11 April 2009

Kinh tế Đông Á có thể lên lại từ cuối năm 2009

Các bạn thân mến: Mời đọc 1 bài mới (sẽ đăng tạp chí Nhịp cầu Đầu tư thứ hai tới).

Chúc tất cả vui.



Tiến sĩ Ivailo Izvorski: Kinh tế Đông Á có thể phục hồi vào cuối năm nay



Sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc có thể sẽ giúp vực dậy nền kinh tế Đông Á vào cuối năm nay. Đó là nhận định của Tiến sĩ Ivailo Izvorski, chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới

Ngày 7.4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Nhân dịp này, Nhịp Cầu Đầu Tư đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Kinh tế Ivailo Izvorski, tác giả chính của báo cáo *.

Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nói rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ bắt đầu hồi phục vào giữa năm nay chủ yếu nhờ gói kích thích kinh tế lớn của nước này và sẽ hồi phục hoàn toàn trong năm 2010. Qua đó, Trung Quốc sẽ có khả năng đóng góp vào sự ổn định và sự hồi phục kinh tế của toàn khu vực. Ông có thể giải thích thêm về dự báo này?

Tiến sĩ Ivailo Izvorski: Hiện nay, có những dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đã dần khởi sắc nhờ gói kích cầu của Chính phủ. Tháng 3.2009, chỉ số mua hàng (Purchasing Managers Index - PMI) của nước này đã lên 52,4 điểm. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 7.2008, chỉ số PMI tăng trên 50 điểm. Điều đó có nghĩa hoạt động kinh tế tại Trung Quốc trong tháng 3 đã “ấm” trở lại và niềm tin của doanh nghiệp đã được khôi phục. Các hoạt động đầu tư tài sản cố định đã đạt gần bằng mức trước thời kỳ khủng hoảng và sản lượng sắt thép đang tăng lên. Những tháng gần đây, tăng trưởng tín dụng ở Trung Quốc cũng mạnh lên thấy rõ.

Những dấu hiệu trên cho thấy, dù nhu cầu của thị trường nước ngoài tiếp tục yếu kém, gây hại cho hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng nhu cầu nội địa đã trở nên sôi động. Tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) thực của Trung Quốc sẽ tăng trở lại sau khi giảm thêm một chút nữa (theo đà sụt giảm của quý IV/2008). Chúng tôi dự báo, năm nay Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,5% và đạt 7,5% trong năm 2010.

- Nhưng báo cáo đã cảnh báo, việc các nền kinh tế Đông Á ngày càng thâm nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu là con dao hai lưỡi, vì “những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ở các nền kinh tế phát triển đã lan sang các nền kinh tế của khu vực với tốc độ nhanh bất thường”. Điều đó có nghĩa gì?

Tiến sĩ Ivailo Izvorski: Các nước và lãnh thổ thuộc khu vực Đông Á đã hưởng lợi rất nhiều từ việc hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Mười năm trở lại đây, Đông Á đã tăng trưởng nhanh hơn bất cứ khu vực nào khác trên thế giới, qua đó làm tăng sự thịnh vượng và giảm tỉ lệ người nghèo một cách rõ rệt.

Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng, nhu cầu ở các nền kinh tế phát triển đã xuống thấp và ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu như Malaysia và Thái Lan, hai nước nằm trong nhóm quốc gia thu nhập trung bình của khu vực. Năm 2009, GDP của hai nước này sẽ âm, trong đó Malaysia -1% và Thái Lan -2,7%. Mông Cổ và Campuchia, thuộc nhóm quốc gia thu nhập thấp của khu vực, cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Tăng trưởng của Mông Cổ năm 2009 được dự báo ở mức 2,7% và Campuchia -1%. Papua New Guinea và Đông Timor, hai nước nhỏ thuộc nhóm quốc gia thu nhập thấp, cũng sẽ bị thiệt hại nặng vì giá hàng hóa thế giới giảm.

Việt Nam, một nước thuộc nhóm quốc gia thu nhập trung bình của khu vực, thì ngược lại. Nhờ các biện pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm ngăn chặn tăng trưởng nóng trong năm 2008, Việt Nam đã chống đỡ khá tốt khi cuộc khủng hoảng bùng nổ vào tháng 9.2008. Chúng tôi dự báo, tăng trưởng của Việt Nam năm nay sẽ đạt 5,5%.

- Báo cáo cũng viết rằng, sự hồi phục bền vững của Đông Á sẽ tùy thuộc vào sự phát triển của các nền kinh tế phát triển, vốn thu hút phần lớn lượng hàng hóa xuất khẩu của khu vực. Tuy nhiên, sự hồi phục của các nền kinh tế phát triển chỉ có thể bắt đầu kể từ năm 2010. Ông có thể cho biết thêm về nhận định này?

Tiến sĩ Ivailo Izvorski: Nhìn xa hơn năm 2009, chúng tôi nhận thấy kinh tế Đông Á có thể phục hồi nhanh chóng, chủ yếu nhờ vào Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào tốc độ hồi phục của các nền kinh tế phát triển.

- Khủng hoảng kinh tế đang tác động đến người nghèo trong khu vực như thế nào?

Tiến sĩ Ivailo Izvorski: Công ăn việc làm ở Đông Á trong khu vực kinh tế chính thức, tức công việc đều đặn và lương ổn định, đang giảm và việc sa thải lao động sẽ tăng vọt. Các số liệu được công bố vào cuối năm 2008 về số người thất nghiệp có đăng ký cho thấy, ít nhất 23,6 triệu người lao động ở Đông Á đã mất việc, tăng 600.000 người so với cuối năm 2007.

Nhiều người trong số đó đang tìm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức như bán hàng rong, làm thời vụ. Một số lao động nhập cư tại các thành thị đã quay về nông thôn để kiếm sống. Nhưng khu vực kinh tế phi chính thức - không bị đánh thuế hoặc không được Chính phủ kiểm soát - chỉ có thể cung cấp những công việc không thường xuyên với thu nhập thấp.

Các số liệu chính thức chỉ phản ánh được một phần của câu chuyện thất nghiệp. Nhiều nước và lãnh thổ không thực hiện việc đăng ký thất nghiệp và cũng không có chế độ trợ cấp thất nghiệp. Hơn nữa, tại các nước và lãnh thổ đang phát triển của Đông Á, công ăn việc làm trong khu vực kinh tế phi chính thức lại chiếm đến phân nửa trong tổng số việc làm. Điều đó có nghĩa, con số thất nghiệp thực tế có thể lớn hơn con số được công bố.

- Có những cải cách nào Đông Á có thể thực hiện ngay lập tức để vượt thoát khủng hoảng?

Tiến sĩ Ivailo Izvorski: Những nỗ lực nhằm hạn chế tác động của khủng hoảng đối với người nghèo phải được ưu tiên. Như vậy, việc thành lập hoặc củng cố mạng lưới bảo hiểm xã hội phải nằm trong số những cải cách quan trọng nhất. Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm cải thiện sức cạnh tranh, củng cố sự linh hoạt của nền kinh tế cũng rất quan trọng. Tất cả những nỗ lực và biện pháp trên sẽ giúp các nước biết xoay trở linh hoạt, tận dụng được sự hồi phục của nhu cầu toàn cầu khi nhu cầu này quay trở lại.
---
(*) Cuộc phỏng vấn được thực hiện với sự hỗ trợ của ông Nguyễn Hồng Ngân, chuyên viên truyền thông Văn phòng WB tại Hà Nội.

-----

VIỆT NAM: NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH THẤP

Tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đối với Việt Nam là không đáng kể do các ngân hàng của Việt Nam không tiếp cận với các sản phẩm “độc hại” và các ngân hàng nước ngoài thuộc diện rủi ro cao cũng không nắm quyền kiểm soát trong các ngân hàng của Việt Nam. Lo ngại về những vấn đề trong nước bắt nguồn từ việc cho vay đầu tư bất động sản thiếu thận trọng vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008 đang dần lắng xuống. Hầu hết các khoản vay giải ngân trong giai đoạn bong bóng giá bất động sản đều đến kỳ đáo hạn, mà không làm cho tỉ lệ nợ khó đòi tăng lên quá mức. Các ngân hàng cổ phần lớn đều tăng vốn cổ đông, duy trì mức lợi nhuận và cải thiện danh mục đầu tư. Các ngân hàng quốc doanh đã siết chặt cho vay và thu lợi lớn thông qua việc mua lại trái phiếu do các nhà đầu tư nước ngoài bán ra. Thậm chí, khối ngân hàng cổ phần nhỏ và yếu hơn cũng thành công trong việc tăng vốn điều lệ lên mức tối thiểu theo quy định.

NGUY CƠ KHủNG HOảNG CÁN CÂN THANH TOÁN THấP

Thâm hụt thương mại trong 6 tháng vừa qua vào khoảng 2,2 tỉ USD. Trong khi đó, năm 2008, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), viện trợ phát triển chính thức (ODA) và kiều hối đạt 16 tỉ USD. Kiều hối và các khoản giải ngân vốn FDI ổn định suốt năm 2008. Giải ngân vốn FDI có khả năng giảm mạnh trong năm 2009, nhưng chưa có bằng chứng xác đáng để khẳng định điều này. Lượng kiều hối ổn định ở mức cao, nhưng không liên quan nhiều đến việc người lao động Việt Nam ở nước ngoài chuyển tiền về nước để hỗ trợ tiêu dùng gia đình hoặc việc người Việt Nam lớn tuổi ở nước ngoài đầu tư về nước chuẩn bị cho giai đoạn hưu trí. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khả năng phải chịu ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái kinh tế tại các nước công nghiệp.

THÂM HụT THƯƠNG MạI GIảM CHUYểN DầN SANG CÓ THặNG DƯ

Thực tế là xuất khẩu đã giảm với giá hàng hóa xuất khẩu sụt mạnh kể từ giữa năm 2008. Số lượng đơn đặt hàng thưa thớt đối với các sản phẩm may mặc, giày dép và các sản phẩm khác vào cuối năm 2008 cho thấy, xuất khẩu có xu hướng tiếp tục tụt dốc. Tuy nhiên, Việt Nam có thể bị tác động ít hơn so với các nước khác do có khả năng cạnh tranh tốt. Tăng trưởng thị phần trên thế giới của Việt Nam là minh chứng cho điều này. Năm 2009, Việt Nam có thể sẽ được Mỹ đưa vào danh sách những nước được hưởng các ưu đãi của Hệ thống Ưu đãi Phổ cập. Thêm vào đó, nhập khẩu đang giảm nhanh hơn xuất khẩu, một phần bởi vì tỉ trọng nhập khẩu trong các sản phẩm xuất khẩu phi hàng hóa khá cao. Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đều là các nhà nhập khẩu ròng. Vì thế, việc FDI chậm lại sẽ đồng nghĩa với việc thâm hụt thương mại giảm xuống.

(Trích Báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của WB)

---
TIẾN SĨ IVAILO IZVORSKI

Ông Ivailo Izvorski, người Bulgaria, là chuyên gia kinh tế cao cấp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB), tác giả chính của báo cáo cập nhật kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Trước đó, ông thuộc bộ phận chuyên trách khu vực Trung Âu và các nước vùng Tây Ban-căng (châu Âu) và khu vực Trung Á của WB và có thời gian làm chuyên gia kinh tế thường trú tại Bosnia và Herzegovina. Ông từng làm việc cho Viện Tài chính Quốc tế và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Yale (Mỹ)

No comments: