14 February 2009

Bài cũ 25 năm về guitar và bài mới về kinh tế

Mời các bạn đọc một bài tôi viết cách đây ...25 năm về 2 nhạc sĩ guitar tại Hai cây guitar trẻ.

Thời đó tôi viết khá nhiều về guitar nói riêng và văn hóa nghệ thuật nói chung.

Còn dưới đây là bản gốc một bài phỏng vấn về kinh tế (Đầu tư Tài chính mới đăng, có bỏ bớt 1 số chi tiết).

Văn phong hai thời thật khác nhau, mà lĩnh vực viết cũng khác nhau nữa.

Chúc tất cả vui, đặc biệt là những đôi tình nhân!

---

TS Kinh tế Đinh Xuân Quân:


Cần giúp người nghèo và lập lại trật tự trong đầu tư


Khủng hoảng tài chính kéo dài đang có nguy cơ dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu và đang ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam. Khả năng vượt thoát tình trạng này như thế nào? Tác động của nó ? Và Việt Nam cần phải làm gì? Đó là một số câu hỏi NCDT đã đặt ra với TS Đinh Xuân Quân, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong thực hành phát triển kinh tế. Hiện ông là cố vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp Liberia.


NCĐT: Đâu là khả năng ổn định và vượt thoát khủng hoảng với các chương trình cứu trợ, kích thích kinh tế của chính phủ các nước?

TS Đinh Xuân Quân: Tất cả đều đòi hỏi phải có thời gian. Các chương trình này chỉ có tác động sau 6 tháng hoặc một năm. Nhất là khi đa số các chương trình đều đổ tiền vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trợ giúp một số ngành công nghiệp và giảm thuế như ở Mỹ.

- Còn các nước khác?

Đối với các nền kinh tế châu Âu, nhất là Đức dựa trên xuất khẩu máy móc đầu tư cho công nghiệp, việc hồi phục sẽ cần thời gian vì các doanh nhân gia sẽ đầu tư ít lại.
Pháp và Anh đang có nhiều chương trình kích thích thị trường nhưng cũng ít nhất 6 -8 tháng nữa mới thấy hiệu quả.

Kinh tế Nhật dựa trên công nghiệp xe hơi, điện tử và máy móc trang thiết bị nên sẽ bị ảnh hưởng nặng, cơ hội phục hồi không cao.
Kinh tế Trung Quốc là “không dự đoán được” vì hiện nay đã có trên 20 triệu người tại nước này bị thất nghiệp.

Tất các các kinh tế nói trên (tính cả Mỹ) sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Và theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm nay, kinh tế thế giới sẽ chỉ tăng trưởng chưa tới 1%.

- Điều này ảnh hưởng đến Việt Nam như thế nào ?

Xuất khẩu hàng hóa VN sẽ bị chậm lại vì người tiêu thụ tại các nước bạn hàng của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật đang thắt chặt hầu bao.
Tuy nhiên, đa số các mặt hàng nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu - đáp ứng nhu cầu ăn uống - sẽ giảm phần nào thôi. Nhưng cà phê sẽ giảm nhiều hơn vì là thức uống xa xỉ đối với phương Tây. Cao su cũng giảm mạnh do ảnh hưởng của suy thoái trong công nghiệp xe hơi thế giới.

Giảm nhiều nhất sẽ là áo quần, sản phẩm gia dụng như đồ gỗ, đồ gốm.

- Vậy khi nào xuất khẩu của Việt Nam có thể được phục hồi?

Kinh tế các nước bạn hàng của Việt Nam phải phục hồi thì xuất khẩu Việt Nam mới lên trở lại; nhưng ít nhất 6 tháng sau khi các nước đó phục hồi.

- Do tác động của suy giảm kinh tế thế giới, người nghèo ở Việt Nam bị ảnh hưởng khá nặng nề. Cần làm gì để giúp họ vượt qua cơn hoạn nạn?

Các kinh tế đầu tàu thế giới bị trì trệ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như tôi đã nói ở trên. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng sẽ xuống ở mức thấp, do đó Việt Nam sẽ phải tự đầu tư (kích cầu như Chính phủ đang đề ra). Vậy nên đầu tư vào đâu?
Người nghèo Việt Nam sống nhiều nhất ở nông thôn. Theo tôi, cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực này và sử dụng nhiều nhân công tại chỗ. Như vậy người dân nông thôn sẽ có tiền, bớt nghèo. Khi có lợi tức, họ sẽ tiêu dùng, qua đó góp phần làm nhẹ bớt suy giảm kinh tế.

Khu vực nông nghiệp cũng cần được giảm thuế nhập khẩu máy móc, tăng đầu tư vào nhà xưởng, các phương tiện sản xuất khác, qua đó nâng cao năng suất và giúp cả xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tăng sức cạnh tranh so với các nước láng giềng.

- Và cần hỗ trợ như thế nào cho doanh nghiệp nói chung?

Ngoài các chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, cần trợ giúp các doanh nghiệp tái cấu trúc để có thể cạnh tranh tốt hơn khi kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại. Đây là dịp tốt để soát xét sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Chính phủ nên tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu vay tiền đầu tư và kiên quyết lập lại trật tự trong đầu tư. Đầu tư phải theo một chính sách quy củ. Không thể để các tổng công ty như Petro VN tiếp tục đầu tư vào các khu vực không dính gì đến chuyên môn của họ như khách sạn, nhà ở.

Trong công nghiệp, còn nhiều khu vực sản xuất rất cần phải rà soát lại, không nên đầu tư vào thêm. Chẳng hạn như các nhà máy xi măng sử dụng công nghệ Trung Quốc, năng suất kém và ô nhiễm cao. Rồi các nhà máy đường năng suất thấp và tổn phí rất cao.

Cũng cần đầu tư, giúp khu vực du lịch trở nên chuyên nghiệp hơn, có giá cả cạnh tranh hơn so với các nước trong vùng, nhất là Thái Lan đang bị bất ổn chính trị ảnh hưởng đến du lịch.

Khách đến Việt Nam rồi ít trở lại vì Việt Nam hay ăn xổi, hay lừa, bắt chẹt khách (taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất là một ví dụ). Giá phòng khách sạn lại mắc hơn Thái Lan, Malaysia hay Indonesia, mặc dù dịch vụ kém hơn nhiều.

Tôi nghĩ Chính phủ nên miễn giảm, thuế và cung cấp tín dụng lãi suất thấp giúp khu vực tư nhân (khách sạn, hãng lữ hành, những nơi có danh lam thắng cảnh) đầu tư vào dịch vụ nói chung và tinh thần, thái độ phục vụ nói riêng để Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn về du lịch khi tình hình kinh tế thế giới tốt đẹp trở lại.

No comments: