Everything you want to know about writing and editing stories, but don't know where to ask or are afraid to ask.
14 November 2009
Hóa rồng nhờ giáo dục
Mời các anh chị và các bạn đọc một bài viết về giáo dục Singapore nhân có những tranh cãi về giáo dục tại Việt Nam.
Chúc tất cả vui.
--
Kinh nghiệm giáo dục Singapore, không mới nhưng...
Singapore khá nhất quán trong chiến lược phát triển giáo dục. Các thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau luôn thực hiện những bước đi bài bản, đi dần chiều sâu, quan tâm tới lợi ích của người đi học, qua đó đào tạo các công dân phục vụ công cuộc phát triển quốc gia ngày càng tốt hơn. Một kinh nghiệm không mới nhưng vẫn đáng để học hỏi.
Nhìn lại lịch sử giáo dục Singapore, khi còn thuộc Anh, đất nước này có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam thời Pháp thuộc. Về mặt giáo dục, Pháp chỉ cho phép người Việt học ở bậc thấp, chủ yếu để có người phục vụ cho bộ máy cai trị của Pháp. Khi còn là thuộc địa của Anh, các trường học Singapore cũng chỉ đào tạo người bản địa trong một số ngành nghề nhằm phục vụ bộ máy cai trị của Anh.
Không khác gì Việt Nam
Giống như Việt Nam, sau khi giành được độc lập, Singapore bắt đầu đầu tư mạnh cả công sức lẫn tiền của vào những chương trình đào tạo bậc cao nhằm phát triển nguồn nhân lực phục vụ công cuộc kiến thiết đất nước. Theo Bộ Giáo dục Singapore, trong những năm gần đây, đầu tư tài chính vào giáo dục luôn tăng qua từng năm. Mức chi cho giáo dục tài khóa 2007-2008 là 6,796 tỉ đô la Singapore (SGD), 2008-2009 là 8,22 tỉ SGD và 2009-2010 là 8,7 tỉ SGD (dự chi). Nhờ thế, đảo quốc này luôn nằm trong danh sách các nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới trong vài năm trở lại đây, theo bình chọn của Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos.
Trong chuyến viếng thăm Việt Nam hồi đầu năm 2007, ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng Singapore, đã phát biểu: “Thắng trong cuộc đua giáo dục sẽ thắng trong cuộc đua phát triển kinh tế”. Điều này hẳn đã được ông đúc kết từ thực tiễn phát triển đất nước của Singapore.
Chính phủ Việt Nam cũng đầu tư vào giáo dục không kém gì Singapore. Đó là chưa kể các khoản đầu tư khá lớn vào giáo dục cho con cái của các gia đình. Nhưng nền giáo dục của Singapore và Việt Nam rõ ràng khá khác biệt.
Một điểm khác biệt giữa Việt Nam với Singapore là đảo quốc này rất thực dụng khi duy trì ngoại ngữ (tiếng Anh) trong giảng dạy và học tập. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giỏi tiếng Anh là một lợi thế lớn trong giao tiếp. Hơn nữa, phần lớn thông tin và tri thức nhân loại, đặc biệt về khoa học, kỹ thuật, công nghệ, đều được viết hoặc chuyển ngữ sang tiếng Anh.
Trong giáo dục, Singapore cũng áp dụng chính sách “song ngữ”. Theo chính sách này, học sinh phải học hai thứ tiếng: tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh. Tại Singapore, tiếng Anh là ngôn ngữ của thương mại, công nghệ và hành chính. Những sắc tộc khác nhau tại đây cũng giao tiếp với nhau dễ dàng nhờ ngôn ngữ chung này. Trong khi đó, tiếng mẹ đẻ - Malaysia hoặc Quan thoại (người gốc Hoa) hoặc Tamil (người gốc Ấn Độ) - lại giúp họ gìn giữ được các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời.
Theo Cục Thống kê Singapore, tính đến tháng 6 năm nay, dân số Singapore là 4,99 triệu người, trong đó có 3,73 triệu là thường trú; số còn lại là tạm trú. Theo phân loại của Singapore thì số thường trú gồm người quốc tịch Singapore và người nước ngoài thường trú lâu dài tại đây. Trong số thường trú, người gốc Hoa chiếm chừng 75%, người gốc Malaysia khoảng 14%, người gốc Ấn Độ gần 9%; còn lại là các sắc dân khác (có cả người lai Âu).
Đào tạo theo trình độ
Kể từ cuối những năm 1970, các trường học tại Singapore đã phân loại học sinh theo trình độ, giúp họ theo học những chương trình phù hợp với khả năng tiếp thu của mình. Nhờ vậy, tỉ lệ bỏ học đã giảm đáng kể, chỉ còn 3% vào năm 2006. Ngành giáo dục Singapore đang phấn đấu giảm tỉ lệ này xuống còn 1,5%. Cách thức trên đã được củng cố dần và chuyển thành phương pháp học tập theo chủ đề vào năm 2006. Theo đó, học sinh không cần phải học và giỏi đều tất cả các môn, mà được quyền lựa chọn môn học theo sở thích và thế mạnh của mình.
Chương trình “Nhà trường dạy tư duy, cả xã hội cùng học tập”, được Bộ Giáo dục Singapore triển khai vào năm 1997, cũng nhằm mục đích cải tiến nền giáo dục hơn nữa. Chương trình được tung ra cùng lúc với kế hoạch đưa công nghệ thông tin và truyền thông vào giáo dục (1997-2002). Theo đó, nhà trường sẽ sử dụng sức mạnh của công nghệ thông tin và truyền thông nhằm phát triển tri thức của học sinh và đào tạo cả giáo viên.
Kế hoạch thứ nhất được tiếp nối bằng kế hoạch thứ hai (2003-2008), trong đó đưa ra những tiêu chuẩn về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong trường học. Rồi kế hoạch thứ ba (dự kiến kết thúc vào năm 2014) tiếp tục củng cố các mục tiêu trên.
Về mặt công nghệ, đảo quốc này còn có cơ quan phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, đang hợp tác với Bộ Giáo dục trong một chương trình mới gọi là “trường học tương lai”. Đây là những trường học sử dụng công nghệ thông tin ngay trong từng môn học và cũng là những trường mẫu về ứng dụng công nghệ mới có thể được nhân rộng ra trong tương lai.
Hiện nay, Singapore đã có 5 trường học tương lai. Các trường học này còn được các doanh nghiệp công nghệ thông tin hỗ trợ. Chẳng hạn, một nhóm doanh nghiệp do công ty viễn thông Singtel đứng đầu đã phát triển những trò chơi giáo dục 3 chiều và một số phần mềm học tập khác dành cho học sinh các trường này.
Dạy ít, học nhiều
Năm 2004, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã kêu gọi các thầy cô giáo truyền thụ kiến thức ít hơn để giúp học sinh học nhiều hơn. Ông nói: “Mục tiêu là dạy học sinh cách suy nghĩ, giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, thay vì nhồi nhét nhiều thông tin vào một chương trình giảng dạy đã quá nặng nề”.
Điều này cũng giống như lời kêu gọi “giảm tải” cho học sinh tại Việt Nam. Tuy nhiên, khác với Việt Nam, lời kêu gọi trên đã nhanh chóng biến thành hiện thực thông qua sáng kiến “Dạy ít, học nhiều”, mà theo Bộ giáo dục Singapore, đã tạo ra “chất xúc tác cho sự thay đổi trong việc dạy và học ở nhà trường”. Theo ông Tan Ching Yee, Thư ký thường trực Bộ Giáo dục Singapore, sáng kiến này đã tạo cảm hứng cho nhiều thầy cô giáo, thúc đẩy họ khơi dậy sự tò mò ở học sinh, qua đó giúp học sinh học tập tốt hơn.
Singapore còn nhắm đến đào tạo con người toàn diện với những kỹ năng mềm (tức kỹ năng sống). Từ năm 2008, Chính phủ Singapore đã quyết định đầu tư thêm 4,8 tỉ SGD (trong vòng 10 năm) để phát triển kỹ năng mềm ngay từ bậc tiểu học. Hiện nay, phát triển kỹ năng mềm, tăng cường hoạt động ngoại khóa, xã hội và giáo dục công dân đã được đặt ngang hàng với việc truyền thụ kiến thức.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân từng phát biểu trên Đài truyền hình trung ương rằng, học là để lấy năng lực làm người, trong đó học những kỹ năng sống, chứ không chỉ để lấy bằng cấp. Tuy nhiên, dường như Việt Nam chưa làm được điều đó hoặc làm quá ít.
Phó Giáo sư Kenneth Paul Tan, Phó Hiệu trưởng Trường Hành chính công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), cho rằng, những nỗ lực mới nói trên còn có thể giúp đào tạo những công dân biết suy nghĩ về phát triển kinh tế một cách bền vững chứ không phải phát triển bằng mọi giá. Tuy nhiên, theo ông, thách thức đối với các trường học là phải gắn kết được những gì học trong lớp học với những kinh nghiệm bên ngoài lớp học.
Trên hết, Singapore tin rằng hệ thống giáo dục phải làm được hai việc: phát triển cá nhân và đào tạo những công dân tốt, tức đào tạo những thanh niên có đạo đức, tri thức, sức khỏe, ý thức trách nhiệm xã hội và óc thẩm mỹ. Thủ tướng Lý Hiển Long từng nhấn mạnh: “Giáo dục là một trong những ưu tiên hàng đầu của Singapore trong giai đoạn phát triển tiếp theo”.
Quả thật vậy. Chẳng hạn, đối với giáo dục đại học, Singapore không mở trường ào ạt tạo ra nguy cơ dư thừa chất xám làng nhàng, để có thể tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập bậc cao. Thành phố - quốc gia này hiện có 3 đại học công lập, một đại học tư chính thức và chỉ dự trù mở thêm một đại học công lập nữa vào năm 2010.
cần biết thêm: về đại học thì Singapore còn có nhiều cơ sở giáo dục tư nhân. Tuy nhiên, các cơ sở này không được quyền cấp bằng đại học. Vì thế họ thường liên kết với các đại học Anh, Úc, Mỹ,... trong giảng dạy bậc đại học lẫn cao học và văn bằng thì do các đại học nước ngoài này cấp. Hiện cũng đã có một vài đại học nước ngoài (của Úc, Mỹ. Pháp, Anh) mở phân hiệu tại Singapore.
Ví dụ khác về quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục: Cách đây 10 năm, một khu đất tuyệt đẹp 4,5 ha ở trung tâm Singapore, cạnh phố tài chính và kề phố mua sắm Orchard đã được dành ra để xây dựng một trường đại học. Đây không phải là đất vàng mà là đất kim cương.
NT
------
Bài ngắn
NẾU VIỆT NAM TIẾP TỤC DÙNG TIẾNG PHÁP
Nếu Việt Nam tiếp tục sử dụng tiếng Pháp trong nhà trường thì có lẽ đã mở được một cánh cửa khá rộng đi vào thế giới hiện đại. Tiếng Pháp không chỉ là ngôn ngữ của Pháp mà còn là một trong những ngôn ngữ chính thức ở những nước công nghiệp hóa khác như Bỉ, Thụy Sĩ và Canada và là tiếng nói được sử dụng nhiều hàng thứ 9 thế giới.
Sách khoa học kỹ thuật, công nghệ tiếng Pháp hoặc từ tiếng Anh, Đức, Ý… dịch ra tiếng Pháp cũng nhiều. Và người giỏi tiếng Pháp học thêm tiếng Anh không phải là chuyện quá khó.
Tiếc là tinh thần quốc gia mạnh mẽ đã ngăn cản chúng ta làm điều này và hiện nay vẫn thế (đối với tiếng Anh). Hồi năm 2006, Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) từng khởi thảo đề án “Chiến lược dạy ngôn ngữ trong trường phổ thông”, trong đó xác định tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức. Tuy nhiên, đề án bị bỏ ngỏ bởi những tranh cãi về việc có nên “suy tôn” tiếng Anh hay không.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2007, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, cũng gợi ý: “Đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ... bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam, chắc chắn sẽ tụt hậu. Nếu sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy mà chỉ có thể đọc thôi thì cũng đã là tụt hậu”.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 4 năm nay, ông lại tiếp tục đề cập đến việc không giỏi tiếng Anh của nhiều người Việt Nam, xem đây như một hạn chế cần khắc phục.
I'm an editor, journalism instructor and translator, with more 30 years of experience as a journalist, and ten years as an educator, and also more than 30 years as a translator.
I was member of a group of eight international experts which decided on aids given to the French written press in developing countries.
I also was the Co- Manager of a World Bank journalism program in Vietnam, and a reactor - commenting on stories submitted by participants to a writing program managed by IPS and the Probe Foundation, two international press organizations.
3 comments:
Bài viết thật hay ạ!
Hiếu Hạnh
Thầy ơi, bài này thầy đã đăng ở đâu chưa ạ? Nếu chưa thì cho E xin. Hì. E cảm ơn thầy!
Cảm ơn em. Nhưng đăng rồi.
Post a Comment