Các bạn thân mến: Mời các bạn đọc 1 bài của người quen với tôi là anh Hồng Lê Thọ viết cách đây hơn 1 năm nhưng vừa mới gởi cho tôi.
Chúc tất cả an lành
--
Em còn nhớ hay em đã quên…
Bài hát với giọng ca Hà Ngọc Vân
Tôi còn nhớ như in một kỉ niệm êm đềm về bài hát “Em còn nhớ hay em đã quên” của Trịnh công Sơn. Bây giờ mỗi khi được dịp nghe lại, hay văng vẳng đâu đây… lòng lại bồi hồi, xúc động vô ngần, bao nhiêu hình ảnh thân thương lại trở về, nhẹ nhàng, da diết.
Em ra đi nơi này vẫn thế
Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ
Vườn xưa vẫn có tiếng Me ru
Có tiếng em thơ
Có chút nắng trong, tiếng gà trưa…
Mùa đông năm 1981, lần đầu tiên trở về thăm quê hương sau 14 năm xa cách, bước vào thủ đô Hà nội mà lòng tần ngần, cứ ngỡ trong mơ vì vốn là người sinh ra và lớn lên ở miền Nam, chỉ biết Hà nội trong sách vở, và gần nhất là những câu chuyện tản mạn, văn thơ từ miền bắc gửi sang Tokyo trong thời chiến tranh, qua các đoàn đại biểu của nước ta qua làm việc bên nầy kể lại. Khám phá nổi nhớ Sài gòn của người Hà nội qua “Em còn nhớ…” ngay giữa lòng thủ đô vào những ngày vừa kết thúc cuộc chiến.
Trong thời bom đạn người Hà nội thương nhớ về Nam qua “bài ca hi vọng” mượt mà, thiết tha:
Từng đôi chim bay đi
Tiếng ca rộn ràng
Cánh chim xao xuyến…
(Văn Ký)
Thì sau chiến tranh người ta đã ngân nga những khúc tình ca trong đó Trịnh Công Sơn được yêu mến đến ngần nào!
Lần đầu tiên tôi được gặp gỡ bài hát nầy của Trịnh Công Sơn trong một khung cảnh đầy ấn tượng, một cái duyên lạ lùng… đến ngạc nhiên vì anh T. một cán bộ ngoại giao nước ta sang đây vào mùa hè 1979, trước khi lên đường trở về đã trao tặng một một bọc giấy, mở ra mới biết đó là dăm gói chè Thái nguyên và một cuốn băng Cassette chen lẫn trong những bài hát cách mạng quen thuộc, là bài hát “Em còn nhớ …” rất bất ngờ. Lần đầu tiên nghe bài hát nầy mà lòng thổn thức, rưng rưng trước lời gửi gắm của anh em trong nước,gợi lại biết bao nỗi niềm của người ở lại gửi cho kẻ ở phương xa, môt chút nắng của Sài gòn, những hạt mưa trong đêm, tiếng xe ngựa thồ lọc cọc sáng sớm ngoại ô xa vắng và cả tiếng hàng quán xôn xao…hình ảnh của thành phố thu nhỏ, vỏn vẹn trong một bài hát ngắn mà sao sống động đến thế.
Ngoài khả năng sáng tác âm nhạc, tạo nên giòng điệu gợi nhớ, trầm buồn và tĩnh lặng… hẳn Trịnh công Sơn còn là người vẽ tranh bằng ngôn từ, khó có ai qua được . Sự đối chọi(contrast) về sắc màu giữa sáng và tối trong một bức tranh là điều dễ hiểu nhưng điểm “tối” trong nhạc là được làm “sáng” trong lời ca, ngữ điệu của một bài hát để tạo ra một sự tương phản sinh động giữa tranh và nhạc đến như thế thì thật là độc đáo. Hơn thế nữa Trịnh công Sơn còn chắt chiu những hình ảnh tượng thanh, gói ghém tự tình của những người dân thành phố, cái nét đặc biệt của những ai đã sống và gắn bó mới có cái nhìn sâu sắc…như “mưa đêm trói chân” khi phố xá chìm trong nước, trở thành “dòng sông uốn quanh”.
