Chúc tất cả một ngày chủ nhật thư giãn.
----
Sáng sớm nơi Phố Cổ
Sáng
sớm. Hội An khá yên tĩnh. Rời nhà khách nằm trên đường Nguyễn Huệ, tôi quẹo
trái, đi xuống chợ Hội An, gần ngã năm con đường này với đường Trần Phú, Tiểu La
và Trần Qúy Cáp.
Trời
mưa lâm thâm, phố xá thưa thớt. Nhưng một số em học sinh đã đi đến trường, một
vài người ngồi uống cà phê ở ngã tư Phan Châu Trinh- Nguyễn Huệ. Và thỉnh thoảng
lại thấy một người chạy xe gắn máy chở hàng ra chợ. Khách du lịch giờ này hẳn vẫn
còn đang say giấc, chẳng mấy người dậy sớm để đi dạo phố.
Của buôn bán lề đường
Hầu
như chưa có hàng quán lớn nào mở cửa. Trên lề đường Nguyễn Huệ gần chợ, một vài
người đang dọn rau quả ra. Bánh đậu xanh khô - đặc sản Hội An, cũng được một số
chủ hàng dọn ra, cùng bánh đậu xanh, bánh thuẫn (cũng là đặc sản Phố Cổ), và kẹo
dừa.
Trên
lề đường, một phụ nữ đang bày hàng gốm, chuẩn bị đón khách. Chị cho biết mình
tên Đặng Thị Thông, năm nay 41 tuổi, có đến ... 11 đứa con, và buôn bán ở đây
đã được 18 năm. Chị bán nhiều loại đồ gốm lưu niệm, trong đó có 12 con giáp, rỗng
ruột, có lỗ để thổi như còi. Những con bị lỗi được sơn màu đỏ (để che những chỗ
khiếm khuyết), chị bán 10.000 đồng/bốn con. Còn những con không bị lỗi, màu đất nung, không sơn thì đắt
hơn: 40.000 đồng/bốn con.
Chị
Thông còn bán cả tượng Apsara của người Chăm (50.000 đồng), cư dân đông đảo nhất
vùng đất này trước đây. Và tượng chú bé đứng tè nổi tiếng của Bỉ (30.000 đồng).
Quả là Đông Tây giao hòa.
Chị
cho biết khách mua hàng, Tây ta đủ cả. Khách nước ngoài mua nhiều vào mùa đông,
tức từ tháng tám; người Việt mua nhiều vào dịp Tết. Chị lấy hàng ở làng gốm
Thanh Hà, cách trung tâm Hội An chừng 5-7 phút đi xe gắn máy. Từ khoảng 500 năm
trước, ngôi làng này đã chuyên nghề gốm , từng có thời kỳ cực thịnh, nổi tiếng
với các đồ gốm và đất nung được bán khắp miền Trung. Sau đó nghề này dần bị
lãng quên và mai một. Tuy nhiên, chừng gần 20 năm nay, nhờ khách du lịch, nghề
gốm đã được khôi phục.
Chị
Thông chia sẻ: “Đây là nghề truyền thống nên chính quyền Hội An mới cho bán
trên vỉa hè. Có 5 người nữa bán với tôi. Mỗi tháng mỗi người chỉ phải đóng thuế
100.000 đồng”.
Chú
thích ảnh: Đông Tây giao hoà
Lại tiếp tục đi, xuống chợ Hội An (được trùng tu năm 2011). Trước cửa chợ, những năm gần đây có một gánh mì Quảng rất ngon, mỗi khi về Phố Cổ, hầu như sáng nào tôi cũng đều ghé ăn. Nhưng giờ không thấy nữa. Có người cho biết chỗ này bây giờ chính quyền không cho buôn bán; gánh mì đã dọn xuống dưới chợ Vải, ở đầu đường Trần Phú, đi về hướng biển.
Trước cửa chợ Hội An vẫn còn một cái giếng, mái che lợp ngói vẩy cá, đỡ bằng cột gỗ, người địa phương gọi là giếng Máy vì có ròng rọc thả gầu và kéo nước lên như... máy, dẫu không dùng động cơ. Tại đây, ai ai cũng có thể múc nước để dùng. Không biết giếng xuất hiện từ khi nào mà lòng giếng bám đầy rêu xanh; nước dâng cao, cách miệng giếng chừng 2 mét.
Của những người cần lao
Phố Cổ sáng sớm dường như thuộc về những người lao động lam lũ. Ông Nguyễn Đường, đã 82 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn gánh nước thuê trong Phố. Ông cho biết mình làm công việc này đã gần 40 năm rồi; mỗi đôi nước được trả công 5.000 đồng, cũng có người thương tình cho thêm. Vợ ông và người con trai bị tâm thần nhẹ của ông đều theo nghề này, nhưng nay thì vợ ông đã nghỉ gánh.
