21 June 2008

Ngày nhà báo

Hôm nay là ngày của nhà báo CM VN. Các em lớp PL, SGTT nhớ ra Nhà VH TN theo dõi các sự kiện để viết bài . Đến 2.7 chúng ta lại gặp nhau để thảo luận về thuật kể chuyện, dựa trên bài vở của các em.

Phần tôi, hôm nay sẽ tiếp tục chấm bài của lớp TC BC bên trường. Và nghe thầy Thích Chơn Quang giảng về sự "vô tâm" và "triết lý đồng tiền" (nghe qua đĩa CD). Ngày nhà báo là ngày sám hối, ngày tự thú, ngày...

Chúc tất cả các em học hành tiến bộ.

Mời các em đọc thêm để biết một biểu hiện của sự vô tâm (cách đây 2 năm, tôi đã gởi những dòng dưới đây tới nhiều tờ báo, nhưng họ không quan tâm):

Không nên viết "chim sệ cánh", "tỷ lệ chọi"

Có lẽ các anh chị nhà báo không nên dùng những từ "tỷ lệ chọi" khi nói về chuyện ganh đua trong thi cử hoặc "chim sệ cánh" khi đề cập đến một loại bệnh ở tay chân trẻ em. Vẫn biết viết như thế là hấp dẫn, có hình ảnh, dễ nhớ (thật ra, dùng riết cũng thành sáo rỗng – một điều tối kỵ trong viết lách). Tội nghiệp cho các em quá khi bị ví như gà, trâu, chim. Thi cử là chuyện nghiêm túc; bệnh là khổ.

Chưa kể trong tâm trí nhiều bậc cha mẹ, từ "chọi" còn mang ý nghĩa xấu. Những ai ở miền Nam, tuổi trên 50, có thể nhớ cụm từ "thợ chọi" dành để ám chỉ đến loại người không tốt đẹp như thế nào.

Chữ nghĩa có thể gây đau đớn. Hẳn đó không phải là mục đích chính của báo chí.

Có thể nhiều người cho rằng chuyện không đáng để nói vì hồi nào đến giờ không ai phản đối cả. Thực ra, cách đây vài năm, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã đăng bài của nhà báo Công Thắng nói về việc không nên dùng từ "chọi" đối với việc đăng ký thi cử của học sinh, sinh viên. Nhưng báo này ít nhà báo đọc, hoặc có đọc thì lâu ngày chẳng nhớ tới nữa.

Ngọc Trân

---

Sự công bình còn bao gồm cả việc sử dụng từ ngữ một cách đúng mực, không xem thường những người xuất hiện trong bài. Hiểu như thế, công bình còn liên quan tới đạo đức.

Không đánh giá bằng từ ngữ. Có lẽ bạn cũng hiểu, bản thân ngôn ngữ đã có nhiều từ hàm ý một sự đánh giá nào đó như “thú tội”, “thừa nhận”. Vì thế, sự không công bình còn xuất hiện cả trong cách dùng từ. “Đồng phạm” không giống với “đồng bọn”; “phần tử tình nghi” không giống “người bị tình nghi”. Và đây là một số từ khác có ý coi thường: hắn, tên, y, thị, bọn chúng, gian thương, tư thương, con buôn, lái, …

Có khi từ ngữ mang tính bình phẩm là do các nguồn tin nói ra. Biên tập viên nên sửa lại, theo kiểu trích dẫn gián tiếp, tức không dùng nguyên văn lời lẽ của nguồn tin. Vẫn biết nhiều khi trích nguyên văn thì bài thêm màu sắc, tức hấp dẫn hơn. Nhưng từ ngữ có thể gây đau đớn. Hẳn đó không phải là mục đích chính của báo chí. Người làm báo cần có tấm lòng vị tha.

Không xem thường người khác. Cũng không nên để cho phóng viên sử dụng cách nói có tính cách phân biệt đối xử người trong nước với người ngoài nước, giới tính, chủng tộc, tuổi tác, hoặc vùng miền. Có cần thiết phải viết: “một Việt kiều ăn trộm xe”, “trong số gái bán dâm có nữ sinh viên”? Hoặc nói đến phụ nữ - dẫu làm nghề không được thừa nhận đi chăng nữa - thì dùng “các em”, “mấy em chân dài”?

Tôi sợ mang tiếng dạy đời, mếu mó nghề nghiệp, nhưng rồi cuối cùng thấy cần thiết phải viết những dòng trên đây. Ít ra cũng có người đọc – và suy nghĩ thêm về từ ngữ của nhà báo. Thế là đủ.

---
Thêm (ngày 22.6):

Có học viên đã viết về lớp học PL, SGTT (có liên quan đến sự vô tâm), mời các bạn đọc:

http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=264304&ChannelID=118

Tạp chí Nghề Báo số tháng 6 này cũng có bài của học viên khác về lớp học. Nhưng tạp chí của Hội Nhà báo TPHCM chưa có trang web nên không nối vào đây được.

Đáng mừng là các bạn đã quan tâm đến việc làm báo tử tế.

20 comments:

Anonymous said...

hôm nay là ngày báo chí việt Nam
bài viết của thầy khiến em thấy phải suy nghĩ, tình trạng sử dụng từ ngữ một cách cẫu thả vô tình đã làm hại bạn đọc. ví dụ báo chí sử dụng từ lạm dụnd tình dục trẻ em thay vì là xâm hại tình dục trẻ em. lạm dụng là có thể dùng nhưng không được quá mức. vậy tình dục trẻ em cũng vậy sao, đó là những từ mà em thấy thật đáng sợ khi sử dụng.
Phan thị Hoàng Dung
tổ 3
lớp đào tạo phóng viên

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Dung.

Suy nghĩ rồi mới có hành động. Mong em và các bạn luôn cân nhắc chữ nghĩa, tìm cách diễn đạt theo hướng thương người.

Anonymous said...

Nhân ngày báo chí, đầu tiên em xin chúc thầy một "năm báo chí" mới nhiều sức khỏe và hạnh phúc.
Em đồng cảm với thầy về việc nhiều nhà báo, tờ báo đăng rất cẩu thả từ ngữ. Nhưng những gì thầy viết bây giờ em mới giật mình. Đúng là có lúc em không hề để ý tới những điều đó cho tới khi đọc blog của thầy. Vẫn biết rằng từ ngữ Việt Nam rất phong phú, nhưng nếu không biết hoặc không kiểm soát khi chúng ta dùng từ, rất có thể chúng ta sẽ làm tổn thương đến người khác. Cảm ơn bài viết của thầy.
Sáng nay tổ 2 có lên nhà VHTN nhưng người ta không tổ chức gì cả. Theo như em biết được thì đến chiều mới tổ chức lễ hội "Tôn vinh những người làm báo". Do không liên lạc được nên tổ 2 có nhiều bạn không viết được tin này.
Trương Hồng Tú
Tổ 2.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Tú.

Anonymous said...

Quỳnh Anh - tổ 7

Em cám ơn thầy. Hi vọng những gì thầy chúc em sẽ trở thành hiện thực. Nhân dịp ngày nhà báo VN (trễ 1h vì đã qua 24h ngày 21), kính chúc thầy có thật nhiều niềm vui và sức khỏe để gặt hái thêm thành công trên con đường báo chí thầy nhé! Em chúc thầy trễ một chút hi vọng thầy đừng giận nha.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Quỳnh Anh.

Trong lớp, lâu lâu thầy có lớn tiếng một chút. Nhưng thầy không giận ai cả. Thầy đang tập cho tâm mình lắng lại!

Anonymous said...

Chào thầy Trân!
Quả thật khi đọc bài viết của thầy về sự vô tâm khi làm báo, khiến em suy nghĩ rất nhiều. Vô tâm trong cách ứng xử với đồng loại, vô tâm trong công việc là điều không thể chấp nhận, và đặc biệt là đối với nghề báo, điều này lại càng không thể chấp nhận.
Vậy mà trước đây khi đọc những bài viết có từ "chim sệ cánh", "tỉ lệ chọi" ...em lại chỉ đọc qua mà không có một sự suy nghĩ thấu đáo về cách dùng từ như thầy đã chỉ ra.May mà em được đọc bài này và học được cách suy nghĩ, trăn trở của Thầy.
Em chúc Thầy luôn mạnh khỏe!
Trần Diễm Xưa. Tổ 2

Anonymous said...

Chào thầy Trân!
Quả thật khi đọc bài viết của thầy về sự vô tâm khi làm báo, khiến em suy nghĩ rất nhiều. Vô tâm trong cách ứng xử với đồng loại, vô tâm trong công việc là điều không thể chấp nhận, và đặc biệt là đối với nghề báo, điều này lại càng không thể chấp nhận.
Vậy mà trước đây khi đọc những bài viết có từ "chim sệ cánh", "tỉ lệ chọi" ...em lại chỉ đọc qua mà không có một sự suy nghĩ thấu đáo về cách dùng từ như thầy đã chỉ ra.May mà em được đọc bài này và học được cách suy nghĩ, trăn trở của Thầy.
Em chúc Thầy luôn mạnh khỏe!
Trần Diễm Xưa. Tổ 2

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Diễm Xưa.

lê vân 16/02 /1985 said...

Chúc thầy ngày nhà báo vui như những ngày còn tác nghiệp@. Em post bài viết này về blog của em để các bạn đọc thầy nheeeeeeeeeeeeee. :)

Sau người thầy đầu tiên của hướng dẫn em khi vào nghề viết, thầy là người thứ 2 luôn nói với tụi em về những điều tưởng như rất lý thuyết. Em tin là với niềm tin và kinh nghiệm thầy có được trong những năm hành nghề, những lời chỉ dẫn của thầy sẽ giúp tụi em không chỉ làm việc tốt hơn...
Cua

Gatebeepers said...

Cảm ơn em ...Cua!

Anonymous said...

Chào Thầy Trân
Đình Du.lớp BCTC

Bên lớp "báo chí" Thầy đang dạy có lẽ vui hơn lớp báo chí tại chức chúng con Thầy nhỉ.Phóng viên báo chí học bên đó nhiều phải không Thầy?

Trong lớp học bên Thầy có bài đăng cho lớp hay quá.

Không biết khi nào con viết bài, được đăng như các anh chị.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Du.

Em muốn viết thì chỉ có một cách: viết. Và viết mỗi ngày như thầy đã hướng dẫn trong lớp (đương nhiên là sau khi đã "tư duy bằng chân").

Lớp PL, SGTT cũng có nhiều bạn trước nay chưa viết báo - giống lớp của em.

Chúc em thành công.

Anonymous said...

Thầy kính mến!

Khi đọc bài của Thầy viết về "một biểu hiện của sự vô tâm", em mới nhận thấy mình không chú ý đến cách sử dụng từ ngữ.

Lúc trước, khi đọc những bài viết có sử dụng từ "tỉ lệ chọi", "hắn", "tên" v.v.. em đọc và cho qua, không suy nghĩ gì.

Qua bài viết của Thầy, em thấy cần rút ra những ý chính là:

- Không nên dùng những từ: "tỉ lệ chọi", "hắn", "tên" ...

- Không đánh giá bằng từ ngữ. Có khi những từ bình phẩm là do nguồn tin nói ra nhưng khi cần thiết thì nên dẫn gián tiếp không cần phải dẫn trực tiếp.

- Không xem thường người khác như không nên có cách viết phân biệt đối xử giữa người nước ngòai và người trong nước, giới tính, chủng tộc, tuổi tác hoặc vùng miền.

Du Huyền

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Huyền.

Anonymous said...

Moi nguoi co mot cach viet, co mot cach thể hiện riêng. Đôi khi họ không nhận ra được vấn đề trong cách viết của họ vì họ chưa từng nghe ai phàn nàn về cách viết ấy cả. Nếu mỗi toà soạn đều qui định một chuẩn riêng về cách viết thì tình trạng này sẽ không diễn ra nữa. Em tự hỏi nếu không viết từ "tỉ lệ chọi" thì nên thay thế bằng từ gì?

Phạm Khoa Thế Quang
Nhóm 4
lớp đào tạo phóng viên

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Thế Quang. thắc mắc của em rất hay.

Theo thầy, có thể viết "tỷ lệ thi", chẳng hạn, hoặc "trường X 10 người thi chỉ lấy một",...Thiếu gì cách, không hay nhưng tử tế, mà lại không sáo mòn.

Về vấn đề phàn nàn thì em nói rất đúng. Thường các nhà báo ít nghe vì độc giả chỉ nói với nhau chứ ít khi nói cho nhà báo biết. Và khi có người phàn nàn thì chưa chắc nhà báo đã chịu nghe.

Vấn đề đối với chúng ta là nên suy nghĩ về chuyện chữ nghĩa.

Cần chú ý: các trường báo chí lớn trên thế giới đều dạy rất kỹ về chuyện chữ nghĩa.

Ngày 2.7 tới, khi các em học tiếp với thầy, sẽ trao đổi thêm về việc này.

Pham Trung said...

Thưa thầy, em gửi thầy một bài mới viết của em, chỉ là viết theo cảm xúc, ngồi trước bàn phím và gõ như cách thầy dạy. hihi Thầy đừng cười nhe

Mạn đàm về Tình yêu tan vỡ

Tôi học được nhiều điều từ khi kết thúc một cuộc tình, học được những gì mà không một sách vỡ nào có thể dạy cho tôi.

Có người nói với tôi rằng tình yêu cần sự nhạy cảm và tinh tế, sự thỏa mãn làm người ta dễ dàng coi thường những cái mình đang có và nó giết chết đi tình yêu. Tôi hiểu điều này và các bạn ai cũng sẽ hiểu điều này, tình yêu không được chăm chút sẽ dần bị mất đi. Nhưng cái đau xót hơn hết là không phải bất cứ tình yêu nào cũng sẽ mất đi theo thời gian, chúng ta mất đi người yêu thương của cuộc đời mình vì chúng ta sai lầm. Cái giá phải trả cho sự sai lầm đấy chính là sự tồn tại mãi mãi của tình yêu.

Cũng có người nói với tôi rằng “ trong tình yêu không sợ tổn thương “, vậy thì cũng đừng nên cho rằng một ai đó xứng đáng hay không. Ai cũng có thể tự thân mình sống và tồn tại, ai cũng có thể tự biết lựa chọn cho mình cái mình cho là phù hợp, tuy nhiên chưa chắc ai cũng có thể biết được mình sẽ yêu như thế nào?

Lại cũng có người nói với tôi rằng “ Sự mất mát của tình yêu đôi khi như là một món quà “, họ cho rằng đó là một cơ hội để có thể tự giải thóat mình, để có thể biết đâu tìm được một điều gì đấy, một tình yêu mới hay chưa hẳn đã là tình yêu nhưng tốt đẹp hơn, bền vững hơn. Đây có phải chăng là lời an ủi mà ai cũng có thể nói? Tôi thì lại rất ghét những suy nghĩ như thế. Tình yêu không phải là sự lựa chọn, vì thế sẽ không thể coi tình yêu tan vỡ là một món quà. Tan vỡ tình yêu là sự bất hạnh và chúng ta phải chấp nhận điều đó.

Cái bất hạnh lớn nhất của chúng ta khi nói về đề tài tình yêu chính là sự tan vỡ của cái mà chúng ta cứ ngỡ là tình yêu. Lời khuyên chân thành nhất của tôi dành cho tất cả chúng ta là hãy cam đảm và thành thật với tình yêu, hãy sống trọn vẹn cho tình yêu của mình và chúng ta sẽ không bao giờ hối tiếc vì điều đó.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Trung. Hay!

Pham Trung said...

Cám ơn thầy đã khen, em sẽ cố gắng tập viết về nhiều thể lọai.

Chúc thầy ngày cuối tuần vui vẽ.

P.Trung