Mời các bạn đọc bài về một giáo sư kinh tế lỗi lạc vừa qua đời (sống rất thọ: 94 tuổi).
Paul A. Samuelson, người Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel kinh tế và là nhà kinh tế học lỗi lạc nhất của thế kỷ 20, vừa qua đời tại nhà riêng ở Belmont, Massachusetts hôm chủ nhật ở tuổi 94. Thông tin về cái chết của ông lần đầu được phát đi từ Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nơi nhờ có ông đã trở thành trung tâm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đào tạo đại học về kinh tế.
Sinh ngày 15/5/1915 trong một gia đình Ba Lan di cư, Samuelson sớm bộc lộ những phẩm chất thiên tài từ khi còn rất trẻ. 16 tuổi, ông đã vào đại học Chicago và bắt đầu nghiên cứu về thị trường chứng khoán. 4 năm sau, ông theo học ở Harvard và chỉ cần một năm để lấy được bằng thạc sĩ trước khi lấy nốt bằng tiến sĩ 5 năm sau đó.
Khi mới 22 tuổi, Samuelson đã trở nên nổi tiếng trên toàn quốc gia với bản luận văn táo bạo sau này trở thành một cuốn sách về kinh tế bán rất chạy. Cũng nhờ nó Samuelson đã được trao giải Nobel về kinh tế. Năm 25 tuổi, Samuelson được Học viện Công nghệ Massachussetts (MIT) mời về làm trợ giảng. 32 tuổi, ông chính thức trở thành giáo sư kinh tế ở học viện này.Và từ đó, ông bắt đầu đưa ra những phát kiến làm thay đổi hoàn toàn cách tư duy về kinh tế học.
Những tác phẩm bất hủ
Samuelson được thừa nhận là người đã biến môn kinh tế học từ chỗ chỉ là sự "nhai đi nhai lại" của các vấn đề kinh tế tới chỗ là môn học có thể giải quyết các vấn đề, trả lời những câu hỏi về nguyên nhân và hệ quả một cách chính xác và rõ ràng về mặt toán học. Nhờ có ông, MIT đã thu hút được hàng loạt những chuyên gia hàng đầu về kinh tế tới dạy và học. Nhiều người trong số đó sau này đã đoạt giải Nobel kinh tế như Robert M. Sollow, George A. Akerlof, Robert F. Engle III, Lawrence R. Klein, Paul Krugman, Franco Modigliani, Robert C. Merton và Joseph E. Stiglitz.
Nói về ông, Solow cho rằng khi những nhà kinh tế học "ngồi xuống để tính toán hay phân tích cái gì đó, không ai mang tới cho họ nhiều công cụ và ý tưởng để khai thác hơn Samuelson".
Samuelson chính là tác giả của một trong những cuốn sách giáo khoa được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử giáo dục Mỹ. Được xuất bản lần đầu năm 1948, cuốn "Kinh tế học" đã liên tục giữ được vị thế cuốn sách bán chạy nhất trong năm của Mỹ trong gần 30 năm. Nó đã được dịch sang 20 ngôn ngữ, và trong vòng 50 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, trung bình mỗi năm người ta bán được khoảng 50.000 bản của cuốn sách này. Sách cũng đã dược dịch sang tiếng Việt và tái bản vài lần.
Ngoài ra, Samuelson còn là tác giả của một cuốn sách có ảnh hưởng lớn không kém khác là cuốn "Nền móng của phân tích kinh tế". Nếu cuốn "Kinh tế học" dạy sinh viên cách tư duy về các vấn đề kinh thế, thì cuốn "Cơ sở phân tích kinh tế", vốn dựa trên luận] án tiến sĩ của Samuelson, lại là cẩm nang hành nghề của những nhà kinh tế chuyên nghiệp.
Cuốn "Kinh tế học" đã giúp cho nhiều thế hệ sinh viên tiếp cận được với những ý tưởng mang tính cách mạng của nhà kinh tế người Anh John Maynard Keynes. Đây là người trong những năm 1930 đã phát triển một học thuyết trong đó cho rằng các nền kinh tế thị trường hiện đại khó tránh khỏi bị cuốn vào khủng hoảng và tới lúc đó, để khôi phục chúng, sẽ cần tới những lực đẩy mạnh như chi tiêu chính phủ, cắt giảm thuế, bên cạnh một chính sách tiền tệ mềm mỏng. Học thuyết này phủ nhận hoàn toàn một cách nhìn phổ biến trong thế kỷ 19, rằng các thị trường tư nhân có thể giải quyết được vấn đề thất nghiệp mà không cần sự can thiệp từ chính phủ.
Nhờ thấm nhuần học thuyết Kenyes qua những bài giảng của Samuelson và học trò của ông, hầu hết các nước công nghiệp hóa đều có những bước đi đúng đắn trong việc ngăn chặn đà suy thoái khi cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ sau thời kỳ Đại suy thoái nổ ra vào năm 2008. Thay vì cố gắng cân đối ngân sách và xóa bỏ các rào cản thương mại, họ tăng các khoản chi chính phủ, cắt giảm thuế, giữ cho xuất khẩu và nhập khẩu thông suốt và giảm lãi suất ngắn hạn xuống gần mức bằng 0.
Những bài học cho Kennedy
Sinh thời, Samuelson đã diễn giải học thuyết Keynes cho nhiều đời tổng thống Mỹ, nguyên thủ các quốc gia, các nghị sĩ, thành viên Cục dự trữ liên bang, và tất nhiên là nhiều nhà kinh tế học khác nữa. Ông còn là cố vấn của Bộ Tài chính Mỹ, Cục Ngân sách và Ủy ban tư vấn kinh tế của Tổng thống.
Sinh viên nổi tiếng nhất của Samuelson chính là Cố tổng thống Mỹ John F. Kennedy, với buổi học kéo dài 40 phút đầu tiên được tổ chức trên một bãi đá cạnh bờ biển gần nhà ông ở Hyannis Port, Massachusetts. Là một thành viên trong Ủy ban tranh cử của Kennedy, Samuelson đã có nhiều buổi nói chuyện riêng với Kennedy về các vấn đề kinh tế, và sau này, đa phần trong số đó có tác động lên những quyết định của vị Tổng thống này.
Năm 1960, chính Samuelson là người đã báo với Kennedy rằng nước Mỹ đang ở bờ vực của một cuộc suy thoái lớn và cần phải nhanh chóng thông qua việc cắt giảm thuế nếu muốn ngăn chặn nó. Dù bị sốc vì đó hầu như là hành động đầu tiên của Kennedy sau khi trúng cử, vị Tổng thống trẻ vẫn tỏ ý sẽ nghe theo lời Samuelson. Tuy nhiên, ông đã bị ám sát khi còn chưa kịp thực hiện điều đó. Dù vậy, người kế nhiệm Lyndon B. Johnson vẫn quyết định theo đuổi kế hoạch dang dở của Kennedy, và kết quả là nền kinh tế Mỹ đã bật [dậy] được trở lại.
Định lý kinh tế
Là một người đa năng, Samuelson đã làm thay đổi cách tư duy về gần như tất cả mọi vấn đề của kinh tế, từ việc Marx muốn nói gì trong học thuyết lao động về giá trị của ông tới việc liệu giá trị chứng khoán có dao động ngẫu nhiên hay không. Samuelson là người đầu tiên đưa toán học lên làm căn bản của tư duy kinh tế bằng cách chứng minh rằng người ta có thể rút ra được những dự đoán mạnh từ những giả thiết toán học đơn giản.
Trong sự nghiệp của mình, Samuelson đã khám phá và phát triển rất nhiều định luật kinh tế có giá trị. Chẳng hạn như định luật về các chu kỳ kinh doanh có tác dụng giúp nắm bắt được xu hướng dao động của các nền kinh tế thị trường. Hay định luật Stolper-Samuelson mà ông hợp tác phát triển cùng một người bạn, trong đó chỉ ra rằng việc nhập hàng thiết yếu từ các nước kém phát triển như quần áo có thể làm giảm lương của những công nhân thu nhập thấp ở những nước công nghiệp. Dù là người ủng hộ tự do thương mại, song chính định luật Stolper-Samuelson nói trên lại góp phần tạo ra cơ sở lý luận cho những người phản đối nó.
Ngoài ra, Samuelson còn là người đầu tiên định ra khái niệm hàng hóa công, nghĩa là những loại hàng hóa chỉ có thể được phân phối một cách hiệu quả qua các hành động tập thể hay của chính phủ. Quốc phòng là một dạng hàng hóa công, theo Samuelson, vì nó không độc quyền, và mọi công dân đều được hưởng lợi từ nó. Hàng hóa công đối lập với hàng hóa thông thường, như quả táo chẳng hạn. Quả táo của người này nghĩa là không còn của người kia. Samuelson kết luật, hàng hóa công không thể "bày bán" được trên thị trường tư nhân, bởi chẳng ai tự nguyện bỏ tiền ra mua nó cả.
Nguyên lý dự báo
Samuelson cũng là người đã nâng những phân tích toán học lên những tầm cao mới về độ phức tạp. Chẳng hạn, ông đặt ra và tìm cách giải quyết câu hỏi về phản ứng của một nền kinh tế đương ổn định trước những biến động khó lường, như thiên tai, chiến tranh hay thay đổi công nghệ. "Nguyên lý về sự tương ứng" của Samuelson chỉ ra mỗi liên kết về mặt lý thuyết giữa hành vi của các cá nhân với tính ổn định tổng thể của cả hệ thống kinh tế, qua đó giúp đưa ra những dự báo về sự ổn định chung của nền kinh tế.
Samuelson còn phát triển một mô hình toán học cho phép phân tích sự phát triển của các nền kinh tế mà sau này được các học giả sử dụng để nghiên cứu những vấn đề như hoạt động của hệ thống an sinh xã hội hay việc quản lý nợ công. Ngoài ra, ông còn góp phần phát triển hệ thống lập trình tuyến tính, một công cụ được các tập đoàn và những nhà hoạch định chiến lược ở các nước xã hội chủ nghĩa sử dụng trong việc tính toán làm cách nào có thể sản xuất được một lượng hàng hóa và dịch vụ nhất định với chi phí thấp nhất.
Trong giai đoạn sau của sự nghiệp, Samuelson nghiên cứu cả về những biến đổi của thị trường chứng khoán, tạo tiền đề cho các học trò của ông là Merton và Myron S. Scholes thiết kế nên công thức vẫn được các chuyên gia phân tích ở Phố Wall sử dụng khi mua bán các loại chứng khoán phức tạp (như chứng khoán phái sinh).
Nhờ công thức ấy, Merton và Scholes đã được trao giải Nobel kinh tế.
(theo New York Times)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment