23 July 2011

Ước gì tôi có 1 triệu đô (I wish I had S$1 million, so that I could invest in good undervalued stocks in Vietnam)

Các bạn thân mến: Mời các bạn xem tiếp một bài phỏng vấn, lần này là về đầu tư chứng khoán.


Bản tiếng Anh của bài này tại:(You may read the English version of this story at:)

http://english.thesaigontimes.vn/Home/interviews/businesstalk/17252/

---


“Ước gì tôi có 1 triệu đô”

Trong cuộc phỏng vấn bên lề hội thảo về quản trị công ty do HOSE và Công ty chứng khoán Kim Eng tổ chức, ông David Gerald, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Hiệp hội các Nhà đầu tư chứng khoán (Singapore), đã nhận xét: thị trường chứng khoán xuống dốc chính là thời cơ của nhà đầu tư dài hạn, và ông ước mình có 1 triệu đôla Singapore để mua cổ phiếu doanh nghiệp Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn, ông cũng đề cập hoạt động chính của Hiệp hội các Nhà đầu tư chứng khoán: hướng dẫn và bảo vệ nhà đầu tư. Trích đoạn.

---
- Thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm mạnh trong những tháng gần đây. Thị trường chứng khoán Singapore có đối mặt với tình trạng tương tự bao giờ chưa?

Thị trường chứng khoán Singapore cũng có lúc không ổn định; chỉ số tăng rồi giảm. Tất cả chung quy là do cung và cầu. Vì bất ổn nên mọi người bắt đầu bán ra khiến cung vượt quá cầu. Thị trường nhanh chóng phản ứng bằng cách kéo giá cổ phiếu giảm xuống.

- Nhưng có khi nào thị trường chứng khoán Singapore giảm giá trầm trọng như Việt Nam?

Những năm vừa qua thì không nhưng trong quá khứ, cũng từng giảm sâu một hoặc hai lần. Gần đây thị trường chứng khoán Singapore có dao động nhưng thường không quá 3% và luôn được điều chỉnh kịp thời. Thị trường bao gồm các người mua bán lướt sóng, đầu cơ và đầu tư chứng khoán, cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Chính những người đầu cơ ngắn hạn mới gây nên tình trạng bất ổn vì họ liên tục nhảy ra nhảy vào thị trường.

- Ông có lời khuyên nào đối với nhà đầu tư trong bối cảnh một thị trường đang sụt giảm?

Hãy chọn đầu tư vào những công ty thích hợp bằng cách xem xét những mặt cơ bản của các công ty đó. Nếu đã chọn đầu tư vào doanh nghiệp có nền tảng chắc chắn, ổn định và tiềm năng tăng trưởng cao thì không cần phải lo lắng. Những gì đang tạm thời đi xuống rồi sẽ phục hồi và tăng trưởng. Hãy mua và để đó, từ 3 – 5 năm. Nên noi gương Warren Buffet. Nhà đầu tư số một thế giới này mua các chứng khoán tốt và không hề lo lắng khi thị trường lên xuống. Ông ấy cứ để đó trong nhiều năm để thu lợi.

Cần tự hỏi: Công ty được quản lý tốt không? Kinh doanh tốt không? Có tiềm năng phát triển không? Nếu câu trả lời là có thì đừng chần chừ gì nữa mà hãy đầu tư, nắm giữ cổ phiếu của công ty này.

- Ông có thể cho ví dụ một công ty Singapore nào thuộc dạng đó không?

Singapore Airlines. Chứng khoán của hãng hàng không này dao động từ 11 đến 14 đôla Singapore, tùy vào sự biến động do các quỹ đầu tư tạo ra. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư dài hạn có lẽ đã mua cổ phiếu SIA khi giá của nó chỉ 3 đô. Họ không quan tâm đến các dao động hiện tại vì tin rằng nó sẽ tăng lên 20 đô trong vài năm tới.

Vấn đề cốt yếu là bạn phải đợi bao lâu trên thị trường. Việc này tùy thuộc vào kế hoạch tài chính và mục đích đầu tư. Chẳng hạn, nếu đầu tư cho việc học của con cái, bạn có thể đợi đến khi con bạn đủ tuổi bắt đầu đến trường thì mới nên bán cổ phiếu.

- Ông có thêm lời khuyên nào nữa không?

Một lời khuyên khác của tôi là “đa dạng hóa”. Hãy đầu tư vào nhiều công ty khác nhau cũng như công cụ tài chính khác nhau. Khi đầu tư vào chứng khoán thì đừng vượt quá năm mã. Nên đầu tư cả vào trái phiếu, chứng chỉ quỹ ETF (Exchange-traded funds) và gửi tiền ngân hàng để ăn lãi cố định. Bằng cách này, bạn có thể thu lợi từ nhiều nguồn khác nhau đồng thời giảm thiểu được rủi ro. Điều rất quan trọng là phải biết hạn chế rủi ro, điều mà hầu hết các nhà đầu tư đều ít khi chú ý tới.

- Vậy nên đầu tư bao nhiêu phần trăm tiền vốn vào chứng khoán?

Nói chung, nếu có 100 đồng, đừng đầu tư quá 30 đồng vào chứng khoán, tức khoảng 30% cho chứng khoán, 20-25% cho trái phiếu, chứng chỉ quỹ ETF và một tỷ lệ khác vào bất động sản, v.v...

Tuy nhiên, tất cả còn tùy thuộc vào mức độ chịu đựng rủi ro: nhà đầu tư khác, nhà đầu cơ hay mua bán lướt sóng khác đều có mức độ chịu đựng khác nhau. Những người mua bán lướt sóng, đầu cơ thường đầu tư nhiều tiền hơn vào chứng khoán vì họ chấp nhận rủi ro cao. Cũng tùy thuộc sức mạnh tài chính của mỗi người nữa: bạn có đủ tiền để chịu đựng rủi ro cao nhất là mất hết các khoản đầu tư hay không. Nếu không đủ năng lực tài chính thì đừng nên bỏ hết tiền vào những món đầu tư độ rủi ro quá cao.

- Ông có đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam?

Chưa, vì đây vẫn còn là thị trường mới mẻ đối với tôi. Trước tiên tôi muốn tìm hiểu về Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, nay là lúc phải đến Việt Nam. Ước chi tôi có một triệu đôla Singapore, tôi sẽ mua những chứng khoán tốt trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng đang bị đánh giá không đúng giá trị thật và để đó cho đến 5 năm.

- Ông có thể cho biết về vai trò của Hiệp hội các Nhà đầu tư Chứng khoán Singapore (SIAS)?

SIAS giúp nhà đầu tư trang bị đầy đủ thông tin và khả năng tự đưa ra quyết định. Chúng tôi hướng dẫn họ cách phân tích công ty, thị trường và cách đọc hiểu các bản báo cáo thường niên. Để quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp nào đó, trước hết các nhà đầu tư phải nghiên cứu báo cáo thường niên của nó để hiểu các nhà lãnh đạo, lĩnh vực kinh doanh chính cũng như tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.

SIAS cũng bảo vệ các nhà đầu tư. Nếu xảy ra tranh chấp giữa các cổ đông và công ty mà do lỗi của công ty, SIAS sẽ can thiệp và cố gắng giải quyết vấn đề một cách ôn hòa. Chúng tôi sẽ thương lượng riêng trước với đại diện công ty trong phòng họp. Tuy nhiên, nếu họ không có thiện chí thảo luận thì chúng tôi sẽ đưa vấn đề ra báo chí.

- Sao lại là báo chí?

Đưa vấn đề ra công luận là nhằm buộc công ty phải ngồi vào bàn đàm phán. Chúng tôi từng gặp nhiều trường hợp rồi. Trong phần lớn các trường hợp, công ty đều chấp nhận đàm phán và chúng tôi lặng lẽ giải quyết các tranh chấp. Đó là tình huống có lợi cho cả đôi bên. Tuy nhiên, đôi lúc có công ty không muốn hợp tác và từ chối tiếp xúc. Khi đó chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải đưa vụ việc ra công luận hoặc tòa án. Chúng tôi thường đưa ra công luận để công ty chấp nhận đàm phán hơn là nhờ đến tòa án.

- Các ông có hay chiếm được phần thắng không?

Chúng tôi chưa thua bao giờ.

- Khi có doanh nghiệp không hợp tác thì các ông nhờ đến báo chí. Vậy khi đó doanh nghiệp sẽ bị tai tiếng thì sao?

Đúng vậy. Đó là lý do chúng tôi cố không làm như vậy. Bước đi đầu tiên là giải quyết mọi việc một cách riêng tư. Gọi điện cho Chủ tịch và Tổng giám đốc báo rằng có vấn đề, cần phải bàn bạc với nhau. Có đến 99% trường hợp họ đồng ý ngồi lại với chúng tôi.

No comments: