Mời các bạn đọc 1 bài về Hồ Phú Ninh.
Chúc tất cả an vui.
--------
Phú Ninh – một viên ngọc xanh
Không phải nơi nào cũng có được một cái hồ như thế này. Nói ở đây thiên nhiên hùng vĩ, phong cảnh kỳ thú, độc đáo thì hơi quá; ví nó như một vịnh Hạ Long thu nhỏ như nhiều người từng ví cũng không phù hợp cho lắm. Tuy nhiên, hồ Phú Ninh gần thành phố Tam Kỳ (Quảng Nam) có những nét đặc sắc riêng có thể thu hút du khách xa gần.
Muốn đến Hồ Phú Ninh phải đi ngang qua một chặng đường đầy rơm mới gặt và dăm ba quãng đường dốc cheo leo, một bên là núi, một bên là vực trồng đầy keo lá tràm - một loại cây lấy gỗ, thân thẳng, cao nhòng.
Và rồi hồ hiện ra ở phía dưới kia, là một khoảng xanh biếc mênh mông. Ở phía trên bầu trời cũng như mở ra rộng hơn, mênh mông. Bên kia hồ cũng mênh mông những rừng cây xanh ngút mắt, trải dài, nhìn mải mê không thấy chán.
Núi non cao ở xa xa in vào nền trời xanh và mây trắng lững lờ trôi bên triền núi còn tạo thêm nét đẹp riêng cho hồ. Thật là phong cảnh hữu tình.
Như vậy hồ Phú Ninh dường như là nơi dành riêng cho những ai thích “dại tìm nơi vắng vẻ” sự yên tĩnh và bình lặng vốn hiếm có khó tìm ở chốn thị thành. Hơn nữa, không khí ở đây rất trong lành, với mặt hồ nước mát, thỉnh thoảng lại nổi lên một hòn đảo là những ngọn núi nhỏ hoặc đồi trước đây, nay một phần đã chìm trong nước. Có khoảng 30 hòn đảo kiểu này trong vùng lòng hồ Phú Ninh. Gọi là đảo nhưng có khi đó chỉ là một doi đất nhô lên khỏi mặt nước, trên đó trơ trọi một vài cái cây hơi còi cọc, có thể là những cây còn sót lại của một khu rừng xanh tốt năm xưa.
Trên một số hòn đảo và cả xung quanh hồ, người ta đã trồng thêm một số loại cây, trong đó có bạch đàn, thông ca-ri-bê, chủ yếu để giữ nước. Ở những nơi đó, cây xem ra um tùm và tươi tốt hơn.
Và như thế có thể ví hồ Phú Ninh như một viên ngọc xanh. Còn vì một lẽ không ăn nhập gì tới cảnh đẹp nơi đây: sau gần 25 năm được đưa vào sử dụng, hồ đã giúp tưới tiêu cho hơn 23.000 ha đất canh tác cằn cỗi của tỉnh Quảng Nam. Nhờ đó, mỗi năm người dân trồng được đến 3 vụ lúa (so với một vụ trước khi có hồ). Hồ còn giúp điều tiết nước, giúp hạn chế lũ lụt hằng năm ở thành phố Tam Kỳ và một số địa phương lân cận. Nhà máy thủy điện Phú Ninh hằng năm cũng đã sản xuất được từ 1,5 triệu kWh đến 3 triệu kWh.
Chúng tôi lên thuyền và bắt đầu chuyến đi quanh hồ. Đi cùng thuyền còn có hai gia đình, một của anh Bùi Ngọc Vinh, bộ đội xuất ngũ làm nghề xây dựng, một của anh Trần Văn Sỹ, thượng tá, công tác tại trường quân sự bồi dưỡng kiến thức quốc phòng ở Tam Kỳ. Đây là lần đầu họ đến với hồ Phú Ninh dù chỉ sống cách đấy chưa đầy 10 km và dù công trình này đã được hoàn thành từ năm 1986. Họ cũng có vẻ háo hức và thích thú giống như chúng tôi khi sắp sửa đi thưởng ngoạn trên hồ.
Anh Phan Hiền làm nghề lái thuyền chở khách du lịch tham quan hồ Phú Ninh cho biết, khách đến đây có thể ghé thăm mỏ nước nóng, đảo Su, đảo Rùa, đảo Khỉ, hố Khế, hố Ba Trăng, bến Đợi chờ… Những cái tên địa danh mộc mạc chen lẫn với những cái tên thơ mộng. Hố Ba Trăng được đặt tên theo một giống lúa hồi xưa được trồng ở chỗ nay dấu tích còn lại chỉ là một cái hố trên một hòn đảo.
Quả là không khí trong lành. Thuyền đi đến mỏ nước nóng và dừng lại để mọi người quan sát mỏ nước nóng. Nước nóng phun từ dưới lòng hồ lên, được đưa qua một cái ống cao su cho khách hứng nước. Nước nóng chảy suốt ngày đêm và nóng đến 70 độ, có thể luộc chín được trứng gà, trứng vịt.
Năm 1989, mỏ nước nóng bắt đầu được khai thác, đưa về nhà máy nước khoáng Phú Ninh để xử lý thành nước khoáng. Nước phải qua xử lý thì mới uống được vì có lưu huỳnh. Nước khoáng này, theo lời quảng cáo của nhà máy, có chứa nhiều nguyên tố vi lượng có tác dụng chữa bệnh, kích thích tiêu hóa, làm sảng khoái tinh thần, giúp điều trị một số bệnh về cơ khớp, gan, mật.
Thuyền tiếp tục lướt đi qua các hòn đảo đưa khách đến đảo Su. Đảo Su từng là một ngọn núi thuộc dãy núi Phước Lợi (thuộc Ngọc Nha, Kỳ Quế), nằm dọc theo 2 nhánh sông Mùi và sông Quáng. Ngày xưa, Pháp thí nghiệm trồng cây cao su trên đảo nhưng không thành công. Hiện giờ, vẫn còn cây cao su nhưng không nhiều. Có cả những dây huyết chó cổ thụ uốn lượn như những con trăn khổng lồ, có thể "chở" được vài người đánh võng. Còn lại là cây lộc vừng và một số loại cây khác.
Có một con đường nhỏ, cây và dây leo um tùm bao quanh tạo nên không khí thoáng đãng, mát mẻ, ánh sáng mặt trời không lọt vào được. Mọi thứ còn hoang sơ, chưa bị tác động nhiều vì khách du lịch. Con đường dẫn xuống dưới chân đảo, gần chỗ neo thuyền. Ngày trước, nơi đây là một khu dân cư. Sau đó người dân tự nguyện di dời để xây dựng công trình thủy điện. Ở nhiều nơi trong lòng hồ, xưa là các thôn xóm nhưng người dân cũng đã tự nguyện dời đi.
Người lái thuyền cho biết, thường các đảo như đảo Su, không chỉ có cây cối mà cả những trảng cỏ. Vì thế nay người dân thường thả bò vào đó để tự đi kiếm ăn. Khi hết cỏ, cả đàn bò lại bởi đi qua đảo khác để kiếm thức ăn. Và cứ thế, bò được nuôi lớn một cách tự nhiên, ít cần đến bàn tay chăm sóc của con người.
Chỉ tay về phía bên phải của lòng hồ Phú Ninh, người lái thuyền cho biết thêm, đi thẳng lên là tới mỏ vàng Bồng Miêu, cách hồ khoảng 10 cây số. Mỏ vàng Bồng Miêu được Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu khai thác. Đây là liên doanh giữa Olympus Pacific Minerals Inc. của Canada, 80% vốn, với Công ty Phát triển khoáng sản và Công ty cổ phần Khoáng sản Quảng Nam, 20% vốn.
Thuyền rời đảo Su để đến đập chính. Từ đảo Su ra đập chính của hồ Phú Ninh mất khoảng 30 phút. Nước hồ trong xanh, sóng gợn nhè nhẹ. Từ thuyền nhìn về phía con đập không thấy được phía bên kia. Con đập dài khoảng 500m, chắn ngang dòng nước.
Sau đó, thuyền vội quay về bến vì đã quá trưa. Nhìn lại mặt hồ, chỉ thấy sóng gợn lăn tăn; ngước lên thì thấy trời vẫn xanh và mây trắng vẫn trôi lững lờ.
Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trở lại hồ Phú Ninh và vào một đêm hè có trăng. Vì đã nghe quảng cáo: khách sẽ được ngắm trăng - lung linh trên sóng nước như dát vàng lồng trong bóng núi chập chùng. Rồi khách cứ tự vác cần câu ra mà câu cá hoặc bủa lưới đánh cá và sau đó chế biến, thưởng thức “chiến lợi phẩm” ở ngay trên thuyền. Sau đó là chương trình giao lưu ca nhạc, cũng ở trên thuyền. Nghe thiệt hấp dẫn!
--------
Vài nét về hồ Phú Ninh
Hồ chứa nước Phú Ninh, nằm giữa lộ trình Quảng Ngãi - Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của Quảng Nam, 7 km về phía Tây. Hồ rộng 3.433 ha, chứa khoảng 344 triệu m3 nước, giáp với 4 xã và phường của huyện Núi Thành, thành phố Tam Kỳ và huyện Phú Ninh. Hồ được khởi công xây dựng từ năm 1977, đến năm 1986 thì hoàn thành.
Cho đến bây giờ vẫn chưa thể tính được bao nhiêu công sức đã được đổ ra bởi công trình hồ Phú Ninh được xây dựng chủ yếu bằng thủ công, chỉ sử dụng một ít máy móc. Trong suốt 10 năm, hàng vạn thanh niên xung phong và người dân Quảng Nam – Đà Nẵng đã lao động ngăn dòng sông Phú Hội, chặn dòng nước và làm nên hồ Phú Ninh, công trình thủy lợi lớn nhất miền Trung với mực sâu trung bình 32 mét, có nơi sâu trên 34 mét.
Hồi tháng 6 năm nay, Bộ VH-TT-DL đã trao quyết định và bằng công nhận hồ Phú Ninh là di tích quốc gia - danh lam thắng cảnh.
Đến tháng 8 năm nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt quy hoạch tổng thể dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ Phú Ninh với tổng diện tích hơn 1.200 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD. Dự kiến nơi đây sẽ có các hình thái như du lịch xanh, giải trí, mạo hiểm, giáo dục, văn hóa thiên nhiên và du lịch phục hồi sức khỏe.
--
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment