21 February 2009

Muốn viết thì phải ngồi vào bàn và ...viết, theo nhà văn Mỹ John Updike

Các bạn thân mến:

Mời các bạn tham khảo bài tôi thực hiện cho Tuổi Trẻ Cuối tuần liên quan đến viết lách. Bài đăng hôm qua, tòa soạn có sửa tít.

Kèm theo đây là hai bài liên quan cũng đã đăng trên TTCT; tòa soạn có cắt gọt bớt.

Chúc tất cả vui.
--

John Updike trả lời phỏng vấn báo Le Monde (trích đoạn):

Thà làm nhà văn tồi còn hơn không được viết lách

Le Monde : Cách viết của ông khá đặc biệt so với những cách viết của những nhà văn thuộc dòng văn học Mỹ hiện đại. Ông vừa có cảm quan cực kỳ nhạy bén lại vừa là nhà văn giàu lòng trắc ẩn, nhà thơ trữ tình cao độ. Thật hiếm thấy ở thời đại ngày nay. Nhưng người ta thường chỉ trích, cho rằng ông « kiểu cách ». Vậy ông có phải là “nhân vật“ cô đơn trong nền văn học Mỹ?

John Updike : Những năm 1960 hay 1970, văn chương Mỹ thịnh hành lối viết khôi hài đen, suy tưởng đen tối. Nhiều nhà văn đi theo trào lưu này và đã rất thành công. Trong khi đó, các trang viết của tôi lại ngập tràn niềm vui, lòng biết ơn đối với các tư tưởng và sự giác ngộ của con người. Điều đó được thể hiện ngay cả trong những đoạn văn khô khan nhất và u ám nhất. Đó cũng là tinh thần chủ đạo trong các tác phẩm của tôi. Và rất có thể, chính điều đó khiến tôi trở thành một nhà văn lỗi thời ở Mỹ.

Ông đã viết nhiều hơn bất cứ nhà văn nào thuộc thế hệ của ông. Làm sao ông có thể viết được nhiều đến vậy ?

- Tôi cũng chẳng làm gì đặc biệt cả. Tôi không bao giờ muốn dạy học giống như cha tôi. Tôi thà làm nhà văn tồi còn hơn không được viết lách và luôn coi việc viết văn như một nghề nghiệp thực sự. Tôi là nhà văn, giống như những người khác là nha sĩ hay buôn bán chứng khoán.

Giống như người khác, tôi cũng làm việc đều đặn: từ 9 giờ sáng đến 13 giờ 30 chiều. Và như vậy, cho dù bạn có chậm chạp đến đâu thì rồi ra, bạn cũng sẽ có được rất nhiều trang viết!

Có lần ông đã phát biểu: “Tôi đọc để ăn cắp ý”. Câu nói này của ông gợi nhớ đến một câu nói tương tự khác của nhà thơ T.S. Eliot:”Những nhà thơ giỏi thường ăn cắp ý”. Vậy vào thời điểm hiện nay, khi người đọc rất khắt khe và bị ám ảnh bởi nạn đạo văn, thì ông đã lấy cắp ý của ai ?

- Quả thực là vậy, tôi thường xuyên ăn cắp nữa là đằng khác! Eliot cũng nói: « Những nhà thơ tồi thường hay bắt chước ». Có Chúa chứng giám, tôi chỉ lấy các ý tưởng, hình ảnh khi nghĩ rằng chẳng ai nhận ra chuyện ấy cả.

Khi mới vào nghề, tôi cứ tưởng mỗi nhà văn đều tìm kiếm một hình mẫu cho mình. Như trường hợp của tôi là Proust, Nabokov hay Salinger. Nhưng một khi « học nghề xong », nhà văn lại tìm kiếm một cái gì đó cao hơn cái mình đã tìm thấy. Và nếu như tìm thấy được ... Ờ. Thật là tuyệt vời, bởi có thể đó cũng chính là phong cách của riêng mình.

--

Updike, một nhà văn hàng đầu của Mỹ, qua đời

John Updike, nhà văn hai lần đoạt giải Pulitzer, đã qua đời ở tuổi 76 vì bệnh ung thư phổi. Sự nghiệp sáng tác của ông khá đồ sộ. Ông thường miêu tả những thành phố nhỏ của Mỹ cùng các vấn đề tình dục, tình yêu và tôn giáo.

Trong suốt sự nghiệp văn chương dài hơn nửa thế kỷ, John Updike đã sáng tác ít nhất một chục tập truyện ngắn và 25 cuốn tiểu thuyết, trong số đó có bộ truyện nổi tiếng « Rabbit » được xuất bản từ năm 1960 đến 1990. « Rabbit giàu có » (Rabbit is rich, 1981) và « Rabbit nghỉ ngơi » (Rabbit at Rest, 1990) đã mang về cho ông hai giải thưởng Pulitzer văn học danh giá vào năm 1982 và 1991.

Updike cũng sáng tác thơ, viết phê bình văn học và các bài báo cho tạp chí New Yorker.

Đối với Viện Hàn lâm các Thành tựu Mỹ, nơi hằng năm vẫn tôn vinh các nhân vật nổi tiếng của giới nghệ thuật, chính trị và khoa học, « Updike là một trong những nhà văn hàng đầu của Mỹ ».

John Updike sinh ngày 18 tháng ba năm 1932. Ông đã tự mình kể về một tuổi thơ đơn độc tại một trang trại ở Pennsylvania (Đông Bắc nước Mỹ) đã giúp ông làm quen với cuộc sống trí tuệ như sau: « Mẹ tôi từng mơ ước trở thành nhà văn và tôi thường thấy bà ngồi đánh máy trong phòng khách. Đây cũng là nơi trú ẩn của tôi mỗi khi bị ốm. Tôi ngồi cạnh bà và ngắm nhìn bà ».

« Chonny » - như cách cha mẹ vẫn gọi ông - là con duy nhất trong gia đình. Cậu bé Chonny bị hen suyễn và có tính nhút nhát. Nhưng cậu vẫn mơ ước ngày nào đó bán được tranh cho hãng phim hoạt hình lừng danh Walt Disney hay tuần báo nổi tiếng New Yorker.

Năm Updike 13 tuổi, gia đình cậu chuyển về sống ở nông thôn, trong một căn nhà được xây từ thế kỷ 19. Đây từng là nơi ở của ông bà ngoại nhà văn tương lại. Tại đây, giữa không gian hoang dã và yên tĩnh của vùng quê Pennsylvania, Updike đã phát triển niềm đam mê dành cho đọc và viết. Cũng từ những kỷ niệm tuổi thơ giữa vùng quê, trên mảnh đất vàng rải rác những kho thóc màu đỏ, nhà văn đã rút ra chất hoang dã cho những trang viết của mình.

Nhưng Updike còn có một niềm đam mê khác: hội họa. Chính niềm đam mê đó đã thúc đẩy ông đến học tại trường Ruskin School of Drawing and Fine Arts (trường trường mỹ thuật danh tiếng ở London) vào năm 1954. Do đó ông cũng viết phê bình nghệ thuật cho tờ New Yorker. Updike từng sáng tác cuốn « Tìm lại chính mình » (Seek my face), trong đó ông đã đặt mình vào vị trí của họa sĩ Jackson Pollock.

Là một người lý tưởng, Updike tự tìm cho mình các phương thức để thành công. Viện Hàn lâm các Thành tựu Mỹ cho biết: « Anh ta mắc tật nói lắp và bệnh vảy nến, căn bệnh khiến ông luôn phải giữ khoảng cách với người khác. Nhưng anh ta đã tìm thấy niềm an ủi trong viết lách và đã giành được học bổng của Harvard ».

Năm 1950, Updike vào trường Harvard. Tại đây, anh trở thành tổng biên tập của tạp chí Harvard Lampoon và bắt đầu những thể nghiệm khác nhau về phong cách.

Cũng chính tại Harvard, hai sự kiện lớn trong đời Updike đã xảy ra. Năm 1953, anh kết hôn với Mary Pennington (hai người sau đó có bốn người con). Năm cuối cùng tại đại học đánh dấu “bước đột phá xuất thần trong sự nghiệp văn chương” của Updike: tháng sáu 1954, New Yorker đã mua truyện ngắn đầu tiên của anh “Những người bạn đến từ Philadelphia » (Friends from Philadelphia). Ước mơ của anh dần thành hình.

Sau khi học xong đại học, chàng trai trẻ Updike dành toàn bộ tâm trí để viết cuốn tiểu thuyết đầu tay « Nhân mã » (Centaur). Cuốn sách đã mang lại cho anh giải National Book Award, một trong những giải thưởng văn học cao quý nhất của Mỹ. Lúc này, Updike đã 32 tuổi. Nhưng điều đã nâng Updike lên đỉnh cao trong giới văn học và truyền thông chính là câu chuyện về Harold Rabbit, cựu ngôi sao bóng rổ được niềm tin vào Chúa trời và giấc mơ Mỹ thúc đẩy.

Thành công của người anh hùng này - được công chúng đón nhận nồng nhiệt - đã mang lại cho Updike hai giải thưởng Pulitzer. Và cứ 10 năm trong suốt bốn thập kỷ, ông lại sáng tác thêm một tập về Rabbit. Nhân vật Rabbit dần phát triển theo thời gian và đã đánh mất ảo tưởng của mình.

Qua bộ bốn tác phẩm « Rabbit », phong cách của nhà văn dần hiện ra. Các tiểu thuyết viết theo phong cách này thường nói về cuộc sống cá nhân bình dị.

Phần lớn các tiểu thuyết của Updike cũng đều viết về những thành phố nhỏ tại Mỹ, thường không có cốt truyện rõ rệt, mà chủ yếu là các câu hỏi triết lý và những nghi ngờ hiện sinh. Bằng giọng văn cay nghiệt, khiêu khích, ông vẽ lên bức tranh chi tiết về tầng lớp trung lưu Mỹ bị nỗi thất vọng, sự sợ hãi và những điều cấm kỵ giày vò.
Khi có người thắc mắc vì sao ông không viết về những chủ đề mới lạ, Updike trả lời : « Trí tưởng tượng và kinh nghiệm của tôi đều rất hạn chế. Tôi nghĩ rằng tôi chỉ biết dùng một thể loại giống như chuyện ngụ ngôn mang tính riêng tư ».

Dục tính đóng một vai trò quan trọng trong các tác phẩm của Updike. Năm 1968, ông đã gây ra xì can đan với tác phẩm « Những cặp vợ chồng » (Couples), viết về những trao đổi tình dục của khoảng chục cặp vợ chồng trong một thành phố nhỏ tưởng tượng.
Tạp chí Time thậm chí còn viết một bài báo về Updike mang tên « Xã hội ngoại tình ». Updike tự xếp mình - một cách tự mỉa mai - vào loại « tiểu thuyết gia của những câu chuyện ngoại tình ở ngoại ô ».

Là độc giả trung thành của nhà thần học – triết học Kierkegaard và của nhà thần học Karl Barth, Updike thường kết hợp cả sự thất vọng hiện sinh với những miêu tả tình dục ở vùng ngoại ô các thành phố Mỹ. Ông cho biết: « Theo tôi, một tiểu thuyết gia phải trước tiên phải quan tâm đến thế giới nhỏ bé xung quanh, đến những cuộc khủng hoảng về sự tồn tại trong mỗi con người. Các tiểu thuyết của tôi nói về những cuộc đời riêng tư. Và thực ra phong cách của tôi là để mang đến cho một cuộc đời bình thường những giọng điệu và nét cá biệt của nó ».

Đối với một con người, « ba điều thầm kín nhất là tình dục, nghệ thuật và tôn giáo », ông nói.

Năm 2006, ông đã thử thay đổi cách kể chuyện với tiểu thuyết trinh thám « Gã khủng bố » (Terrorist), viết về một thanh niên Mỹ gốc Ả rập ở New Jersey sau này trở thành khủng bố vì chán ngán kiểu sống vật chất thực dụng Mỹ. Đây là tiểu thuyết theo trào lưu « hậu 11.9.2001 ». Hai năm sau, Updike cho xuất bản tiếp « Những góa phụ ở Eastwick » (The Widows of Eastwick), gây tiếng vang giống như tiểu thuyết hài xã hội – dục tính rất thành công của ông xuất bản năm 1984 là « Những nữ phù thủy ở Eastwick » (The Witsches of Eastwick). Năm 1987, tác phẩm được chuyển thể thành phim và do các ngôi sao Jack Nicholson, Cher và Susan Sarandon đóng vai chính.

Updike cũng sáng tác hàng trăm truyện ngắn. Theo nhiều nhà phê bình, trong số này có nhiều truyện ngắn cực hay. Truyện ngắn của ông thường viết về sự cân bằng giữa thỏa mãn hiện tại và mơ ước tương lai, giữa tình dục và tâm linh, giữa vẻ đẹp của sự sáng tạo và sự đe dọa dai dẳng của cái chết.

Qua đời ngày 27 tháng giêng năm 2009 tại Beverly Farms (Massachusetts), Updike để lại một sự nghiệp văn chương phong phú. Nicholas Latimer, người phát ngôn của nhà xuất bản Knopf, đã ca ngợi: « John Updike là một trong những nhà văn lớn nhất của chúng tôi và việc ông ấy ra đi là một tổn thất to lớn ».

Cuối năm 2009 này, tập truyện ngắn « Nước mắt của cha tôi và những truyện khác » (My Father's Tears and Other Stories) của ông sẽ được công bố.
---

Dưới mái trường (*)

(Trích tác phẩm “Gã khủng bố” của John Updike, xuất bản năm 2006)

Ahmad mười tám tuổi. Đã vào đầu tháng tư; màu xanh lại len lỏi, từng chút từng chút một, vào các khe nứt nẻ trên mặt đất của thành phố xám xịt. Cậu nhìn xuống từ chiều cao mới của mình và thầm nghĩ đến côn trùng ẩn mình trong cỏ, lạy Thượng đế, liệu chúng có ý thức giống như mình không. Và biết đâu rồi cậu cũng sẽ biến thành loài côn trùng đó. Trong năm vừa qua, cậu đã cao thêm 3 inch thành 6 feet - những lực lượng vật chất vô hình đã áp đặt ý chí của chúng lên bản thân cậu. Cậu nghĩ mình sẽ không cao thêm nữa trong cuộc đời này hay cuộc đời kế tiếp. Nếu như có cuộc đời kế tiếp, một con quỷ ở bên trong thì thầm. Bằng chứng nào ngoài những lời giáo huấn đầy quyền năng kỳ diệu và sáng chói của đấng Tiên tri chứng tỏ rằng có cuộc sống kế tiếp? Cuộc sống đó đang ẩn giấu nơi đâu? Ai là người sẽ mãi mãi châm củi cho lò thiêu dưới Địa ngục? Nguồn năng lượng vô tận nào duy trì vườn Địa đàng giàu có, nuôi dưỡng những tiên nữ mắt đen, làm cho cây trái trĩu quả, khơi lại những dòng suối và làm tràn đầy những đài phun nước, ở nơi mà theo mô tả trong thiên Xura thứ chín của kinh Coran thì Thượng đế đã có được niềm hoan lạc vĩnh cửu? Và định luật thứ hai của nhiệt động lực học là gì?

Cái chết của côn trùng và sâu bọ, mà xác chết của chúng chẳng mấy chốc sẽ bị đất, cỏ dại và nhựa đường phân hủy hết, đã cho Ahmad thấy rành rành rằng cái chết của chính cậu cũng chỉ là cái gì đó bé nhỏ và không thể khác được. Khi đi bộ đến trường cậu đã để ý thấy một dấu hiệu, một vệt xoáy trôn ốc còn in dấu lấp lánh trên vỉa hè, cái chất nhờn tiết ra từ một loại sinh vật cấp thấp, mà chỉ có thể là của một con giun hay một con ốc sên. Con vật ấy đi đâu mà đường đi của chúng cứ xoáy trôn ốc vào trong một cách vô định? Dường như nó cố tìm cách rời khỏi cái vỉa hè nóng bỏng như muốn thiêu chết nó khi mặt trời chói chang đổ lửa. Nó đã thất bại và lọt vào vòng tròn định mệnh. Nhưng không có xác của một con trùng nào dù nhỏ còn lại ở tâm của đường xoắn ốc.

Vậy thì cái xác đó đã bốc hơi đi dâu? Có lẽ nó đã được Thượng đế đón lấy rồi đưa thẳng lên Thiên đàng. Shaikh Rashid, thầy của Ahmad, một thầy tế ở thánh đường hồi giáo nằm trên tầng trên của tòa nhà số 278112, Đường West Main, kể cho cậu nghe rằng tùy thuộc vào truyền thống thiêng liêng của câu chuyện về đấng Mohamed và các Tông đồ những sự kiện sau sẽ xảy ra : đức Sứ giả, cưỡi con bạch mã có cánh Buraq, được thánh Gabriel hướng dẫn qua bảy tầng trời để tới một nơi nào đó, ở đó ngài sẽ cầu nguyện cùng với Jesus, Moses và Abraham trước khi trở về Trái đất, để trở thành đấng tiên tri cuối cùng và tối thượng. Những cuộc phiêu lưu của ngài ngày hôm đó được chứng minh bằng những vết vó ngựa, sắc nét và rõ ràng, mà con Buraq đã để lại trên Tảng đá bên dưới mái vòm thiêng liêng ở trung tâm Al-Quds, mà những người không theo đạo và những người chủ trương phục hồi Do Thái gọi là Jerusalem. Sự dày vò về thể xác trong các luyện ngục Jahannan của những người này được mô tả rất rõ trong các thiên xura thứ bảy, mười một và mười lăm trong Kinh thánh của mọi kinh thánh.
----

Khi Ahmad cố trích ra các hình ảnh từ kinh Koran bằng tiếng Ả rập - những cây cột bị kéo dãn, fi’amadin mumaddada, và mái vòm cao bên trên các đám đông đang túm tụm với nhau trong nỗi sợ hãi và căng thẳng để xem cho rõ một bức màn nhiệt cao chót vót, narul-lahi l-muqada, một vài dấu hiệu về sự khoan dung của lòng nhân từ về mặt nào đó vào một thời khắc nào đó, và sự kêu gọi chấm dứt những lời phỉ báng và dối trá, thì thầy tế nhìn xuống. Cặp mắt của ông bỗng dưng xam xám, mờ đục và hay lảng tránh ánh mắt của người khác như cặp mắt của một phụ nữ kafir. Ông nói rằng những mô tả có tính tiên đoán của Đấng tiên tri này rất có ý nghĩa hình tượng. Những mô tả đó thực ra nói về nỗi thống khổ thiêu đốt tâm can của sự tách rời khỏi Thượng đế và sự thiêu đốt của nỗi hối hận vì đã trót chống lại những lời răn của Ngài. Nhưng Ahmad không thích giọng nói của Rashid khi ông giảng những điều này. Nó nhắc cậu nhớ đến những giọng nói không chút thuyết phục nào của các thầy giáo ở Central High. Cậu nghe thấy có tiếng thì thầm của quỷ Satan ở trong đó, một giọng chối bỏ bên trong một giọng quả quyết. Đấng Tiên tri muốn nói về ngọn lửa hữu hình khi ngài giảng về ngọn lửa quyết tâm; Thánh Mohamed không thể thường xuyên công bố sự thật về ngọn lửa vĩnh cửu.
----

Phòng ăn của trường đặc mùi nước hoa và mùi cơ thể người, mùi của kẹo cao su và của các loại thức ăn nhanh dơ dáy, mùi của vải – sợi bông, len và các loại vải tổng hợp của những đôi giày chạy được làm nóng bằng da thịt của những ngưởi trẻ tuổi. Giữa hai tiết học là sự hoạt động ầm ầm như sấm rền; sự ồn ào được kéo giãn ra và bao trùm đều lên sự bạo lực phía bên dưới, khó kiểm soát nổi. Thỉnh thoảng vào khoảng thời gian yên ắng cuối mỗi buổi học, khi sự đắc thắng, sự khuấy động ồn ào khi rời trường đã giảm bớt và chỉ còn các học sinh tổ chức các hoạt động ngoại khóa ở lại trong khu nhà lớn, thì Joryleen Grant tiến đến bên Ahmad đang đứng cạnh chiếc tủ có ngăn kéo đựng đồ cá nhân.

Ahmad sẽ đua vào mùa xuân; cô gái sẽ hát trong một nhóm nữ sinh vui vẻ. Là học sinh trường Central High, họ đều “tốt”. Tôn giáo của Ahmad giúp cậu tránh xa ma túy và các thú trụy lạc, mặc dù điều này cũng khiến cậu hơi xa cách bạn bè lẫn cả việc học tập. Cô gái hơi thấp người, tròn trịa. Cô phát biểu khá tốt trong lớp, làm hài lòng giáo viên. Điều khiến cô gái tự tin được mọi người ưa thích chính là thân hình của cô với nước da màu bánh mật căng tròn trong các bộ quần áo mà ngày nay thường là các quần jean có các miếng đắp vá và đính các đồng xu trang sức, bị mài mòn ở những chỗ cô ngồi, và một chiếc áo đỏ tươi mà phần trên và phần dưới đều ngắn hơn bình thường. Các dải băng nhựa màu xanh kéo ngược mái tóc óng ánh của cô ra phía sau lưng khiến mái tóc được duỗi thẳng hết mức;trên vành tai phải mũm mĩm của cô đeo một chùm những vòng tai nhỏ bằng bạc. Cô hát trong các chương trình của một ca đoàn, các bài hát về chúa Jesus hay về nỗi khao khát tình dục, cả hai đề tài đó đều khiến Ahmad ghê tởm. Vậy mà cậu vẫn cảm thấy vui thích khi cô chú ý tới cậu và thỉnh thoảng lại gần cậu như thể lưỡi muốn thử một chiếc răng nhạy cảm vậy.

“ Chúc mừng, Ahmad,” cô nói trêu. “ Không thể tệ như thế được.” Cô xoay bả vai để trần phân nửa của mình, nâng nó lên như thể muốn nhún vai để tỏ ý cô đang đùa.
“ Cũng không tệ lắm. Tôi không buồn đâu.” Cậu nói với cô gái. Thân hình cao lêu nghêu của Ahmad cảm thấy ngứa ngáy bên dưới lớp áo quần - áo sơ mi trắng, quần jean đen ống bó – đã mặc khi tắm xong sau khi luyện tập trên đường đua.

“ Trông anh có vẻ nghiêm trọng quá,” Cô gái nói với Ahmad. “ Anh nên học cười nhiều hơn.”

“Tại sao? Tại sao tôi phải cười nhiều hơn kia chứ, Joryleen?”
“ Mọi người sẽ thích anh hơn.”
“ Tôi không quan tâm đến điều đó. Tôi không muốn ai thích tôi cả.”

Chiếc áo hở vai khiêu gợi để lộ phía trên một phần ngực căng tròn như những nốt mụn sưng to và phía dưới là cái bụng đầy mỡ cùng cái rốn sâu hoẵm của Joryleen. Ahmad tưởng tượng cơ thể trơn bóng của cô đang bị nướng chín và phồng rộp lên trên ngọn lửa, với màu da sẫm hơn màu caramel một chút nhưng sáng hơn màu chocolat. Bỗng nhiên, cậu rùng mình thương hại vì thấy cô đang cố tìm cách quyến rũ mình. Cậu có thể nhận ra điều ấy qua cái cách mà cô thể hiện. « Chà cô gái được yêu thích đây rồi! », cậu thốt lên giọng khinh khỉnh.

Cô gái cảm thấy như bị xúc phạm và liền quay lưng lại. Những quyển sách to cô đang ôm trên tay để mang về nhà đang bị ấn vào ngực cô, tạo thành một khe sâu ở giữa. “Mẹ kiếp, Ahmad!”, cô bĩu môi chửi yêu với chút ngượng ngùng. Ánh sáng dịu dàng từ mấy chiếc đèn neon treo trên trần nhà làm nước bọt nơi kẽ răng cô ánh lên lấp lánh. Mặc dù muốn kết thúc cuộc nói chuyện nhưng Joryleen vẫn cố nói thêm như để cố vớt vát : « Nếu như điều đó chẳng có nghĩa gì với anh thì anh cũng không cần phải cố làm dáng bằng cách ngày nào cũng mặc những chiếc áo sơ mi trắng phẳng phiu đó. Cứ như mục sư vậy. Làm sao mẹ anh có thể ủi phẳng cho hết đống áo ấy được nhỉ? »

.....

Cậu thấy Joryleen không chỉ cố quyến rũ mình mà còn kích thích cả trí tò mò của mình. Cậu cảm thấy như cô muốn xích lại gần mình cho dù đã có người yêu, “một anh chàng xấu xí” mà ai cũng biết. Phụ nữ là loài động vật rất dễ bị dụ dỗ, thầy tế Rashid từng nói vậy. Và Ahmad nhận thấy, cho dù ở trong trường học hay ngoài xã hội, đâu đâu cũng có hàng đống những cái mũi đua nhau đánh hơi. Đó là một lũ mù ngu ngốc, tranh giành lẫn nhau để có được sự cứu rỗi. Nhưng kinh Coran nói rằng sẽ chẳng có sự cứu rỗi nào nếu không tin vào Thiên đàng và không cầu kinh năm lần một ngày - kinh của đức Sứ giả đã quay lại Trái đất, sau khi du hành ban đêm trên Trời ngồi trên tấm lưng trắng, rộng và óng ánh của con bạch mã có cánh Buraq.

Joryleen vẫn còn đứng đó, sát với cậu. Hương thơm của cô ngập tràn mũi cậu, và khe hở giữa hai ngực cô khiến cậu bối rối. Cô đung đưa sách trên tay. Và Ahmad có thể lướt nhìn thấy tên của cô “JORYLEEN GRANT” được đánh dấu bằng bút phớt trên mép quyển dầy nhất. Để cho môi trông mỏng hơn, Joryleen đã đính một chiếc khuyên hình bông hồng trên môi. Và ánh lấp lánh của chiếc khuyên cùng cái bĩu môi ngượng ngùng của cô khiến cậu không khỏi bối rối.

- “Em đang tự hỏi… Nhưng em sẽ nói với anh...,” Cô lý nhí, giọng quá ngập ngừng đến nỗi cậu phải nghiêng hẳn người sang để nghe cho rõ. « Anh có muốn đến nghe em hát lĩnh xướng ở dàn hợp xướng tại nhà thờ Chủ nhật này không ? »
Cậu hơi choáng và có chút tức giận.

- “Tôn giáo của tôi khác với tôn giáo của em”, cậu nhắc cho cô nhớ với vẻ hết sức trịnh trọng.

-“Ồ, em không nghĩ điều đó quan trọng. Em chỉ hát vì em thích hát thôi”, cô trả lời hết sức nhẹ nhàng và bình thản.

- “Giờ thì tôi thực sự thấy buồn đấy Joryleen”, Ahmad nói. « Nếu như em thấy tôn giáo không quan trọng thì em cũng chẳng cần phải đến nhà thờ làm chi nữa ». Và rồi cậu tức giận sập mạnh cánh cửa chiếc tủ đựng đồ cá nhân. Nhưng cậu cảm thấy tức giận với chính mình nhiều hơn vì đã quát cô, đã ném thẳng lời mời của cô một cách phũ phàng, trong khi cô lại rất dễ bị tổn thương. Mặt đỏ bừng vì hổ thẹn, cậu quay lại để xem có phải mình đã làm tổn thương cô không. Nhưng cô đã bỏ đi, chỉ còn tiếng leng keng của những đồng tiền vàng được đính trên chiếc quần jean phai màu của cô vọng lại từ hành lang.

Cuộc sống thật phức tạp, cậu nghĩ, vì quỷ dữ xuất hiện ở khắp mọi nơi, làm rối tung mọi thứ và khiến đường thẳng trở nên quanh co.

--- --
(*) Tựa do người dịch đặt

5 comments:

Anonymous said...

Thua thay!

Em da doc xong bai viet moi nhat cua thay. Sau moi bai viet cua thay, em lai co them nhung kien thuc moi va co nhung cam xuc rieng.

Em cung muon duoc chia se nhung dieu ay voi thay, dau biet rang nhung suy nghi cua em con ngay tho va non not lam. Nhung biet thay ban rat nhieu viec, nen em cung khong dam lam thay ban long them.

Thua thay, dung nhu thay noi: "All writers write badly - at first. Then they rewrite". Bat cu thanh cong nao cung co nhung co gang va no luc phia sau.

Em khong co kha nang tro thanh mot nha bao gioi vi moi truong bao chi qua "khoc liet" voi em, nhung nghe "viet lach" thi em van muon theo.

Ben canh do, em cung muon duoc gioi ngoai ngu . 3 nam ve que lam viec, von tieng Anh cua em da mai mot nhieu. Va em da quyet dinh roi que, tro lai Sai Gon tim mot cong viec khac de co dieu kien hoc them, cung nhu cai thien von ngoai ngu cua minh.

Trong thoi gian hoc mon viet tin voi thay, cam on thay da chi em mot vai quyen sach nhu The elements of style... !

Em luon cam on thay da truyen nhung kien thuc quy bau cho chung em!

Kinh chuc thay nhieu suc khoe!

Thu Ba

Que Vien said...

Anh Tran than men,
Sau khi doc doc bai viet cua anh ve John Updike tren TT, tu nhien Vien nho toi bao "Van" cua nhom Tran Phong Giao, Saigon khi xua. Mong anh se viet them Updike, Mailer... nhung nha van lon cua My va the gioi nhung duoc biet qua it tai VN.

Que Vien

Gatebeepers said...

Cảm ơn Viên. Thời nay không dễ! Chỉ khi nào có sự kiện thì mới làm được.

Trân cũng chỉ là người góp nhặt và đọc cà nhắc.

Thân mến

Anonymous said...

Thưa thầy, sau khi học ngành báo chí, em đọc báo đã biết tập tành phân tích, chứ không đơn giản là chỉ đọc để biết thông tin như trước đây. Nhưng em vẫn chưa biết ăn cắp ý như John Updike. Thầy có nghĩ em nên thử?
Chúc thầy cuối tuần nhiều sức khỏe!
Phương Anh

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Phương Anh.

Tại sao không nhỉ!