Mời các anh chị và các bạn đọc bài mới viết. Chúc tất cả đầu năm vui.
-----
Đà Nẵng
Nhà đầu tư không sợ nước biển dâng!
Sau một thời gian trầm lắng do chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường bất động sản Đà Nẵng đang dần sôi động trở lại, đặc biệt là thị trường biệt thự, căn hộ cao cấp ven biển. Dường như người mua không ai biết sợ nước biển dâng.
Báo Tuổi Trẻ cho biết, theo khảo sát của Công ty tư vấn bất động sản Savills VN, tại Đà Nẵng, nhiều dự án biệt thự mới xây xong phần móng đã có người đặt mua. Và trong quý 3 năm 2009, sáu dự án bất động sản du lịch ven biển Đà Nẵng đã tung ra 387 biệt thự. Trong đó, biệt thự của dự án Olalani, giá lên đến gần 2,5 triệu USD, đã được bán hết.
Một dự án khác là Hyatt Regency thì 70% trong số 27 biệt thự ba phòng ngủ, giá thấp nhất 1,5 triệu USD/căn, đã được đặt mua. Dự án Ocean Villas với ba khu, giá 420.000-720.000 USD/biệt thự cũng đã bán được 26%. Tình hình tiêu thụ của các dự án biệt thự khác như Montgomerie Links & Estates, Son Tra Spa & Resort... giá nửa triệu USD cũng khả quan.
Kinh nghiệm nước ngoài
Có thể một số người mua các biệt thự để chờ một thời gian - chừng một, hai năm - để giá lên và bán lại. Hoặc sau này cho thuê giống như tại Mỹ. Tuy vậy, việc cho thuê trên thực tế có độ rủi ro khá cao, không mang lại lợi nhuận như mong đợi. Tại Mỹ đã có những cảnh báo về kiểu làm ăn này.
Theo tờ Wall Street Journal, trong suốt thời kỳ bùng nổ bất động sản, nhiều người Mỹ đã tranh mua bất cứ thứ gì được bán. Từ nhà, đất cho đến văn phòng condo, khách sạn condo (*) chọc trời (có rất nhiều ở các thành phố như Miami chẳng hạn). Nhưng khách sạn condo là một trong những đầu tư mạo hiểm nhất. Bởi khách sạn thường là lĩnh vực đầu tư đầy rủi ro; khách lưu trú có thể dao động, tùy vào thời tiết hoặc tình hình kinh tế - mà kinh tế Mỹ thì đang xuống dốc.
Tờ báo Mỹ trưng ra trường hợp của Moji Adekunbi, kỹ sư 47 tuổi, người đã mua một phòng của khách sạn mang tên Signature at MGM Grand với giá 550.000 đô la Mỹ, vào năm 2005. Adekunbi than thở: “Đó là một khoản đầu tư rất tồi tệ”. Ông cho biết, nhân viên kinh doanh của công ty xây dựng làm cho ông tin rằng khách sạn này có thể có đến 94% khách cư trú và mức giá phòng là 350 đô la một đêm. Nhưng hóa ra ông chỉ thu được khoảng từ 400 đô la đến 1.800 đô la mỗi tháng, chưa đủ để trả lãi ngân hàng.
Signature at MGM Grand là một khách sạn ở Las Vegas, được cho là “sang trọng hơn những khách sạn sang trọng nhất thành phố cờ bạc”.
Kinh nghiệm địa phương
Đại đa số người Đà Nẵng không mặn mà với loại bất động sản du lịch. Bởi lẽ thu nhập của họ không cao đến mức có thể mua được những biệt thự hay căn hộ cao cấp. Dân số Đà Nẵng chỉ khoảng 900.000 người, không thể tạo ra được một không gian kinh tế sôi động như TP. HCM hoặc Hà Nội. Đặc biệt, người Đà Nẵng quá thấu hiểu những bất lợi, khó khăn, thậm chí cả nỗi bất an mỗi khi mùa mưa bão về, nếu sinh sống ở vùng ven biển.
Tình hình phức tạp của mưa bão thời gian gần đây đã cho thấy rõ điều đó. Theo trang web của UBNDTP Đà Nẵng, trong các trận bão cuối năm 2007 và 2008, tại Phường Hòa Hiệp Nam (Quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), nước biển đã ăn sâu vào đất liền, cuốn trôi nhà cửa và ao tôm của 16 hộ chuyên nuôi tôm giống. Ở khu vực trên, một đoạn đê dài gần 2 km chạy dọc sông Cu Đê (đoạn cầu Nam Ô, thuộc Phường Hòa Hiệp Bắc) bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến sự an toàn của cầu Nam Ô. Sóng biển xâm thực đã đánh sập và hư hỏng hàng chục căn nhà. Sóng biển cũng đã ăn sâu 100 m vào khu vực dân cư phía Bắc ghềnh Nam Ô., gần 40 ngôi mộ đã được di dời khẩn cấp trước khi bị nước biển nhấn chìm.
Giống như các địa phương khác thuộc duyên hải Miền Trung, Đà Nẵng đã và đang chịu ảnh hưởng và tác động của biến đổi khí hậu khiến cho khí hậu ngày càng thêm khắc nghiệt và nước biển đang dâng dần lên.
Tại Hội nghị “Đánh giá hiểm họa, khả năng và tình trạng dễ bị ảnh hưởng do tác động biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Nẵng” (ngày 6/5/2009), có một báo cáo đáng chú ý. Báo cáo này dự báo, năm 2040, sẽ có 30.000 hộ dân với hơn 170.000 nhân khẩu ở các phường ven biển Đà Nẵng bị mất nhà cửa do nước biển dâng cao khoảng 30 cm. Nước biển dâng cũng sẽ làm cho vùng đất bằng ngập lụt sâu hơn và kéo dài thời gian hơn. Khi nước biển dâng lên như vậy, liệu những khu biệt thự, căn hộ đẹp đẽ ven biển có chìm trong nước?
Báo cáo còn cho rằng, hàng nghìn cơ sở sản xuất, dịch vụ sẽ bị đình trệ do ngập chìm trong nước. Và tình trạng hạn hán do biến đổi khí hậu cũng sẽ ngày càng thêm trầm trọng khiến cho hơn 70.000 dân khu vực nội thành và gần 1.000 ha đất nông nghiệp sẽ bị thiếu nước. Theo báo cáo này thì “đây là thảm họa cho đời sống và sự phát triển của Đà Nẵng”. Đúng là thảm họa nếu tất cả chỉ khoanh tay đứng nhìn hoặc lực bất tòng tâm.
Vào cuối tháng 12 vừa qua, người viết bài này đã chứng kiến tại một khúc bờ biển Mỹ Khê của Đà Nẵng một sự việc. Đó là biển mới chỉ hơi động một chút, mà sóng đã đánh văng cả cát biển lên một số nơi trên con đường nhựa mới mở chạy dọc theo bờ biển, cách mép nước chừng 100 m. Thực tế này cũng có thể cho thấy rõ tương lai của những dự án bất động sản du lịch đang thành hình ở vùng biển này.
Nước biển dâng không chỉ là chuyện của tương lai. Thêm một thông tin khác: theo TTXVN, ông Nguyễn Văn Đức, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng cho biết, trong khoảng 50 năm qua, tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,7 độ C và mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm.
Hẳn những người mua bất động sản du lịch của Đà Nẵng chưa lường đến tình huống nói trên. Hay họ trông sẽ bán lại được số tài sản đắt tiền của họ, trước khi tình hình nước biển dâng thực sự trở nên trầm trọng? Hoặc trông chờ vào những biện pháp cứu nguy trong tương lai của chính quyền thành phố Đà Nẵng?
--
(*) Khách sạn condo (Condo hotel) là dạng cao ốc được phát triển và điều hành như những khách sạn sang trọng. Na ná như biệt thự, căn hộ nghĩ dưỡng ven biển của Đà Nẵng hoặc Phan Thiết.
---
Box:
Bất động sản du lịch Đà Nẵng - ai mua?
Báo Tuổi Trẻ, trích lời ông Mario Lotti, giám đốc dự án Hyatt Regency (Đà Nẵng), cho biết, có đến 63% khách mua căn hộ cao cấp của dự án là người từ Hà Nội. Và theo khảo sát của Savills VN, trong số người mua biệt thự, căn hộ cao cấp của Đà Nẵng, có 60-70% đến từ Hà Nội, tiếp theo là TP.HCM, thứ ba là người nước ngoài và thứ tư mới đến một số ít người địa phương.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment