25 October 2008

Thêm gợi ý về tìm ý tưởng

Gần đây có học viên gởi thư cho tôi nội dung chính như thế này:

Em đang tìm hiểu về thể loại kí báo chí nhưng tài liệu em có không nói cụ thể mà chỉ nói chung chung. Vì ở lớp em chưa được học nên em muốn nhờ thầy post một số bài về thể kí lên blog để em có tài liệu tham khảo.

Em là Trần Thị Quỳnh, sinh viên lớp TCBC K07.

Có lẽ chúng ta nên đi lại từ đầu bằng việc tìm ý tưởng (đối với phần lớn những người mới tập viết, có lẽ tìm ý tưởng để viết bài cũng là vấn đề). Sau đó, đọc thêm phần hướng dẫn về viết kiểu kể chuyện (xem bên tay phải). Và đọc thêm bài trên các báo ghi "Phóng sự, ký sự". Đương nhiên là phải can đảm săn tìm thông tin và ngồi vào bàn mà viết. Viết suốt ngày.

Về ý tưởng, tôi từng có bài (xem bên tay phải). Bài dưới đây là để bổ sung (chủ yếu để hướng dẫn các BTV mới vào nghề).

Chúc tất cả vui.

---

Giúp người hay than vãn viết báo


Bài này nhằm gợi ý cho biên tập viên các cách thức hỗ trợ những người đến tòa soạn mình học nghề báo, nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Thỉnh thoảng trên tạp chí Nghề Báo do Hội Nhà báo TPHCM xuất bản lại thấy có ý kiến của sinh viên báo chí cho biết ít được thực hành viết lách. Mới đây, một sinh viên đã viết: "Chương trình đào tạo chuyên ngành báo chí quá ít những môn học mang tính chất thực hành. Trong khi đó những môn ít liên quan đến chuyên ngành lại được đưa vào dạy chiếm thời lượng lớn làm cho SV ngán ngẩm." Một sinh viên khác, trong bài viết khác, cũng nêu ý kiến gần giống như thế và cho biết sinh viên ra trường phải học lại trong các tòa soạn. Sinh viên này cho rằng cần phải thay đổi cách đào tạo cử nhân báo chí, cho đây là gốc rễ của vấn đề.

Nói như vậy thì vô cùng, chẳng giải quyết được vấn đề gì. Nhà trường chỉ đào tạo như thế và sau này hẳn cũng không thể thay đổi nhiều được. Nhà trường có cái lý của nhà trường - không chỉ dạy để có người viết báo mà còn nhằm cung cấp người làm nghiên cứu và đủ loại công tác truyền thông khác. Cũng phải dạy cho có cái đầu. Kiến thức liên quan xa hoặc gần đến nghề báo đều cần thiết vì là nền tảng cho một người trình độ đại học. Trong thực tế, không thiếu bạn trẻ đã dựa trên cơ sở đó cộng với một ít giờ thực hành cùng các nhà báo - giảng viên, mà vào được nghề báo.

Giả dụ giờ bạn được giao hướng dẫn một hoặc vài ba sinh viên báo chí thực tập tại tòa soạn và lại được nghe, "Em (Chúng em) ít được thực hành nên không biết viết bài", bạn tính sao?

Hãy bắt đầu từ bước đầu tiên: chuẩn bị. Bước này bao gồm ba loại kỹ năng. Thứ nhất, tìm ý tưởng (ít được những người mới vào nghề quan tâm rèn luyện). Thứ nhì, tìm nguồn tin (người mới vào nghề hay lúng túng). Thứ ba, bảo đảm bài đầy đủ thông tin (người mới, người cũ gì đều gặp khó khăn).

Viết báo giống như dựng nhà, trước hết phải có vật liệu. Vật liệu đây là ý tưởng và thông tin săn tìm được và phải có đủ. Không khác dựng nhà, viết báo cũng cần bản vẽ và người viết phải biết dùng bản vẽ cùng một số kỹ thuật khác (các bước tiếp theo trong quy trình viết). Người làm nghề báo còn luôn đổ mồ hôi, thậm chí toát mồ hôi vì giờ lên khuôn của tòa soạn. Nghề này giống như nghề võ, không có con đường tắt.


Đâu cũng có ý tưởng

Trong phần lớn các tòa soạn, phóng viên cung cấp hơn phân nửa ý tưởng viết bài; phần còn lại do biên tập viên đưa ra. Phóng viên ra đường, phóng xe đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Họ tư duy và phát hiện đề tài (theo cách nói của người trong nghề) dựa trên thực tế đó và báo đề tài cho người phụ trách trực tiếp, tức trưởng ban. Nhưng có loại đề tài chỉ cần dở lịch: Tết, Trung Thu, Ngày Phụ nữ quốc tế v.v. Và có loại được thông báo trước: Chính phủ họp, Hội đồng Nhân dân thành phố họp, các cơ quan họp; một công ty khai trương văn phòng đại diện, giới thiệu sản phẩm mới, nhận giấy phép đầu tư, v.v. Biên tập viên dựa vào đó để đề nghị phóng viên viết bài.

Tìm ý tưởng viết bài chủ yếu là vấn đề thái độ - tích cực thì tìm ra; tiêu cực, nhìn đâu cũng chẳng thấy. Nếu chịu quan sát, lúc nào cũng có đề tài. Quan sát rồi đặt câu hỏi. Hầu hết các bài báo đều nhằm trả lời cho một hoặc một số câu hỏi. Bài bạn đang đọc đây, chẳng hạn, nhằm trả lời cho chuyện sinh viên báo chí than vãn ít được thực hành.

Một trong những nguyên tắc chính để tìm đề tài là đọc báo và xem truyền hình, đặc biệt chương trình "Chào buổi sáng". Nhờ xem chương trình này, một số cây bút đã có thể viết bài. Tuần trước, đài truyền hình nói về một gia đình ở Bảo Lộc, Lâm Đồng chuyên nuôi bướm để làm tranh bướm; tuần sau, một số báo có bài về nuôi bướm của gia đình đó.

Nên đề nghị sinh viên thực tập đọc mục quảng cáo, thư bạn đọc, và đương nhiên là các bài báo. Đọc tất, kể cả bài tin quốc tế, để từ đó đi tìm các góc nhìn địa phương. Lãi suất ngân hàng ở Mỹ tăng, liệu các ngân hàng trong thành phố thu hút thêm người gửi tiền tiết kiệm? Vàng thế giới liên tục lên giá trong những tháng đầu năm có làm cá, thịt ngoài chợ tăng theo? Số người mua vàng miếng có giảm? Giá vàng nữ trang như thế nào?

Đối với tin tức trong nước, vẫn có thể tìm thêm các góc nhìn khác. Nói chung, tin thời sự chỉ mới là tin nháp, chưa đầy đủ. Nếu tinh ý, còn khai thác được thêm nhiều bài khác nữa. Các báo thường đăng tin kiểu một lần hoặc vài lần rồi thôi - trừ các sự kiện lớn hoặc quá lớn và còn tiếp tục phát triển như vụ đánh bạc đã dẫn tới khám phá tham nhũng ở Ban Quản lý các Dự án 18, một cơ quan thuộc Bộ Giao thông Vận tải, khiến một số quan chức vào tù và một bộ trưởng phải từ chức.

Vậy chuyện ở đây là thế này: nên kiểm tra các bài tin lẫn các bài diễn cảm (ký sự, phóng sự) đăng tháng trước, ngày hôm qua, ngày hôm nay và tự hỏi: “Còn cái chi nữa không hè? Chuyện gì xảy ra sau khi tôm nuôi chết hàng loạt ở Cần Giờ? Cô A, được báo X giới thiệu như nghệ nhân số một nghề thêu, nay thế nào?” Cậu bé B ở nhận học bổng của báo Y, hiện học hành ra sao? Tức tìm cái mới trong cái cũ.

Để tìm ý tưởng, ngoài cái đầu, cái miệng, còn có đôi chân của mình. Thỉnh thoảng, nếu ghé một số chợ, có thể thấy nhiều sạp đã đóng cửa. Tại sao? Nếu sinh viên thực tập muốn viết để trả lời, chắc không phải là quá khó.

Khi xăng lên giá, nhà báo bị ảnh hưởng và độc giả cũng thế, vì phần lớn đều chạy xe gắn máy. Đó là ảnh hưởng trực tiếp. Bên cạnh đó, tất cả đều bị tác động gián tiếp: chi phí chuyên chở tăng khiến các chi phí khác tăng, từ tiêu dùng cho nhu cầu thiết yếu như ăn uống cho đến các tiêu xài ít thiết thân như ngồi quán cà phê. Hẳn mọi người đều muốn biết rõ vì sao lại tăng giá xăng, ai được lợi. Hồi tháng ba 2006, trước và sau khi xăng lên giá, đã có không biết bao nhiều bài vở về đề tài này với các góc nhìn khác nhau.

Hoặc khi giá chứng khoán tăng trong cùng tháng đó cũng vậy. Biết bao nhiêu là bài, bao gồm cả các bài giải thích, dự báo. Đúng sai, chưa biết, nhưng quả là có nhiều góc nhìn về đề tài chứng khoán.

Không cần tìm đâu xa. Ngay trong trường đại học cũng khối chuyện để viết. Chuyện bạn bè trong lớp - có người từ quê lên học, 4 giờ sáng đã thức dậy, đi lấy báo, bỏ báo ở quận I. Rồi các sinh hoạt trong nhà trường - tối mai, nhà thơ Đỗ Trung Quân sẽ đến trao đổi với sinh viên về thơ tình thời đi thanh niên xung phong, v.v. và v.v. Không nhất thiết phải đi thực tế Côn Đảo mới viết được bài. Xin mở ngoặc: các báo Pháp có dạng phóng sự địa phương, chừng 600 chữ. Đó là chuyện bên kia đường, ở góc phố, trong một sân bóng, tại một trường học, ở một nông trại ngoại ô…

Có lẽ bạn nên gợi ý cho sinh viên mua một cuốn sổ tay cỡ lòng bàn tay, để trong túi áo, chỉ dùng cho các ý tưởng. Họ có thể ghi vào đó những gì cảm thấy có thể biến thành bài, không chỉ ý tưởng nẩy ra từ việc đọc báo, xem truyền hình, lướt trên mạng, mà còn cả từ các cuộc họp, trao đổi với người trong nghề, người thân và bạn bè. Nhìn thấy chuyện gì đó trên đường, cũng ghi.

Có thể sinh viên sẽ hỏi: "Vậy chẳng lẽ không có đề tài sáng tạo à?" Bạn nên trả lời: "Có chứ!" Nhưng cho họ biết thêm: số nhà báo có thể thường xuyên suy nghĩ ra đề tài độc đáo không nhiều lắm đâu. Những nhà báo lâu năm, lăn lộn, sống chết với nghề mà họa hằn lắm mới tìm ra được vài ý tưởng lạ để viết bài. Sinh viên thực tập chưa cần phải được rèn theo hướng này. Đương nhiên, cần khuyến khích các sinh viên chịu động não, giúp họ đào sâu các ý tưởng thoáng qua tưởng chừng như không mấy có ý nghĩa trở thành các ý tưởng viết bài tốt.

Thông thường biên tập viên cấp trưởng ban ra đề cho phóng viên. Thật ra, trưởng ban luôn dựa một phần vào báo cáo của phóng viên để làm việc này. Phóng viên thì hay chờ viết theo ý biên tập viên. Đối với sinh viên thực tập, cũng cần buộc họ làm báo cáo. Đây là dạng báo cáo phóng viên nộp hàng tuần, ghi nhận các thông tin họ cho rằng có thể biến thành tin tức.

Nên giúp sinh viên hiểu cả thực tế này: sự thành công của người cầm bút tỷ lệ thuận với khả năng chuyển các ý tưởng thành các bài báo.


Cách săn tin lý tưởng

Một thế giới báo chí lý tưởng sẽ không có khái niệm "bài điều tra". Từ "săn tin" đã hàm ý điều tra rồi. Nhưng vì sao lại có loại bài điều tra? Có nhà báo cho rằng, đó là để phân biệt với các loại bài bình thường phải đưa, không cần sâu. Một cuộc họp, một buổi lễ khai trương công ty thôi mà. Đào sâu làm chi. Tuy nhiên, bạn thử đề nghị sinh viên thực tập làm ngược lại: sự kiện nào cũng săn tin như thể để viết bài điều tra. Muốn như thế phải tìm nguồn tin (chủ yếu là người) cho thật nhiều.

Bạn giao cho sinh viên thực tập đi viết về nước ngập đường Phạm Thế Hiển ở Quận 8, TPHCM. Sinh viên đi nguyên buổi sáng về và nói: "Chẳng ai chịu nói chuyện với em cả." Bạn hỏi lại: "Em đi đâu, tìm ai?" Sinh viên trả lời: "Em đến Quận 8 xin gặp ông trưởng phòng đô thị, không được, em xuống phường 7, Quận 8 xin gặp ông chủ tịch phường cũng chẳng được. Em về"

Làm sao đây? Hãy ngồi lại với sinh viên và nói cho biết: không được bỏ cuộc chỉ vì nỗ lực săn tin đầu tiên thất bại. Rồi đề nghị anh, chị ta cố tìm một nguồn tin khác, và một nguồn khác, rồi nguồn khác nữa, cho tới khi có thông tin đủ để viết. Thật ra, tìm nguồn tin đâu khó, kể cả nguồn cho bài điều tra. Cứ gì phải nguồn quan chức (mà theo thói quen nhiều nhà báo thích dùng). Chỉ cần hỏi: "Ai biết chuyện này?" "Mỗi lần nước lên, học sinh đi học ra sao? Rồi những người khác đi lại như thế nào?" "Có chuyên gia nào giải thích được tại sao nước lên và càng ngày càng thường xuyên hơn?" "Báo nào từng viết về chuyện ngập lụt ở đây?" Từ những câu hỏi này, bạn gợi ý cho sinh viên tìm người trả lời: những người dân sống ở phường 7, quận 8, chẳng hạn.

Không phải nguồn tin nào cũng có sẵn câu trả lời. Nhưng ai cũng cung cấp được một số thông tin, chứng cứ, kinh nghiệm, chắp nối lại sẽ ra bài. Họ còn có thể giúp gặp những người khác, biết chuyện. Cứ thế, một mạng lưới nho nhỏ những người rành về nước ngập đường Phạm Thế Hiển sẽ thành hình. Từ đó, có thể chỉ cần chọn ra một gia đình điển hình có nhà luôn ngập nước và viết về họ.

Con người chứ không phải các con số làm cho bài báo có da có thịt. Đương nhiên, con số cũng cần (từ nguồn tư liệu); quan sát cũng cần (tức nguồn do mắt phóng viên). Nhưng trên tư cách biên tập viên, bạn nên nhớ chuyện của một gia đình quanh năm sống với nước ngập sẽ tác động mạnh mẽ đến bạn đọc hơn con số lạnh lùng về thiệt hại do nước ngập gây ra. Bạn đọc luôn vui buồn theo những nỗi vui buồn của các nhân vật báo chí.

Có thể tạm rút một kết luận ở đây: bài ở chân mình và miệng mình. Hãy khuyên sinh viên thực tập rời bàn giấy, noi gương các phóng viên giỏi: họ chẳng mấy khi ngồi tại tòa soạn, trừ những lúc dự họp hoặc viết bài, và …lĩnh nhuận bút hoặc lương.

Ngọc Trân
---

5 comments:

Anonymous said...

Những đề tài mà tin tức mà em viết được cũng chính là từ những cách mà thầy đưa ra trong bài viết. Tuy nhiên, có một điều khó là nhiều đề tài em thấy hay nhưng đưa cho biên tập viên thì được đánh giá không cao lắm. Còn một vấn đề khác, cũng một đề tài đó, cuộc họp hay hội thảo đó, người làm báo có "số" trong tòa soạn thì được đưa một bài thật dài (có khi chiếm cả trang) nhưng nếu em đưa ý kiến viết bài thì bị gạt đi và chỉ cho viết tin thôi. Đó có phải là những thử thách của những phóng viên mới không thầy?

Em Trần Mạnh

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Mạnh.

Chịu thua, biên tập viên là "cha mẹ". Và sống lâu lên lão làng!

Anonymous said...

Khi phát hiện đề tài, em thường báo cáo về cho sếp. Nhưng hễ đề tài nào hay, sếp bảo: "Bài này để chị làm cho!". Em không biết phải bình luận sao nữa.
Phương Anh

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Phương Anh đã chia sẻ.

Trong trường hợp đó thì cũng chịu thua luôn. Nhưng rút kinh nghiệm: cứ viết bài trước rồi hãy nói. Và nếu không đăng, ta gởi báo khác. Bây giờ nhiều báo lắm và báo nào cũng cần bài!

Anonymous said...

Thưa thầy!
Hôm nay ngày 20-11, chắc chắn là có nhiều học trò chúc mừng thầy lắm. Em cũng chỉ là một trong những người đó thôi. Nhưng với em, thầy là một người thầy vĩ đại,và cũng như là người cha thân yêu đã dẫn dắt em vào đời. Em mong thầy sẽ luôn vững tay cầm bút, giọng thầy vẫn sẽ khoẻ và ấm, trái tim thầy vẫn đầy nhiệt huyết để dìu dắt thêm nhiều lớp nhà báo nữa vào nghề.
Chúc mừng thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11!

Phương Anh