07 February 2009

Ken Follett - nhà văn 90 triệu độc giả

Mời các bạn đọc bài giới thiệu nhà văn Anh Follett (người đã có đến 90 triệu độc giả ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có VN). Và trích đoạn tác phẩm mới nhất của ông. Hai bài này đã đăng trên TTCT số ra ngày hôm qua (có bỏ một số đoạn). Dưới đây là bài đầy đủ do tôi thực hiện.

Chúc tất cả những ngày cuối tuần thư giãn.


Ken Follett là người hạnh phúc. Ngày 3 tháng 10 vừa qua, vợ ông, Barbara, được bổ nhiệm chức Bộ trưởng Văn hóa. Còn ông thì lập được kỷ lục cho riêng mình. « Một thế giới vô tận », (World Without End) tiểu thuyết mới nhất của ông, đã bán được 400.000 bản tại Anh. Sách cũng nằm trong danh sách bán chạy của tờ New York Times (Mỹ) trong suốt 32 tuần liền, bán được hơn một triệu bản sách ở Tây Ban Nha. Tại Pháp thì 200.000 bản của cuốn tiểu thuyết đã tràn ngập các hiệu sách. Follett còn gây tiếng vang lớn ở Ý.

Follett kiên nhẫn như một người thợ thủ công. Trường thiên tiểu thuyết « Những trụ cột của trái đất » (Pillars of the Earth), xuất bản năm 1989, kể về cuộc sống hằng ngày của những người xây dựng nhà thờ ở Anh thế kỷ 12 với vô số những chi tiết lạ thường. Tiểu thuyết dày 1.000 trang và là tác phẩm thành công nhất của nhà văn xứ Wales này: 90 triệu độc giả trên toàn thế giới đã đọc nó! Nhưng phải đến hai thập kỷ sau, ông mới cho ra đời « Một thế giới vô tận » - phần tiếp theo của « Những trụ cột của trái đất ».

Follett nói : « Thật ra tôi vẫn làm việc trong suốt 20 năm: tôi tiếp tục suy nghĩ. Ở cuối cuốn « Những trụ cột của trái đất », hầu hết các nhân vật của tôi đã già hoặc qua đời. Vậy nên tôi quyết định lấy lại cùng bối cảnh của thành phố Kingsbridge, nhưng câu chuyện mới lại diễn ra vào hai thế kỷ sau đó. » Tuy nhiên, ông không thể miêu tả việc xây dựng một nhà thờ mới vì đó là câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết trước. « Thế nên tôi đã nghĩ đến chủ đề một trận dịch hạch kinh hoàng, giết chết một phần ba dân số ở Kingsbridge vào thế kỷ 14. Trận dịch đã làm cho người dân ở đó thay đổi cách nghĩ một cách căn bản».

Ảnh hưởng của ngày 11/9

Chính Follett cũng đã thay đổi. « Một thế giới vô tận » là cuốn tiểu thuyết u ám, dữ dội và mãnh liệt hơn nhiều so với « Những trụ cột của trái đất ». Người ta tìm thấy trong đấy cuộc sống thường ngày của những giáo sĩ ham muốn địa vị, những nông nô nghèo hèn, của cả một xã hội bị chính sách ngu dân và sự hám lợi đè nén. « Trong vòng hai thế kỷ, giới tăng lữ đã từ bỏ lý tưởng chiến đấu vì dân nghèo để hưởng thụ một cuộc sống trưởng giả và hám lợi. » Tiểu thuyết gia này cũng thú nhận sự kiện ngày 11 tháng chín khiến ông bị sốc: « Tôi căm ghét sự cuồng tín tôn giáo».

Follett đã miêu tả cuộc sống ở nước Anh thời Trung cổ với sự chính xác của một người thợ kim hoàn, nhưng ông không có ý định tái tạo ngôn ngữ của thời đó. « Không cần phải dùng đến thủ thuật này. Điều quan trọng là tác động lên độc giả thời nay. » Ngôn ngữ trong tác phẩm của ông là ngôn ngữ hiện đại : đơn giản, không kiểu cách và hiệu quả. « Tính hiệu quả » chính là từ chủ đạo của « phong cách Follett ». Với sự giúp đỡ của một nhân viên tư liệu, Follett đã đọc và gặp gỡ các chuyên gia (những người sau này sẽ xem xét tỉ mỉ tác phẩm trước khi nó được xuất bản). Và mỗi sự kiện lịch sử cũng gợi cho ông ý tưởng viết lách.

Sau đó, trong suốt một năm, ông soạn đề cương chi tiết cho cuốn tiểu thuyết tương lai, từng chương một. « Tài liệu dày khoảng 60 trang này là cần thiết vì nó cho phép tôi xem xét cẩn thận mọi chi tiết hấp dẫn của cuốn sách. Đó là những chi tiết làm cho độc giả không thể rời mắt khỏi các trang sách ! » Rồi Follett đưa tài liệu cho người đại diện của ông. Đây là người đọc bản phác thảo đầu tiên và bản hoàn chỉnh cuối cùng. « Chúng tôi đã làm việc với nhau 30 năm và ông ấy luôn rất thành thật. Nếu có gì không ổn, ông ấy sẽ nói với tôi ! »

Mỗi ngày của Follett trôi qua bình lặng giống như cuộc sống của một tu sĩ. Ông ngồi vào bàn lúc 7 giờ sáng và viết ít nhất trong 8 tiếng đồng hồ. Ông có một quy tắc vàng: không bao kéo dài quá 3 năm khi viết một tác phẩm. « Tôi phải tự tạo áp lực cho mình để truyền nó lại cho độc giả ! »

Nhưng có một câu hỏi được đặt ra : « Những trụ cột của trái đất » có thể được dựng thành phim bom tấn, vậy tại sao nó chưa bao giờ được chuyển thể thành phim dù người Mỹ đã nhiều lần mua bản quyền cuốn tiểu thuyết này? Follert giải thích: « Có lẽ các nhà sản xuất e ngại đối với chủ đề của tác phẩm và chi phí để sản xuất phim. Đó là chưa kể đến việc công chúng Hollywood không thích thời Trung Cổ, một thế giới quá xa vời với hiện tại. »

Tuy nhiên, bản quyền của cuốn sách vừa được anh em nhà Scott (Tony và Ridley, hai đạo diễn người Anh nhưng có phong cách rất Mỹ) mua lại để làm một bộ phim truyền hình với chi phí rất lớn.

Ngày xưa, cậu bé Ken từng hâm mộ sách về James Bond. Nay ông cho biết : « Ian Fleming đã trở thành kiểu mẫu tôi luôn tìm cách bắt chước trong những cuốn sách đầu tiên. » Và Follett đã thành công! Kể từ cuốn « Lỗ kim » - Eye of the Needle, 1978, tiểu thuyết trinh thám của ông đã gặt hái thành công trên toàn thế giới như « Mật mã Rebecca » - The Key to Rebecca, « Người đàn ông đến từ Saint-Pétersburg » - The Man from St Petersburg, « Trên cánh chim đại bàng » - On Wings of Eagles…

Tác phẩm về lịch sử hiện đại

Nhưng dù ngưỡng mộ Fleming, Follett không bao giờ tìm cách tạo ra một kiểu mẫu giống như điệp viên 007. « James Bond là một siêu anh hùng không gì có thể chạm đến được, cũng như chẳng gắn bó với cái gì. Ngược lại, tất cả các nhân vật của tôi đều có gia đình, bạn bè và những người yêu quý họ. »

Và tiểu thuyết gia này có châm ngôn của riêng mình: « Nếu muốn độc giả yêu thích một nhân vật thì chính nhân vật đó cũng phải được yêu quý ngay trong tác phẩm ». Một bí quyết đơn giản nhưng hiệu quả thật đáng gờm : các nhân vật trong « Những trụ cột của trái đất » và « Một thế giới vô tận » đều đã ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.
Follett đang viết một trường thiên tiểu thuyết lịch sử xoay quanh những xung đột lớn của thế kỷ 20 (hai cuộc chiến tranh thế giới và chiến tranh lạnh). Đồng thời ông cũng sắp sửa lao vào viết tập thứ ba của bộ ba tiểu thuyết về thời Trung cổ. Làm việc hết sức mình chính là cuộc sống của ông.

(theo Figaro Magazine)


Em bé – kẻ trộm

(trích đoạn « Một thế giới vô tận », tác phẩm mới nhất của Ken Follett).


Gwenda mới lên tám, nhưng em không sợ bóng tối.

Khi mở mắt ra em chẳng trông thấy gì, nhưng điều đó không làm cho em sợ hãi. Em biết mình đang ở đâu. Em đang ở Tu Viện Kingsbrigde , trong một tòa nhà dài xây bằng đá mà người ta gọi là nhà thương. Em nằm dưới sàn nhà, trên một chiếc nệm bằng rơm. Nằm cạnh em là mẹ. Qua mùi sữa ấm nồng, Gwenda biết rằng mẹ đang cho em bé mới sinh chưa kịp đặt tên bú sữa. Nằm cạnh mẹ là ba và cạnh ba là Philemon, anh trai của Gwenda, mười hai tuổi.

Nhà thương chật cứng người. Và dù em không trông thấy các gia đình nhà khác đang nằm chen chúc nhau dưới sàn bệnh viện giống như những con cừu trong chuồng, nhưng em vẫn ngửi thấy được mùi cơ thể ngai ngái khó chịu của họ. Khi bình minh lên sẽ là Ngày lễ các Thánh, năm nay lại đúng vào ngày chủ nhật, nên lễ càng thêm đặc biệt. Vì lẽ đó, đêm trước lễ các Thánh năm nay cũng là thời khắc nguy hiểm khi các linh hồn quỷ dữ tự do lang thang khắp nơi. Giống như gia đình của Gwenda, hàng trăm người từ các ngôi làng lân cận đã tụ tập về Kingsbridge để đón lễ Halloween trong các khu thánh địa của tu viện, và dự buổi lễ các Thánh lúc bình minh.

Giống như những người nhạy cảm khác, Gwenda cũng cảnh giác với các linh hồn quỷ dữ; nhưng những gì em phải làm trong suốt buổi lễ còn khiến cho em sợ hãi hơn.

Gwenda căng mắt nhìn vào bóng đêm, cố gắng không nghĩ về những gì làm mình sợ hãi. Em biết rằng bức tường đối diện có một cửa sổ khung tò vò. Cửa sổ không có kính - những tòa nhà thật quan trọng mới được lắp kính cửa sổ - chỉ có bức màn bằng vải lanh ngăn không khí lạnh mùa thu không vào được bên trong. Tuy nhiên, em cũng không nhìn thấy được một khoảng xám nào, dù lờ mờ, từ phía cái cửa sổ đó cả. Em cảm thấy vui mừng và mong cho buổi sáng đừng tới.

Em không trông thấy gì, nhưng có nhiều thứ để lắng nghe lắm.

….
Ánh sáng rực rỡ chiếu rọi lên những con người nằm thành dãy trên sàn nhà đang co rúm lại trong các áo choàng cũ kĩ hoặc nằm rúc vào những người bên cạnh để tìm hơi ấm. Người bệnh nằm trên những chiếc giường nhỏ gần bàn thờ, nơi họ có thể hưởng được nhiều nhất sự linh thiêng của nơi này. Ở phía đối diện là cầu thang dẫn lên tầng trên, nơi có phòng dành riêng cho những vị khách quý tộc: bá tước hạt Shiring cũng đang ở đó với vài người trong gia đình.

Vị tu sĩ nghiêng qua người Gwenda để thắp ngọn đèn phía trên đầu em. Anh nhìn vào mắt Gwenda và mỉm cười. Em dò xét khuôn mặt anh trong ánh sáng lung linh của ngọn lửa và nhận ra đó chính là thầy dòng Godwyn. Thầy còn trẻ và đẹp trai. Tối hôm qua thầy đã nói chuyện rất tử tế với Philemon.

Bên cạnh Gwenda là một gia đình khác cũng đến từ làng của em: Samuel, một phú nông có nhiều đất đai, với vợ và hai con trai. Thằng út là Wulfric, một thằng bé sáu tuổi rất nghịch ngợm. Nó cho rằng trò ném hạt sồi vào bọn con gái rồi bỏ chạy là trò vui nhất trên đời.

Gia đình Gwenda không có của cải. Ba của em hoàn toàn không có đất đai, phải ra ngoài làm thuê, ai thuê gì làm nấy. Mùa hè lúc nào cũng có việc, nhưng sau khi mùa thu hoạch kết thúc và thời tiết bắt đầu trở lạnh là gia đình em lại rơi vào cảnh thiếu đói.
Đó là lý do Gwenda đi ăn trộm.

Em hay tưởng tượng ra cảnh bị bắt: một bàn tay lực lưỡng chộp lấy cánh tay em, kẹp chặt lấy em trong khi em vùng vẫy trong vô vọng; rồi một giọng ồm ồm độc ác vang lên ‘ À, à, một con nhóc ăn trộm’; một trận đòn đau đớn và nhục nhã; và rồi tệ hơn cả là cảm giác như bị cực hình và mất mát khi bàn tay em bị chặt đứt.
Ba của em đã phải chịu hình phạt này. Đầu cánh tay trái của ba chỉ còn lại một đoạn tay cụt nhăn nheo và gớm guốc.

Với một tay, ba em vẫn xoay xở tốt mọi việc - ba vẫn dùng được xẻng, thắng được yên ngựa và thậm chí còn giăng lưới bắt chim được nữa - mặc dù vậy ba vẫn luôn là người cuối cùng được người ta thuê vào mùa xuân, và là người đầu tiên bị cho nghỉ việc vào mùa thu.
Ba không bao giờ còn có thể rời khỏi làng đi tìm việc nơi khác được nữa vì bàn tay cụt đã cho biết rõ ba là một gã ăn cắp, và do vậy sẽ không ai thuê ba nữa.

Khi đi đây đó, ba thường buộc một cái găng tay có độn bên trong vào chỗ bàn tay cụt để khỏi bị những người lạ ba gặp xa lánh; nhưng cái đó chẳng lừa được ai lâu.

Mọi người đứng dậy vươn vai, ngáp và xoa mặt. Gwenda thức dậy, giũ quần áo. Quần áo em mặc đều là quần áo cũ do anh trai để lại.

Em mặc một chiếc váy bó dài ngang đầu gối, bên ngoài khoác một chiếc áo choàng sát nách, buộc ngang hông một chiếc thắt lưng làm bằng sợi gai dầu. Ngày trước giày của em cũng được buộc dây, còn bây giờ các lỗ xỏ dây đã mòn rách, dây buộc giày cũng đã rơi mất, nên em phải dùng rơm bện thành sợi để buộc giày vào chân. Khi em nhét mái tóc vào bên trong chiếc nón kết làm bằng lông đuôi sóc cũng là lúc em mặc xong quần áo.

Ba đưa mắt nhìn em và bí mật ra hiệu chỉ cho em một gia đình phía bên kia lối đi, đó là một cặp vợ chồng trung niên với hai đứa con trai có vẻ lớn tuổi hơn em một chút. Người chồng thấp, gầy, trên cằm có bộ râu xoăn màu hung. Bên thắt lưng có đeo một thanh gươm, chứng tỏ ông phải là một kị binh hay hiệp sĩ gì đó. Vì những người bình thường không được phép mang gươm giáo theo bên mình. Bà vợ có dáng vẻ mảnh mai, hoạt bát với gương mặt cau có. Khi Gwenda chăm chú nhìn họ thì thầy Godwyn kính cẩn gật đầu chào họ: ‘ Chúc một buổi sáng tốt lành thưa ngài Gerald và phu nhân Maud.’

Gwenda đã trông thấy vật làm cho ba em chú ý lúc nãy. Ngài Gerald có một chiếc ví được buộc vào thắt lưng bằng một dải da thuộc. Chiếc ví căng phồng, trông có vẻ như đang đựng bên trong hàng trăm đồng bạc mệnh giá một xu, nửa xu và một phần tư xu tiền Anh - bằng cả số tiền ba kiếm được trong một năm nếu may mắn tìm được việc làm. Số tiền đó dư nuôi sống cả nhà đến mùa xuân khi công việc cày bừa bắt đầu. Chiếc ví có vẻ còn đựng cả vài đồng tiền vàng ngoại quốc như đồng florin xứ Florence hay đồng ducat của thành Venice.
Gwenda có một con dao nhỏ đựng trong chiếc bao bằng gỗ treo trên sợi dây đeo quanh cổ. Lưỡi dao bén ngọt sẽ nhanh chóng cắt đứt dải dây da, khiến chiếc ví căng phồng rơi thẳng vào bàn tay bé nhỏ của em - miễn là ngài Gerald không phát hiện ra điều gì bất thường và tóm lấy em trước khi em kịp hành động.

.. . .

Godwyn cất cao giọng để lấn át tiếng ồn ào của đám đông. Thầy nói ‘ Vì tình yêu của đức Chúa trời, người đã dạy chúng ta phải có lòng từ thiện, sẽ có bữa ăn sáng sau buổi lễ các Thánh. Nước uống tinh khiết có thể lấy từ vòi ở ngoài sân. Và xin mọi người nhớ sử dụng các nhà vệ sinh ở bên ngoài. Không ai được tiểu trong nhà!’

Các nam và nữ tu sĩ rất nghiêm khắc trong vấn đề vệ sinh. Đêm qua, Godwyn bắt quả tang một thằng bé sáu tuổi đang tiểu trong xó nhà, thế là cả gia đình thằng bé bị tống ra khỏi cửa. Nếu họ không có lấy một đồng để vào trú trong quán rượu thì chắc chắn họ sẽ phải trải qua một đêm tháng mười lạnh lẽo, rét run trên nền đá bên dưới cổng vòm phía bắc của nhà thờ. Súc vật cũng bị cấm tiệt. Chú chó Hop ba chân của Gwenda cũng bị tống khứ ra ngoài. Em cứ tự hỏi không biết chú đã phải qua đêm ở nơi nào.

Khi tất cả các ngọn đèn đã được thắp sáng, thầy Godwyn mở toang cánh cửa gỗ lớn hướng ra ngoài sân. Luồng gió đêm lạnh như cắt vào tai và đầu mũi của Gwenda. Những khách trú qua đêm kéo áo khoác trùm kín người và bắt đầu lê bước ra ngoài. Khi ngài Gerald và gia đình vừa dời bước thì ba mẹ Gwenda liền nhập vào hàng phía sau họ, rồi đến Gwenda và Philemon cũng bắt chước theo sau.

Cho đến hôm nay ăn trộm vẫn là phần việc của Philemon, nhưng hôm qua suýt chút nữa cậu đã bị bắt quả tang ở chợ Kingsbridge. Cậu đã thó được một lọ dầu nhỏ đắt tiền từ quầy hàng của một ông người Ý, nhưng lại đánh rơi lọ dầu nên ai cũng trông thấy. May thay lọ dầu đã không bị vỡ khi rơi xuống đất. Cậu đã phải giả vờ như vô tình làm rơi lọ dầu từ trên kệ xuống.

Cho tới dạo gần đây Philemon vẫn còn nhỏ và kín đáo như Gwenda, nhưng từ năm ngoái cậu đã cao thêm vài inch, giọng đã chuyển sang trầm hơn, và trở nên lúng túng vụng về như thể cậu chưa quen được với cơ thể mới, lớn hơn của mình. Đêm qua, sau sự cố xảy ra với lọ dầu ba đã tuyên bố Philemon bây giờ lớn quá rồi không thể tiếp tục những vụ ăn trộm cho nghiêm chỉnh được nữa, và vì vậy việc này phải giao lại cho Gwenda.
Đó là lý do vì sao em đã thức trắng gần như cả đêm.

Em giật mạnh con dao và cảm thấy đoạn dây da thõng xuống. Ngài Gerald làu bàu gì đó trong miệng: ngài đã cảm thấy gì chăng hay ngài đang phản ứng lại với cảnh tượng nơi bàn thờ? Chiếc ví rơi xuống, lọt vào tay em; nhưng chiếc ví quá to khiến em không thể tóm chặt lấy nó, chiếc ví trượt ra ngoài. Trong một phút sợ hãi, em tưởng mình sắp đánh rơi chiếc ví xuống nền nhà và không thể tìm lại nó nữa giữa vô số các bàn chân vô tình của đám đông. Nhưng ồi em cũng đã kẹp được và giữ chặt lấy nó. Trong giây lát em cảm thấy thật nhẹ nhõm: em đã có chiếc ví.

Nhưng em vẫn còn trong tình cảnh hết sức nguy hiểm. Tim em đập mạnh đến nỗi em có cảm giác như ai cũng phải nghe thấy được. Em quay phắt lưng lại phía ngài hiệp sĩ. Cùng lúc em nhét sâu chiếc ví nặng trịch vào phía trước áo khoác. Em nhận ra rằng chiếc ví tạo ra một chỗ phình to rất dễ thấy phía trên thắt lưng, trông giống cái bụng bự của một ông già. Em đẩy chiếc ví vòng sang bên hông nơi cánh tay có thể che bớt nó một phần. Vẫn còn trông thấy rõ khi đèn rọi sáng nhưng em chẳng còn chỗ nào để giấu nó nữa.

Gwenda cất dao vào vỏ. Bây giờ em phải nhanh chóng chuồn khỏi đây, trước khi ngài Gerald nhận thấy chiếc ví bị mất - nhưng cái đám đông lúc nãy đã giúp em lấy được chiếc ví trót lọt thì bây giờ lại cản trở em trốn thoát. Em cố bước lùi lại, mong tạo một khe hở giữa những người phía sau, nhưng mọi người vẫn cứ tiếp tục dồn về phía trước để nhìn cho rõ bộ xương thánh. Em bị kẹt cứng, không thể nhúc nhích, ngay trước mặt người đàn ông em vừa đánh cắp chiếc ví.

(tuyển dịch)

2 comments:

Anonymous said...

90 trieu doc gia, nghe ma them!

Vien chac la meo mo nghe nghiep nen nghi rang VN minh cung khong thieu nhung nha van ma tac pham dang doc, dang tiec la co qua it duoc gioi thieu o nuoc ngoai vi cung ta khg chu y lam marketing cho ho. O nuoc ngoai nguoi ta biet qua it ve van hoc VN. noi ve van chuong VN hien dai ma nguoi ta chi biet co Duong Thu Huong thi buon qua!

Van chuong nghe thuat cung phai co PR, Marketing vi cung la 1 mon hang, 1 san pham nhu moi san pham, cho du cao cap hon. nhu truong hop Nguyen Ngoc Thuan, V da doc 1 so sach thieu nhi cua NNThuan, thay rat doc dao, nam ngoai NNT da danh giai "Peter Pan" cua Thuy Dien ve sach thieu nhi quoc te (day la 1 giai kha uy tin, ho co Hoi dong doc sach, chon lua trao giai, khg phai do VN de cu nhu giai Asean cua NN Tu) voi "vua nham mat vua mo cua so" , nhg chac chi co Thuy dien biet nuoc khac thi khg. ngay hang xom la Dan mach cung khg biet gi het.

Neu sach cua cac tac gia VN duoc dich ra tieng anh phap, xuat ban ngay tai VN ban cho nguoi nuoc ngoai lam viec o VN hay du khach thi cung la 1 cach PR cho van hoc VN, thay vi le duong chi co sorrow of war, heaven anh earth.

Professor thay sao?

Thanh Vien

Gatebeepers said...

Cảm ơn Viên. Đúng là như thế.

Gợi ý với Viên và các bạn khác - nhất là các phu nhân đại sứ! - như
thế này: Tìm những dự án (hoặc lập dự án) giúp giới thiệu các nhà văn
tài năng của VN ra nước ngoài. Và có lẽ một trong những cách giới
thiệu, có thể làm sớm được, là dịch ra tiếng Anh (vì sao thì các bạn
biết rồi). Trân có đọc trước đây rằng nhiều nhà văn châu Á đã làm như
thế để dược phổ biến ra thế giới. Đương nhiên phải kèm thêm PR, MKT,
...

Các bạn xem có thể làm được?

Ghi chú: phần trích dịch tác phẩm của Ken Follett có hình minh họa, và
tình cờ thay: minh họa đó là do nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đoạt giải
Peter Pan, mà Viên đã đề cập, thực hiện. Thuần hiện còn là họa sĩ
trình bày của báo Tuổi Trẻ. Khi nào TT đưa bài và hình lên mạng, sẽ
gởi các bạn xem.

Chúc tất cả vui.