21 December 2009

Ghi chép Chiang Mai

Mời các anh chị và các bạn đọc bài viết sau một chuyến đi (đã có báo hứa đăng).

Chúc tất cả một tuần vui.

---


Tường thành cổ Chiang Mai

Cuối năm được xem là khoảng thời gian Chiang Mai đẹp nhất bởi không khí mát mẻ, trăm hoa khoe sắc thắm. Khí hậu Chiang Mai hao hao Đà Lạt vào thời điểm này – buổi sáng nhiệt độ chừng 18 – 20 độ C, vì nằm trên vùng núi thuộc loại cao nhất Bắc Thái Lan. Không thể đi hết những địa điểm du lịch của Chiang Mai do thời gian có hạn, chúng tôi chọn khu thành cổ làm điểm đến.

Rời khách sạn lúc 8 giờ sáng, chúng tôi thuê xe tuk tuk chở đến khu tường thành cổ Chiang Mai. Một người bạn trong đoàn nhận xét, khu tường thành cổ này gợi nhớ đến Kinh thành Huế tuy không lớn bằng. Nhưng tường thành cổ Chiang Mai không còn nguyên vẹn mà chỉ còn những đoạn đứt khúc, rất khác với tường của Kinh thành Huế.

Tường thành ở đây, đoạn cao nhất còn sót lại chừng 4 mét; tất cả đều bằng gạch nung. Chạy dọc tường thành là hào nước nhỏ, xưa để bảo vệ thành; nay cùng tường thành chia đôi thành phố ra hai khu cũ, mới.




Hữu hạn vương triều


Tại một đoạn tường thành có treo ảnh vua Thái Lan và dòng chữ chúc mừng sinh nhật nhà vua (5/12). Mỗi khi đi thăm những khu thành cổ như vậy, bất chợt lại nghĩ đến sự hữu hạn của những vương triều và cả đời người. Chẳng gì có thể tồn tại vĩnh viễn. Có những vương triều đã hoàn toàn bị rơi vào quên lãng. Có những vương triều không còn nhưng vẫn được con cháu nhớ đến và một ít vương triều tồn tại cho đến ngày nay (nhưng không có quyền lực). Những vương triều hình thành, phát triển rồi suy tàn, giống như vòng tuần hoàn một đời người. Điều quan trọng là họ đã làm được gì để các thế hệ sau vẫn sẽ nhớ đến mình với lòng cảm phục và mến mộ.

Đi dọc theo tường thành, cảm giác thật bình yên khi thấy một đàn chim bồ câu đến cả hàng trăm con và một người đàn ông dừng xe gắn máy lại, cho chim ăn trong một khoảng sân có nhiều chậu hoa đủ màu được xếp ngay ngắn. Bầy chim dường như đã quá quen với sự có mặt của con người. Chúng tôi đến gần, chúng vẫn tiếp tục ăn.

Lại đi. Men theo hào nước một đoạn rồi qua phía bên kia tường thành và thấy một ngôi chùa, tên Dokkham trên đường tên Moon Muang. Giống như nhiều thành phố khác của Thái Lan, Chiang Mai là thành phố của những ngôi chùa màu vàng. Cứ qua vài khu phố lại thấy chùa.

Chùa Dokkham nhìn ra hướng đông, những tia nắng mặt trời buổi sáng chiếu vàng làm ngôi chùa nổi bật với ánh vàng lấp lánh. Phía ngoài chùa có tượng Phật và hai vị hộ pháp ở hai bên. Chùa không lớn, có mái xếp nhiều tầng cao vút, đầu mái là rắn thần Naga.

Trong kiến trúc Phật giáo nguyên thủy (Therevada) ở Đông Nam Á, Naga thường được trang trí trên các mái chùa để xua đuổi tà ma và bảo vệ các ngôi chùa tránh khỏi hỏa hoạn. Theo thần thoại, Naga là thần mưa nên có thể phun nước dập lửa.

Cửa dẫn vào chính điện cũng có hai bức tượng được khắc trên cánh cửa, sơn màu vàng. Có lẽ người Thái đặc biệt ưa thích nghệ thuật chạm trổ trên gỗ; cả 4 cánh cửa sổ của ngôi chùa cũng được chạm trổ theo phong cách này. Bên trong chùa còn có vài ngọn tháp đã rêu phong với một khu tháp chính và những ngọn tháp nhỏ hơn xung quanh. Những ngọn tháp xoắn ốc với đế rộng và đỉnh tháp thon nhỏ lại cũng là một nét đặc trưng trong kiến trúc chùa ở Thái Lan.

Ra khỏi chùa Dokkham, chúng tôi đi dọc theo tường thành, đến một khu phố có nhiều người nước ngoài. Có lẽ đây là một khu phố dành cho “Tây ba lô” vì các bảng hiệu đều được viết bằng tiếng Anh; có nơi để tài liệu (phát miễn phí) về các chương trình du lịch.



Phố Tây ba lô

Trong khu phố này còn có thể tìm thấy một số chỗ cho thuê xe máy, giống như phố Tây Phạm Ngũ Lão, TP. HCM. Hỏi chủ một cửa hàng cho thuê xe máy thì được biết giá thuê xe dao động khoảng từ 200 baht (chừng 32 baht đổi được một đô Mỹ) đến 500 baht, tùy xe phân khối nhỏ hay lớn.

Gần đó có hai chiếc xe buýt nhỏ màu đỏ đậu chờ khách. Đây là loại xe chuyên chở khách đến nhà ga, sân bay, các khu du lịch ngoài thành phố như làng thủ công mỹ nghệ, trại voi, trại rắn, trại hoa lan… Mỗi xe có thể chở từ 8 đến 10 người.

Rời phố Tây chúng tôi tiếp tục lần theo hào nước. Mới đi được vài bước đã lại thấy một ngôi chùa. Đoạn tường thành đối diện chùa chưa được phục chế. Nhưng ở đó có một lối đi nhỏ, cỏ đã úa màu, 2 bên có thêm vòi phun nước. Đoạn tường này trông giống một cái đồi nhỏ, bên trên có tháp canh đã sụp đổ. Chỗ tháp canh có bảng chỉ dẫn và sơ đồ chủ yếu bằng tiếng Thái và một phần tiếng Anh. Bảng tiếng Anh (dịch ra tiếng Việt) như thế này:

“Ghi chú khảo cổ một góc thành Sri Phum.

“Khi nhà vua Mang Rai sáng lập nên Chiang Mai, việc xây dựng bắt đầu ngay tại đây. Sau đó vua Tilokarat đã xây dựng tường thành để bảo vệ thành phố tại khu vực này. Giữa những năm 1512 đến 1517, vua Muang Kaeo cho xây lại toàn bộ khu tường thành bằng gạch. Từ năm 1797 đến 1805, vua Kawila lại cải tạo khu tường thành. Năm 1996, Cục Nghệ thuật đã khai quật thành cổ và khám phá ra rằng khu thành cổ gồm 2 phần sát nhau và có một lớp vật thể không rõ là gì đã được đốt bằng than đen. Đó là những gì còn lại ở một số nền móng của tường thành”.

Một bảng khác ghi: “ Đây là khu vực Nongpua, hồi trước có một hồ chứa nước rất rộng tên là Nong Wai. Đây là một khu vực phồn vinh của Chiang Mai ngày xưa “.

Đi thêm một đoạn nữa là đến cổng thành mang tên Chang Phuak. Đoạn tường thành cạnh đó không còn nguyên vẹn và cũng chưa được phục chế. Cả khu thành cổ giờ nằm gọn trong lòng thành phố Chiang Mai. Quanh đấy là nhà dân.

Lại thấy một ngôi chùa khác: Quankama. Vẫn là hình ảnh quen thuộc của rắn thần Naga, những cánh cửa gỗ chạm khắc, tượng Phật và các tòa tháp sơn vàng.

Ngay ở cổng chùa là một tiệm “Thai traditional massage”, ghi giá mỗi giờ 120 baht (đấm bóp chân hay toàn thân đều một giá). Thêm một nét lạ của Thái Lan: một số chùa có tổ chức hoạt động đấm bóp, thư giãn. Hẳn người Thái thích được đấm bóp.



Quán món ăn Việt

Qua khỏi chùa vô tình nhìn thấy tấm bảng “Vietnamese Food” chỉ vào một con hẻm chừng hai mét bề ngang. Đi vào thì thấy một cái quán ăn ghi “Phở Gà” – đúng tiếng Việt, và cả “Vietnamese Food”. Đang là buổi sáng, quán chưa đón khách, chủ cùng nhân viên đang chuẩn bị món ăn bán buổi trưa. Ông chủ quán không biết tiếng Việt và chỉ biết chào hỏi xã giao bằng tiếng Anh. Bà chủ quán và cô phục vụ không biết tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Hai bên chỉ biết ngó nhau mà … cười.

Thực đơn của quán cũng bằng tiếng Thái - nhưng kèm hình các món ăn, gồm các món xà lách trộn, mì xào, chả giò, cá chiên, cơm chiên cua, chiên tôm, chiên thịt heo … Giá cả thì khá bình dân, chỉ từ 25 baht đến 140 baht. Tuy nhiên, tên quán là “Phở Gà” mà chỉ thấy toàn các món chiên xào.

Rời quán ăn và rời con hẻm, lại qua một đoạn tường thành đổ nát. Rồi đi tiếp đi tiếp, đến hết khu thành cổ. Thành cổ Chiang Mai không còn nguyên vẹn nhưng là một điểm nhấn, mang lại thêm cho thành phố này một nét cổ kính. Có chỗ đổ nát “sắp xếp”: một đoạn tường gạch chừng 0,5m rồi nhô lên 1m rồi 1,5m. Sau đó xuống 1m rồi 0,5m, rõ là phục chế theo một ý đồ nghệ thuật.

Tường thành cổ Chiang Mai không thể sánh với tường Kinh thành Huế về quy mô; Chiang Mai cũng không thể sánh với Đà Lạt về mặt cảnh quan, khí hậu. Tuy nhiên, người Thái lại rất biết làm du lịch. Họ biết cách khai thác các ưu thế của mình, thường nhấn mạnh đến yếu tố văn hoá, lịch sử để làm du lịch – khu tường thành cổ Chiang Mai là một.

Và để quảng bá du lịch, giống như cơ quan du lịch nhiều nước, Tổng cục Du lịch Thái thường xuyên mời đại diện các công ty lữ hành quốc tế, hàng không và cả giới báo chí, đến Thái Lan. Sau đó, những người được mời đương nhiên sẽ “tự động” quảng cáo giúp ngành du lịch Thái. Kiểu bỏ con săn sắt bắt con cá rô.

Chất lượng dịch vụ du lịch tại Thái Lan thường là khá tốt. Người làm du lịch ở Thái Lan cũng rất biết cách dẫn dụ khách. Họ dựa trên 6 yếu tố: image (hình ảnh), taste (mùi vị), scent (khứu giác), sound (âm thanh), touch (tiếp xúc) và mind (sự thoả mãn về mặt tinh thần). Họ quan niệm: ấn tượng đầu tiên sẽ tồn tại mãi mãi.

2 comments:

Anonymous said...

Bai viet hay qua thay oi. Em rat thich cach dung tu ngu va cach dien dat cua thay. A, may ma quan Pho Ga khong ban pho ga, vi neu chi ban pho ga thi thay khong an duoc roi.
Phuong Anh

Gatebeepers said...

Cam on em.