20 August 2006

Có báo thấy hối

Mời các bạn đọc thêm và suy gẫm

Cả làng báo bị lừa!
20-08-2006 00:41:34 GMT +7
Sự thật về vụ ngư dân Nguyễn Văn Hương mất tích trong cơn bão Chanchu trở về sau 3 tháng đã sớm được phơi bày. Anh ta đã bịa ra câu chuyện trôi dạt 13 ngày đêm trên biển với nhiều tình tiết ly kỳ để lừa mọi người. Không biết vợ anh, mẹ anh có bị lừa không chớ nhà chức trách sở tại, các nhà báo đã bị lừa thật sự. Một cú lừa ngoạn mục! Mục đích của cú lừa này? Như anh Hương đã thú nhận là để không phải trả lại số tiền 50 triệu đồng mà xã hội đã cứu trợ gia đình anh, gia đình có người mất tích trong cơn bão Chanchu.
Và điều đáng nói là nếu không có làng báo cả nước từ báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử nhất loạt cùng vô cuộc thì câu chuyện lừa của anh cũng chỉ quẩn quanh ở vùng xó núi Quế Ninh (Quảng Nam) quê anh, cùng lắm cũng chỉ lan tỏa trong phạm vi tỉnh Quảng Nam hoặc TP Đà Nẵng...
Người bịa chuyện đáng trách đã đành nhưng những người tiếp tay làm cho câu chuyện bịa đi xa, lan tỏa ra cả nước cũng đáng trách. Có thể nói đây là một tai nạn nghề nghiệp nhớ đời, chưa từng có trong làng báo cả nước từ năm 1975 đến nay. Trước đây, trong làng báo phía Bắc cũng có một vụ đưa tin sai sự thật, làm xôn xao dư luận khiến không ít nhà khoa học bay đến VN tìm hiểu sự thật. Đó là việc đưa tin có một nông dân bắt được con rắn khổng lồ, đường kính bề hoành lên đến 1 m. Trong khi đó, theo nghiên cứu của các nhà sinh vật học thì loại rắn khổng lồ này đã tuyệt chủng trên thế giới. Thế họ mới đổ xô đến VN để tìm hiểu. Hóa ra bề hoành của con rắn chỉ có 2 tấc!
Qua quả lừa của ngư dân Hương, làng báo rút ra điều gì? Đó là tính chính xác, chính xác đến từng chi tiết, sự phản biện trước những tình tiết chưa thật hợp lý, là kiến thức cơ bản và trong hoạt động nghiệp vụ phải xác minh... Câu chuyện bịa đặt của anh Hương có hàng loạt tình tiết bất hợp lý, không hợp tình người nhưng nhà báo không “vặn” lại, cứ để nguyên xi như vậy mà đăng lên báo, mà phát trên đài. Mười ba ngày đêm liền nằm trên chùm can nhựa cũng có nghĩa là một nửa thân người ngâm trong nước biển, một nửa phơi dưới nắng trời, da thịt phải lở loét, dù có lành lại cũng đầy sẹo làm sao nguyên vẹn hồng hào! Một điều hết sức vô lý khác là anh ta không nhớ số con tàu mình đi ra khơi và cả con tàu đã cứu mình, không biết cả tên thuyền trưởng... Vô tâm đến thế sao? Còn tình cảm của anh đối với vợ con, với mẹ? Tại sao được cứu sống mà 3 tháng sau mới chịu về và suốt thời gian ấy không liên lạc với gia đình? Anh ta lại bịa chiếc tàu cứu anh không có máy bộ đàm liên lạc tầm xa. Tàu đánh bắt xa bờ mà không có máy liên lạc! Lại một lần nữa vô lý. Tất cả những điều vô lý này đều được các nhà báo bỏ qua!
Nhà báo bị anh ngư dân Hương lừa, đến lượt mình nhà báo cung cấp cho bạn đọc, bạn xem đài những sản phẩm không trung thực. Đến ngày 17-8, chỉ mới có Báo Người Lao Động (TPHCM) và Đài Tiếng nói VN tạ lỗi với bạn đọc và bạn nghe đài của mình. Quả lừa của ngư dân Nguyễn Văn Hương đáng đưa vào giáo trình báo chí VN, phần dẫn chứng về tính chính xác của báo chí.
Hoàng Lê
http://www.nld.com.vn/tintuc/chinh-tri-xa-hoi/cau-chuyen-hom-nay/161036.asp

2 comments:

sinhthanhpham said...

Em nghĩ đây có lẽ là tai nạn nghề nghiệp. Lỗi có thể xuất phát từ việc người viết bài không biết về thực tế nghề biển. Ngay cả khi báo phát hành cũng đã cuốn hút rất nhiều bạn đọc bởi tình huống hấp dẫn của nó. Bài học từ chuyện này: khi viết về một vấn đề khi mình chưa từng làm, chưa có kinh nghiệm thì nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia (trong trường hợp này tham khảo ý kiến ngư dân nhiều năm kinh nghiệm đi biển có lẽ cũng nghi vấn phần nào) hoặc ngày nay có thể search trên internet.
Còn việc đăng báo có thể đăng dưới dạng "Theo lời kể của ông A, bà B,.." nào đó rồi nếu tòa soạn hoặc bạn đọc yêu cầu xác minh thì PV tiếp tục xác minh làm rõ.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em.

Vì thế nên ta phải luôn hoài nghi khoa học, không chạy theo tin giật gân.