Mỗi lần nghe “Em còn nhớ…” là tôi lại bàng hoàng, nhớ đến bóng dáng trầm tư của anh T trong những ngày ở đây mà bây giờ đã về sâu trong lòng đất:
Em ra đi nơi nầy vẫn thế
Vẫn có em trong tim của mẹ…
Chữ “em" trong bài hát tôi muốn đổi sang chữ “anh” để nói về Anh T., về nhiều người bạn đã gặp gỡ, chia sẻ những mẩu tâm tình của con người cùng chí hướng, chung một nỗi niềm, rồi biệt ly, kẻ còn người mất hơn là người ở lại gửi người yêu xa xứ như anh TCS nói thôi.
Số anh em về thăm nhà những năm sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng thật hiếm, ở thời điểm mà số người ra đi lên cao. Là một trong số những anh em may mắn, về thăm quê vào dịp tết cổ truyền vào thời kỳ mà con đường từ nước ngoài vào thành phố bằng máy bay phải dừng chân ở Hà nội. Đang lững thửng giữa Hà nội 36 phố phường, thả hồn vào khung cảnh rêu phong ẩm ướt của ngày đông giá rét, bỗng nghe vẳng vẳng bài hát quen thuộc “em còn nhớ hay em đã quên”. Tôi vội vàng tấp vào quán cóc bên hiên nhà trong phố, vừa nhâm nhi ly cà phê đậm đặc vừa lắng tai thưởng thức:
Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ Sài gòn mưa rồi lại nắng…
Có thể nói nếu ở miền nam người dân “mê” Suối Mơ của Văn Cao, “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn Chuẩn- Từ Linh thế nào thì người Hà nội bấy giờ “yêu” nhạc Trịnh Công Sơn thế đấy. Một tháng ở Hà nội. Đi đâu cũng văng vẳng những giai điệu của người nhạc sĩ tài hoa, có lẽ những âm hưởng của TCS làm dịu đi những gì căng thẳng của cuộc chiến tranh dai dẵng trong hơn 25 năm qua, một thời của đạn bom và thân phận. Bây giờ người Việt mới có được phút giây thanh thản, có thì giờ nghĩ đến những “con đò chở mưa nắng đi”, về chốn “ ngựa thồ ngoại ô xa vắng”…chăng
Những người con lưu lạc bốn phương trời hôm nay, khi nhớ về tổ quốc trong những ngaỳ cuối năm hẳn sẽ chia sẻ người viết tình cảm bùi ngùi khi nhắc đến nơi “chôn nhau cắt rốn”, những tháng ngày xa xưa khi còn ở quê nhà, lo rằng một mai khi quay lại liệu còn có không những hình ảnh mà Trịnh ghi lại trong bài hát nầy , hay chúng đã trở thành hoài niệm xa vắng ?
Hôm nay, với tốc độ phát triển kinh tế nhanh như chưa bao giờ, đời sống người dân không còn cảnh tượng xôn xao hàng quán hằng đêm, ngày càng văn minh,hiện đại,nhà cao tầng mọc lên liên tục thì những gì trong “em còn nhớ…” cũng đã dần dà lùi sâu vào quá khứ, “cái chốn riêng cho mọi người” cũng thay đổi, thế hệ bạn bè từng đối ẩm với nhạc sĩ thưở đó nay cũng đã thành lớp người “xưa nay hiếm” nhưng chắc chắn bài hát mà Trịnh khắc ghi cho đời, cho người sẽ được thế hệ đi sau ngưỡng mộ và lưu truyền mãi mãi.
Trên môi chúng tôi bây giờ thỉnh thoảng vẫn nhắc lại “em còn nhớ…” như một chứng tích của một thời ly tao trong lịch sử mà mình đã sống với , thầm cám ơn người làm nhạc với niềm cảm xúc khôn nguôi…
Em còn nhớ hay em đã quên ?
Quê nhà đó bao năm có em
Có bóng dừa có câu hò
Có con đò chở mưa nắng đi…
Hồng Lê Thọ(12/2007, đăng Sức Khỏe Đời Sống Xuân 2008)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment