01 August 2009

Phục vụ kiểu ngân hàng Singapore

Mời các bạn đọc một bài vừa viết xong.

Chúc tất cả vui.

--

Ngân hàng ở nhiều nước, khách vô ít nghe tiếng cười, lời chào; cũng ít được nhân viên chủ động đề nghị giúp đỡ. Còn ngân hàng ở Singapore thì ngược lại.


Sau khi đến Singapore, buổi sáng ngày tiếp theo, vợ tôi và tôi đã đưa con gái ra một chi nhánh ngân hàng DBS trong Phố Tàu Singapore. DBS là ngân hàng được Đại học Quản lý Singapore (SMU), mà con tôi vừa trúng tuyển vào năm thứ nhất, giới thiệu đến để vay thêm tiền đóng học phí.

Quản trị xếp hàng

Qua khỏi cửa chi nhánh là tới một cái quầy. Lúc đó, vào khoảng chừng 10 giờ, không có khách hàng nào ở đấy. Người nhân viên đứng sau quầy, sau khi chào chúng tôi, đã lấy ra một tờ giấy cỡ tấm danh thiếp, viết số thứ tự lên đấy rồi đưa chúng tôi tới một căn phòng nhỏ phía trong. Tờ giấy đó ghi: “Ngân hàng DBS - Bộ phận Quản trị Xếp hàng - Luôn hoạt động để phục vụ quý vị tốt hơn”. Người nhân viên đó cũng có chức vụ đàng hoàng: Queue Manager - tạm dịch: Trưởng phòng Xếp hàng!

Chúng tôi vào phòng và gặp một nhân viên khác, chắc là chuyên về tín dụng. Bà ấy xem giấy tờ vay tiền, chủ yếu là xem tờ đơn vay học phí gọi là “tuition fee loan” do SMU gởi cho sinh viên.

Sinh viên người Singapore hoặc thường trú tại đây chỉ cần ra ngân hàng cùng với người bảo lãnh và cả hai cùng ký vào đơn trước mặt một nhân viên của ngân hàng. Đối với sinh viên nước ngoài thì công chứng trong nước trước chữ ký của mình lẫn người bảo lãnh. Và chỉ một người bảo lãnh là đủ, có thể là cha, mẹ, anh em, bà con, thậm chí người không có quan hệ huyết thống cũng được. Hai điều kiện chính để làm người bảo lãnh là phải tuổi từ 21 đến 60 và không bị phá sản. Thủ tục đó hàm ý, sau này người được bảo lãnh không trả tiền vay thì người bảo lãnh phải trả.

Trước khi sang đảo quốc Sư tử, chúng tôi đã được bà Kiều Ngọc Hương, giám đốc INEC, công ty tư vấn du học đại diện SMU tại Việt Nam, khuyên là nên đến Tổng lãnh sự quán Singapore ở TP.HCM để công chứng chữ ký, chỉ mất 12 đô Mỹ, mà lại đỡ phải phiền hà. Bởi lẽ, nếu công chứng tại các cơ quan Việt Nam thì phải thuê dịch tờ đơn trên ra tiếng Việt, sẽ mất thời gian và tốn thêm tiền.

Cha con chúng tôi đã đến văn phòng Tổng lãnh sự quán Singapore ở Q1, TP.HCM vào một buổi sáng. Mọi việc diễn ra khá đơn giản. Cả cha lẫn con đều ký giấy tại chỗ và đưa cho nhân viên tiếp nhận hồ sơ; nộp bản sao hộ chiếu của cha và con để Tổng lãnh sự quán lưu và đưa bản gốc để đối chiếu. Nhân viên này hẹn chiều đến lấy giấy tờ, “vì các sếp sáng nay đi vắng hết”. Thế là xong.

Chấm điểm phục vụ

Hãy trở lại với việc làm thủ tục vay tiền tại chi nhánh ngân hàng DBS ở Phố Tàu.

Người nhân viên làm thủ tục tên là Marvis Loo Wai Phong. Bà đã đọc khá kỹ giấy tờ - vay tiền mà! Nhưng rồi cũng chỉ hỏi thêm con tôi địa chỉ và điện thoại (khi ở TP.HCM cháu chưa biết nơi sẽ ở Singapore và chưa có điện thoại số Singapore nên không điền hai thông tin này vào đơn). Và bà tự ghi vào đơn các thông tin đó rồi đưa đi trình ký.

Sau đó, bà giao cho chúng tôi một bản có chứng nhận “sao y bản chính”. Tất cả hết chừng 10 phút. Không hành không hạ người được bảo lãnh lẫn người bảo lãnh. Chuyện người bảo lãnh có phá sản hay không, có đủ tiền để bảo lãnh hay không cũng chẳng thấy kiểm tra. Hẳn ngân hàng có biện pháp khác hoặc thấy không cần phải kiểm tra.

