05 September 2009

Hội An - Du lịch và phát triển bền vững

Các bạn thân mến:

Mời tất cả đọc bài phỏng vấn thực hiện tại Hội An sau chuyến đi dạy học tại Tam Kỳ. Bản đăng báo sẽ ngắn gọn hơn.

Chúc các bạn an vui.

---

Ông Nguyễn Sự, bí thư thành ủy Hội An:


Chúng tôi muốn làm giàu lâu dài, chứ không chỉ biết có hôm nay

Ông Nguyễn Sự là người được cho có công đầu trong việc giữ gìn linh hồn Phố cổ Hội An, giúp cho Phố cổ giữ được hầu như nguyên vẹn hình hài thuở xưa, qua đó thu hút du khách gần xa. Trong một chuyến công tác đến Quảng Nam, chúng tôi đã trao đổi với ông Sự về xu hướng du lịch, vấn đề bảo tồn cũng như tương lai của Hội An.


Du lịch khắp nơi đang ế ẩm vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, còn Hội An thì sao?

Hội An cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong khi khách quốc tế giảm thì khách trong nước lại tăng.

Tính đến tháng 8, khách quốc tế đã giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng khách trong nước lại tăng 46%. Và tổng số lượng khách du lịch đạt khoảng 1,1 triệu lượt người, trong đó khách quốc tế khoảng 600.000, khách trong nước khoảng 500.000.

Lâu nay mình chỉ tập trung khai thác thị trường khách quốc tế mà quên đi rằng thị trường trong nước cũng rất phong phú. Tôi nghĩ, đây là vấn đề chiến lược chứ không phải thời vụ vì khách trong nước, đặc biệt là từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến du lịch Hội An chi tiêu rất thoải mái và ở dài ngày. Khách quốc tế ở khách sạn thì thường ăn trong khách sạn Còn khách trong nước tuy ở khách sạn nhưng lại ăn ở ngoài. Nhờ vậy nhiều người dân được nhờ.

Chỉ có dịch vụ mua sắm, may áo quần thì khách trong nước ít hơn khách quốc tế vì khách trong nước không có nhu cầu đó.

Tại sao khách quốc tế giảm còn khách nội địa lại tăng?

Thứ nhất là do cuộc sống của người dân hiện nay đã được nâng cao, họ có đủ điều kiện để đi du lịch. Thứ hai, con người phải chịu nhiều áp lực từ công việc nên họ muốn tìm một nơi nào đó để thư giản, nghỉ ngơi và Hội An là một nơi lý tưởng. Thứ ba, giữa thời kỳ kinh tế suy giảm, nhiều nhà kinh doanh nói đùa với tôi, đại ý rằng, đi chơi thì không lỗ nhưng đi làm thì … lỗ, nên để tránh lỗ, họ đã đi chơi! Thực ra, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, các dịch vụ ăn uống, khách sạn, ăn uống, …cũng trở nên rẻ hơn.

Trên thực tế, hiện nay, người dân có nhu cầu du lịch rất lớn. Nhiều cán bộ công nhân viên lâu nay không có nhu cầu đi chơi nhưng khi thu nhập tăng, lại có nhu cầu du lịch. Mặt khác, Hội An có những nét độc đáo mà những nơi khác không có: Phố cổ; bãi biển dài 7km; và Cù lao Chàm. Khách du lịch có thể tìm hiểu văn hóa tại Phố cổ rồi nghỉ ngơi giữa thiên nhiên tại biển và đảo.


Dù dịch vụ hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhưng tiềm năng phát triển du lịch của Hội An là rất lớn.

Hội An vừa kỷ niệm 10 năm nhận danh hiệu Di sản Văn hóa thế giới và Cù lao Chàm cũng vừa được công nhận là Khu dự trữ Sinh quyển thế giới. Sau đó thì sao nữa?


Việc Hội An được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới cách đây 10 năm là điều tất yếu vì với những di sản của mình, Hội An xứng đáng nhận được danh hiệu này. Cù lao Chàm được công nhận Khu dự trữ Sinh quyển thế giới cũng không phải chuyện ngẫu nhiên. Đó là do người dân ở đây đã ra sức giữ gìn rừng, biển cùng các nguồn tài nguyên khác. Vấn đề bây giờ là chính quyền và người dân phải làm gì để phát huy hết tiềm năng của Hội An.

Quan điểm của chúng tôi là bảo tồn để phát triển. Nếu bảo tồn không tốt, khu phố cổ sẽ mất, kiến trúc sẽ biến dạng. Khi đó Hội An không thể thu hút khách du lịch nữa vì chủ yếu khách đến đây là để tìm sự tĩnh lặng vốn có của nơi đây. Hơn nữa, do du lịch phát triển, nhu cầu buôn bán sẽ ngày càng lớn. Phố cổ có thể trở thành cái chợ và nếu buôn bán chụp giựt, nếp sống của người dân có thể sẽ bị thay đổi.

Cù lao Chàm cũng phải được bảo tồn tốt. Không thể phát triển nghề đánh bắt cá và khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên biển. Ngư dân trước đây sống bằng nghề đánh bắt cá. Giờ đây, chính họ sẽ là người làm dịch vụ cho du khách đến thăm cù lao Chàm. Khách du lịch đến đây để ngắm san hô, nghỉ ngơi, quan sát các loài động thực vật… Dịch vụ này mang lại nhiều tiền hơn là đánh bắt hải sản.

Như vậy, dường như ông cũng e ngại du lịch sẽ phá vỡ sự cân bằng của cuộc sống, con người và thiên nhiên tại Hội An. Điều đó đã xảy ra chưa?

Chúng tôi hướng đến phát triển bền vững để con cháu sau này còn có thể làm giàu được nữa. Chúng tôi không muốn chỉ kiếm tiền cho hôm nay.

Nếp sống tại Phố cổ có thay đổi nhiều không?

Đã bắt đầu có thay đổi nhưng chúng tôi đang chấn chỉnh lại. Trong Phố cổ, việc buôn bán được cho phép nhưng phải đưa vào trong nhà. Còn những loại hình kinh doanh không phù hợp đều bị cấm. Chẳng hạn như dịch vụ rửa và sửa chữa xe gắn máy, các dịch vụ gây tiếng ồn khác hay kinh doanh “hiện đại”quá mức đều không được phép.

Về nếp sống thì phải làm cho người dân tự hào và gìn giữ nếp sống hiền hòa, văn hóa vốn có của mình. Bởi vì việc giữ được nếp sống như lâu nay sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đa số người dân đều có ý thức về điều này. Giữ gìn giá trị nhân văn sẽ mang lại lợi ích kinh tế.

Vừa qua đã có nhiều hội thảo lớn về vấn đề nước biển dâng. Việt Nam được dự báo là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn. Nạn ngập lụt đã xảy ra từ lâu tại Hội An. Vậy Hội An có những biện pháp gì để đối phó với tình hình này?


Biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính toàn cầu. Một mình Hội An không giải quyết được. Hội An nằm ở vùng hạ lưu sông Thu Bồn; ngập lụt là chuyện bình thường. Từ xưa người dân ở đây đã nhận thấy điều này nên nhà ở Hội An đều được làm bằng gỗ tốt. Chính việc ngập lụt đã tạo ra Hội An. Tuy nhiên, trận lụt lớn như năm 1999 và 2007 là bất thường.

Nhiều người cho rằng Hội An nên đắp những con đê để ngăn không cho nước vào. Nhưng làm như thế sẽ không tốt cho Hội An vì không còn đường thoát nước khi hết mưa lũ. Hội An phải chấp sống chung với lũ lụt. Đồng thời cũng phải biết cách giữ gìn. Những ngôi nhà ở vùng bên kia sông Thu Bồn phải được nâng cao và xây dựng kiên cố để chống lại lũ lụt. Một mặt phải cho xây dựng bờ kè bên kia sông. Mặt khác phải cho nạo vét lòng sông để nước thoát nhanh. Còn đối với phố cổ thì phải trùng tu nhà cho thật tốt.

Nhưng đó là vấn đề ngập lụt thông thường. Còn anh đã nghĩ đến vấn đề sau này, khi nước biển dâng do biến đổi khí hậu, Hội An có thể bị vùi lấp?

Đó là vấn đề chiến lược; một mình Hội An không thể làm được gì. Vấn đề cần làm bây giờ là cố gắng bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Các bãi biển, chẳng hạn, đã bị khai thác để làm resort. Điều này tốt cho phát triển nhưng các rặng phi lao chắn sóng chắn và cát đều bị chặt bỏ. Hậu quả là chỉ cần một cơn bão cũng có thể gây ra tác hại nặng nề. Vì vậy hiện nay, chúng tôi đã cho trồng lại khá nhiều phi lao để bảo vệ bờ biển và Hội An.

Người ta nói Hội An được như ngày hôm nay là nhờ công của ông Nguyễn Sự. Sau này không còn ông Sự nữa thì Hội An sẽ ra sao?

Thời kỳ khó khăn năm 1975, không ai nghĩ Hội An có thể trở thành di sản văn hóa thế giới nhưng người dân Hội An đã biết gìn giữ Phố cổ. Khi đó, nhà nào cũng có khung dệt nhưng không một người Hội An nào phá cột nhà để làm khung dệt. Cũng không có đình chùa miếu mạo nào bị phá cả. Các thế hệ người Hội An đã biết gìn giữ Hội An.

Tôi tin, sau này dù tôi nghĩ hưu, vẫn sẽ có những người khác tiếp tục công việc của tôi, thậm chí sẽ còn làm tốt hơn nữa.

--
box:

Không có chuyện resort chiếm hết bờ biển

Sau khi cuộc phỏng vấn “chính thức” chấm dứt, ông Nguyễn Sự vẫn còn nhiều “tâm sự”, thông tin muốn nói ra. Xin trích giới thiệu thêm thông tin đáng quan tâm về cân bằng lợi ích của nhân dân với tăng trưởng kinh tế.

Năm 1997, khi quy hoạch bãi biển phát triển du lịch, riêng Quảng Nam, tỉnh đã duyệt quy hoạch tất cả các dự án sát nhau, không có chỗ để người dân ra biển. Tôi phản đối chuyện này. Cần có các resort để phát triển nhưng giữa các khu resort phải có khoảng cách nhất định (ít nhất 80 mét) để khu đó trở thành khu cộng đồng, có cây xanh. Biển là biển của nhân dân và nhân dân phải được hưởng lợi từ biển. Người dân cần được thấy biển để có cảm giác trở về với tự nhiên và hưởng luồng gió biển thổi vào.

Và du khách đến Hội An, nhiều người không nghỉ ở resort hay khách sạn, vẫn muốn đến biển. Lối đi nào để họ có thể ra biển, nếu không có khoảng cách giữa các resort? Do đó các dự án không thể nằm sát nhau, chắn hết lối đi ra biển.

Các dự án cũng bị buộc phải nằm cách mức thủy triều 100m; còn 100m trở ra là của nhân dân. Như vậy, bờ biển là bờ biển công cộng, tại đó người dân có quyền vui chơi, sinh hoạt, kéo thuyền ra biển đi đánh cá, … Vì vậy không thể có chuyện các khu resort được xây dựng sát nhau và chắn biển. Chúng tôi đã phải đấu tranh quyết liệt để chống lại điều này. Và đã thành công.

Hơn nữa, Hội An không chỉ có du lịch biển.

-----
Vài nét về ông Nguyễn Sự

Ông Nguyễn Sự sinh ra và lớn lên tại Hội An. Năm 1994, ông làm chủ tịch thị xã Hội An.

Sau đó ông giữ chức bí thư Thị ủy Hội An rồi bí thư Thành ủy Hội An, khi thị xã này được chuyển thành thành phố vào năm 2008.

Ông đi bộ đội từ năm 1976 đến 1983. Đây là khoảng thời gian, mà theo ông, đã giúp ông ngộ ra một điều: phải sống như thế nào để sau này không cảm thấy tự xấu hổ về mình và phải xấu hổ với con cái mình. Ông cũng từng làm công tác Đoàn, bí thư xã và trưởng phòng tài chính - kế hoạch thị xã.

Năm 2001, ông Sự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc trao Giải thưởng dự án kiệt xuất về Hợp tác bảo tồn và Phát huy giá trị di sản văn hóa Phố cổ Hội An. Năm 2005, ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

No comments: