08 August 2009

Chứng minh tài chính... ngược

Mời các bạn đọc một bài ngắn về trợ cấp, vay tiền ăn học đại học ở Singapore.

Chúc tất cả vui.

--

Chứng minh tài chính … ngược


Đối với sinh viên chính quy không có học bổng, ba trường đại học công lập và các cơ sở đào tạo công lập thiên về thực hành (kiểu trung học nghề) đều có chế độ trợ cấp không hoàn lại và cho vay ăn học dành cho người trong nước lẫn người nước ngoài. Người xin vay chỉ cần chứng minh là gia đình mình không khá giả là được. Các trường cũng dành thêm một số phụ cấp và phần thưởng hiện kim khác cho sinh viên nghèo hoặc học giỏi.

Trong bài này, chỉ giới thiệu chế độ trợ cấp và cho vay ăn học chủ yếu dành cho sinh viên nước ngoài và của Đại học Quản lý Singapore (SMU), một đại học có 6 trường thành viên. Ghi chú: Từ “đôla” dùng dưới đây là chỉ đôla Singapore. Hiện nay, mỗi đôla của đảo quốc Sư tử đổi được khoảng 12.500 đồng.

Về trợ cấp thì có một loại chính từ ngân sách Chính phủ gọi là tuition grant (một kiểu học bổng bán phần). Không muốn nhận trợ cấp, sinh viên phải đóng đến 27.900 đôla học phí/ năm. Nếu nhận, sinh viên Singapore sẽ chỉ phải đóng 10.050 đôla khi học trường luật của SMU; sinh viên nước ngoài, 15.080. Vào học các trường thương mại, kinh tế, kế toán, công nghệ thông tin, khoa học xã hội của SMU, sinh viên bản địa nộp học phí 9.130 đôla; sinh viên các nước, 13.700 đôla.

Điều kiện để nhận trợ cấp này là cam kết, sau khi ra trường, sẽ làm việc 3 năm cho một công ty đăng ký tại Singapore nhưng không nhất thiết phải công tác tại đây, mà có thể tại các cơ sở hoặc liên doanh của công ty đó ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.

Vay thì có hai loại chính và do ngân hàng cung cấp. Thứ nhất, vay học phí (tuition fee loan). Đây là khoản vay tương đương 90% học phí mà sinh viên Singapore phải trả, sau khi trừ khoản trợ cấp không hoàn lại của Chính phủ. Như vậy sinh viên nước ngoài học trường Luật sẽ được vay 9.045 đôla; học 5 trường còn lại được vay 8.217 đôla.

Thứ nhì, vay học tập (study loan) gồm 2 món. Món 1 tương đương 10% học phí sinh viên bản địa phải trả; món 2 là 3.600 đôla dành cho ăn ở trong một năm.

Điều kiện chính để vay hai khoản trên là sinh viên phải nhận trợ cấp của Chính phủ, có người bảo lãnh và chứng minh rằng gia đình mình có khó khăn tài chính tính theo mức sống Singapore (thu nhập của cả gia đình dưới 1.200 đôla). Sau khi ra trường, sinh viên có đến 20 năm để trả lại hai khoản vay này; tối thiểu 200 đôla/tháng.

Về lãi suất thì theo lãi suất bình quân hiện hành của ba ngân hàng chính của Singapore (hiện nay là 4,75%/năm). Tuy nhiên, chỉ sau khi ra trường, sinh viên mới phải trả lãi. Thật giống kiểu Ngân hàng Thế giới cho vay dài hạn đối với các nước đang phát triển. Nếu tính mức hoàn trả cộng với tốc độ trượt giá và mất giá của đồng tiền thì gánh nặng trên đã biến thành “gánh nhẹ”! Cần biết thêm: lương khởi điểm trung bình của sinh viên mới ra trường là 3.000 đôla rồi sẽ tăng dần trong những năm sau – 5.000, 7.000, thậm chí 10.000 hoặc hơn nữa nếu làm việc giỏi…

No comments: