11 February 2010

GDP có còn hợp thời?

Các bạn thân mến:

Mời các bạn tham khảo một bài dịch về GDP. Bài không chỉ ích lợi cho sinh viên báo chí mà có lẽ còn cho mọi bạn đọc của blog này.

Chúc tất cả có những ngày vui trong dịp Tết.

---

GDP đã lỗi thời?

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã bắt đầu tăng trở lại kể từ mùa hè năm ngoái. Cá biệt, quý IV năm 2009, tốc độ tăng GDP lên tới 5,7% so với quý III. Đó có vẻ như là một sự khẳng định của những gì chúng ta đã được nghe, rằng cuộc khủng hoảng đã qua. Nhưng gượm đã! Tại sao lượng tài sản bị tịch biên và tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn còn cao, trong khi số lượng người cần viện trợ lương thực vẫn lên được mức kỷ lục? Có thể nào GDP, thước đo vàng cho nền kinh tế, không phải là cách chuẩn xác nhất để đo định lượng sự thịnh vượng của một quốc gia?

Kể từ khi GDP trở thành chỉ báo chính cho các nền kinh tế (trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ 2, để kiểm soát sản lượng thời chiến), nhiều chuyên gia đã chỉ trích sự lệ thuộc vào GDP của các nhà hoạch định chính sách. Song song với đó, họ cũng đề xuất những phương pháp thay thế.

Một ví dụ là Chỉ số phát triển con người (Human Development Index, HDI) của Liên Hiệp Quốc. Bên cạnh các tiêu chuẩn sống như GDP quy định, HDI còn xét tới cả các tiêu chí tuổi thọ và trình độ học vấn. Một ví dụ khác là Chỉ số Tiến triển thực (Genuine Progress Indicator, GPI), vốn xem xét tổng hòa các yếu tố của phúc lợi xã hội như mức độ công bằng về thu nhập, mức độ ô nhiễm và khả năng được sử dụng các dịch vụ y tế. Trong cộng đồng quốc tế, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy có lẽ là người có phản ứng mạnh mẽ nhất. Ông đã đặt hàng các nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất, bao gồm cả hai chủ nhân của giải Nobel là Joseph Stiglitz và Amartya Sen, tìm ra những giải pháp thay thế cho cái mà ông gọi là "hội chứng sùng bái GDP".

Chính xác thì chúng ta đã sùng bái cái gì? Nói một cách cơ bản nhất, đó là hoạt động thị trường và sự tăng trưởng.

GDP, vốn thường được diễn đạt một cách rộng rãi bằng một con số tính theo đầu người và thường được điều chỉnh để phản ánh sức mua, là sự thể hiện giá trị thị trường của hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trong lãnh thổ của một nước. Nghe thì rất hợp lý! Nhưng hãy xem nó đã bỏ qua những gì: sự phát triển tổng thể về sức khỏe và giáo dục, điều kiện cơ sở hạ tầng công cộng, hiệu suất nhiên liệu, sinh hoạt cộng đồng và thời gian dành cho giải trí.

Theo Hazel Henderson, Chủ tịch của Ethical Markets Media (Truyền thông về Thị trường có đạo đức, trụ sở ở Mỹ và Brazil), GDP thực ra "chỉ là một cách tính hẹp của dòng tiền". Henderson, là người đồng sáng lập Chỉ số Chất lượng cuộc sống Calvert-Henderson, nói thêm: "Vì bị bình quân hóa, GDP che mờ đi khoảng cách giữa giàu và nghèo".

Hãy lấy vấn đề chăm sóc sức khỏe làm ví dụ để thấy những gì tốt cho GDP chưa hẳn đã tốt cho cá nhân: Chi phí tăng lên khiến các gia đình nghèo đi, nhưng lại thúc đẩy GDP tăng mạnh.

Còn theo James Gustave (Gus) Speth, nhà nghiên cứu cấp cao của Medios, một tổ chức luật và nghiên cứu chính sách công có trụ sở tại New York, "GDP thực sự là một thước đo rất tồi cho những gì thực sự quan trọng trong cuộc sống". Nhưng theo ông, cũng may là cuối cùng nó cũng trở thành một vấn đề thực sự được quan tâm, không chỉ trong giới học thuật, nghiên cứu mà cả trong giới lập chính sách.

Speth cũng chỉ ra mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa tốc độ tăng trưởng (GDP) và số lượng việc làm bị giảm. "Để có thêm công ăn việc làm, GDP cần phải tăng lên cực kỳ cao".

Một trong những cách tính mới đang thu hút được sự chú ý là Chỉ số Hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index, HPI). HPI kết hợp cách đo lường kinh tế với những chỉ báo về hạnh phúc, bao gồm cả những cách tính chủ quan về độ hài lòng với cuộc sống vốn đã trở nên khá phức tạp. HPI sử dụng dữ liệu của các hãng thăm dò dư luận như Gallup, World Value Survey và Ecological Footprint, một tổ chức đo lường về ô nhiễm môi trường. HPI đánh giá mức độ thỏa mãn về xã hội và kinh tế thông qua lượng tài nguyên được sử dụng. Theo những người sáng lập ra HPI thì "phí tổn môi trường" cho sự phát triển kinh tế cũng cần phải được đưa vào trong các báo cáo về tiêu chuẩn sống.

"GDP chỉ phù hợp cho một kỷ nguyên khác, và giờ là lúc chúng ta cần một thước đo cho thời đại của mình", Nic Marks, một nhà nghiên cứu của Hội Tân kinh tế học có trụ sở ở London nói. Nic, người sáng lập Trung tâm Hạnh phúc của Hội, nhận xét thêm: "Trong Thế chiến II, sản lượng là quan trọng nhất. Sau đó lại phát sinh nhu cầu tái thiết. Chúng ta đã ở rất xa giai đoạn đó rồi. Bây giờ, điều chúng ta cần là phải đánh giá được những tác động của mình lên Trái đất. HPI đang cố gắng đưa ra cách đo lường cho một tương lai tốt đẹp hơn".

Một điểm hấp dẫn của GDP, theo Marks, là nó đưa ra một thông điệp đơn giản: "lên" có nghĩa là tốt, "xuống" có nghĩa là xấu. HPI đang hướng tới một sự đơn giản như thế, nghĩa là cũng chỉ dùng một con số.

Xét về độ thiết thực, tức diễn tả được những gì cả thế giới muốn biết, HDI và HPI có vẻ ưu việt hơn GDP. Trong báo cáo "Ý kiến quốc tế về cách đánh giá sự phát triển quốc gia 2007", GlobeScan, một công ty nghiên cứu có trụ sở ở Canada và London, đã tiến hành khảo sát ý kiến của 10.000 người ở 10 quốc gia không bao gồm Mỹ (mỗi nước 1.000 người). Khi được hỏi liệu có nên xem xét tới cả hiện trạng về sức khỏe, xã hội và môi trường bên cạnh các dữ liệu kinh tế khi đánh giá sự phát triển của một quốc gia, tỷ lệ người trả lời "nên" dao động từ 70% (Nga) tới 86% (Pháp). "Đó là lẽ thường tình", Hazel Henderson, Chủ tịch của công ty đã ủy thác cho GlobeScan tiến hành cuộc điều tra, nói. "Mọi người đều biết rằng bên cạnh những thứ được quy thành tiền, vẫn còn nhiều thứ khác có giá trị trong cuộc sống".

Gus Speth thì tin rằng vấn đề làm thế nào một quốc gia đánh giá được sự phát triển không hề là chuyện tầm phào, nhất là trong thời điểm ai ai cũng nghĩ tới bền vững môi trường. Ông nói: "Bạn thường có những thứ bạn đo lường được. Thế thì tốt nhất là chúng ta nên tính cả những gì chúng ta cần".

Đối với Nic Marks, thay đổi quan trọng nhất mà HPI đưa ra là "nó chuyển từ đánh giá sản lượng sang đánh giá mức tiêu thụ". Theo ông, "HPI đóng vai trò một biển báo dẫn tới xã hội mà chúng ta muốn sống. Nghĩa là mang tới cuộc sống tốt hơn chứ không phải nhiều hàng hóa hơn".

Vậy câu hỏi ở đây là nước Mỹ ra sao nếu xét theo các tiêu chí của HPI? Có vẻ không ổn lắm. Mỹ đứng tận thứ 114 trong số các nước có trong danh sách toàn thế giới. Anh đứng thứ 74, sau Đức, Ý và Pháp. Đứng đầu danh sách là Costa Rica. Nước này có tuổi thọ bình quân cao, độ hài lòng với cuộc sống cao, trong khi chỉ số “gây ô nhiễm” đầu người chỉ bằng 1/4 so với nước Mỹ.

Gus Speth nhận xét: "Chúng ta, những người Mỹ, đang tiêu tốn nhiều tài nguyên môi trường hơn, nhưng lại không hạnh phúc hơn".

(theo tạp chí Time, Mỹ)

No comments: