25 April 2009

Singapore phát triển du lịch bền vững

Mời các bạn đọc bài về Singapore. Nhưng trước hết, hãy xem một số hình về Bangkok hôm nay. Đây có thể là hình ảnh của TPHCM tương lai. Nếu như thế thì thật đáng buồn.

Hình tại: http://picasaweb.google.com/ngngoctran/TPHCM1015NamSau#

Chúc tất cả cuối tuần vui.

--


Ông Ong Jin Chwen, Giám đốc khu vực Đông Dương của STB:

Phát triển du lịch, cần phần cứng lẫn phần mềm

Tuy không có thế mạnh về cảnh quan và những tài nguyên du lịch khác nhưng Singapore vẫn thu hút khách du lịch. Vì sao?

NCĐT: Singapore không có tài nguyên thiên nhiên về du lịch. Vậy đâu là lý do Singapore thu hút khách, đặc biệt trong thời điểm hiện nay khi thế giới đang bị khủng hoảng kinh tế?

Ong Jin Chwen, Giám đốc khu vực Đông Dương của STB: Ngay từ khi Singapore được thành lập, lý do chính người ta đến đây là làm ăn. Ngày nay cũng thế. Trong 40 năm trở lại đây, đã có khoảng 7.000 tập đoàn đa quốc gia đặt văn phòng tại Singapore. Nhờ đó, nơi này đã trở thành một trung tâm thương mại, tài chính và nay thì còn trở thành cả trung tâm y tế và giáo dục.

Chúng tôi cũng đầu tư rất nhiều vào dịch vụ và sản phẩm du lịch. Trong đó có các sản phẩm hàng đầu thế giới như Night Safari (Vườn thú ban đêm). Cuối năm nay hoặc đầu năm sau, chúng tôi sẽ khai trương hai khu du lịch phức hợp qui mô lớn, mỗi khu có vốn đầu tư hơn 5 tỷ đôla Singapore là Marina Bay Sands (ở Vịnh Marina) và Resorts World at Sentosa (tại đảo Sentosa). Hai khu du lịch này sẽ làm thay đổi bộ mặt du lịch Singapore vì đây là những sản phẩm chất lượng cao. Marina Bay Sands, chẳng hạn, sẽ có sân khấu hiện đại có thể dùng để trình diễn suốt năm các vở nhạc kịch nổi tiếng thế giới như Cats (Những con mèo) của Andrew Lloyd Webber; Resorts World thì có Universal Studios (Công viên chủ đề phim ảnh).

Hồi tháng 9 năm ngoái chúng tôi đã tung ra lần đầu tiên cuộc đua Thể thức 1; năm nay sẽ tổ chức tiếp cuộc đua xe hơi này. Chính phủ Singapore đã hợp tác với khu vực tư nhân để đưa những sự kiện tầm cỡ thế giới như thế đến Singapore. Bên cạnh đó, suốt năm, chúng tôi luôn tổ chức những sự kiện khác nhau. Như tháng 6 và 7 tới thì có sự kiện “Bán đại hạ giá tại Singapore”, rồi tháng 12 thì có “Giáng sinh miền Nhiệt đới”. Đây cũng là những lý do khiến Singapore hấp dẫn du khách và họ không chỉ đến một lần rồi thôi.

Như vậy Singapore có cơ sở hạ tầng du lịch, tức phần cứng, lẫn sản phẩm như sự kiện, tức phần mềm.

Ông có thể cho biết thêm về du lịch chữa bệnh?

Trước đây, nhiều người Indonesia đã sang đất nước chúng tôi để khám, chữa bệnh và nay cũng thế. Nhưng nay còn có thêm người các quốc gia khác, đặc biệt là trong khu vực. Vì thế các nhà thương Singapore đã đặt văn phòng đại diện hoặc hợp tác với các nhà thương tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Lý do là khám chữa bệnh ở Singapore giá cả vừa phải, trình độ quốc tế mà lại gần nhà, cũng tiện.

Còn về vấn đề giáo dục?

Về giáo dục, hiện chúng tôi có 96.000 sinh viên quốc tế đến từ 120 nước. Đáng chú ý là xu hướng các trường quốc tế thành lập cơ sở giảng dạy tại Singapore - ngày càng nhiều. Trong số đó có những trường nổi tiếng như Trường quản trị kinh doanh INSEAD của Pháp hoặc Trường thương mại Chicago Booth của Mỹ. Họ lập cơ sở tại Singapore, chủ yếu để thu hút sinh viên các nước trong khu vực. Và Chính phủ Singapore đã tạo điều kiện tối đa cho họ: cung cấp đất để xây dựng trường lớp, chẳng hạn. Các đại học hàng đầu của Mỹ như Cornell, Học viện Công nghệ Massachusetts cũng hợp tác đào tạo với Đại học Công nghệ Nanyang (của Singapore).

Kể từ thập niên 1990, du lịch khu vực đã ngày càng trở nên quan trọng. Ông nghĩ gì về xu hướng này?

Du lịch khu vực, trong trường hợp của chúng ta là khu vực ASEAN (Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á), chắc chắn sẽ phát triển dẫu cho xu hướng của thế giới là người ta đang giảm đi du lịch. Một trong những lý do khiến khách du lịch nội vùng tiếp tục tăng là việc bãi bỏ visa khi đi lại ngắn ngày từ nước ASEAN này qua nước ASEAN khác.

Du lịch khu vực còn có nghĩa các nước nội vùng cần hợp tác với nhau để thu hút khách của các khu vực khác. Đối với du lịch tàu biển chẳng hạn, rõ ràng Singapore phải hợp tác với Malaysia, Thái Lan cũng như Việt Nam, một nước có bờ biển rất dài, để cạnh tranh cấp toàn cầu. Khi đi du lịch bằng tàu, người ta luôn muốn đi được nhiều nước.

Singapore cũng đang phát triển một bến cảng quốc tế dành cho tàu du lịch.

Ông có thể cho biết thêm về bến cảng dành cho tàu du lịch?

Đây là một dự án và đất dành cho nó đã có rồi, ở Vịnh Marina. Giống như máy bay cần có sân bay để hạ cánh, đón đưa khách, tàu du lịch cũng cần có bến để neo tàu, đưa đón khách. Chúng tôi đã dựa vào các phản hồi của khách du lịch quốc tế và biết là cần có bến cảng trung chuyển trong khu vực cho tàu du lịch. Hiện giờ mới chỉ là giai đoạn gọi thầu nên chưa biết khi nào bến cảng sẽ được khai trương.

Về vấn đề hợp tác với Việt Nam, STB đang có những chương trình nào?

Ở cấp chính phủ thì đã có Ủy ban Hợp tác Du lịch Singapore - Việt Nam lo việc hợp tác. Trong đó có chương trình Singapore giúp đào tạo nhân lực ngành du lịch cho Việt Nam như đưa các cán bộ du lịch Việt Nam sang Singapore đào tạo về du lịch, tìm hiểu các chính sách du lịch hoặc học thêm tiếng Anh. Chúng tôi hiểu rằng Singapore muốn thành công trong du lịch thì phải giúp Việt Nam thành công trong lĩnh vực này.

Ở cấp doanh nghiệp thì sao?

STB thường xuyên hợp tác với các công ty du lịch Việt Nam tổ chức các chương trình tiếp thị du lịch, mỗi khi Singapore có sản phẩm du lịch mới. Chúng tôi hay mời đại diện những công ty này đi Singapore tìm hiểu sản phẩm mới và tạo điều kiện cho họ tìm hiểu các phân khúc thị trường khác nhau. Một trong những phân khúc thị trường đó, mà Singapore có cung cấp sản phẩm, là du lịch hội nghị, hội thảo. Nó không giống du lịch truyền thống vì đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị và phải đáp ứng nhu cầu riêng của khách hàng, trong đó có hoạt động tập thể nhằm xây dựng tinh thần đồng đội, rèn luyện kỹ năng sống, gây sự tự tin và yêu công việc hơn.

Và việc hỗ trợ các công ty du lịch Việt Nam đón khách Singapore?

STB chủ yếu làm công việc quảng bá, hỗ trợ cho ngành du lịch Singapore. Nhưng cá nhân tôi tin rằng khách từ đất nước chúng tôi đến Việt Nam đang tăng. Các số liệu đang cho thấy như vậy. Và thực tế, chẳng hạn, đối với các hãng hàng không, để có thể khai thác thương mại một đường bay, họ cần khách cả hai chiều. Mà số lượng những chuyến bay tuyến Singapore - Việt Nam thì đang tăng lên trong những tháng gần đây.

Trong số khách Singapore đến Việt Nam, theo ông, có khách cao cấp không?

Tôi cho rằng Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Việt Nam đã có những sản phẩm du lịch cao cấp. Chẳng hạn như khu Nam Hải ở Hội An. Tôi từng thấy quảng cáo của khu du lịch này trên báo Singapore, dành cho khách cao cấp.

Hơn nữa, nhiều người Singapore cũng đến Việt Nam để làm ăn; nhiều người trong số họ là khách cao cấp. Nếu tôi nhớ không nhầm thì Singapore là quốc gia đứng hàng thứ 5 trong số các quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Ông có gợi ý gì để Việt Nam có thể thu hút thêm khách từ Singapore cũng như khu vực?

Tôi chỉ có thể chia sẻ thêm kinh nghiệm của Singapore mà thôi. Chúng tôi nhận thấy rằng không phải quảng cáo hay quảng bá nhiều là thu hút được khách, mà phải tạo ra lợi ích cho khách. Để tạo ra lợi ích, thứ nhất, phải có cơ sở hạ tầng tốt. Nếu muốn đón loại khách du lịch hội nghị, hội thảo - một nhóm có khi đông đến 500 người - chắc chắn phải có khách sạn đủ lớn, đường sá tốt và phương tiện đưa họ đi từ nơi này đến nơi khác một cách nhanh chóng.

Yếu tố thứ hai cũng rất quan trọng là đầu tư và thu hút đầu tư nhằm tạo ra sản phẩm du lịch. Singapore không có tài nguyên thiên nhiên. Nhưng chúng tôi luôn tái đầu tư, đầu tư liên tục vào sản phẩm du lịch đã có hoặc sản phẩm mới và tìm cách thu hút các đầu tư mới vào du lịch.

Đương nhiên, bên cạnh đó, cần phải rất quan tâm đến chất lượng dịch vụ. Cũng nên có sự phối hợp giữa chính phủ với khu vực tư nhân. STB, chẳng hạn, luôn hợp tác chặt chẽ với các đối tác là công ty du lịch, hãng hàng không, … để cùng đi tới thành công.

---


Singapore kích cầu du lịch

Năm nay, Chính phủ Singapore đã dành một khoản ngân sách là 90 triệu đôla Singapore hỗ trợ ngành du lịch thực hiện các chương trình thu hút khách du lịch trong bối cảnh kinh tế thế giới đang bị khủng hoảng. Một trong những chương trình đó là chiến dịch quảng bá du lịch Singapore tên gọi “Năm 2009 Những lý do đi du lịch Singapore” được tung ra tại những thị trường xa như châu Âu (đặc biệt là Anh), Úc cùng thị trường gần như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia và Indonesia.

Chiến dịch cũng được thực hiện tại Việt Nam, nơi Tổng cục Du lịch Singapore (STB) đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của du lịch Singapore tính trên số lượng khách đến. Theo STB, một cơ quan trực thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore, ba tháng đầu năm nay, khách Việt Nam đi Singapore là 58.000 lượt khách, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2008. Năm 2008, số lượng khách này là 239.294 lượt, tăng 17,5% so với năm 2007; và năm 2007 là 203.210 lượt, tăng 23 % so với năm trước đó.

Một trong những mục tiêu của chiến dịch, theo ông Ong Jin Chwen, là hỗ trợ các đối tác địa phương trong kinh doanh, giữ vững tăng trưởng doanh số.

Năm 2008, thu nhập từ du lịch của Singapore đã lên đến 14,8 tỷ đôla Singapore (tăng 5% so với năm 2007), tuy rằng số lượng khách quốc tế giảm đôi chút - 1,6%, so với năm trước đó, đạt 10,1 triệu lượt khách.

Hồi tháng 2 năm nay, STB dự báo năm 2009 Singapore sẽ chỉ đ1n từ 9 triệu – 9,5 triệu lượt khách và thu nhập từ du lịch đạt 12 tỷ – 12,5 tỷ đôla Singapore.

Singapore đặt mục tiêu đến năm 2015 thu hút 17 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thu nhập từ du lịch lên đến 30 tỷ đôla Singapore, chiếm 5-6% tổng sản phẩm nội địa nước này.

-----

Vài nét về ông Ong Jin Chwen


Ông Ong Jin Chwen được bổ nhiệm làm Giám đốc Khu vực Đông Dương của STB vào năm 2007, chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động tiếp thị và quảng cáo của STB tại Việt Nam, Campuchia và Lào.

Ông đã tham gia các dự án phát triển du lịch trọng điểm của Singapore như dự án tái tạo và phát triển công nghiệp giải trí 24 giờ và dự án vui chơi ban đêm. Ông cũng từng là thành viên nhóm thẩm định dự án khu du lịch phức hợp Marina Bay Sands và Singapore Sports Hub.

Ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành Ngân hàng - Tài chính, Đại học Công nghệ Nanyang.

###

2 comments:

Anonymous said...

Thưa thầy! Em đã xem qưa loạt ảnh về Bangkok hôm nay của thầy. Nếu như 10-15 năm nữa mà VN phát triển giống như vậy thì quả là đáng buồn thầy nhỉ? Nhưng với thực tại hiện nay thì đó là khả năng có thể xảy ra. Dù sao đi nữa, em vẫn mong đi xe hơi mà không bị kẹt xe...Oải lắm!
Thầy vừa đi Bangkok về hả thầy? Ảnh kì này hơi tối, nhưng góc chụp lạ, đa số là từ trên cao xuống. Thầy chụp từ trên tàu điện phải không ạ?
Phương Anh

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Phương Anh.

Bangkok khu trung tâm như thế xấu sẵn rồi, muốn chụp đẹp cũng khó! Đúng là thầy chụp chủ yếu từ trên cao (đi Bangkok hồi đầu tháng này).

Chúc em vui vẻ.