29 January 2011

Chúc Tết và mời đọc về Phú Quốc

Chào các bạn,

Chúc tất cả ăn Tết vui.

Mời các bạn đọc ghi chép về Phú Quốc trong chuyến đi gần đây (chưa biên tập lại).

--

Phú Quốc 1 : Resort Ngàn sao

Phú Quốc tháng giêng trời se lạnh. Mùa này tuy không còn mưa nữa nhưng để tắm biển thì có lẽ không lý tưởng bằng mùa hè. Mới đặt chân xuống nước bạn có thể có một chút rùng mình vì lạnh và phải mất năm mười phút để làm quen dù vẫn có ánh nắng mặt trời. Bãi biển tôi tắm ở ngay sau khu resort nơi tôi nghỉ. Xung quanh chỉ có người nước ngoài. Biển xanh. Cát vàng. Phía xa xa có một ghềnh đá sần sùi với những lỗ hổng ăn sâu vào trong, có lẽ do bị nước biển bào mòn qua thời gian.

Khu resort được xây dựng hơi lộn xộn, ngăn cách với bãi biển bằng hàng rào. Mùa này nước lên cao nên nước biển chỉ cách hàng rào chừng 3 mét. Dọc bãi biển không có bóng dáng của người bán hàng rong hay nhà dân mà chỉ toàn resort và khách sạn. Khu resort Ngàn Sao nơi tôi ở giá tương đối dễ chịu, từ 400 đến 800 ngàn đồng/đêm. Phòng tôi thuê rộng khoảng 20 m2 và ở vị trí khá đẹp, sạch sẽ nhưng nội thất không phải đồ cao cấp, gồm tủ lạnh nhỏ, ti vi, bàn viết, tủ đựng áo quần và giường gỗ.

Từ phòng nghỉ nhìn ra là thấy hồ bơi, đi chừng 30 mét thì đến biển. Dọc bờ biển là những hàng dừa nhấp nhô, đắm chìm trong không khí yên tĩnh. Đặc biệt ở đây có dịch vụ mát-xa trên bờ biển với giá 80.000 đồng/40 phút và người phục vụ là các chị lớn tuổi – 40 đến trên 50, da rám nắng. Tôi đã đi nhiều bãi biển, chưa thấy nơi nào có dịch vụ mát-xa lộ thiên như thế này.

Nhưng biển Phú Quốc cũng giống bao bãi biển khác ở Việt Nam, dẫu có phần sạch hơn một số nơi. Muốn thăm bãi biển đẹp nhất Phú Quốc bạn phải đến An Thới, cách nơi tôi ở (thị xã Dương Đông) khoảng 30 km.

Lúc anh Đoàn Tuấn Linh, tài xế khu nghỉ mát, đến đón ở sân bay, tôi đã được giới thiệu sơ qua về dịch vụ ở đây. Anh tài xế khuyên tôi nếu muốn thăm quan Phú Quốc thì nên thuê xe máy, giá từ 100 đến 120 ngàn mỗi ngày, xăng khách tự đổ. Hoặc cũng có thể thuê một người lái xe ôm chở mình đến những điểm du lịch nổi tiếng của Phú Quốc và trả họ khoảng 250 đến 300 ngàn mỗi ngày. Con người Phú Quốc hiền lành và thật thà, có lẽ một phần là do cuộc sống nhẹ nhàng và êm đềm nơi đây. Khi tôi đi mua đồ và trả giá, người bán hàng nói rằng ở đây không nói thách như trong đất liền.

Tôi từng đến Phú Quốc cách đây 10 năm nhưng lần đi đó là một chuyến công tác trong thành phố chứ không phải nghỉ ngơi ở khu resort ngoài bãi biển như lần này. Lúc đó đã có resort Ngàn Sao và một khu resort rất lớn của Saigon Tourist nhưng các khách sạn và khu resort khác vẫn chưa nhiều và kín cả bãi biển như bây giờ.

Thấp thoáng xa xa chỉ có một anh ngư dân đang đánh cá ở gần bờ. Trên bãi biển còn một chiếc thuyền xanh nằm lẻ loi. Ngư dân Phú Quốc giờ đây có lẽ nhiều người đã chuyển nghề sang làm du lịch.

Gần resort Ngàn Sao có một đường nhỏ dài đến một km dẫn xuống biển có thể gọi đường này là đường “Tây ba lô” vì hai bên đường có rất nhiều nhà trọ nhỏ, quán ăn và các hàng cung cấp dịch vụ Internet, giặt giũ, cho thuê xe máy… Xen kẽ ở đây vẫn có vài resort và những khu đất trống trồng dừa hoặc treo biển cho thuê. Lác đác còn có vài khách sạn đang xây dựng dở dang. Giá cả các hàng quán ở đây cũng gần như nhau vì mọi người phải cạnh tranh để thu hút khách.

Càng đến sát biển thì đường đi xấu dần, chỉ còn trải đất đỏ. Khi tôi đi hết con đường xuống bãi biển thì trời cũng đã về chiều và đèn đã lên. Dọc bãi biển là những hàng quán bằng tranh với bàn ghế nằm xen kẽ. Quán xá vẫn thưa thớt vì chưa đến giờ ăn. Quanh đó chỉ thấy người nước ngoài nằm nghỉ ngơi và đọc sách giữa tiếng sóng biển rì rào. Trên biển vẫn còn 2 chiếc thuyền thúng bỏ lưới đánh cá. Khung cảnh thật thanh bình.


Phú Quốc 2: Nuôi trai lấy ngọc


Nghề nuôi trai lấy ngọc chính qui có mặt ở Phú Quốc từ cách đây 15 năm. Cơ sở nuôi ngọc trai đầu tiên là của người Úc ra đời năm 1996 nằm trên con đường từ resort Ngàn Sao đi xuống qua một làng chài. Sau đó một số cơ sở nuôi cấy của người Việt Nam ra đời, chẳng hạn như cơ sở Quốc An mà hôm nay tôi đi tham quan. Ngọc trai có giá rẻ nhất là 100 ngàn đồng/viên nhưng viên ngọc không được đẹp, chỉ có một nửa. Viên ngọc trai đắt nhất có thể lên đến 20 triệu.

Tôi được chị Trương Hồng Như, nhân viên bán hàng, giới thiệu sơ qua về quy trình nuôi cấy ngọc trai. Bước đầu tiên của quá trình nuôi cấy ngọc trai là tạo cho nó một phôi tròn rồi cấy vào bắp thịt của con trai. Phôi đó chính là những vỏ xà cừ của con trai. Tùy vào hình dáng viên ngọc trai mà mình muốn có thì mài phôi thành hình tròn hay hình giọt nước. Sau khi cấy thì bỏ con trai vào trong lồng rồi thả xuống nước và tạo môi trường để con trai sống. Mỗi lồng có khoảng sáu con. Để cấy phôi thì chọn những con trai khoảng từ sáu tháng đến hai năm tuổi. Con trai phải được nuôi trong khoảng 2 năm mới có thể thu hoạch được. Mỗi tuần phải ra thăm và làm vệ sinh cho con trai như cạo sạch các con hào bám trên vỏ con trai. Cần làm sạch cả nguồn nước thì viên ngọc trai mới bóng sáng và đẹp.

Ngọc trai được dùng để chế tác ra nhẫn, dây chuyền, bông tai hay lắc tay. Ngoài ngọc trai, phần còn lại của con trai cũng được tận dụng hết. Thịt trai được dùng để ăn còn vỏ con trai dùng để cẩn lên đồ thủ công mỹ nghệ. Các mặt hàng mỹ nghệ và trang sức bày bán tại đây rất đang dạng.

Cơ sở nuôi cấy ngọc trai Quốc An thuê 4 ha mặt biển để nuôi. Anh Lê Công Thắng, nhân viên kỹ thuật, giải thích thêm về mô hình khu nuôi cấy ngọc trai. Trước tiên họ cho căng sợi dây dài từ 7 đến 8 mét, mỗi đầu dây thiết kế 2 nhà bè dành cho nhân viên kỹ thuật để các con giống khi đưa về được căng trên đó. Tùy mỗi con trai giống mà thiết kế thời gian nuôi và lồng nuôi khác nhau để chúng có môi trường sống phù hợp.

Khi khai thác các con trai tự nhiên mang về thì nuôi dưỡng ngoài biển từ 3 đến 6 tháng cho chúng thích nghi với môi trường tự nhiên ở biển rồi đem lên bờ và để trong bể chạy ô-xi trong 24 tiếng. Sau đó, cho con trai tiết chất nhớt ra ngoài bớt thì vớt con trai ra ngoài để nó há miệng ra. Khi đó lập tức cho phôi là các miếng vỏ của con trai già đã được xử lý mài thành hình tròn vào bộ phận sinh dục con trai.

Để có thể duy trì sự sống, con trai phải tiết ra chất dịch. Có những con trai tự tống phôi ra ngoài thì không thể thu được ngọc. Còn những con trai không làm được điều này thì nó sẽ tự chữa vết thương bằng cách tiết ra chất dịch bao quanh vật thể lạ làm phôi lớn dần lên. Màu sắc của viên trai phụ thuộc vào màu vỏ xà cừ của con trai. Hiện nay cơ sở này đang có 4 loại màu khác nhau là đen, trắng, vàng và hồng. Màu trắng cũng có nhiều loại như trắng ngà, trắng bạc, trắng hồng, trắng tinh, trắng xanh. Đen có đen xám và đen xanh. Vàng có vàng óng, vàng trắng. Hồng có hồng xanh.

Anh Huỳnh Công Hậu, một nhân viên kỹ thuật khác, cho biết, đối với con trai giống lớn (khoảng 5 đến 6 kg) có thể cấy vào từ 1 đến 4 phôi. Cấy càng nhiều cho xác suất thu được ngọc càng cao nhưng bù lại viên ngọc lại không có giá trị. Thứ nhất, vì lớp xà cừ tiết ra để bao phủ phôi không được dày và do phải tiết nhiều xà cừ nên tuổi thọ con trai không được cao. Thứ hai, các phôi có thể bị lỗi do đâm quá nhiều đường nên các hạt cát có thể lọt vào tạo thành các u hoặc các phôi nhiều quá nên di chuyển nằm gần nhau và khi con trai tiết ra chất bao phủ cả hai hạt cát thì hạt ngọc sẽ có hình hồ lô.

Thứ ba, phôi có thể theo ống dẫn tinh lọt ra ngoài lớp vỏ và tạo hình bóp méo. Vì vậy giá bán không cao. Đối với con trai giống nhỏ có bộ phận sinh dục nhỏ thì chỉ cấy được 1 hay 2 phôi. Con trai lớn nuôi trong 3 đến 4 năm còn trai nhỏ nuôi từ 1 đến 2 năm. Nhưng cũng có loại trai được nuôi từ 10 đến 20 năm. Thời gian nuôi càng lâu thì viên ngọc trai càng đẹp và càng có giá trị do lớp xà cừ dày.

Có ba cách để kiểm tra xem một viên ngọc trai là thật hay giả. Cách thứ nhất là lấy hai viên trai và cho ma sát với nhau để tạo ra một lớp bột. Nếu lấy lớp bột đó bôi lại vào viên ngọc mà viên ngọc bóng mượt trở lại thì đó là trai thật. Thứ hai có thể cắn viên ngọc trai bằng răng mà cảm thấy độ nhám của viên ngọc trai thì đó là ngọc thật. Cách thứ ba là đốt viên ngọc trai lên, nếu viên ngọc nóng đỏ và vỡ thành bột thì là ngọc thật.

Để lấy ngọc cần dùng dao rạch theo mí giữa 2 nắp của con trai rồi lấy thịt của con trai ra. Tránh chọc thẳng vào con trai vì như thế có thể chạm phải viên ngọc và làm ngọc bị trầy xước. Sau đó chùi rửa viên ngọc sạch sẽ và dùng máy chuyên dụng xuyên qua viên ngọc để tạo lỗ. Chọn xem viên ngọc bị lỗi chỗ nào thì xuyên lỗ ngay ở chỗ đó để che vết lỗi đi. Một viên ngọc trai được đánh giá dựa trên 4 tiêu chuẩn: hình dáng, kích thước, độ bóng và lỗi trên viên ngọc.

Chị Lê Thị Mỹ Dung, chủ cơ sở nuôi cấy ngọc trai Quốc An, cho biết cơ sở này được thành lập từ năm 1995 và Quốc An là tên mới đổi lại cách đây vài năm. Đây là nghề được truyền lại từ đời cha chị, với vốn liếng ban đầu để mở cơ sở khoảng 7 đến 8 tỷ. Hiện nay cơ sở có hơn 20 thợ. Mỗi năm chỉ có một đợt cấy và thu hoạch. Do những tác động từ bên ngoài nên tỷ lệ trai chết cũng khá cao, khoảng 40%. Trong số những con còn sống tỷ lệ lấy được ngọc cũng chỉ 40%.

Chị cũng cho biết các sản phẩm bán ra đều có phiếu bảo đảm cho khách hàng. Nếu sau khi dùng một thời gian mà không thích nữa thì có thể đem trả lại sản phẩm kèm phiếu bảo đảm và chịu lỗ 30%.

Tại cửa hàng của chị có bán những chuỗi ngọc trai giá đến 200 – 300 triệu.

Phú Quốc 3: Làm nước mắm

Tôi đến thăm cơ sở sản xuất nước mắm Thịnh Phát và được chị Trần Ngọc Trinh, nhân viên tại đây, hướng dẫn tham quan.

Tại khu chưng cất nước mắm chứa đầy các thùng gỗ cao chừng 2,5 mét, đường kính khoảng 3 mét, phía dưới có vòi để chiết xuất nước mắm nhĩ. Mỗi thùng đều được che lại bằng một lớp màng và dùng những thanh tre để nén cá xuống. Cá càng ngon thì nước mắm nhĩ càng ít. Cá tươi ngon cho nước mắm độ đạm cao hơn, chừng 43 độ đạm. Cá được ủ với muối trong vòng một năm sẽ cho nước mắm độ đạm cao 40 đến 43 độ đạm. Sau đó xác cá được ủ lần hai và cho nước mắm có độ đạm thấp hơn, khoảng 30 độ đạm.

Xác cá sau khi ủ lần 2 được dùng để làm phân bón. Nước mắm 43 độ đạm có giá 70 nghìn/lít, 40 độ đạm có giá 46 nghìn/lít, còn loại thường là 30 nghìn/lít. Cá có nhiều nhất là vào tháng chín hoặc tháng mười. Giá thu mua cá cơm tùy vào từng thời điểm, trung bình 7.000 đồng/kg. Cơ sở Thịnh Phát chỉ sử dụng một số loại cá cơm cho độ đạm cao như cá cơm than hay còn gọi là sọc phấn.

Để làm mắm thì phải trộn đều cá và muốn. Chẳng hạn 100 kg cá cần 30 kg muối. Mỗi thùng chứa khoảng 12 đến 13 tấn vừa cá vừa muối. Trung bình mỗi thùng cho 3000 lít nước mắm nhĩ. Còn nước nhì thì tùy theo đơn đặt hàng. Yêu cầu về độ đạm càng thấp thì số nước mắm lấy được càng nhiều.

Ông Trần Mỹ Thuận, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Thịnh Phát, cho biết cơ sở của ông không bán lẻ mà có người bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Các đơn vị khác mua nước mắm tại đây để bán lại không lấy thương hiệu Thịnh Phát nữa. Còn để phân tích độ đạm và thành phần các chất trong nước mắm thì ông gửi mẫu lên viện Pasteur ở thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ sở sản xuất nước mắm này không bán đại trà ở các đại lý hay siêu thị mà bán ngay tại nơi sản xuất. Ngoài ra cơ sở cũng có một chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh. Nước mắm được chuyển từ Phú Quốc lên đó bằng đường thủy rồi tiếp tục chuyển ra Bắc bằng được tàu lửa. Cơ sở cũng bán nước mắm sỉ từng can 20 lít cho các nơi khác để họ mang về bán lại.

Nghề làm nước mắm là nghề cha truyền con nối đã ba đời nay của nhà ông Thuận và ông theo nghề này đã hơn 20 năm. Ông cho biết ngày xưa làm mắm phải dùng sức nhiều còn bây giờ đã khỏe hơn vì đã có máy móc phụ giúp. Cơ sở của ông rộng 3.400 m2, trông sáng sủa và sạch sẽ. Ông chủ cho biết vừa dọn dẹp và sơn sửa lại để đón Tết và để du khách đến tham quan. Cơ sở sản xuất này có 18 công nhân làm việc, trong đó chỉ có một người làm kỹ thuật chuyên chịu trách nhiệm vệ sinh thùng mắm.

No comments: