04 July 2009

Thi vào đại học công lập Singapore

Mời các bạn đọc một bài mới viết (dự kiến đăng báo).

Chúc tất cả cuối tuần thư giãn.

------------

Một hành trình vào Đại học

Không biết tục sờ đầu rùa đá Văn Miếu cầu cho thi đậu có tự bao giờ, nhưng khi con gái tôi ra Hà Nội và đến đó chơi thì cháu cũng xoa đầu vài cụ rùa. Cháu làm lén vì mắc cỡ nhưng tôi thấy, chỉ không kịp chụp hình!

Lúc đó là tháng 5, đã kết thúc năm học bậc trung học và tiểu học và là mùa ôn thi tốt nghiệp phổ thông trung học lẫn thi đại học. Chắc vì vậy mà tôi thấy một số em học sinh cũng vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám, xoa xoa đầu các cụ rùa đội bia tiến sĩ. Không biết bao nhiêu thế hệ học trò đã vào đây và làm như thế khiến đầu các cụ ngày nay bị mòn nhẵn bóng, đổi màu. Thật ra chưa hẳn vì mê tín. Có thể xem đó như một nét truyền thống đáng yêu không nên cấm đoán (nhưng nên giữ trật tự vào những lúc đông sĩ tử). Bởi không học thì có xoa hết đầu 82 cụ rùa đội bia tiến sĩ trong trường đại học đầu tiên này của Việt Nam (thành lập năm 1076) cũng chưa chắc đã thi đậu!



Xoa đầu rùa, một nét truyền thống.

Tìm hiểu SMU

Đối với con tôi, sờ đầu rùa chỉ là chuyện ngẫu nhiên do được ra Hà Nội; từ hồi nào đến giờ cháu học hành khá siêng năng dưới sự kèm cặp của mẹ cháu. Hơn nữa, kể từ năm ngoái, cháu đã nuôi mộng đi học nước ngoài nên càng lo chuyện học hơn. Và cháu muốn thi vào trường Thương mại Lee Kong Chian của Đại học Quản lý Singapore (SMU).

Trước khi cháu nộp đơn vào SMU, tôi đã giúp cháu tìm hiểu cả ba đại học công lập của Singapore. Cả ba đều là những trường tốt; hai trường kia - NUS và NTU - to hơn và có phần nhỉnh hơn về mặt thương hiệu, đều là các cơ sở đại học lâu đời, được "kiểm nghiệm", trong khi SMU thì chưa. Cuối cùng cháu đề nghị chọn SMU.

Cháu được "tuyên truyền" rằng lương ra trường của SMU cao hơn NUS lẫn NTU (thực tế thế nào chưa biết, tôi cũng chỉ nghe nói; sau này còn nghe nói hai trường kia cũng lương rất cao đối với một số ngành !) Rồi học SMU là học kiểu Mỹ, cần sự năng động, không phải học gạo; trường Thương mại Lee Kong Chian của SMU lại dựa trên mô hình trường Thương mại Wharton thuộc Đại học Pennsylviana - một trong những trường hàng đầu về đào tạo quản trị kinh doanh bậc của Mỹ. Vào SMU thì có một học kỳ được đi học ở một trường hợp tác ở Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc,...(thật ra, hai đại học kia cũng vậy). Và SMU nằm ngay trung tâm Singapore, gần phố Orchard đông vui. Vì thế cháu khoái.

Riêng tôi lại "mê tín" hai câu nói của giáo sư Howard Hunter, Hiệu trưởng SMU: "Chúng tôi tìm cách đào tạo con người toàn diện bằng việc cung cấp cho sinh viên kiến thức cứng, chuyên nghiệp và cả kỹ năng mềm cần thiết để họ có thể hoạt động có hiệu quả, sáng tạo và mềm dẻo như là các nhà lãnh đạo của thế kỷ 21". Và "Không một sinh viên xứng đáng nào lại bị từ chối nền học vấn SMU chỉ vì vấn đề phí tổn". Câu thứ hai có thể được hiểu như sau: đã thi đậu rồi thì nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện để ăn học, bởi câu này được ghi ngay tại trang về học phí và các hỗ trợ tài chính trên website SMU.

Thật ra, NTU, NUS đều có chế độ học bổng, tài trợ học phí, cho vay ăn học. Đây là chính sách của Chính phủ Singapore nhằm khuyến khích thanh niên trong nước học tập và thu hút thanh niên nước ngoài có tiềm năng phát triển đến đảo quốc Sư Tử (nhận tài trợ thì phải làm việc tối thiểu ba năm cho một công ty đăng ký tại Singapore).

Năm 1998, sau cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á, Singapore đã lập ra hẳn một cơ quan gọi là “Ủy ban Tuyển dụng Tài năng Singapore”. Tháng 10/2001, tại một diễn đàn đại học, ông Lý Quang Diệu, cựu Thủ tướng nước này, đã phát biểu: "Muốn thành công trong các lĩnh vực nghệ thuật, y học, giáo dục..., cách duy nhất Singapore phải thực hiện là mở rộng việc tìm kiếm nhân tài trên khắp thế giới".

Ngoài ba đại học công lập nói trên, còn có các trường cao đẳng, dạy nghề công lập được hưởng chế độ này, như Học viện Nghệ thuật Nangyang và các trường Bách khoa (hết lớp 10 đã có thể thi vào). Nhưng ông hiệu trưởng SMU đã làm cho ấn tượng thêm lên bằng một câu nói hấp dẫn!

Và hẳn gia đình tôi cũng giống một số gia đình mong muốn cho con du học Singapore, ngoài chuyện giáo dục công lập ở đảo quốc này không tồi lại được hỗ trợ tài chính, còn có thêm một lý do: Singapore gần Việt Nam, qua lại dễ dàng.



Một chuyến đi Singapore cùng các học viên báo chí (tháng 2/2006); người đầu tiên, tính từ phải sang, là tác giả.

Làm hồ sơ


Sau khi con tôi đề nghị được thi vào SMU, tôi đã nhờ Công ty tư vấn du học INEC, đại diện cho SMU tại Việt Nam, giúp làm hồ sơ. Nên qua một công ty du học vì việc này khá phức tạp. Cũng không tốn kém lắm: chừng 1.800.000 đồng. Bởi theo thông lệ thì các trường đều có trả phí tuyển sinh cho các công ty du học.

Vì SMU là trường theo kiểu Mỹ nên đòi hỏi, ngoài việc học bạ trung học (chủ yếu từ lớp 10) phải “đẹp”, tham gia ngoại khóa năng động, tốt nghiệp phổ thông trung học hạng cao (có thể bổ túc sau), còn phải thi SAT 1 được nhiều điểm. Có một ngoại lệ: học sinh đậu tú tài quốc tế tại Singapore thì khỏi phải thi SAT 1. Nhưng có lẽ phần thi đặc biệt nhất mà thí sinh cần phải vượt qua là cuộc phỏng vấn với giảng viên của trường.

Con tôi đã thi SAT 1 đến ba lần. Lần đầu được 1890 điểm, chưa đủ để được xét vào SMU; trường đòi tối thiểu 1900/2400 điểm (điểm tối đa của SAT 1 mà hẳn không ai đạt được). Lần thứ hai được 1910 điểm. Như thế cũng chỉ mới trên trung bình một chút, chưa chắc ăn nên cháu lại ôn luyện tiếp, thi thêm lần thứ ba (đầu tháng 5/2009); lần này thì đạt đến 2010 điểm.

SAT 1 là kỳ thi kiểm tra khả năng đọc hiểu, toán học và viết lách với mỗi phần tối đa 800 điểm. Các đại học hàng đầu của Mỹ đều sử dụng kết quả kỳ thi này trong tuyển sinh.

Nhưng điểm SAT 1 cao chỉ là một trong những yếu tố - tuy quan trọng - được xem xét khi tuyển chọn sinh viên. Theo bà Jady Koh, thuộc Ban tuyển sinh SMU, phỏng vấn cũng là yếu tố quyết định đối với việc nhận hay không nhận một thí sinh. Bà Lâm Hoàng Mỹ Hảo, phó Giám đốc INEC, thì cho biết có thí sinh thi SAT 1 được trên 2100 điểm nhưng vẫn rớt "vì em đó đã trả lời phỏng vấn không suôn sẻ".

Trả lời phỏng vấn

Sau khi đạt yêu cầu về điểm SAT 1, con tôi đã được nhà trường hẹn phỏng vấn (gần cuối tháng 5). Một cô giáo từ Singapore đã gọi điện đến nhà để phỏng vấn. Cháu đã được INEC “luyện thi phỏng vấn”; INEC dự trù sẽ có câu hỏi thời sự về khủng hoảng kinh tế thế giới. Quả là cô giáo có hỏi câu này. Lẽ dĩ nhiên, còn có những câu thường được hỏi trong những cuộc phỏng vấn tuyển sinh: Tại sao muốn học SMU? Thú giải trí là gì? … Cuộc phỏng vấn qua điện thoại kéo dài chừng 10 phút.

Theo cháu, cô giáo luôn miệng nói “good, good” (tốt, tốt) sau mỗi lần cháu trả lời câu hỏi. Đặc biệt, cháu cho biết, cô rất tán thưởng chuyện cháu đang làm, ngoài việc học: thành viên của nhóm quản trị một trang web âm nhạc thanh thiếu niên. Chả là SMU đòi sinh viên phải có cả óc lãnh đạo lẫn sự năng động. Mà quản trị trang web là năng động, là lãnh đạo rồi!

Sau cuộc phỏng vấn chừng 10 ngày, con tôi thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Một tuần sau có nhân viên tuyển sinh của SMU gọi điện tới nhà cho cháu, nói khi nào có kết quả thi thì gởi ngay qua cho trường. Những ngày chờ kết quả, tôi không tài nào ngủ được, vợ tôi cũng thế. Cả hai chúng tôi đều nóng ruột, bồn chồn.

Đến chiều 19/6 vẫn chưa có tin tức gì, tôi viết thư điện tử cho bà Koh thuộc Ban tuyển sinh SMU, trình bày việc chưa có kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học, e bên ấy trông (thiệt tình tôi cũng...sợ trễ, hết hạn xét hồ sơ). Bà nhanh chóng trả lời, nói rằng khi có kết quả trên mạng thì báo cho bà ấy liền, nhưng nhất thiết phải nộp giấy chứng nhận, sao chụp và gởi kèm theo thư điện tử trước cũng được. Tôi đã làm như thế sau khi có kết quả trên mạng và con tôi nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (điểm cao).

Thêm chừng vài ngày nữa và gia đình biết tin cháu được nhận vào trường Thương mại Lee Kong Chian của SMU - nguyện vọng một của cháu; nguyện vọng hai là trường Khoa học xã hội, nguyện vọng ba, trường Kinh tế. Quả là khá nhanh. Tuy nhiên, về nguyên tắc, đến khoảng giữa tháng tám, cháu mới phải sang Singapore nhập học.

Nay thì chuyện thi tuyển của cháu đã xong. Lại bắt đầu một quá trình mới đối với gia đình: Tìm hiểu sâu hơn về SMU và đặc biệt là kiếm chỗ trọ gần trường cho cháu.

Tôi đã dặn thêm cháu: khi qua đó phải cố gắng học để khỏi phụ lòng cha mẹ (mẹ cháu có vai trò rất lớn: chở đi học, nhắc học bài, an ủi cháu. Có lần cháu khóc vì quá mệt, mẹ cháu khóc theo, cả đêm không ngủ). Cháu trả lời: “ Ba lấy hết cái làm biếng của con rồi nên con phải làm siêng! Ba đừng lo! ”

7 comments:

Anonymous said...

Xin chúc mừng thầy và gia đình. Em ở nhà chắc là vui lắm vì ước mơ đã thành sự thật. Chúc em có bước khởi đầu tốt đẹp, thành công trên đường đời.
Nhưng em nghĩ, việc học của em ở nhà suôn sẻ và may mắn như vậy không chỉ nhờ vào việc cố gắng học của em, mà còn do thầy đã cống hiến hết sức mình cho việc dạy học. Quả là ông trời có mắt!
Cũng nói thêm là em rất thích bài viết trên của thầy, cách dẫn chuyện rất nhẹ nhàng, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc.
Thưa thầy, sắp tới em có một việc muốn nhờ thầy, cũng về công việc giảng dạy. Ở đây không tiện, em sẽ liên lạc với thầy qua điện thoại ạ. Chúc thầy và gia đình luôn khỏe!

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Phương Anh. Em cứ gọi điện. Chúc em vui vẻ.

Anonymous said...

Anh Tran oi, em con phai hoc Anh nhieu ve cach viet. Em khoai nhat cau ket bai,nhe nhang ma tham thia lai rat teu :-)

Em ML Ha Lan

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Minh.

Trường Huy said...

Chúc mừng thầy và gia đình,
Khi nào có dịp ra Nha Trang, thầy sẽ phải khao lớp BCNT về việc này nhé! Hihi.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Huy. Chắc chắn như thế!

Unknown said...

Em cực kỳ khoái câu nói của con thầy mà thầy dùng để kết thúc câu chuyện!! hihi

HIẾU HẠNH BCK06