Gởi các bạn một bài về nguồn tin. Có thể xem đây như phần tiếp theo của bài về tìm ý tưởng, trước đây. Các bạn cũng nên tham khảo bài "Tìm nguồn tin" (xem danh sách bên phải).
Chúc các bạn vui.
Nguồn tin
Xây dựng mạng lưới nguồn tin là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không bao giờ kết thúc của nhà báo. Thông tin từ những người chứng kiến và tham gia sự kiện sẽ giúp cho bài trở nên đáng tin cậy và có tính tức thời. Các trích dẫn trực tiếp sẽ làm cho bài dễ đọc và thêm phần hấp dẫn.
"Ai biết chuyện này?" là câu hỏi căn bản nhất, khi muốn bắt tay vào việc xây dựng mạng lưới nguồn tin. Nó giúp ích cho sinh viên thực tập lẫn phóng viên thực thụ trước khi bắt đầu quy trình săn tin và viết bài. Sau khi viết bài hòm hòm rồi, câu hỏi này vẫn ích lợi vì có thể giúp lấp các lỗ hổng trong bài báo. Tuy nhiên, giống như với bài về nước ngập ở Quận 8, còn có những câu hỏi khác nữa có thể dẫn tới các nguồn tin khác.
Hãy lấy thêm một thí dụ: Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định, từ năm học 2006-2007, tin học sẽ là môn chính khóa ở các lớp 10, 11, 12. Tin này có thể được khai thác sâu hơn. Nó ảnh hưởng đến hàng triệu học sinh. Nếu được thực hiện rốt ráo, nó còn ảnh hưởng đến cả nền giáo dục, qua đó tác động tốt lên tương lai phát triển của đất nước.
Nên hỏi gì? Dưới đây là các câu hỏi gợi ý, có thể dùng để hướng dẫn sinh viên thực tập, đặc biệt những sinh viên quyết tâm đi vào nghề báo, đủ kiên trì trong tiếp cận các nguồn tin, trong đó có nguồn quan chức.
• Tin đâu ra?
Ý tưởng từ đâu? (Một chuyên viên, một nhóm chuyên viên cấp bộ? Có ai ở thành phố tham gia?)
Hiện trạng? (Trường nào dạy tin học, trường nào không? Lớp nào học, lớp nào không?)
Tại sao thay đổi? (Có căn cứ gì? Đã tới lúc rồi?)
Những bước dẫn tới thay đổi? (Thảo luận lúc nào? Thảo luận ra làm sao? Ai tán thành? Ai phản đối? Ai ra quyết định cuối cùng?)
Có quy định gì về mặt luật pháp đối với vấn đề này? (Các trường có bị buộc phải dạy tin học? Ai kiểm tra việc này? Có nên hỏi ý kiến phụ huynh trước khi quyết định?)
• Ai biết?
Gần giống như câu hỏi về ý tưởng ở trên: Ai đưa ra? (Một chuyên viên, một nhóm chuyên viên? Ai ủng hộ? Ai chống? Tại sao?)
Ai hiểu về vấn đề này tốt nhất? (Người đề ra chương trình? Người đã làm thử, đã nghiên cứu trong nước, ngoài nước về giảng dạy tin học trong nhà trường?)
Các tổ chức nào đã tham gia? (Nghiệp đoàn giáo chức? Các hiệp hội khoa học?)
Vấn đề có rõ ràng không? (Lãnh đạo các trường có hiểu không? Và phụ huynh?)
• Ai bị ảnh hưởng?
Nên viết về vấn đề này từ góc nhìn nào? (Giáo viên ủng hộ sự thay đổi? Tại sao ủng hộ, tại sao không? Hiệu trưởng, hiệu phó thì sao? Rồi phụ huynh học sinh và học sinh?)
Ai chi trả cho kế hoạch này? Ai được lợi? (Cần bao nhiêu tiền để thực hiện việc giảng dạy tin học? Tiền lấy từ đâu? Phụ huynh có phải đóng góp thêm? Ai được nhận tiền để chi? Ai được tiền do bán máy tính hoặc phần mềm?)
Ảnh hưởng trong ngắn hạn? Dài hạn? (Sẽ có chương trình tin học mới, phù hợp? Giáo viên phải đi học thêm? Có người sẽ thất nghiệp? Các trường đủ sức làm không? Các bước tiếp theo của kế hoạch?)
Kinh nghiệm nước ngoài? (Tìm xem trong sách, báo, mạng Internet về cách dạy tin học trong trường học ở các nước như thế nào? Có thể gợi ý gì thêm cho trong nước?)
Áp dụng các câu hỏi
Đương nhiên, không phải câu hỏi nào cũng dùng được cho tất cả các loại bài báo. Nhưng ít ra, khi gợi ý đặt câu hỏi, bạn đã giúp sinh viên thực tập tìm được đường đi, thay vì phải quờ quạng lung tung. Bạn nên tham khảo các câu hỏi trên, qua đó còn có thể biết tại sao bài này, bài kia lại có lỗ hổng, và hỗ trợ cho cả phóng viên chuyên nghiệp biết cách trám lỗ hổng.
Có lẽ bạn nhận thấy rằng loạt câu hỏi trên sẽ dẫn đến các nguồn tin khác nhau: cá nhân và tổ chức, quan chức và dân thường, ngay tại địa phương hoặc trên cả nước và nước ngoài. Không phải bài báo nào cũng cần đến sự đa dạng như thế. Nhưng đọc bài có nhiều nguồn tin, nghĩa là nhiều tiếng nói khác nhau, bạn đọc sẽ hiểu rõ vấn đề hơn. Phần lớn phóng viên chỉ quan hệ với các nguồn tin quen thuộc trong lĩnh vực mình phụ trách. Vì dễ, vì vội. Có thể sinh viên thực tập sẽ chấp nhận thách thức, tìm những nguồn tin không nằm trong quỹ đạo đó.
Để đa dạng hóa nguồn tin, còn một cách khác nữa: đọc niên giám điện thoại. Đọc để tìm các nguồn tin cá nhân hoặc tổ chức. Hẳn sinh viên thực tập sẽ ngạc nhiên khi thấy nhiều vấn đề mình nghĩ ra đều có người hoặc tổ chức trả lời được; lắm khi đó không phải là tổ chức chính thức kiểu cơ quan hành chánh khó vào.
Hầu hết những người có máu mặt đều đồng ý tiếp điện thoại nếu thấy yêu cầu của nhà báo là chính đáng. Nhưng khi nói chuyện, đừng đánh mất cơ hội bằng những câu hỏi gây lãng phí thời gian của họ. Ghi nhớ: phần lớn những người này cũng như các nguồn tin khác không biết tin tức là gì. Dấu hiệu của kiểu làm báo tài tử là gọi điện và mở đầu bằng: “Tôi chỉ gọi để xem thử có tin gì không.” Hỏi có tin gì, chuyện gì chỉ dẫn đến một câu trả lời tiêu cực: “Không có gì đâu.” Bao giờ cũng phải chuẩn bị các câu hỏi trước khi hỏi, qua điện thoại cũng như lúc gặp mặt.
Giao tiếp với nguồn tin là vấn đề kỹ thuật. Ngoài việc chuẩn bị câu hỏi, còn phải giữ liên lạc với nguồn tin bằng cách trực tiếp đi gặp khi có thể hoặc gọi điện thoại chừng chừng. Cũng phải quan tâm đến họ.
Thời đại công nghệ thông tin, còn có một nơi để nhà báo tìm nguồn tin lẫn thông tin, mà không tốn nhiều công sức: Internet.
Ngọc Trân
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
22 comments:
Thưa thầy!
Hôm nay ngày 20-11, chắc chắn là có nhiều học trò chúc mừng thầy lắm. Em cũng chỉ là một trong những người đó thôi. Nhưng với em, thầy là một người thầy vĩ đại,và cũng như là người cha thân yêu đã dẫn dắt em vào đời. Em mong thầy sẽ luôn vững tay cầm bút, giọng thầy vẫn sẽ khoẻ và ấm, trái tim thầy vẫn đầy nhiệt huyết để dìu dắt thêm nhiều lớp nhà báo nữa vào nghề.
Chúc mừng thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11!
Phương Anh
Cảm ơn em.
Thầy chỉ là người bình thường.
Chúc em nhiều niềm vui trong cuộc sống.
Mến chúc Thầy ngày Nhà giáo vui nhiều, cười nhiều và hạnh phúc may mắn râm ran từ sáng đến tối.
Em Hằng Nga
Cảm ơn em Nga.
HÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM!
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam em chúc thầy luôn mạnh khỏe để tiếp tục góp phần đào tạo ra những nhà báo giỏi và có tâm với nghề!
Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy - Tục ngữ Việt Nam
Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi - Ngạn ngữ Trung Quốc
Em: Ngân
Cảm ơn em Ngân.
Cảm ơn chú đã chỉ bảo cho cháu rất nhiều điều trong thời gian qua. Đối với cháu, chú cũng là một người thầy. Nhân dịp 20 tháng 11, chúc chú sức khỏe và hạnh phúc.
Hương Trà
Cảm ơn cháu Trà.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em kính chúc thầy dồi dào sức khỏe và nhớ đến lớp báo chí tại chức Bình Định./.
Em Võ Hữu Hải.
Cảm ơn em Hải (lớp báo chí Qui Nhơn)
Thầy Trân ơi!
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, em kính chúc thầy cùng gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt.
cảm ơn em Tiến (Đài truyền hình trung ương ở Đà Nẵng)
Nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 em xin kính chúc thầy cùng gia đình thật vui, khỏe, nhiều hạnh phúc!
Học trò cũ
Trần Thị Thuận, báo Long An
Cảm ơn em Thuận.
Kính chúc thầy sức khỏe, hạnh phúc để ngày càng đào tạo được nhiều học trò.
Tú Phương (báo Công An Đà nẵng)
Cảm ơn em Phương.
Em xin chuc mung thay nhan ngay Nha giao Viet Nam.
Em chuc thay luon vui ve, manh khoe, giang day nhieu nhieu cho ben Khoa em.
Thanh Le
Cảm ơn em Lê (Khoa Báo chí Truyền thông, ĐHKHXHNV TPHCM))
Nhan ngay Nha giao Viet Nam, em xin chuc thay doi dao suc khoe va doi dao nhiet tinh de thay con day that nhieu lop hoc tro - nha bao nua a.
Hoang Thanh Ha
Public Affairs Officer, Citi Vietnam
17 Ngo Quyen street, Hanoi, Vietnam
Cảm ơn em Thanh Hà.
Thưa thầy! Em là Trường Huy, lớp Báo chí học tại Nha Trang.
Không được học "chính thống" tại TP nên chắc chắn em và các bạn "đồng môn" ở đây sẽ có nhiều thiệt thòi hơn trong việc học (như việc tiếp cận với phương pháp dạy của giảng viên, với tài liệu giảng dạy, với giáo trình, ...). Chính vì thế, những bài viết trong blog của thầy, với cách sắp xếp có hệ thống, sẽ giúp tụi em rất nhiều.
Như thầy cũng đã biết hôm qua, trong lớp tụi em, ngoài một số phóng viên đã quen với việc viết tin (mặc dù là chưa chắc đã đúng theo quy trình "hình tháp ngược" của thầy), nhiều người còn lại là BTV, Phát thanh viên, Kỹ thuật, hành chính và công tác quản lý; chính vì vậy sẽ rất bỡ ngỡ khi học môn này. Thời gian học tập trung cũng rất ngắn nên ai nấy cũng đều hoang mang, không biết có "cưỡi ngựa xem hoa" như các môn trước không.
Tuy nhiên, blog của thầy vói cách trình bày như một giáo trình online đã giúp phần nào gạt bỏ những hoang mang đó. Thứ nhất là cách hành văn với ngôn ngữ rất gần gũi và dễ hiểu, đúng theo kiểu "chuyện chi nói lẹ ra đi" của thầy, sẽ giúp những "anh Ba", "chị Sáu", "chú Năm", ... lĩnh hội được dễ dàng hơn.
Tiếp đến, thầy cũng giúp gạt bỏ đi một số "lăn tăn" khác khi khuyên các sinh viên "đừng ngại sử dụng công thức". Cảm ơn Thầy rất nhiều! Chắc chắn đây sẽ là cẩm nang cho tụi em khi sử dụng cho bài tập đầu tiên, cũng như cho cả công việc sau này nữa. Nha Trang hôm nay mưa mù trời, sẽ gây khó khăn cho việc "tác nghiệp"; nhưng sẽ không sao, biết đâu thời tiết cũng sẽ là một đề tài cho việc viết tin, phải không thầy!
Chúc thầy có những ngày vui vẻ với công việc và với học viên ở Nha Trang.
Cảm ơn em Trường Huy.
Post a Comment