02 May 2010

Bài "Người biên tập trong ta" (đã sửa thêm)

Dành cho bạn trẻ muốn vào nghề biên tập

Người biên tập trong ta


Trong mỗi người chúng ta lúc nào cũng đã có sẵn một người biên tập. Tuy nhiên, chúng ta buộc phải học thêm nhằm mài giũa cho những kỹ năng biên tập tự nhiên thêm sắc bén, đáp ứng yêu cầu của công việc biên tập chuyên nghiệp.

Các biên tập viên văn bản chuyên nghiệp thường dành phần lớn thời gian để đọc văn bản. Nếu đọc một cách cẩn thận thì bước đầu bạn đã có thể phát triển những kỹ năng cần thiết cho nghề biên tập, với bất cứ phương tiện truyền thông nào.

Trên thực tế, bạn đã sở hữu một số kỹ năng cần thiết cho công việc biên tập. Nếu thích thú với những con chữ và có thói quen đọc nhiều (đọc sách, báo, tạp chí, văn bản trên Internet,…), bạn sẽ thấy phần dưới đây là một cách để trình bày những điều bạn đã biết về ngôn ngữ và kỹ năng đọc, viết, tường thuật, phân tích hoặc bình luận. Lẽ dĩ nhiên, cũng có những điểm khác biệt. Nếu không, các tòa soạn chẳng cần phải cất công đào tạo biên tập viên mà làm gì.

Không giống cách đọc bình thường

Đọc để biên tập không giống như những cách đọc bình thường. Giữa những cách đọc bình thường với nhau cũng có những điểm không tương đồng. Đọc truyện trinh thám, chẳng hạn, sẽ không giống với đọc tài liệu để làm bài thi hoặc đọc tin tức trên Internet hay các tờ báo. Khi đọc tiểu thuyết trinh thám, những đoạn gay cấn sẽ cuốn hút bạn, giúp bạn thư giãn (và đôi khi thêm một chút động não). Trong khi đó, tài liệu giáo khoa lại cung cấp kiến thức, thông tin và cả cách phân tích kiến thức, thông tin đó. Bạn phải học và ghi nhớ - nhiều khi thuộc lòng - để có thể làm bài thi cho tốt, tức phải động não nhiều.

Văn bản trên Internet có thể giúp bạn tìm hiểu một vấn đề nào đó tương đối đầy đủ, nhiều khi với cả biểu đồ hoặc hình ảnh và hình vẽ. Còn một tờ báo xuất bản hằng ngày lại cho biết về những sự kiện đã xảy ra; bài thường là ngắn gọn, giúp nhanh chóng nắm bắt được tin tức. Và như vậy, bạn đã tự hình thành những kiểu đọc khác nhau về mục đích, phương pháp và cách thức tập trung để tiếp nhận thông tin.

Dẫu vậy, những kiểu đọc nói trên đều có một số điểm giống nhau. Dù đọc báo, sách, tài liệu học tập hay văn bản trên mạng, bạn đều không dành hết tâm trí cho việc đọc và tiếp nhận dữ kiện và thông tin một cách thụ động. Bạn mặc nhiên chấp nhận những gì đã được viết ra là chính xác, đáng tin cậy.

Tuy nhiên, đôi khi trong văn bản có điều gì đó gây băn khoăn. Trong cuốn truyện trinh thám, chẳng hạn, kẻ giết người bị bắt quá dễ dàng vì bỏ quên ví tại nơi gây án, trong khi trước đó đã đấu trí một cách thông minh với cảnh sát. Chắc chắn đây là sai sót của tác giả vì chi tiết này không hợp lý. Và có thể bạn cảm thấy thất vọng, cho rằng truyện này tệ quá.

Bạn sẽ phản ứng thế nào khi thấy tên họ của một nghệ sĩ mình hâm mộ bị viết sai? Hẳn đối với bạn, đó không phải chuyện nhỏ và sẽ cho rằng người viết không đáng tin cậy. Chỉ một sai lầm thôi cũng đủ để bạn đánh giá toàn bộ bài viết là không tốt. Trên thực tế, lỗi này thường dẫn đến lỗi khác, sai sót này thường dẫn đến sai sót khác. Rồi cho dù vẫn tiếp tục đọc bài đó nhưng bạn sẽ khắt khe hơn: “người biên tập trong ta” đã lên tiếng.

Người biên tập đã xuất hiện trong bạn từ rất sớm, ngay từ khi bạn còn nhỏ, khi bạn bắt đầu học được các kỹ năng ngôn ngữ phức tạp và sử dụng, không chỉ để bắt chước người khác mà còn để kể lại chuyện gì đó và đánh giá những gì nghe được. Khi trưởng thành, người biên tập trong bạn cũng luôn lắng nghe, quan sát và đánh giá.

Luôn làm công việc biên tập

Khi còn nhỏ, bạn nghe một người bạn kể chuyện. Nghe xong, bạn hỏi: “Thiệt không? Có bằng chứng gì không?” Như vậy người biên tập trong bạn đã lên tiếng, đòi hỏi thông tin được cung cấp phải chính xác. Vô hình trung, bạn đã làm giống như biên tập viên giỏi hoặc phóng viên giỏi. Biên tập viên giỏi luôn yêu cầu phóng viên phải trưng chứng cớ; phóng viên giỏi luôn đề nghị nguồn tin cho biết sự kiện có chính xác hay không. Tức bạn muốn kiểm chứng thông tin nhưng một cách trực tiếp (nhà báo không hỏi thẳng thừng như thế).

Các biên tập viên dày dạn kinh nghiệm hay tranh cãi với nhau khi có thông tin nhạy cảm về đời tư. Họ tranh cãi về quyền được biết của người đọc và quyền riêng tư của người bị tin tức đụng chạm tới. Liệu có nên đăng tin đó không?

Bạn cũng có thể đặt ra câu hỏi tương tự khi nhìn một người bị hói đầu và suy nghĩ nên ăn nói như thế nào. Nhờ giáo dục của gia đình, người biên tập trong bạn đã biết quan tâm, suy xét để đưa ra thông tin phù hợp cho một tình huống cụ thể và đến những người nghe cụ thể. Ngay từ khi bạn còn bé, có thể cha mẹ bạn vẫn thường nhắc nhở bạn phải suy nghĩ kỹ trước khi nhận xét ai đó và dùng chữ sao cho phù hợp với từng tình huống một.

Khi còn nhỏ, bạn từng kể chuyện cười. Có thể vì quá hấp tấp, bạn vào chuyện một cách đột ngột. Do đó, người nghe không thấy câu chuyện hấp dẫn chút nào. Muốn kể chuyện hài cho hay, phải đi từ từ để đến cao trào - là tình tiết gây cười. Tức phải theo một trình tự nhất định. Cấu trúc của chuyện là yếu tố chủ chốt giúp bạn trình bày nội dung một cách rõ ràng, dễ hiểu và gây được ấn tượng nơi người nghe, người đọc.

Giờ hãy xét đến một loại biên tập khác: ghi bài giảng. Trong một buổi học, nếu viết lại tất cả những gì thầy, cô giáo nói thì phải mất rất nhiều thời gian. Do đó, một số sinh viên thường chỉ ghi lại những ý chính. Nhưng làm thế nào để biết đó là ý chính? Có thể trong lúc giảng bài, thầy hoặc cô giáo nói: hoặc “Nhớ nhé, chỗ này rất quan trọng” hoặc “Nội dung vừa rồi có thể được vào đề thi đó”.

Phần lớn thời gian trong lớp bạn phải quyết định những gì cần ghi, dựa vào những gì thầy, cô giáo truyền đạt và cả những hiểu biết của chính bạn. Khi đưa ra quyết định xem điều gì là quan trọng hay không trong một bối cảnh nào đó, bạn đang làm công việc biên tập.

Cần nhiều hơn là bản năng

Ngoài việc ghi chép trong lớp học, bạn còn chọn kênh truyền hình để xem khi ở nhà; và thỉnh thoảng còn chỉ đường cho một người bộ hành bên hè phố. Và bạn luôn chọn lọc và tìm thông tin phù hợp cho những tình huống đó, một cách vô thức. Đó chính là những lúc bạn làm công việc biên tập.

Và nếu bạn quen với việc lên mạng Internet và sự tương tác cao tại những mạng xã hội thì bạn cũng đã làm quen với công việc biên tập. Bạn luôn luôn phải chọn lọc, sắp xếp và thẩm định những gì người khác cung cấp trên mạng, sao cho những thông tin đó phù hợp với nhu cầu và mối quan tâm của bạn.

Vậy nghề biên tập chuyên nghiệp chính là một phiên bản cao cấp hơn của “người biên tập trong ta”, của những kiểu biên tập bạn từng làm từ thủa nhỏ cho đến khi trưởng thành.

Đọc đến đây, bạn có thể sẽ tự hỏi: “Vậy cần gì phải đào tạo biên tập viên?” Trên thực tế, người biên tập trong ta thường khá lười biếng, có cái nhìn phiến diện và chỉ quan tâm đến những gì có lợi cho mình. Người biên tập này chỉ nghĩ đến “tôi” thay vì nghĩ đến “chúng ta”. Do đó, không thể dựa hoàn toàn vào bản năng biên tập để làm nghề biên tập báo chí được.

Đối với việc ghi chép trên lớp, chẳng hạn, người biên tập trong ta rất hữu ích. Nhưng nếu một hôm bạn không đi học, phải mượn ghi chép của một bạn học để xem lại, hẳn bạn sẽ không nắm bắt được nội dung bài giảng. Bởi lẽ, người bạn học chỉ ghi tóm tắt và ghi cho mình hiểu là chính. Người biên tập trong ta của bạn không giống với người biên tập trong ta của bạn đồng môn.

Như vậy người biên tập trong mỗi người chúng ta chỉ là điểm khởi đầu. Người biên tập chuyên nghiệp luôn đòi hỏi thông tin được cung cấp phải chính xác, đáng quan tâm và bài vở phải được trình bày với cấu trúc phù hợp cho bạn đọc, bạn xem đài hoặc nghe đài.

Biên tập chuyên nghiệp còn đòi hỏi bạn phải nắm vững những kỹ năng chuyên biệt.

2 comments:

Anh Tú said...

Thưa thầy, em là Anh Tú lớp BCk07. Em cám ơn thầy vì 2 bài viết "người biên tập trong ta" rất có ý nghĩa.
Nhưng thưa thầy, em vẫn còn thắc mắc về "những kỹ năng chuyên biệt" mà thầy đề cập. Cụ thể hơn, đó là những kỹ năng gì, và làm thế nào để rèn giũa kĩ năng biên tập có hiệu quả?

Gatebeepers said...

Cảm ơn em. Những "kỹ thuật chuyên biệt" sẽ là đề tài của những bài tiếp theo. Muốn làm việc gì cho có hiệu quả thì cũng phải học cho kỹ rồi thực hành cho nhiều.