15 January 2011

Gián điệp kinh tế

Mời các bạn đọc bài về gián điệp kinh tế ở Pháp.
Chúc tất cả an lành.

--
Pháp sẵn sàng đối phó với gián điệp công nghiệp

Cảnh sát, quân đội, cơ quan tình báo đều được huy động cho nhiệm vụ này.


Chiến tranh lạnh đang nhường chỗ cho chiến tranh kinh tế và James Bond thời nay cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình. Một nhân viên tình báo giỏi từ giờ phải nói được tiếng Hoa thay vì tiếng Nga và đọc báo cáo tài chính hằng năm của doanh nghiệp giỏi không kém gì kỹ năng bắn súng. Một chiếc điện thoại thông minh được giấu dưới bàn đã đủ để nghe các cuộc nói chuyện và một chiếc cà vạt có thể lật tẩy mọi bí mật. Một doanh nghiệp Pháp khi đón tiếp đoàn đại diện một nước sang thăm nhà máy đã bắt được quả tang một vị khách lấy trộm các mẫu sản phẩm của nhà máy.
Để đối mặt với loại hình tội phạm tri thức từ nước ngoài này, các doanh nghiệp Pháp có thể nhờ cậy đến Ban tình báo nội địa trung ương DCRI. Cơ quan này có một bộ phận dành riêng cho tình báo kinh tế và có nhiệm vụ bảo vệ các tài sản kinh tế. Bộ phận này có thể tiếp cận các doanh nghiệp nhờ vào các chi nhánh ở từng khu vực. DCRI cũng đang theo vụ gián điệp kinh tế của Renault.
Renault đã xác nhận thực hư về vụ gián điệp công nghiệp quanh dự án xe hơi điện của hãng. Trong một bài phỏng vấn với tờ Le Monde, Patrick Pélata, tổng giám đốc tạm quyền, đã tuyên bố Renault đang phải « đối mặt với một hệ thống ăn cắp thông tin kinh tế, công nghệ và chiến lược có tổ chức nằm phục vụ cho lợi ích của nước ngoài ». Đó là một mạng lưới tinh vi bao gồm các hãng bình phong, các tài khoản ở nước ngoài, một cơ sở gia công phụ tùng xe hơi của Pháp và cả những người trung gian nước ngoài.
Patrick Pélata đã đảm bảo rằng « không một thông tin nào về công nghệ, chiến lược liên quan đến kế hoạch đổi mới bị tiết lộ ra ngoài ». Chỉ có những thông tin về thiết kế, giá cả và mô hình kinh tế của chương trình là bị rò rỉ. Những công việc hợp tác với Ủy ban năng lượng nguyên tử về loại pin tương lai cũng không bị ảnh hưởng.
Các cơ quan tình báo thường thiết lập một mạng lưới dày đặc nhằm bảo vệ các thông tin mang tính chiến lược của Pháp. Cảnh sát và hiến binh hỗ trợ các doanh nghiệp trong trường hợp dữ liệu bị ăn cắp và nhắc nhở các nhân viên bảo vệ các bí mật kinh doanh. Nhiều công ty an ninh tư nhân cũng đề nghị thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ nhân sự và bí mật sản xuất.
Ở cấp chính phủ, ban liên bộ tình báo kinh tế của Pháp đã xây dựng chính sách về bảo vệ các bí mật kinh tế, theo dõi các diễn biến liên quan và cả việc vận động hành lang. Đặc biệt, để đấu tranh chống việc ăn cắp thông tin thông qua hệ thống công nghệ thông tin, Pháp đã thành lập Văn phòng an ninh thông tin quốc gia Anssi, có nhiệm vụ bảo vệ thông tin cho các trang web của Nhà nước và doanh nghiệp kể từ tháng 7/2009.
Nhận thấy một hệ thống như của Pháp rất có hiệu quả, hồi cuối tháng 12/2010, Đức cũng thông báo sẽ thành lập một cơ quan an ninh thông tin giống như của Pháp.

Đế chế gián điệp kinh tế

Đặc biệt, Pháp là nước hoạt động rất hiệu quả trên lĩnh vực này nhưng không phải lúc nào cũng tuân thủ các giới hạn của luật pháp. Điều này được ghi lại trong một bức điện của sứ quán Mỹ tại Berlin và là một trong những thông tin ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ. Thông tin này được đăng trên trang web của tờ báo Na Uy Aftenposten. Chủ tập đoàn OHB Technology của Đức tuyên bố trong một bức thư là « Pháp là đế chế của những vụ gián điệp công nghệ » và rằng « những thiệt hại đối với nền kinh tế Đức do gián điệp kinh tế của Pháp gây ra còn lớn hơn của Nga và Trung Quốc ».
Thế nhưng các doanh nghiệp Pháp lại bị tổn hại nhiều nhất do ... chính gián điệp kinh tế trong nước. Theo một báo cáo của cơ quan tình báo được công bố năm 2007, các bí mật về sản xuất của Pháp chủ yếu bị chính người Pháp đánh cắp, nhiều hơn là do các đối thủ châu Âu và rồi sau cùng mới đến Mỹ và Trung Quốc.
Nga vẫn rất thích dựa vào các tin tức tình báo. Thủ tướng Nga Vladimir Putin mới đây đã kêu gọi các cơ quan an ninh đối ngoại của Nga chủ động tham gia hiện đại hóa nền kinh tế đất nước nhưng « không vi phạm luật pháp các nước khác ». Ông cũng nhấn mạnh rằng « nhiều quốc gia đã làm việc theo cách rất ấn tượng với những nguồn thông tin hợp pháp ».

(theo Le Monde)

No comments: