08 July 2008

Bài tập tường thuật của học viên (ghi nhanh, phản ánh,...)

Các bạn thân mến:

Dưới đây là một số bài tập của học viên các lớp những năm trước (có bài từ năm 2001).

Các bạn lớp PL, SGTT có thể xem những bài này như ví dụ - không phải "bài mẫu" - về việc thực hành những gì chúng ta đã trao đổi trong lớp hôm 2/7.

Tôi để nguyên văn.



BÀ CON ĐÓNG GÓP THÌ MỌI VIỆC SẼ XONG

Hai vấn đề nổi cộm được nhiều bà con ấp Mỹ Huề (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) phản ánh trong buổi họp với Ban nhân dân ấp vào chiều 25-10-2006 là an ninh trật tự và tuyến đường giao thông nội bộ.

An ninh trật tự: “Đừng để mất trâu mới lo làm chuồng!”

Ông Nguyễn Văn Biên (tổ trưởng tổ 6) là người “phát pháo” đầu tiên. Ông cho rằng tình hình an ninh trật tự trong ấp gần đây có chiều hướng bất ổn, cụ thể nhiều vụ mất trộm nhỏ vẫn còn xảy ra, ngày cũng như đêm, gây tâm lý bất an cho bà con. Ông Nguyễn Minh An (tổ 7) bổ sung thêm: “Con đường đi ngang Trường tiểu học Mỹ Huề không có đèn nên tối hù tối thui. Tui là đàn ông mỗi tối đi ngang qua còn sợ huống chi các bà và tụi nhỏ. Mặc dù chưa có cướp giật xảy ra nhưng tui đề nghị ấp gắn bóng đèn cho bà con được nhờ. Nếu có làm thì làm nhanh lên, chứ đừng dây dưa, cũng “đừng để mất trâu mới lo làm chuồng””.

Giải trình vấn đề trên, anh Huỳnh Văn Biển, Phó Ban nhân dân ấp phụ trách an ninh, cho rằng lực lượng dân quân quá ít, đêm lại tuần tra trên diện rộng nên không thể “bao sân” hết. Còn ban ngày thì bà con hãy cảnh giác với người lạ mặt, cẩn thận cửa nẻo. Dù gì ấp cũng có phần trách nhiệm trong vụ này nên sẽ cố gắng quản lý chặt các đối tượng tạm trú tạm vắng, tăng cường tuần tra ban đêm. “Còn về đọan đường ngang Trường tiểu học Mỹ Huề, phản ánh của bà con hoàn toàn đúng, nhưng đễ gắn dãy bóng đèn cần khá nhiều tiền, mà ấp thì không có. Nếu bà con đóng góp, chúng tui sẽ làm ngay” – anh Biển nhấn mạnh.

Không phải họ… Hứa!

“Tuyến đường từ Tịnh xá Ngọc Chung đến tiệm tạp hoá của ông Dương Văn Của (21/5, tổ 4 – NV) dân đã đóng tiền lâu rồi nhưng ấp cứ hứa nhưng vẫn chưa làm. Đường ngày càng lầy lội, đi đứng thiếu điều té lên té xuống. Xin trả lời cho chúng tui biết: chừng nào các anh làm?” – bà Bùi Thị Hiệp (tổ 6) đứng lên thắc mắc. Ông Nguyễn Văn Nhậu (cũng tổ 6) góp thêm rằng, đứa cháu bảy tuổi của ông mấy lần đi học về trên tuyến đường trên đã trượt té, quần áo lấm lem. Khi nào tuyến đường làm xong thì mọi người mới đỡ khổ. Ông Nhậu vừa dứt lời, bà Hiệp đứng lên nói tiếp bằng giọng vui vẻ: “Các anh cứ hứa hoài! Các anh là họ Trương, họ Huỳnh, hay các anh muốn đổi thành họ… Hứa”. Mọi người cười ồ!

Anh Trương Văn Hiển, Trưởng Ban nhân dân ấp, giải thích rõ rằng mặc dù tiền bạc bà con ở dọc theo tuyến đường trên đã đóng nhưng vẫn không đủ so với chi phí dự tính sửa chữa. “Nhưng bà con yên tâm, hiện nay chúng tui đang cố gắng vận động sự đóng góp của các cơ quan, xí nghiệp trên địa bàn, đồng thời xin thêm kinh phí ở xã. Chúng tôi hứa trước ngày 15-11-2006 tuyến đường trên sẽ được nâng cấp để bà con đi lại được dễ dàng hơn” – anh Hiển khẳng định.

Box:

- Ông Phùng Văn Phai (tổ 8): Ấp Mỹ Huề đã đăng ký xây dựng Ấp Văn hoá nhưng vẫn còn nhiều hộ vứt rác bừa bãi, nhất là khu vực đồng mã làng. Đề nghị Ban Nhân dân ấp nhắc nhở.
- Ông Nguyễn Văn Lượng (tổ 9): Nhiều thanh niên ở khu nhà cho thuê tụ tập nhậu nhẹt, ảnh hưởng những người chung quanh. Ban Nhân dân ấp cần có mặt kịp thời và nhắc nhở.

TRẦN HỮU NGỌC
--

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vừa và nhỏ là nguồn vốn


Diễn đàn “Đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của hơn 500 doanh nghiệp trong nước và khu vực. Trong buổi thảo luận đầu tiên, các đại biểu đề cập đến những khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, vấn đề nghiêm trọng nhất đối với các doanh nghiệp này của chúng ta là vốn, năng lực và kiến thức quản trị doanh nghiệp bài bản.
Để giải quyết vấn đề về vốn, theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Quốc Hội thì các doanh nghiệp phải minh bạch và công khai trong việc báo cáo tài chính. Ông cho biết: muốn tạo nguồn vốn hiệu quả thì phải đi từ hai phía là doanh nghiệp và ngân hàng. Về phía doanh nghiệp phải tự nâng cao tính minh bạch trong báo cáo tài chính. Còn ngân hàng cần phải thay đổi cách nghĩ về vấn đề cho vay.

Nói đến ngân hàng, nhiều đại biểu và những chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận một thực tế là các ngân hàng trong nước còn e dè khi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn. Từ trước đến nay, các ngân hàng của chúng ta vẫn có tâm lý muốn dồn vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước vì nếu có xảy ra tình trạng nợ xấu, phá sản thì đã có Nhà nước lo. Trước thực tế này, nhiều đại biểu đưa ra ý kiến về sự bình đẳng trong vấn đề vay vốn ngân hàng.

Một câu hỏi được đặt ra là Nhà nước đã và sẽ làm gì hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn và thông tin? Theo ông Thanh, Quốc hội đang có chủ trương để tất cả thông tin luật pháp được công khai từ lúc soạn thảo, công khai các quy định hỗ trợ pháp lý, giúp thông tin dự báo cho các doanh nghiệp. Nhưng ông cũng cho biết thêm: điều quan trọng là mỗi doanh nghiệp phải tự quyết định phương thức kinh doanh cho mình. Doanh nghiệp nào nắm được thông tin thì sẽ thành công.

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề tiếp cận nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ree cho biết: các doanh nghiệp có báo cáo tài chính tốt thì ngân hàng sẵn sàng xem xét giải quyết và họ phải chứng minh tính khả thi của dự án. Bà Mai Thanh cho biết thêm: Các nhà đầu tư nước ngoài chú ý tới ba tiêu chí sau để đầu tư: trong quá khứ công ty bạn đã thành công như thế nào, trong tương lai công ty sẽ ra sao và bạn quản trị doanh nghiệp dựa trên tiêu chí nào.

Khó khăn thứ hai, theo ông Hoàng Văn Dũng là việc bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam bị hạn chế về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính (dưới dạng đầu tư từ bên ngoài, các khoản vay, các khoản nợ…) và thiếu thông tin (thị trường và các dự báo chiến lược kinh doanh). Chính vì vậy mà số lượng doanh nghiệp thành công không nhiều.
Ngoài những vấn đề trên, các doanh nghiệp còn tham gia thảo luận, góp ý vềà luật, thuế, môi trường kinh doanh, quản lý doanh nghiệp…

THUỲ DUNG

---
Tháo dỡ cầu chữ Y:

Ùn tắc giao thông tại cầu tạm

Sau khi đóng một phần cầu chữ Y (ngày 30-9), gần một tháng nay tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra tại cầu sắt tạm (thay cho cầu chữ Y), cách cầu cũ 500m, nối đường Lê Quang Kim (quận 8) với đường Trần Tuấn Khải (quận5). Thời gian ùn tắc từ sáu giờ đến tám giờ sáng tại đầu cầu thuộc quận 8 và từ năm giờ đến sáu giờ chiều ở đầu cầu phía quận 5.

Việc ùn tắc giao thông liên tục gây khó khăn trở ngại cho đi lại và công việc của người dân. Anh La Quốc Cường, nhân viên Trung tâm văn hóa quận 8, cho biết từ ngày tháo dỡ cầu chữ Y thay bằng cầu tạm sáng nào anh cũng tranh thủ dậy sớm, năm giờ sáng đã chở con sang đến quận 5 học. Có hôm đi trễ, phải mất 30 phút hai cha con anh mới qua được cầu. Chị Nguyễn Thái Hiền, nhân viên ngân hàng Á Châu chi nhánh quận 5, nói do nhà ở quận 7 nên chị đi làm theo hướng này và ngày nào cũng chịu cảnh chen chúc nhau lên cầu.

Sở dĩ tình trạng ùn tắc giao thông liên tục xảy ra là do lượng người, xe quá đông mà cầu sắt tạm lại nhỏ. Mặt khác đường dẫn vào cầu phía quận 8 còn vướng nhà nhiều hộ dân nên hẹp và có góc cua gấp. Còn đường dẫn vào cầu tạm phía quận 5 không có đèn tín hiệu.

Anh Nguyễn Văn Hùng, Tổ phó tổ trật tự giao thông thuộc lực lượng thanh niên xung phong, đứng chốt ở cầu tạm, cho biết, ùn tắc giao thông ở đây rất đúng giờ, cứ sáu giờ 15 phút là ùn tắc ở đầu cầu quận 8. chiều năm giờ 20 phút trở đi ùn tắc ở phía quận 5.

Trao đổi với phóng viên sáng ngày 26 –10, ông Vương Hoàng Thanh, Trưởng phân ban quản lí công trường dự án đại lộ Đông – Tây TP.HCM cho biết ban quản lí đã làm việc với UBND quận 8 và đã có văn bản trình thành phố dự toán kinh phí di dời 15 hộ dân ở đầu cầu quận 8. Sau khi các hộ dân này di dời sẽ điều chỉnh lại đường dẫn vào cầu tạm cho thông thoáng. Riêng ở đầu cầu quận 5 chúng tôi sẽ bố trí thêm hai cột đèn tín hiệu và điều chỉnh lưu thông một chiều một số đoạn đường thuộc đường bến Hàm Tử.

Trả lời về việc phối hợp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, Trung tá Đặng Văn Kiệt, Đội trưởng đội cảnh sát giao thông – trật tự – cơ động công an quận 8 cho biết phía đầu cầu tạm quận 8 chúng tôi huy động lực lượng công an phường 8, thanh niên xung phong cùng với cảnh sát giao thông có mặt thường xuyên tại điểm nóng này để phân luồng. Mặt khác, không cho xe ba gác, xe chở cồng kềnh, xe bốn bánh lưu thông qua cầu trong giờ cao điểm.

BÙI TRỌNG NHƠN

---

GIẢI HÒA = GIẢI QUYẾT BẰNG BẠO LỰC?
Hai đứa trẻ đang tuổi vị thành niên cúi đầu lí nhí trước Hội đồng xét xử: Con giết Nghĩa vì muốn giải hòa giúp bạn. Tại phiên xử khác, người phạm tội là một thanh niên lớn tiếng lại với Viện Kiểm Sát: “Tôi không giết người, tôi chỉ giải hòa cho bạn thôi”. Những hình ảnh, những câu nói như vậy không hiếm thấy ở các phiên xử của Tòa án nhân dân TP. HCM.
Những người giám hộ của bị can đang ngồi quạt gió dưới gốc cây sứ trắng. Sáng sớm hôm nay, 18/9/2001, họ đã đạp xe từ Hóc Môn lên đây để dự phiên Tòa mà bị cáo là con của họ. 8 giờ 15 phút, xe đến. Mọi người ồ ạt đứng lên và cùng ngóng ra đường. Ba gương mặt khắc khổ nhìn những người cảnh sát đang áp tải đứa con của mình từ chiếc xe bít bùng từng bước đi đến vành móng ngựa. Ba bị cáo đó là: Nguyễn Duy Khánh, Nguyễn Quốc Bảo và Ngô Trần Sỹ. Tất cả đều sinh năm 1985. Lúc thực hiện hành vi phạm tội, họ mới 15 tuổi.

Hậu quả việc “giải hòa”

Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử tuyên án: Nguyễn Duy Khánh: 11 năm, Nguyễn Quốc Bảo: 10 năm, Ngô Trần Sỹ: 7 năm tù giam về tội giết người. Các bị cáo bồi thường cho nhân thân người bị hại 15 triệu đồng tiền mai táng phí và 3 triệu đồng tiền thiệt hại tinh thần. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm n, khoản 1, điều 93 và khoản 2 , điều 74 BLHS.

Điểm n, khoản 1, điều 93 quy định hình phạt cho hành vi giết người có tính chất côn đồ. Khoản 2, điều 74 quy định hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi. Vài tiếng khóc thút thít phát ra từ dãy ghế dành cho những người liên quan. Ba gương mặt tội phạm vẫn ngơ ngác.

Sự việc có thể được lược theo bản cáo trạng số 295/ KSĐT – TA ngày 19/6/2001 của VKSND TP.HCM. Nghĩa là một học sinh giỏi lớp 10 của một trường THPT ở Hóc Môn. Nghĩa và Sỹ là người cùng xóm. Đã nhiều lần, Sỹ gọi Nghĩa là “Nghĩa địa”. Nghĩa không thích Sỹ gọi mình như thế nên ngày 9/1/2000, khi nhìn thấy Sỹ tại nhà thờ Trung Chánh, xã Tân Xuân, Hóc Môn, Nghĩa đã rút thước gỗ ra đuổi đánh Sỹ. Khi chạy thoát, Sỹ tìm gặp hai bạn là Bảo và Khánh nhờ họ đi giải hòa cho mối quan hệ giữa mình và Nghĩa. Kết quả của việc giải hòa là Nghĩa bị xuất huyết phổi và chết bởi hai cây sắt tròn 5cm, dài 75cm và 65cm do Bảo và Khánh đánh vào người.

Trách nhiệm của gia đình

Trong phần thẩm vấn, chủ tọa phiên tòa hỏi Khánh để khẳng định mức độ nhận thức về y học của bị can. Khánh nói: “Khi đánh Nghĩa, tôi chỉ đánh trên lưng cho Nghĩa sợ chứ không muốn Nghĩa chết. Vào tù, nghe bạn tù nói rằng đánh trên lưng cũng nguy hiểm thì tôi mới biết mình đã lỡ…”.
Còn Bảo thì cứ khăng khăng tranh luận với đại diện VKS rằng “chỉ đánh giải hòa chứ không đánh Nghĩa chết”. Tiếng khóc của mẹ bị can xen lẫn tiếng cười khì của vài người tham dự phiên tòa khi nghe Bảo tranh luận vòng vo với Hội đồng xét xử rằng đánh chỉ để giải hòa.

Một Hội thẩm nhân dân nhăn mặt, nói lớn: “ Chỉ có khái niệm đánh trả thù chứ không có khái niệm đánh giải hòa. Ngay trong ý thức phạm tội của các bị can, từ giải hòa có nghĩa là giải quyết bằng bạo lực. Cách nghĩ này đã ăn sâu vào đầu óc của một bộ phận thanh thiếu niên ngày nay. Gia đình cũng có một phần trách nhiệm trong nhận thức lệch lạc của các bị can”.
Tòa án nhận định rằng nguyên nhân phạm tội của ba bị cáo vị thành niên này là do nhận thức còn non kém nhưng đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội nên cần ngăn chặn bằng hình phạt nghiêm khắc.

Ba người giám hộ của các bị cáo vội vàng đội nón, lấy xe đạp theo chiếc xe bít bùng về trại giam Chí Hòa. Họ bảo: Đến dặn tụi nó cách ăn ở, cư xử trong tù.

Học viên Nguyễn Thị Mận

Em có ý muốn trao đổi với thầy về từ giải hòa. Theo Từ điển Tiếng Việt của NXB Thanh Hóa năm 1998, giải hòa có nghĩa như hòa giải: “Thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hay xích mích một cách ổn thỏa”.

Đúng ra em phải dùng từ hòa giải vì từ này có tính quen thuộc, nhưng em muốn dùng nguyên văn lời nói của người được phản ánh.

----
Đám cưới online
Bên cạnh các hình thức tổ chức đám cưới quen thuộc, gần đây đã xuất hiện một số kiểu đám cưới lạ trong giới trẻ như: Đám cưới trên không (nhảy dù), đám cưới dưới nước (lặn biển); đặc biệt kiểu đám cưới trên mạng đang ngày càng phổ biến…

Lướt một vòng bằng công cụ tìm kiếm trên net, bạn có thể gặp khá nhiều website đám cưới của các cặp vợ chồng trẻ đang lưu hành trên mạng hiện nay. Website haoanhforever của Nguyễn Việt Anh và Nguyễn Thị Minh Hảo được thiết kế khá bắt mắt. Ngoài giao diện giới thiệu thông tin về cô dâu, chú rể, ngày cưới... còn có các trang giới thiệu ảnh của hai họ; album ảnh cô dâu chú rể chụp trong studio và chuyên mục lời chúc, để cho tất cả người thân dù ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể viết lời chúc mừng đôi uyên ương.

Wedding website của anh Hà Vũ Bình và chị Trần Thị Tuyết Trinh lại có lời giới thiệu trên giao diện với tựa đề Mối tình chung thủy đến chết không phai, trong đó anh chị viết “Cây có cội, sông có nguồn, chim có tổ, con người có tông... Lễ cưới của chúng con thật ý nghĩa với sự tham dự và chia vui đầy đủ của bà con hai họ...”. Wedsite của anh chị còn đầy ắp ảnh cưới, từ lễ rước dâu, trao lễ, dâng rượu cha mẹ đến tiệc chiêu đãi bạn bè.

Có cặp còn tổ chức đám cưới trực tuyến như anh Lê Việt Hùng (1974) và chị Huỳnh Mai Trâm Anh (1980) ở quận 3, TP HCM. Là một kỹ sư công nghệ thông tin, trước ngày cưới khoảng hai tháng, anh Hùng tự thiết kế cho mình một website với những thông tin về đám cưới của anh chị được cập nhật thường xuyên. Sau khi hoàn thành album ảnh cưới, anh lựa chọn rồi post lên webbsite weddinh của mình cho những người thân ở Hà Nội, bạn bè đang học tập, công tác ở nước ngoài xem. Những đoạn video ngắn, hình ảnh trong lúc tổ chức đám cưới ở nhà hàng cũng được anh chị gởi liền đến người thân, bạn bè mà họ không về dự kịp, qua website của mình.

Đi hưởng tuần trăn mật tại đảo Tuần Châu, ngoài máy ảnh, anh Hùng còn mang theo máy tính xách tay để gia đình xem những tấm hình trăng mật tuyệt đẹp của họ trên website đám cưới.

Anh Hùng kể, vào web gặp những lời chúng mừng cùng những cánh thiệp của bạn bè ở nước ngoài gởi về, tụi này vui lắm!

Hiện nay website đám cưới của các đôi uyên ương đang lưu hành trên mạng được thực hiện dưới hai dạng: website độc lập hoàn toàn, hay website dựa vào một số website chính thức chuyên thực hiện các dịch vụ về tổ chức đám cưới trên mạng.

Chi phí cho một website wedding (dựa trên một website chính thức) khoảng hai triệu đồng, trong đó thường có các phần: Giao diện (với các hiệu ứng sống động về hình ảnh và âm thanh); trang thông tin về đôi tân hôn (ngày tháng năm sinh, quê quán, đám cưới được tổ chức ở đâu, khi nào). Có cả câu chuyện tình lãng mạn của hai người trong thời gian tìm hiểu nhau, hay những lời tri ân dành cho đấng sinh thành, bà con dòng họ hay bạn bè thân hữu; trang thông tin về hai họ; trang trưng bày những hình ảnh về đám cưới của cô dâu chú rể; trang dành cho những người thân giử lới chúc mừng đôi uyên ương. Tất cả các mục đều có chương trình cập nhật và quản lý nội dung do website chính điều phối.

Dạng website như trên ngoài nhưng ưu điểm như giá thành thấp, luôn có người cập nhật và quản lý hộ... thì còn có những khó khăn nhất định. Do phụ thuộc vào một website khác nên dung lượng không nhiều. Tên truy cập phải kèm theo tên của website chính thức. Nếu không may website chính bị sự cố, thì toàn bộ những website “con” cũng bị ngưng trệ.

Đối với loại website độc lập thường có dung lương lớn, có thể chứa file video đám cưới, tên truy cập độc lập... Tuy nhiên giá thành lại cao (một trang của website khoảng một triệu đồng), thêm chi phí thuê đường truyền, phải tự đối phó khi bị hacker tấn công.

Trần Đình Thủ
---

No comments: