19 September 2009

Chống suy thoái kiểu Keynes

Mời các bạn xem một bài về khủng hoảng kinh tế, trích dịch tác phẩm của giáo sư Krugman (giải Nobel Kinh tế 2008), từng sang Việt Nam thuyết trình.

Chúc tất cả an vui.

-----

Dùng lý thuyết của Keynes để chống suy thoái

Paul Krugman, nhà kinh tế học người Mỹ và là đại biểu của trường phái kinh tế Keynes, vừa cho xuất bản một cuốn sách tại Pháp (Tại sao những cuộc khủng hoảng luôn quay lại), « giải mã » sự trở lại của kinh tế học khủng hoảng hiện nay. Theo ông, để chống lại khủng hoảng, cần dùng chính sách ưu đãi thuế như nhà kinh tế học Keynes từng đề xuất. Dưới đây là một trích đoạn của sách.

Kinh tế thế giới vẫn chưa lâm vào cảnh suy thoái nặng nề và cũng sẽ không thực sự suy sụp bất chấp cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Dù suy thoái dẫn đến suy sụp đã không diễn ra nhưng kinh tế học về suy thoái – chuyên nghiên cứu những vấn đề đặc biệt của kinh tế thế giới trong cuộc Đại suy thoái những năm 1930 – đang trở lại một đầy ấn tượng. Cách đây 15 năm, chẳng ai nghĩ các quốc gia hiện đại sẽ phải hứng chịu những đợt suy giảm kinh tế trầm trọng chỉ vì sự hoảng loạn của các nhà đầu cơ và vì các cường quốc không thể đảm bảo cho người lao động cũng như doanh nghiệp của mình. Và vì thế kinh tế thế giới đang đối diện với những mối nguy hiểm mà chúng ta khó lòng tưởng tượng nổi.

Liệu có phải kinh tế học suy thoái đang quay trở lại ? Người ta nhận ra rằng chênh lệch cung – cầu (nguồn cung của nền kinh tế vượt quá nhu cầu tiêu dùng cá nhân) chính là những hạn chế ngăn cản sự phát triển của phần lớn các quốc gia trên thế giới.

Chúng ta vẫn chưa được chuẩn bị để đối phó với điều này. Những ý kiến rỗng tuếch đề cao « kinh tế học trọng cung » rõ ràng chỉ là học thuyết cuồng tín và chẳng có mấy ảnh hưởng nếu không nhờ đến các biên tập viên báo chí (tung hê) và những người giàu có (cổ vũ). Thế nhưng trong suốt hàng thập kỷ qua, người ta ngày càng chú trọng vào mặt cung thay vì quan tâm đến mức cầu.

Và chính trong suốt khoảng thời gian này, thế giới chao đảo trước hàng loạt cuộc khủng hoảng. Và những cuộc khủng hoảng này đều đặt ra một vấn đề là phải làm thế nào để đảm bảo mức cầu. Các quốc gia lần lượt trải qua các đợt suy giảm khiến mọi thành tựu tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm bị xóa sạch. Mọi người nhận ra rằng các chính sách kinh tế truyền thống có vẻ chẳng mấy hiệu quả. Một lần nữa, câu hỏi lại được đặt ra: làm thế nào để tạo ra mức cầu vừa đủ với khả năng cung ứng của nền kinh tế ?

Điều thế giới cần hiện nay là công tác cứu hộ. Để làm được điều này, các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới phải làm hai việc : cung cấp tín dụng và giữ vững mức tiêu dùng. Nhiệm vụ đầu tiên có vẻ khó khăn hơn nhưng cần nhanh chóng được thực hiện. Việc cấp vốn lại cho các ngân hàng là rất quan trọng và Nhà nước cần tăng cường kiểm soát nền kinh tế, tiến tới quốc hữu hóa tạm thời những thành phần quan trọng của hệ thống tài chính.

Đó không phải là mục tiêu dài hạn vì ngành tài chính sẽ lại được tư nhân hóa ngay khi không còn mối nguy hiểm nào đe dọa. Chẳng hạn như Thụy Điển đã tư nhân hóa ngành ngân hàng sau chương trình cứu trợ kinh tế vào đầu những năm 1990. Nhưng ở hiện tại, mục đích chính là nới lỏng tín dụng bằng mọi cách có thể. Không gì tồi tệ hơn việc không làm những điều cần phải làm chỉ vì sợ hành động đó là để cứu một hệ thống tài chính có hơi hướng « xã hội chủ nghĩa ».

Tất cả mọi hành động phải được thực hiện đồng loạt tại các quốc gia phát triển. Khủng hoảng tài chính đã lan rộng đến cả các thị trường mới nổi. Vì vậy, để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, cần phải có những kế hoạch cứu trợ dành cho các nước đang phát triển. Nhưng cho dù kế hoạch cứu trợ hệ thống tài chính có thể vực dậy thị trường tín dụng, chúng ta vẫn sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu đang ngày càng trầm trọng. Vậy làm thế nào để chống lại khủng hoảng ? Câu trả lời là chính sách ưu đãi thuế theo kiểu của Keynes.

Chương trình sắp tới cần gắn với việc đảm bảo và mở rộng chi tiêu công như chi tiêu vào xây dựng cơ sở hạ tầng (đường sá, cầu cống...). Những ý kiến phản bác thường cho rằng tăng chi tiêu công nhằm kích thích kinh tế cần nhiều thời gian mới có tác dụng. Và khi nó tác động đến nền kinh tế thì khủng hoảng cũng đã kết thúc rồi. Tuy nhiên, điều này không phải là mối lo lớn hiện nay vì rất khó để kinh tế có thể phục hồi trong thời gian ngắn, trừ khi có một nhân tố mới bất ngờ xuất hiện thay cho bong bóng bất động sản. (Tờ báo châm biếm « The Onion » đã có một bài báo về vấn đề này : « Quốc gia bị suy thoái kinh tế đe dọa đang tìm một « quả bóng » mới để đầu tư. »)

Tăng chi tiêu công có thể mang lại nhiều lợi ích hơn so với cắt giảm thuế. Thứ nhất, chi tiêu công tạo ra tiêu dùng thực sự. Thứ hai, chi tiêu công tạo ra một giá trị nhất định (chẳng hạn như các cây cầu). Điều quan trọng là trong cuộc khủng hoảng hiện nay, chúng ta có khuynh hướng làm tất cả mọi điều có thể để cải thiện tình hình. Nếu một chính sách nào đó cho đến hiện tại vẫn chưa đủ, người ta lại cố công áp dụng thêm các phương án mới cho đến khi kinh tế bắt đầu phục hồi.

Rõ ràng chúng ta cần xem lại những bài học mà các thế hệ đi trước đã rút ra được từ cuộc Đại suy thoái. Điều cơ bản cần phải nhớ như sau: những thứ cần được cứu trợ trong khủng hoảng kinh tế, vì chúng là những bộ phận cấu thành nên hệ thống tài chính và đều giữ một vai trò nhất định, nên được điều tiết « bên ngoài » cuộc khủng hoảng nhằm tránh việc phải mạo hiểm. Kể từ những năm 1930, các ngân hàng thương mại được yêu cầu phải có một nguồn vốn nhất định cùng nguồn dự trữ tiền mặt và phải hạn chế các hình thức đầu tư. Những yêu cầu này là nhằm đảm bảo an toàn cho những thời điểm mà tình hình trở nên tồi tệ.

Chúng ta cũng nên suy nghĩ nghiêm túc về việc xử trí với toàn cầu hóa ngành tài chính. Sau cuộc khủng hoảng tại châu Á trong những năm 1990, một số người đã kêu gọi hạn chế nguồn vốn quốc tế trong dài hạn chứ không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát tạm thời trong thời kỳ khủng hoảng. Hầu hết những lời kêu gọi này đều bị bỏ qua và mọi người vẫn ưa thích chiến lược dự trữ ngoại hối vì họ nghĩ rằng việc này giúp tránh những cuộc khủng hoảng trong tương lai. Tuy nhiên hiện nay, ai cũng nhận thấy rằng chiến lược này đã không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Như vậy, chúng ta đang quay trở lại với kinh tế học suy thoái và Keynes – nhà kinh tế hiểu rõ cuộc Đại suy thoái – cũng rất đáng được suy tôn. Ông ấy đã kết luận trong tác phẩm kinh điển « Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ » bằng một câu nói nổi tiếng về tầm quan trọng của những tư tưởng kinh tế : « Sớm hay muộn, chính những tư tưởng chứ không phải lợi ích cục bộ mới gây nguy hiểm cho điều tốt lẫn điều xấu » Chúng ta có thể tranh cãi xem điều này đúng hay sai. Nhưng trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay, những gì Keynes nói hoàn toàn có lý. Câu nói « Chẳng có bữa ăn nào miễn phí » cho thấy những hạn chế của nguồn lực. Điều này có nghĩa là chúng ta luôn phải đánh đổi : để có được cái này thì chúng ta phải hy sinh cái khác.

Trong khi đó, kinh tế học suy thoái lại nghiên cứu những hoàn cảnh trong đó vẫn có « những thứ miễn phí ». Chúng ta cần học cách tận dụng những nguồn lực vẫn chưa được khai thác. Thứ quý hiếm trong thế giới của Keynes – và cả trong thế giới của chúng ta – không phải là nguồn lực hay đạo đức mà là lý trí. Một số người cho rằng những vấn đề kinh tế thường mang tính cấu trúc và không thể có một « phương thuốc tối ưu » để giải quyết khủng hoảng. Tuy nhiên, những trở ngại mang tính cấu trúc ngăn cản kinh tế phát triển, về thực chất, là những lý thuyết lỗi thời khiến mọi người « mất tinh thần ».

---

Paul Krugman là giáo sư Học viện Công nghệ Massachussets (MIT). Ngoài công việc giảng dạy, ông còn viết báo và sách. Krugman đoạt giải Nobel kinh tế năm 2008. Tháng 5 vừa qua ông đã đến Việt Nam để diễn thuyết về chủ đề "Từ khủng hoảng, định vị lại tương lai" .

No comments: