30 October 2009

Thông tin liên quan đến thi cử của lớp Tường thuật kinh tế - thương mại

Phần bài giảng dưới đây liên quan thi cử, các em lớp Tường thuật kinh tế - thương mại đọc lại cho kỹ. Thầy sẽ ra đề thi theo cách đã nói trong bài giảng này. Cảm ơn các em nhóm 10 đã ghi lại bài.

NHIỆM VỤ CÁC CÁC NHÓM:

- Thứ nhất, phân công mỗi nhóm làm 1 danh sách những điểm cần phải kiểm tra trong một bài viết kinh tế thương mại. Dựa trên những điều thảo luận trên lớp cũng như những gì nhóm thấy cần thiết thêm thì cứ mạnh dạn thêm vào, gửi Thầy xem và góp ý.
- Thứ nhì, (quy trình này hơi lộn ngược): từng nhóm có thể ngồi với nhau, tìm ra những đề tài (tức tìm ý tưởng) để viết bài nhưng với góc nhìn kinh tế thương mại (có hàm ý kinh tế thương mại trong đó). Thầy nhận xét chung là các nhóm viết theo khía cạnh xã hội là chính, thích đánh đấm. Xung đột thì cũng được, nhưng phải ở mức vừa vừa. Các nhóm hay đi theo các lối mòn.

Các nhóm cần tập trung chú ý vào đặc điểm môn học của mình. Nên gửi email trao đổi với Thầy sẽ tốt hơn là tập trung đông đúc với nhau trong lớp như thế này, phân công các nhóm gửi email lần lượt cho Thầy, tránh gửi dồn dập.

Mỗi nhóm sẽ tìm ra ý tưởng cho đề tài, rồi sẽ trao đổi ý tưởng đó với Thầy , Thầy sẽ gợi ý nên làm điều này, điều kia.

- Thứ ba: sau khi có ý tưởng xong, nhóm sẽ tập trung làm dàn bài, dàn ý . Xây dựng một dàn bài thật chặt chẽ, tìm hết mọi góc cạnh của vấn đề nhưng vẫn nên soi rọi trước bằng điều thứ nhất (tức là danh sách các điểm phải kiểm tra trong một bài viết kinh tế thương mại).

Khi làm bước thứ hai, thứ ba, chúng ta cần nên soi rọi bằng những điều đã được nghiên cứu với nhau trên lớp. Các nhóm bắt đầu làm và gửi Thầy. Thầy sẽ tập hợp thành bản chung nhất cho cả lớp, Thầy sẽ khái quát lại những khía cạnh cần xem xét trong một bài viết (dĩ nhiên là có những bài có, những bài không). Không nhất thiết phải giống nhau là đầy đủ các yếu tố, nhưng phải có những yếu tố chính. Về mặt dàn bài, đây không phải là dàn bài bình thường mà là dàn bài sẽ được phát triển thành kịch bản. Giống như truyền hình vậy, họ luôn luôn có kịch bản rồi mới đi làm. Các nhóm cũng nên như thế, chịu khó thế này thì mới giỏi hơn được.

Các nhóm chỉ mới dừng lại ở mức bằng hoặc thua người ta thôi. Những đề tài các nhóm đã làm vừa qua đều là những đề tài cũ, đã được người ta viết nhiều lần (tức là về ý tưởng đề tài, các nhóm chưa quen). Do đó, nên tập quen dần, từ từ cũng sẽ giỏi. Có bạn gửi email trao đổi với Thầy, điều này tốt.

Cái nghề mình nó rất khắc nghiệt, mỗi ngày mà không “đẻ” ra được ý tưởng là xem như tiêu tan. Nếu vô tòa soạn, 3 tháng mà không tư duy tốt ý tưởng là sẽ hỏng việc ngay. Cũng có những người quá nhiều ý tưởng, viết không hết. Yêu cầu các em mỗi ngày một ý tưởng là tốt rồi. Trong học tập với nhau, các nhóm nên động não (nước ngoài gọi là brainstorming), tức là người này đề xuất thế này, người kia bổ sung thế khác, rồi có 1 người ghi biên bản, đúc kết lại thì mới có được ý tưởng. Lẽ dĩ nhiên những người làm báo kinh tế chuyên nghiệp thì họ nhìn đâu cũng có ý tưởng. Muốn có ý tưởng thì phải luôn nhớ đến câu hỏi to đùng, nhưng ít người quan tâm, đó là câu hỏi “Tại sao và tại sao?”.

Gần đây, có nhóm “Du lịch” gửi bài cho Thầy, nhưng nhóm này viết không khác gì người ta cả, thậm chí là không bằng người ta. Thầy lật ngược lại vấn đề: đây có phải là quy luật cung cầu hay không? Tại sao du lịch ế? Đó có phải là quy luật cung cầu hay không? Và cung-cầu này là do cái gì ảnh hưởng? Đó là do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, người ta ít đi du lịch. Không riêng gì Việt Nam mà tất cả các nước đều hạn chế du lịch hết. Lý do nữa là cúm A/H1N. Trong số hai nguyên nhân trên, nên phát triển nguyên nhân khủng hoảng kinh tế - quy luật cung cầu (tức là nhu cầu xuống, cung ứng vẫn như cũ  lệch  ế. Thế thì, các em sẽ lập ra một kịch bản.

Có thể phỏng vấn 1 khách du lịch: “Tôi năm nay không đi du lịch nữa”, có thể là hình ảnh vài khu du lịch ế , rồi đến ý kiến 1 ông chuyên gia, ông chuyên gia đó sẽ phân tích theo quy luật cung cầu. Mình sẽ đặt ra những câu hỏi chi tiết, ví dụ như: chuyện đó có phải là do nhu cầu thấp mà cung ứng vẫn như cũ hay không?. Vẫn còn thiếu, nên bổ sung số liệu (tức là vẫn áp dụng danh sách các điểm cần kiểm tra trong một bài viết kinh tế). Làm tỉ mỉ như thế thì các nhóm mới có thể thoát ra được cái mà các em đang bắt chước người ta.

Kịch bản càng làm chi tiết càng tốt, sau đó bàn với nhau có nên làm thế này thế khác không, rồi phân công nhau đi làm. Thế mới có được 1 bài đạt, đăng báo được. Và như vậy, đề tài của các em có thể giống người ta nhưng góc nhìn khác. Góc nhìn, cách phát triển vấn đề của các em hoàn toàn phải khác thì nó mới có giá trị. Và một bài kinh tế thương mại thì phải có con số. Nhiều bài không thấy con số nào hết (ví dụ bài viết về sân Goft). Rồi nên cần so sánh, ví dụ có thể so sánh ngành du lịch với ngành gì khác không? Hay có thể so sánh du lịch Việt Nam với du lịch Thái Lan hay không? Hay so sánh với 1 số nước tiêu biểu hay không? Như vậy thì bài viết mới chắc chắn khác và hấp dẫn.

Các em học mà không tập trung đầy đủ thì sau này ra đời đừng có trách ai cả. Có thói quen tâm trạng nạn nhân luôn trách móc người khác. Điều này không đúng, các em không phải là nạn nhân được. Các em được đào tạo rất tốt, nhưng các em cứ mang tâm trạng nạn nhân, ra đường cứ than phiền, thậm chí viết trên “Nghề báo” thế này thế kia. Thầy cho rằng nhà trường dạy các em cũng tương đối, không phải là tệ, cũng do mình thôi. Các em cứ than phiền là thiếu thực hành, nhưng thầy cho bài viết là cứ trốn hết. Các em làm bài theo nhóm thì phải đúng là theo nhóm, mỗi người phải góp công vào.

Từ một dàn bài cũng đã chi tiết rồi, các nhóm nên thể hiện ra bằng một kịch bản chi tiết hơn, viết ra cụ thể. Ví như làm project (làm dự án), cứ phân công trong tổ (người này làm việc này, người kia làm việc kia), bảo đảm sẽ không thể không thành công được. Mỗi người đi phỏng vấn một số người, cứ thế gom về.

Thầy thấy nguồn tin của các nhóm rất ít, Thầy biết các em không thuận lợi bởi vì còn là sinh viên, đi tới hỏi người ta không trả lời. Nhưng vấn đề này nếu bí quá, các em có thể ghi với thầy là: chỗ này cần ý kiến chuyên gia nhưng tụi em chưa làm được. Nhưng có 1 kinh nghiệm ở đời là: “Người này không trả lời thì có người khác mở miệng”. Nguồn tin cũng không khác gì chuyện tình yêu vậy. (^.^)

Các nhóm cứ đặt ra những vấn đề như thế để tìm ra ý tưởng. Nêu chọn 1 góc nhìn thôi, không nên tham lam chọn một bài viết to (mình cũng không thể viết thành một cuốn sách, nên viết ngắn thôi).

- Thứ tư: đọc và phân tích các bài báo kinh tế. Các em nên đọc “Thời báo kinh tế Sài Gòn. Trong lớp có không nhiều lắm người đọc. Thầy đề nghị các em muốn viết về kinh tế thương mại thì nên tìm đọc loại báo đó, chứ không phải các báo phổ thông. Thậm chí là các em đọc nhưng phải có suy nghĩ là em sẽ viết tốt hơn và dành cho bạn đọc phổ thông thì lúc đó các em mới thấy là mình viết rất khác. Hãy luôn luôn nghĩ là mình viết để cho những người như là anh Ba, chú Sáu, chị Năm, những người bình thường đọc, đó mới là hay. Ngoài tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn, Thầy yêu cầu các em lựa ra những bài mà các em thấy hoặc thích, hoặc thấy khó hiểu, nên chịu khó phân tích với nhau trong nhóm. Có thể lên mạng lấy những bài cũ, phân tích, tìm hiểu xem những gì là khó hiểu, những gì là dễ hiểu, “tôi có thể làm tốt hơn hay không?” thì mới học được.

Các em hay thích văn mẫu, Thầy không thích nhưng Thầy vẫn chiều theo. Nhưng Thầy vẫn muốn các em viết rồi thầy góp ý, và sửa, vậy thì mới giỏi hơn. Vì Thầy muốn các em nhúng tay vô làm, đọc thôi chưa đủ, cách học tốt nhất là cách tự làm.

Em nào giỏi ngoại ngoại ngữ thì đọc thêm tờ Business Week trên mạng và tờ Wall Street Journal (trên mạng có 1 số bài vì báo này không cho không), Thầy thích tờ này vì nó viết rất dễ hiểu, trình độ tiếng Anh trung bình là có thể hiểu được. Nếu siêng thì chọn ra những bài, trao đổi với thầy trước rồi dịch ra tiếng Việt trao đổi với bạn mình. Thầy sẽ xem và sửa. Có một người trong lớp dịch khá. Tìm đọc 2 tờ này, điều này cũng theo ý kiến 1 em là tìm những bài báo cho các em đọc, Thầy làm ngược là tự các em chọn ra và thầy góp ý, như thế thì sẽ hay hơn.

BUỔI HỌC THỨ 6: (Nhóm 10 ghi lại)

No comments: