06 June 2009

Cách sử dụng dấu câu

Mời các bạn tham khảo bài về dấu câu.

Chúc tất cả vui.

---



Dành cho bạn trẻ mới vào nghề


Cách sử dụng dấu câu


Một nguyên tắc quan trọng của nghề báo là quan tâm tới bạn đọc (tạo sự dễ dàng cho bạn đọc khi họ đọc báo). Nguyên tắc này hay bị xem nhẹ. Một số phóng viên chỉ viết sao cho thuận tiện cho mình, không chịu sửa lỗi, cho rằng đó là việc của tòa soạn. Một số biên tập viên, vì nhiều lý do - trong đó có lý do được viện dẫn nhiều nhất là “không có thời gian” - đã để cho các sai sót xuất hiện trên mặt báo. Các ban biên tập thì chưa chú ý đúng mức đến chuyện này.

Nhà báo có thể quan tâm tới bạn đọc bằng nhiều cách, trong đó chủ yếu là bằng cách kiểm tra hình thức, kiểm tra nội dung. Ngoài ra, còn phải kiểm tra mức độ dễ hiểu, khó hiểu của thông tin, kiểm tra những vấn đề thuộc phạm vi luật pháp và đạo đức, và kiểm tra cấu trúc bài báo.

Trong kiểm tra hình thức, có kiểm tra việc sử dụng dấu câu; sử dụng có đúng hay không, có lạm dụng hay không. Và đây là chủ đề chính của bài này. Những vấn đề khác sẽ được trình bày vào dịp khác.

Theo nhà văn Pháp Henri de Montherlant, đánh dấu câu đúng là dấu hiệu cho thấy “nhà ta ngăn nắp”. Dấu câu cũng quan trọng như là văn bản. Lúc còn sống, ông cũng cho biết ông rất muốn dạy ở Sorbonne (đại học hàng đầu của Pháp) một lớp về dấu chấm và dấu phẩy.

Dấu câu là một công cụ ngữ pháp được dùng để diễn đạt bài viết sao cho rõ ràng. Về mặt cú pháp và ngữ nghĩa, người ta dùng dấu câu để phân ranh giới các câu, vế câu (của câu ghép), thành phần câu và các yếu tố tạo ra cụm từ và ngữ. Về mặt ngữ điệu, dấu câu được dùng để ngắt các quãng nghỉ dài, ngắn khi nói.

Có lúc dấu câu là bắt buộc, có lúc không. Có những dấu câu có thể thay thế nhau khi đảm nhiệm cùng một chức năng. Thế nhưng lắm người cầm bút không chịu học cách dùng dấu câu. Một số còn không biết phân biệt các loại câu của tiếng Việt. Thường mỗi loại câu phải đi với dấu câu tương ứng ở cuối câu. Tùy theo mục đích của lời nói, người ta phân biệt bốn kiểu câu: tường thuật, nghi vấn, mệnh lệnh (hoặc cầu khiến) và cảm thán.

Dùng không đúng dấu phẩy

Dấu phẩy là một chỉ dẫn về nghĩa rất quan trọng nhưng lại được dùng không đúng cách nhiều nhất. Một dấu phẩy đặt không đúng chỗ có thể gây chết người, thiếu một dấu phẩy có thể mất người yêu.

Giáo sư Nguyễn Đức Dân có kể một giai thoại hiện đại về dấu phẩy như sau: Một chàng trai nghèo đi xuất khẩu lao động để kiếm tiền cưới vợ. Do những biến động xã hội ở xứ người, thư từ giữa chàng trai với người yêu không đều đặn. Sau vài tháng không nhận được tin, cô gái viết thư qua đòi anh cho biết dứt khoát. Được thư, chàng trai hốt hoảng viết vội ba chữ: “Đừng chờ anh !” Cô gái được thư bèn đi lấy chồng. Một thời gian sau, chàng trai về nước. Anh trách cô gái bội ước. Cô mới lấy thư ra. Chàng trai té ngửa. Anh đã viết thiếu một dấu phẩy. Thực tế anh muốn viết : « Đừng, chờ anh ! » (1)

Người ta dùng dấu phẩy để phân chia các thành phần của câu, đặc biệt là thành phần bổ túc nghĩa, chú thích và xen. Dấu này cũng được dùng để ngăn cách những từ đồng một nhiệm vụ với nhau. Khi đọc đến dấu phẩy phải ngừng một lát. Thời gian nghỉ của dấu phẩy ngắn hơn so với dấu chấm và các dấu khác.

“Chúng tôi đã chuyển thư của ông phản ảnh về việc doanh nghiệp chậm trễ phát quà khuyến mãi đến báo Sài Gòn Tiếp thị, là tuần báo phục vụ người tiêu dùng.” Dấu phẩy sau từ “Tiếp thị” và từ “là” không được chỉnh. Nên viết “...Sài Gòn Tiếp thị là tuần báo phục vụ người tiêu dùng.”; hoặc “...Sài Gòn Tiếp thị, tuần báo phục vụ người tiêu dùng.”

“Ông Trần Kiều, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục cho biết, từ năm 1990, Bộ GD - ĐT đã triển khai thực nghiệm môn tin học tại hơn 100 trường PTTH.” Ở đây, “Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục” là thành phần chú thích cho “ông Trần Kiều”. Trước và sau cụm từ này đều có dấu phẩy để làm ranh giới.

Có báo dùng không đúng cả dấu phẩy lẫn dấu ngang: “Trước thềm năm học mới, chúng tôi đã trao đổi với ông Bùi Đức Tráng - Giám đốc BHYT TP Hồ Chí Minh, về một số vấn đề liên quan đến hoạt động bảo hiểm y tế học sinh sinh viên năm học 2001 - 2002 ...” Ở đây, đã dùng dấu ngang ở đầu thành phần chú thích thì phải tiếp tục dùng dấu này ở cuối thành phần chú thích, chứ không thể dùng dấu phẩy. Cũng có thể dùng dấu phẩy thay thế cho dấu ngang.

Ngoài ra, còn gặp trên các báo những kiểu sai và lạm dụng dấu câu như sau:

1. Đánh dấu chấm hỏi sau những câu không phải là câu hỏi; không đánh dấu hỏi sau những câu nghi vấn trực tiếp

“Tuy nhiên, không phải trong trường hợp nào người ta cũng hỏi ý kiến Văn phòng KTST ?” Cuối câu này phải dùng dấu chấm. Đây không phải là câu hỏi trực tiếp. Không phải cứ thấy “hỏi” là tự động đánh dấu chấm hỏi (KTST là viết tắt của kiến trúc sư trưởng).

“Tiền đâu để đền bù giải tỏa, di dời, xây dựng khu ở mới cho cả ngàn hộ dân ...” Câu này thiếu dấu hỏi, thừa dấu chấm lửng. Đây là câu nghi vấn trực tiếp, từ “đâu” biểu hiện cho loại câu hỏi.

“Học sinh làm bài xong chưa ?” thì phải đánh dấu hỏi, còn “Thầy giáo muốn biết học sinh đã làm xong bài chưa” thì không cần vì là câu nghi vấn gián tiếp.

2. Đánh dấu chấm than sau những câu không phải là câu cảm thán hay cầu khiến

“Nếu hướng dẫn của các bộ ngành liên quan chưa phù hợp hoặc trong quá trình thực hiện có những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền các bộ ngành thì Bộ Thương mại phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định!”. Câu này là câu tường thuật.

Câu cảm thán là loại câu được dùng khi cần thể hiện đến một mức độ nhất định những tình cảm khác nhau, thái độ đánh giá, những trạng thái tinh thần khác thường của người nói đối với sự vật hay sự kiện mà câu nói đề cập hoặc ám chỉ.

3. Không biết dùng dấu hai chấm

“Trong nỗ lực tìm kiếm thị trường mới và đẩy nhanh các cuộc xúc tiến thương mại tại Campuchia, trong 4 ngày từ ngày 2 đến ngày 5-7, một đoàn cán bộ, doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh gồm: Sở Thương mại, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Ban chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao TPHCM do bà Huỳnh Thị Nhân, Phó Chủ tịch UBNDTPHCM dẫn đầu đã đi thăm và làm việc tại các tỉnh: TàKeo, Candal và thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia).”

Sau “gồm”, sau “các tỉnh” không cần thiết phải dùng dấu hai chấm. Câu trên còn nhược điểm là quá dài (88 chữ), cần phải được ngắt ra làm ba.

Thông thường, sau “rằng” và “là”, người ta cũng không dùng dấu hai chấm. Theo giáo sư Cao Xuân Hạo, trong tiếng nói bình thường, hai từ trên, khi được dùng làm liên từ sau các từ nhận thức – phát ngôn như biết, nghĩ, cho, nói, bảo, không bao giờ mang trọng âm cho nên chúng được phát âm liền với từ đi sau và được tách rời khỏi từ đi trước. Theo ông, việc dùng hai dấu chấm sau “là” và “rằng” đã dẫn đến những chỗ ngừng rất kỳ quặc trong cách ngắt câu của các phát thanh viên. (2)

Sau “như”, cũng không nên dùng hai chấm. Chỉ dùng dấu này sau “như sau”.

4. Biểu thị sai sự châm biếm hay nghi ngờ

Có thể dùng dấu chấm than trong ngoặc đơn (!) để biểu thị ý mỉa mai, phê phán hoặc dùng kết hợp với dấu hỏi để biểu thị ý vừa mỉa mai, phê phán vừa nghi ngờ (?!). Nhưng một số nhà báo không biết cách dùng chung dấu hỏi với dấu than.

“1985, một đêm mưa tầm tã, trên chuyến tàu từ Cần Thơ đưa người dân tình nguyện ra Côn Đảo, đôi vợ chồng ấy vừa cố che cho ba đứa trẻ thơ khỏi ướt mà lòng rối bời: không biết tương lai ở vùng đất mới có sáng hơn những ngày qua ?!”

Không có gì đáng để diễu cợt trong câu trên cả. Câu trên còn có chỗ sai khác, chẳng hạn “những ngày qua” không thể cân với “vùng đất mới”. Cần sửa lại toàn câu như sau:

“Năm 1985, vào một đêm mưa tầm tã, trên chuyến tàu từ Cần Thơ đưa người dân tình nguyện ra Côn Đảo, có một đôi vợ chồng cố che cho ba đứa trẻ thơ khỏi ướt mà lòng rối bời. Họ tự hỏi: Không biết tương lai ở vùng đất mới có sáng sủa hơn quá khứ ở vùng đất cũ ? ”

5. Lạm dụng ngoặc kép

Ngoặc kép được dùng để đánh dấu lời nói được trích dẫn trực tiếp, đóng khung tên riêng, tên tác phẩm; đánh dấu những từ ngữ được hiểu theo nghĩa khác. Người viết còn dùng nó để lưu ý người đọc về một từ, cụm từ nào đó (mà ở đó người viết có thể biểu thị thái độ mỉa mai, châm biếm).

Nhưng lắm lúc, do vốn từ nghèo nàn, người viết đã dùng ngoặc kép để đánh dấu từ ngữ, buộc bạn đọc phải hiểu những từ ngữ được đánh dấu đó theo nghĩa bóng, đẩy khó khăn về phía bạn đọc.

Có báo - chỉ trong một số báo - đã dùng quá nhiều ngoặc kép trong các tít, tít phụ : Không thể “sống chung với tham nhũng” !; Phong trào “Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” (tít phụ) ; Chương trình “3 giảm” góp phần an dân và làm thay đổi bộ mặt thành phố; Có gì mới trong việc “bắt buộc đội nón bảo hiểm”?; Làm “sáng” lại những quán “đèn mờ”; Nhức nhối “cà phê công nghiệp”; “Ngôi sao” 13 ngày tuổi; NOVA VoiceCenter “Đường dây nóng” giữa khách hàng và doanh nghiệp; Từ “đọc chậm” đến “đọc nhanh”; Thị trường xe gắn máy “bội thực” (tít phụ) ; Đâu rồi vai trò quản lý Nhà nước ? ; Khi hiệp hội là “cầu nối”. Hầu hết các ngoặc kép ở đây đều không cần thiết.

6. Lạm dụng dấu chấm hỏi và dấu chấm than

Nhiều tờ báo đang để cho dấu chấm hỏi xuất hiện một cách vô nguyên tắc, thừa thãi, đặc biệt trong tít. Ngày nào giở báo ra cũng thấy có dấu hỏi.

“Đăng ký kết hôn với người nước ngoài ?”. Đăng ký như thế nào thì phải cho biết luôn (một cách tóm tắt).

“Hình dáng nào cho Sa Pa ?”. Tốt hơn hết là nên nói rõ ra: khuyến khích xây nhà vườn, hạn chế nhà phố (ý chính của bài).

“Kinh tế phát triển chậm nhưng lại bội thu ngân sách - Mừng hay lo ?”. Lo thì nói lo, mừng thì nói mừng, đừng hỏi.

“Doanh nghiệp Việt Nam sẽ ‘tranh tụng’ với Mỹ về cá basa ?”. Đây là tít của một bài báo trong đó nói rõ rằng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã thuê công ty luật White & Case của Mỹ làm tư vấn cho vụ kiện chống phá giá cá basa. Vụ kiện này do Hiệp hội các Chủ trang trại Cá nheo Mỹ đâm đơn tại Mỹ. Hiệp hội này cho rằng phía Việt Nam đã bán phá giá cá basa và cá tra tại Mỹ ( bán phá giá có nghĩa là bán một sản phẩm nào đó với giá thấp hơn tại thị trường nước ngoài so với giá mình bán tại thị trường trong nước).

Phải chăng người viết muốn cho giật gân khi đánh dấu hỏi ?

Tít có hai chức năng chính: thu hút sự quan tâm và cung cấp một thông tin. Thông thường, tít là sự tóm tắt rất ngắn gọn nội dung của bài. Nó báo cho người đọc biết về nội dung. Cần thiết phải giúp bạn đọc, khi đọc tít, nắm bắt phần cơ bản nhất của thông tin trong bài. Trong thực tế, làm được việc này không dễ. Vì thế nên mới có loại tít chấm dứt bằng dấu hỏi chăng ?

Theo Françoise Giroud, không bao giờ được đánh dấu hỏi trong tít. Nhà báo Pháp tên tuổi này nói rằng một tờ báo phải trả lời cho các câu hỏi của bạn đọc chứ không được đánh đố bạn đọc. (3)

Dấu chấm than cũng hay bị lạm dụng. Có bài tuy ngắn nhưng có nhiều câu dùng dấu chấm than để cảm thán và ở gần nhau, một cách không cần thiết: “Tất cả đều nhờ trái vải!” ; Nhưng mừng đó rồi cũng lo đó!”; “Vì mùa thu hoạch vải thiều chỉ khoảng 45 ngày, quả tươi không tiêu thụ hết thì chỉ còn cách sấy khô, mà thị trường tiêu thụ chính của vải sấy là Trung Quốc nên khi họ ngưng mua thì nông dân dở khóc dở cười!”

Thay lời kết

Trên đây một số lỗi về dấu câu cũng như việc lạm dụng dấu câu đang ngày một trở nên phổ biến trên các trang báo. Hy vọng các phóng viên trẻ và biên tập viên trẻ sẽ quan tâm sửa chữa. Các tạp chí dành cho nhà báo thường có khá nhiều bài - của đồng nghiệp hoặc bạn đọc - phê bình chuyện nhà báo không biết dùng từ, viết trật ngữ pháp, viết sai dấu câu, mà các nhà báo nào có chịu sửa cho đâu. Đó là chưa kể đến mục dọn vườn chữ nghĩa thường xuyên của một số tờ tạp chí nói trên, và thư phê bình của bạn đọc về đủ loại viết sai của nhà báo thỉnh thoảng được chính các báo đăng tải.


Ngọc Trân

---
(1) Nguyễn Đức Dân, Tiếng Việt, tái bản lần thứ hai (TPHCM : NXB Giáo dục, 2000), trang 148.
(2) Tài liệu về lỗi ngữ pháp, Trung tâm ngôn ngữ học, Viện Khoa học Xã hội, TPHCM, 2001, trang 23.
(3) Dẫn theo Franck Renaud, Viết tin vắn, viết ngắn (lớp huấn luyện nghiệp vụ tại báo Tuổi Trẻ, TPHCM, ngày 4 và 5 tháng bảy, 2002).

8 comments:

Anonymous said...

Thưa thầy, em đã save bài về máy để đọc. Mấy hôm nay em ít có thời gian lên mạng nên không vào blog thầy thường xuyên được. Em cảm ơn thầy vì bài viết rất bổ ích. Chúc thầy luôn khỏe. Phương Anh

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Phương Anh.

Công việc của em như thế nào?

Anonymous said...

Hihi. Vậy mà em tưởng dấu (?!) biểu thị sự hết hồn + ngạc nhiên.

Cảm ơn thầy về bài viết.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em.

Em cho biết tên và lớp.

Anonymous said...

Kính chúc Thầy ngày tuần đầy sức khỏe.

Sắp đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) chúc Thầy mọi điều tốt đẹp nhất để đóng góp nhiều hơn cho nền báo chí nước nhà.

Thanh Trà

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Thanh Trà.

Chúc em vui vẻ.

Anonymous said...

Kính chúc Thầy ngày tuần đầy sức khỏe.

Sắp đến ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) chúc Thầy mọi điều tốt đẹp nhất để đóng góp nhiều hơn cho nền báo chí nước nhà.

Thanh Trà

Anonymous said...

Thầy ơi!
Bài đọc rất thú vị và bổ ích, em xin phép được đưa vào blog của lớp (vn.myblog.yahoo.com/lopbaochinhatrang).

Chúc Thầy vui vẻ!

Trường Huy (Nha Trang)