục vụ khách đến Trại Mát cách đó 7 km.
Khi chúng tôi tới đây trời đã về chiều và ánh nắng khuất dần sau những hàng cây tạo nên một khung cảnh nên thơ. Ánh sáng chiếu đẹp đến độ có lẽ chẳng cần là tay máy chuyên nghiệp, vẫn có thể chụp được những bức ảnh có hồn. Đã chiều muộn, không còn tàu chạy. Chúng tôi dự tính sẽ quay lại đi tàu vào ngày hôm sau.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
8 comments:
Em gởi thầy danh sách các bạn đã thành lập nhóm cho bài viết kinh tế:
Danh sách nhóm 1
(sinh viên học lại)
1. Ngô Thị Thanh Thúy 0663134
2. Nguyễn Thị Ngọc Thùy 0663096
3. Đường Lê Việt Hằng 0663136
4. Mai Thanh Tâm 0663131
5. Nguyễn Khánh Duy 0663025 (nhóm trưởng)
6. Danh Thị Thùy Trang 0663127
Đề tài: Kinh doanh một mặt hàng trên cùng một khu phố: Vừa hỗ trợ, vừa cạnh tranh
Em chúc thầy luôn vui vẻ và thành công!
Anh Tran oi, doc xong bai nay cua Anh chi muon den Da lat ngay. Bai nhieu so lieu va rat di dom.
Em Minh
Cảm ơn em Minh. Chúc em vui vẻ,
Thầy đã viết bài bằng số liệu - Dẫn chứng rất cụ thể. Em sẽ học tập -
Buổi tối vui nhé thầy!
sao thầy không đăng bài cà phê Tùng lên đi thầy?
Cam on em. Con cho hoi lai mot so chi tiet.
Em đã lên Đà Lạt vài lần rồi nhưng đọc xong bài viết của thầy thấy còn muốn đi nhiều chỗ của Đà Lạt quá. Chắc chắn em sẽ lên Đà Lạt nữa và sẽ không bỏ qua những nơi thầy kể. Cám ơn thầy^^
Em chưa đi Đà Lạt lần nào, nhưng qua bài viết của thầy, em phần nào đã hình dung được con người và cuộc sống ở đó. Hi vọng em sẽ có dịp được đến đó.
Post a Comment