Trên bàn bà Wai Phong có một cái máy cỡ cuốn từ điển Anh Việt của Viện ngôn ngữ học, nằm phía bên phải nếu nhìn từ chỗ khách ngồi. Rất dễ thấy. Mặt trước của máy ghi “Hôm nay, tôi đã phục vụ quý vị tốt như thế nào? Và “Hãy bấm nút để đánh giá sự phục vụ của tôi, giúp ngân hàng chúng tôi phục vụ quý vị tốt hơn”. Tiếp đến là hình ba gương mặt (kiểu giới trẻ hay dùng qua mạng để thể hiện cảm xúc). Đó là cười nhăn răng (tượng trưng cho đánh giá “cực kỳ hài lòng”); cười mỉm (hài lòng); và miệng mếu (cần được cải thiện).

Đương nhiên, con tôi bấm vào chỗ gương mặt cười tươi nhất.

Liên quan đến ngân hàng, sau khi con tôi nhận được thẻ tạm trú 4 năm diện sinh viên và cả thẻ sinh viên SMU - tức có thể mở tài khoản ngân hàng, hai cha con đã ra một chi nhánh của ngân hàng UOB. Cũng ở Phố Tàu. Cháu muốn giao dịch với ngân hàng này vì cho rằng nó lớn, do thấy có nhiều cơ sở ở đảo quốc Sư tử. Trên thực tế, sau này mới biết, DBS cũng khá lớn, sở hữu cả một ngân hàng khác là POBS (mua lại vào năm 1998).

Sinh viên cần phải mở tài khoản loại vãng lai để SMU có thể chuyển tiền vào. Vì ngoài khoản vay học phí nói trên, sinh viên còn được vay một khoản nữa gọi là “vay học tập” - study loan, do trường quản lý. Hơn nữa, nhờ đó gia đình còn có thể gởi thêm tiền qua cho con em mình.

Mở cửa chào khách

Mở tài khoản tại UOB cũng có cái lợi. Ngân hàng này đã có chi nhánh tại TP.HCM trong khi DBS chỉ mới mở văn phòng đại diện ở Hà Nội, không được phép kinh doanh tại Việt Nam. UOB cũng đã gia nhập hệ thống liên kết thẻ VNBC do ngân hàng Đông Á sáng lập. Điều đó có nghĩa khách hàng của UOB được phép thực hiện các giao dịch tại gần 900 máy rút, gởi tiền tự động ATM và hơn 1.000 điểm chấp nhận thanh toán của hệ thống VNBC tại Việt Nam.

Chín giờ rưỡi chi nhánh UOB tại Phố Tàu Singapore mới mở cửa, nhưng trước đó đã có 5 người xếp hàng. Đến giờ cửa mở, khách bước vào sẽ thấy nhân viên ngân hàng đứng vòng cung trong sảnh rạp người xuống chào theo kiểu Nhật. Chúng tôi hỏi thủ tục mở tài khoản và được hướng dẫn bấm số chờ phục vụ. Nhưng vì bấm đầu tiên nên được mời ngay tới quầy làm thủ tục mở tài khoản. Những người khác chỉ giao dịch gởi tiền và rút tiền thông thường nên đã vào thẳng các quầy, không cần lấy số. Họ chỉ sắp hàng theo thứ tự: ai tới trước đứng trước, ai tới sau đứng sau.

Lần này, một nhân viên nam tiếp cha con chúng tôi. Cũng nhẹ nhàng và nhanh nhẹn. Về thủ tục, con tôi còn thiếu giấy chứng nhận chỗ ở. Anh này nói rằng, giấy gì ghi địa chỉ cũng được, miễn là chính thức, để có cái mà lưu hồ sơ.

Tôi chợt nhớ tới đơn vay học phí đã được bà Wai Phong thuộc ngân hàng DBS giao cho bản sao y có đóng dấu của DBS nên hỏi, nộp bản sao đó được không. Người nhân viên trả lời: “Dạ được”. Cũng là linh động nhưng không bằng DBS - chỉ cần cho biết địa chỉ, không cần chứng minh, xác nhận chi cả!

Tôi quay về khách sạn ngay trong Phố Tàu, cách chi nhánh UOB chừng 5 phút đi bộ, lấy bản sao y đem lại. Và rồi người nhân viên UOB tiến hành thủ tục mở tài khoản, nhận tiền, mất chừng 15 phút. Con tôi được cấp một cái thẻ rút, gởi tiền tự động ATM và một xấp chi phiếu.

Tiếc rằng UOB không có “máy chấm điểm” như DBS. Nếu không chắc người nhân viên trên cũng sẽ được cháu cho điểm. Nhưng hẳn chỉ là…điểm cười mỉm!

2 comments:

Unknown said...

Ngân hàng của Sing làm việc nhanh gọn quá, ngân hàng Việt Nam chừng nào làm được giống vậy chắc mọi người sẽ thích đi ngân hàng hơn. Em thấy ngân hàng nhà nước vẫn còn tình trạng xem thường khách hàng, còn ngân hàng tư nhân thì phục vụ tốt hơn nhưng giấy tờ thì vẫn rườm rà.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Ngọc.