Mời các bạn đọc bài mới sau chuyến chơi Tết Đà Lạt (chưa biên tập kỹ, thông cảm).
Chúc tất cả vui.
Có thể xem thêm hình về Đà Lạt mùa Xuân (do tôi chụp) tại đây:
http://picasaweb.google.com/ngngoctran/DaLatXuan20102#
--
Đà Lạt - một chuyến du Xuân
Đà Lạt, sáng mùng 3 Tết, trời nắng đẹp. Khoảng 8 giờ sáng, chúng tôi đi uống cà phê ở quán Tùng. Đây là một quán cà phê nổi tiếng của Đà Lạt, nằm ở khu chợ Hòa Bình. Tuy nhiên, quán cũng chỉ là một ngôi nhà phố bình thường, trên lầu có một ban công bề ngang chừng 1,5 mét nhô ra, ở trong có cửa sổ kiểu đời xưa bằng kính cùng song gỗ. Và bảng hiệu thì đã ngả màu.
Quán được chia thành hai phần ; một ở sâu trong nhà với bàn ghế thưa thớt, một ngay ở cửa nhà, phía trước với bàn ghế san sát nhau. Khi chúng tôi tới, quán đang đông khách nhưng cô chạy bàn vẫn nhiệt tình và lễ phép. Quả là chủ quán vẫn theo kiểu sống xưa của những gia đình nề nếp, dạy người làm cung cách phục vụ lịch sự.
Cafe Tùng cũng có nét xưa cũ đặc biệt. Ghế bọc simili màu nâu, bàn nhỏ bằng gỗ. Trên tường treo bản sao bức tranh Người đánh đàn của họa sĩ Tây Ban Nha Picasso và La Joconde (Người đẹp cười mỉm) của họa sĩ Ý Leonard de Vinci. Vì là ngày Tết nên quán có treo thêm hai cái liễng nho nhỏ ghi « Vạn sự Như ý » và « Cung chúc Tân xuân ». Trên bàn tiếp tân có một chậu mai vàng. Nữ chủ thời nay của quán khoảng trên 50 tuổi, có nét đẹp kiểu phương Tây - da trắng, mũi cao, hơi đầy người, dáng đi khoan thai. Khách phần lớn là đàn ông trung niên ; cũng có một vài thanh niên.
Nữ chủ đầu tiên của quán là bà Lê Thị Giác, người gốc Quảng Nam, nay đã 86 tuổi. Bà kể sơ cho chúng tôi nghe về quán Tùng. Bà cho biết, quán ra đời cách đây hơn 55 năm. Hồi đó, hai vợ chồng bà cùng bán (chồng bà đã qua đời cách nay 9 năm). Nhiều nghệ sĩ đã uống cà phê tại quán này như ca sĩ Khánh Ly, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (nay cũng thế ; khi vào quán, chúng tôi đã gặp nghệ sĩ điêu khắc Phạm Văn Hạng, một người quen cũ). Bà Giác cho biết, hai vợ chồng bà mua cà phê sống về rang lấy; mua hai loại robusta và moca rồi trộn lại và rang lên. Khi được hỏi về cách thức trộn và pha chế cà phê, bà chỉ cười mà không trả lời.
Bà Giác nói thêm rằng, suốt 55 năm qua, quán không có gì thay đổi. Và ngày nay, quán đã được giao lại cho hai vợ chồng người con trai thứ hai của bà trông nom ; nữ chủ thời nay chính là con dâu thứ hai của bà.
Rời quán Tùng chúng tôi đến đồi Robin - tên Tây đặt tự ngày xưa - để từ đó đi cáp treo đến Thiền viện Trúc Lâm, một chốn tu hành do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người từng thiết kế dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất, TP.HCM) thiết kế. Đường lên đồi khá dốc. Phía tay phải con đường là một loạt các ngôi biệt thự và bên tay trái, nhìn xuống dưới là thung lũng với những hàng thông xanh. Khung cảnh trông thật nên thơ.
Chúng tôi vào ga đi mua vé để đi cáp treo. Vé khứ hồi 60.000 đồng/người. Rất đông người; phải có nhân viên giữ trật tự và người đi cần xếp hàng - phía trước chúng tôi có đến khoảng 50 người đang chờ để được vào phòng đợi lên cabin của hệ thống cáp treo do hãng Doppelmayr (Thụy Sĩ) sản xuất, chiều dài 2.300 m. Có đến 50 cabin, mỗi cabin chở được 4 người lớn. Và chúng tôi đã mất nửa tiếng mới vào được cabin.
Sau 10 phút đi cáp treo, chúng tôi đến ga đến đầu bên kia, gần Thiền viện Trúc Lâm. Trước khi đến ga này, cabin chạy trên một khu rừng thông ; thỉnh thoảng lại thấy có một bãi ngô, một thửa ruộng dâu hay một thửa đất trồng hoa lys hé nụ đỏ hồng hay lay ơn hé nụ đỏ thắm – Đà Lạt là đất trồng hoa mà.
Khách đến thiền viện khá đông. Đặc biệt là khu chính điện - tức nơi thờ cúng chính có tượng Phật Thích Ca, người đông nghẹt. Ngoài sân chính điện có 2 cái đỉnh đường kính khoảng nửa thước, cao 1 thước, bằng xi măng sơn màu vàng. Từ chính điện nhìn ra là cổng tam quan. Phía xa xa là rừng thông. Có tiếng chuông văng vẳng nhưng chúng tôi không thể tận hưởng cảm giác thư thái, thoát tục như hồi gần hai năm về trước khi viếng thiền viện này !
Khuôn viên Thiền viện Trúc Lâm rộng đến 23,2ha, nằm trên núi Phượng Hoàng ; dưới chân núi có hồ Tuyền Lâm.
Rời chính điện, chúng tôi băng qua khoảng sân, theo một con đường lát những phiến xi măng ở giữa rừng thông để xuống hồ; thấy một bên có khu nhà đang xây dựng dở dang, cũng kiểu chùa với đầu mái cao cong vút. Rồi chúng tôi xuống bến du thuyền, nơi cho thuê thuyền để dạo chơi trên hồ. Thuyền đậu san sát, giá đi thuyền ngày Tết là 200.000 đồng/ chuyến (từ 1 đến 5 khách) ; từ 6 đến 10 khách thì thêm 50.000 đồng. Cô bán vé tên Đồng Hoàng Thảo Uyên cho biết, trong những ngày Tết, khách rất đông. Hẳn vì thế mà ở đây cũng có giá ngày Tết (ngày thường chỉ 150.000 đồng/chuyến) !
Gần bến du thuyền, thấy có những người bán như tàu hủ chén, mật ong rừng, khoai vỏ nâu ruột vàng và đồ lưu niệm, trong đó có mũ cao bồi rộng vành đặc trưng của Đà Lạt, giá 50.000 đồng/chiếc.
Thuyền chở khách dạo trên hồ rồi đến một khu được gọi là dã ngoại. Trời đã giữa trưa, mặt trời lên đến đỉnh đầu nhưng gió thổi mát rượi. Xung quanh hồ là các triền đồi, thông đứng lô nhô. Tại một triền đồi có một khu biệt thự đang được xây dựng ; có lẽ chúng thuộc một khu du lịch phức hợp dành cho những người ưa cảnh rừng đồi, hồ nước, xa cách phố thị ồn ào, nhộn nhạo.
Tàu chạy chừng 20 phút thì đến khu dã ngoại tên gọi Nam Qua, đã ngửi thấy mùi thơm của thịt nướng. Chúng tôi chỉ đi dạo trong rừng chứ không ăn uống gì và có cảm giác như bị lừa khi được chở đến nơi này, chủ yếu là để ăn thịt thú rừng ; tuy cũng có dịch vụ cưỡi voi, giá 75.000 đồng/ 2 người/một vòng khu dã ngoại. Thịt thú rừng thiệt không thì chẳng ai biết, nhưng giá thì trên trời : mỗi đĩa được cho là thịt nai hay heo rừng giá tới 400.000 đồng !
Rồi chúng tôi lên thuyền quay về bến du thuyền, lên lại Thiền viện Trúc Lâm, ngược qua ga đến của cáp treo để ăn cơm – cũng đã hơn 2 giờ trưa, đói bụng lắm rồi. Giá cả ở đây khá vừa phải : từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng một đĩa cơm gà quay, cơm trứng kho, cơm rau xào thập cẩm hoặc hủ tiếu chay, mỳ gói chay – chả là gần chùa mà ! Giờ này thì cáp treo đã vắng hoe.
Rời ga đến ở đồi Robin cũng đã gần 3 giờ chiều, chúng tôi vẫn muốn tiếp tục đi chơi. Do đó, đã đến nhà ga cổ Đà Lạt- một di tích văn hóa quốc gia, chờ đến 4 giờ, đáp chuyến tàu cuối cùng trong ngày tới Trại Mát, cách đó khoảng 7 cây số. Đây là đoạn đường do ngành đường sắt phục hồi từ năm 1997 để phục vụ du khách ; vé khứ hồi giá 66.000 đồng/ người.
Tàu có một đầu máy và bốn toa; mỗi toa dài 6,5 mét, chứa được 20 người. Cửa sổ tàu làm bằng kính để du khách có thể ngắm cảnh ; trần bằng gỗ, sàn cũng vậy cùng khung sắt.
Khách đã lên đầy các toa ; ta có Tây có, nhưng ta đông hơn Tây cả 5, 7 lần. Và tàu nổ máy, rúc còi, lăn bánh chầm chậm rồi nhanh dần, kêu xình xịch. Tàu đi qua một khu trồng rau củ trong nhà lưới rồi cả nơi trồng su hào, khoai lang, rau cải ngoài trời; qua một khu trồng hoa cúc vàng rực, atiso xanh với bông cũng xanh và to gần bằng nắm tay người lớn … Rồi qua hàng chuối, nhìn lên triền đồi đất đỏ bazan thấy ruộng bậc thang. Hoa dại tím mọc trên triền đồi, gần sát với đường ray. Và mỗi khi tàu đi qua những khu vực có dân cư, nhiều nhà cửa thì lại hú còi.
Sau 10 phút rời ga Đà Lạt, tàu đến và đậu tại ga xép có cái tên là lạ: Trại Mát. Đây là một nơi trông giống một thị trấn nhỏ, nhà cửa san sát hai bên. Ở Trại Mát, có một danh lam là chùa Linh Phước, cách ga chừng 200 mét. Mọi du khách đều đi bộ đến đó.
Từ xa đã thấy thấp thoáng 2 ngọn tháp lục giác; mỗi đầu mái tháp cong lên và có tượng rồng quay đầu vào trong tháp. Trước một ngọn tháp có tượng Phật Bà Quan Thế âm cao chừng 6 mét. Anh Nguyễn Minh Đức, thợ nhiếp ảnh trước cổng chùa, cho biết, tượng Phật này được kết bằng hoa bất tử, từ dịp Lễ hội Hoa Đà Lạt (đầu tháng giêng năm 2010) và dựng ở đó đến tận bây giờ.
Cổng chùa được khảm những mảnh sành sứ thành hình rồng. Trên mái cũng có 2 con rồng, bên tường cũng có đầu rồng. Vào chính điện thấy một số phật tử đang cúng bái. Chính điện có 2 hàng cột, mỗi hàng gồm 6 cột. Mỗi cột lại có rồng quấn xung quanh. Trần ngay lối vào chính điện được khảm những mảnh sành sứ thành hình hoa sen. Bên phải chính điện có 2 vị thần hộ pháp, mắt nhắm nghiền. Chính điện dài chừng 40m, ngang khoảng 15m.
Cạnh cửa chính điện là cổng phụ vào khu gọi là Long Hoa Viên. Đi vào trong thấy cả 1 con rồng uốn lượn dài gần 50 mét, dưới đầu rồng là Phật Di Lặc, Phật Bà Quan Thế âm và các chú tiểu. Rồng ở khu này đặc biệt ở chỗ là vảy làm bằng chai bia màu nâu, gai bằng chai bia màu xanh. Hình rồng, tượng rồng bằng sành sứ và cả những chai bia đã tạo nên một nét độc đáo cho ngôi chùa này, mà dân gian còn gọi là chùa « Ve chai ».
Đến sáng mùng 4 Tết, chúng tôi đi ngắm cảnh Thung lũng Tình yêu, ngày xưa người Pháp gọi là Vallée d’Amour, còn nay sính tiếng Mỹ nên có người gọi là « Valley of Love » (bảng chỉ dẫn trong thành phố Đà Lạt cũng ghi như thế) ! Đã đến Đà Lạt thì không thể bỏ qua Thung lũng Tình yêu, một nơi thơ mộng và trữ tình, mà chỉ cách trung tâm thành phố (khu chợ Hòa Bình) chừng 5 cây số về hướng đông bắc và tiền vé vào cửa cũng chỉ có 20.000 đồng/người.
Đợt này đúng dịp lễ tình nhân nên có nhiều ... hoa giả xanh, đỏ, tím, vàng được kết thành hình trái tim tại khu đồi nhìn xuống thung lũng, cho khách đứng vào trong đó chụp hình, mà không thu tiền. Thu tiền thì có dịch vụ cho thuê quần áo thổ cẩm của người sơn cước mặc vào chụp hình (15.000 đồng/người/lần). Có khá nhiều nữ du khách thích thú với dịch vụ này, đến nổi phải sắp hàng để chờ đến phiên mình.
Tại khu đồi còn có một vườn lan mang tên Sơn Cước, bán lan đủ loại và cả hoa tuy líp. Du khách được mời mua củ hoa tuy líp về trồng, 10.000 đồng/củ. Và thế là một số người bị lừa : rời Đà Lạt về những nơi nóng bức như Nha Trang, TP. HCM thì tuy líp nào mà mọc nổi vì đây là hoa từ xứ lạnh Hà Lan du nhập Đà Lạt chừng hơn chục năm trở lại đây thôi!
Khu du lịch này nhìn chung được chăm sóc khá kỹ lưỡng, khác nhiều nơi khác ở Đà Lạt chỉ biết kiếm tiền, không chăm sóc, tu bổ cảnh quan gì cả. Tại đây có cả những cái chòi để ghế băng cho khách ngồi nghỉ chân. Nhưng giống như các khu du lịch khác, ở đây cũng bán khá nhiều đồ lưu niệm và đương nhiên là có khu ăn uống, giải khát. Khác chăng là có cả ngựa để lên ngồi chụp hình, giá 5.000 đồng/lần hoặc cưỡi dạo chơi một vòng thung lũng, giá 75.000 đồng/chuyến (có nài ngựa dắt đi). Anh Nguyễn Văn Thanh, một nài ngựa, cho biết, đây là giống ngựa lai ngựa Úc, to gấp rưởi ngựa bản địa Việt Nam. Con ngựa lai do anh chăn dắt cao khoảng 1,4m, dài 2m, nặng 180-200 ký.
Chúng tôi lên ngựa để được chụp hình làm kỷ niệm. Đây là lần đầu chúng tôi ngồi trên yên ngựa, tuy trước đây từng ở gần ngựa một đôi lần ở Đà Lạt và ở trời Tây trong những ngày xa xứ. Trong thung lũng còn có xe đạp đôi cho thuê, giá 20.000 đồng/lần. Có cả dịch vụ đi xe Jeep quanh thung lũng, giá 160.000 đồng/chuyến.
Trong thung lũng có tượng nữ thần Vệ Nữ cụt hai tay, cao 3m ; chân tượng Đứng ở chân tượng - đầy hoa, nhìn vào phía sườn đồi sẽ thấy các chữ « Vallée d’Amour », nhìn xeo xéo một chút thì thấy các chữ « Thung lũng Tình Yêu ». Đối diện tượng thần Vệ Nữ là con đường chạy dọc theo bờ hồ Đa Thiện. Khách có thể đi bộ trên mô đất chạy dọc quanh hồ, vừa ngắm cảnh hồ, vừa ngắm cánh rừng thông, vừa ngắm cả đỉnh núi Lang bian mây trắng ở đằng xa.
Tới gần hồ thì có thể thấy những con thiên nga là « thuyền » 2 người ngồi đạp. Dọc bờ hồ lại thêm băng ghế bằng xi măng cho khách ngồi hóng mát.
Trong thung lũng còn có bảng chỉ dẫn đến siêu thị Rosa (Hoa hồng), nơi có giới thiệu quy trình chiết xuất tinh dầu từ hoa. Siêu thị khá xa nên đành hẹn dịp khác. Chúng tôi đi dọc con đường và lên dốc. Có nhiều người cố đạp xe đạp đôi lên dốc nhưng đến giữa chừng thì phải dừng lại để dắt bộ. Chúng tôi ngồi lại bên vệ đường nghỉ ngơi rồi quay ra, đi về ăn trưa trong phố.
Đến chiều mùng 4 Tết chúng tôi rời Đà Lạt về lại TP. HCM, chấm dứt một chuyến du Xuân không đến nỗi nào – trừ lúc ở khu dã ngoại « thịt rừng ». Hy vọng chuyến du lịch sau đến vùng đất khác, sẽ có thêm nhiều chuyện để kể hầu bạn đọc.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
11 comments:
Dalat van~ nhu muoi` may' nam truoc' khi roi` VN, theo nhu loi` anh ke. Doc bai` viet', long` em cam thay' boi` hoi` nhu song' lai nhung~ ngay` con` o VN. Em cung~ la` dan Dalat ma`. Cam on anh Tran.
Cảm ơn Đoan.
Còn phần đầu của bài này nữa; sẽ đưa lên sau
Đà lạt thật là thích!
Cảm ơn. Xin cho biết tên họ.
Bai viet nay hay va bo ich qua thay oi ^^. Tuan sau em di Da Lat, hy vong la se di duoc den nhung noi ma thay da ta trong bai. Nhung em tiec vi Ho Xuan Huong ko co nuoc a, huhuhu...
Phuong Anh
Cảm ơn em. Nhờ hồ XH không có nước nên em sẽ có dịp (không bao giờ có lần thứ hai) đi dạo dưới lòng hồ. đừng bỏ qua cơ hội đó nhé!
Em chào thầy!
Em đã đọc bài viết của thầy về chuyến đi Đà Lạt hay quá. Mặc dù em chưa có dịp lên Đà Lạt nhưng đọc bài viết em cảm nhận được ít nhiều về Đà Lạt. Trong tháng 3 này em sẽ lên dự hội nghị tại Đà Lạt sẽ được thưởng thức.
Chúc thầy nhiều sức khỏe và tiếp tục cho chúng em những bài viết bổ ích.
Em Hồng - TCDM
Cảm ơn em Hồng. Chúc em có chuyến đi vui vẻ.
đọc bài viết của thầy về đà lạt. em thấy mình yêu đà lạt nhiều hơn. và qua bài viết của thầy em nhận ra một điều. thầy lấy được nhiều số liệu hay quá. nhưng làm sao mà thầy nhớ được nhiều số liệu như vậy. chỉ cho em bí quyết với thầy.
Cảm ơn em. Có gì đâu! Cần quan sát, hỏi han và tra cứu một ít nữa. Cũng cần ghi chép kỹ (có thể dùng cả máy ghi âm).
bai viet ve da lat cua thay rat hay,em da den da lat nhung that su khong nhan ra ve dep cua no.
Post a Comment