Ông Hoàng Duy, một nhà báo Hội An, cho biết gia đình ông Đường không thuộc hộ nghèo. Theo quy định của Chính phủ về chuẩn hộ nghèo thành thị giai đoạn 2011-2015, hộ nghèo là hộ thu nhập bình quân của mỗi cá nhân trong hộ phải dưới 500.000đồng/tháng.
Quả thật gia đình ông Đường đang “kinh doanh vận tải”, kiếm hơn 1.000.000 đồng/tháng. Nhưng nói gì thì nói, tuổi trên 80 như ông mà vẫn phải kinh doanh vất vả như thế thì thiệt quá tội.
Ông Đường nói rằng
ông lấy nước từ giếng Bá Lễ chứ không phải giếng Máy. Giếng tên Bá Lễ vì do một
người phụ nữ cùng tên bỏ tiền ra để trùng tu trước đây, trong thời Pháp thuộc
(không ai nhớ rõ năm nào).
Nước
giếng Bá Lễ chuyên được dùng để làm bánh phở, bánh cao lầu, pha cà phê, chưa
bao giờ dùng cho tắm hoặc giặt. Nhiều người Hội An cho rằng nước giếng - không
phèn, mát lạnh, sẽ làm cho món ăn thêm ngon. Một số khách du lịch, khi thăm Phố Cổ, đã tìm đến đây, nhờ múc nước và uống một
ngụm để thưởng thức hương vị của nó. Giếng nằm trong kiệt Bá Lễ. Kiệt (tức
“hẻm”, theo cách nói của người miền Nam) này đi thông từ đường Phan Châu Trinh
ra Trần Hưng Đạo.
Chú thích ảnh: Ông Đường, trên 80
tuổi, nhưng vẫn phải làm việc vất vả.
Đã đến gần 7 giờ, đường phố vẫn thưa thớt, hầu như chỉ có những người lao động như ông Đường qua lại. Đó là những người bán báo, bán chuối, bán bắp, …
“Một trái 6.000 đồng”, một chị bán bắp dạo trả lời chắc nịch, khi được hỏi giá. Giá này chắc dành cho “khách”, mắc hơn đến 3.000 đồng so với bắp ở chợ Xóm Chiếu, Q4, TP.HCM. Chị để bắp trong sọt, phía sau xe đạp. Phía trước xe, chỗ ghi đông, cũng treo lủng lẳng vài trái bắp đã lột vỏ nhưng chưa nấu chín. Bắp cũng là món ăn đặc sản của Hội An.
Người
ta trồng bắp ở bãi bồi Cẩm Nam,
nơi nhiều phù sa nên phát triển tốt, dẻo như nếp mới, vị ngọt tự nhiên. Chắc
cũng còn vì những lẽ đó ... mắc hơn bắp Sài Gòn chăng? Cẩm Nam là nơi một
số dự án khách sạn đã được cấp phép nhưng chưa thấy rục rịch gì. Theo nhà báo Hoàng
Duy, do các chủ dự án hoặc không đủ năng lực tài chính, hoặc muốn
bán trao tay kiếm lãi lớn nên chỉ làm lễ động thổ hoành tráng, trống giong cờ mở
ngợp trời rồi…để đó. Thấy tiếc, nông dân đã tranh thủ đến trồng vài đám bắp
trên đất bị bỏ hoang.
Chú
thích ảnh: Một trái 6.000 đồng. Bắp cũng là món ăn đặc sản của Hội An.
Lại
tiếp tục đi trên đường Trần Phú - một trong những con phố đi bộ của Hội An, về
hướng chùa Cầu. Nhiều căn nhà cổ gần chợ trồng cây bông giấy trên cao chìa ra cả
ngoài đường – một nét đặc biệt của con đường này. Đã đi qua rất nhiều con đường
của nhiều thành phố, nhưng tôi chưa thấy nơi nào như thế cả.
Các
tiệm dọc con đường vẫn còn đóng cửa như tiệm vải, Thu Linh 2, Hu-gô 2, thổ cẩm
Sapa, hiệu giày Đính. Đường Trần Phú có nhiều nhà cổ, nhưng thỉnh thoảng lại thấy
chen vài ngôi nhà cửa sắt, một lầu, đúc bê tông, như nhà số 84 và 86, nhà số 92
và 94. Theo ông Hoàng Duy, những căn nhà này trước
đây cũng cổ, nhưng có lẽ bị hư hại nhiều nên các chủ nhà đã xây lại, từ trước
năm 1975. Sau năm đó, không có nhà kiểu bê tông được xây trong Phố Cổ.
Hiện
nay, trong Phố Cổ có khoảng 20 căn nhà như thế. Chủ hộ đã được vận động xây dựng
lại nhà theo kiểu cổ. Nhưng họ không muốn vì nhà kiểu bê tông, kéo cửa sắt mặt
tiền rộng rãi, tự kinh doanh hoặc cho thuê đều tiện lợi. Hoặc muốn nhưng chắc lực
bất tòng tâm, vì trùng tu một nhà cổ với các cấu kiện gỗ phải tốn rất nhiều tiền;
mất năm, bảy tỷ đồng như chơi.
Trên
đường Trần Phú, ngoài các cửa hàng bán đồ lưu niệm, vải vóc, ... còn có một số
hàng quán. Bên kia đường, đối diện xéo với dãy nhà cửa sắt, có quán cao lầu
Trung Bắc khá nổi tiếng. Ngày trước quán chỉ bán cao lầu, còn giờ có thêm nhiều
món như hoành thánh, bánh bao, bánh vạc, bánh xèo, cơm gà… và cả ... pizza và
spaghetti. Chắc do phải chiều ý khách du lịch.
Cao lầu là một món ăn đặc trưng của người Phố Cổ. Nó gồm sợi mì dai
màu vàng, ăn kèm với thịt heo
xá xíu, rau sống và một ít nước dùng. Sợi mì được làm từ gạo với nước giếng Bá
Lễ và tro của cây tràm ở cù lao Chàm. Phải ngâm, xay, ép, luộc, nhồi, cán, hấp,
cắt mới ra sợi mì. Quả rất đặc biệt, công phu và khó làm. Thực ra, giờ đã có người Hội An ở Gò Vấp, TP.HCM sản xuất sợi
mì này nhưng với ... nước của nhà máy Thủ Đức, ăn vào vẫn thấy đủ hương vị của
cao lầu.
Ngã
tư Trần Phú- Lê Lợi. Một số người đã bày hàng ăn sáng trên vỉa hè, trước Phòng
Văn hóa – Thông tin Hội An. Cụ Nguyễn Thị Tám, người ở phường Cẩm Phô, cách ngã
tư này chừng năm, bảy trăm mét, dọn khoai ra trên một cái mẹt.
Cụ
cho biết mình năm nay đã 78 tuổi nhưng sáng nào cũng dậy sớm, nấu khoai và đến đây
từ 6 giờ. Cụ tâm sự: “Cực quá nên phải đi kiếm ăn”. Cụ bán rất rẻ, 3-4 củ khoai
chừng hai ngón tay người lớn, giá chỉ 3.000 đồng; có người mua, đưa luôn 10.000
đồng.
Gần
gánh khoai của cụ Tám là hàng bánh đúc, bánh gói của chị Ngô Thị Luyến. Bánh
đúc được làm từ bột gạo, nhân tôm, thịt, còn bánh gói chỉ có nhân thịt và được
bọc trong lá chuối. Bánh chị Luyến bán cũng không mắc - 5.000 đồng một cái. Chị
cho biết nhà mình ở gần bến xe Hội An, cũng thuộc phường Cảm Phô, cách ngã tư
này chừng một cây số, và thường bán đến 11 giờ sáng thì về. “Ngày nào hết bánh
thì cũng lời được 100.000 đồng”, chị nói.
Cạnh
hàng của bà Tám và chị Luyến còn có xe mì Quảng của chị Nguyễn Thị Nhung. Đã thấy
đói bụng, tôi ngồi xuống một chiếc ghế thấp bên vỉa hè. Chị Nhung cho biết mình
người làng Phú Chiêm, cách trung tâm Hội An khoảng 4-5 cây số. Mỗi sáng sớm, chị
đi xe gắn máy đưa nước lèo, sợi mì, rau sống, gia vị,... từ làng ra đây bán; xe
mì thì gửi lại nhà một người dân ở gần ngã tư.
Mì
Phú Chiêm vốn nổi tiếng toàn Quảng Nam, thậm chí cả ở TP.HCM trong cộng
đồng người Quảng. Mì có màu trắng, ăn cùng tôm, trứng cút, bánh tráng và rau sống.
Điều đặc biệt khi ăn mì, muốn có thêm chất
chua thì dùng kim quật thay vì chanh.
Loại
mì này thường chỉ bán ở vỉa hè chứ không phải trong quán ăn, giá 15.000 đồng/tô.
Chị Nhung giải thích rằng, vì người bán đến từ làng quê, không đủ tiền mở tiệm
như người ở Phố.
--
Box:
Vẫn chưa chuẩn
“Phố
đi bộ và xe thô sơ” tại Hội An nay được dịch là “Walking and Cycling Town”,
cách dịch này tương đối khá hơn một chút so với trước đây: “Walking street and primitive vehicle”. Tuy nhiên, chuẩn
hơn thì nên sửa thành ““Pedestrians and Non-Motorized
Vehicles Only” hoặc "This Street for Pedestrians and Non-Motorized
Vehicles Only”.
Ngoài
chuyện dịch chưa chuẩn nói trên, Hội An còn nhiều nơi dùng tiếng Anh ngô nghê,
thậm chí sai sót như các khách sạn, Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Gốm sứ
Mậu dịch. Và cả công viên lưu niệm ông Kazik, một kiến trúc sư Ba Lan quá cố có công lớn trong bảo tồn, phát huy vốn cổ của Hội An và
Khu Di tích Tháp Chăm Mỹ Sơn.
Bảo
tàng Văn hóa Sa Huỳnh đang được chính quyền Hội An cho nâng cấp. Nhân cơ hội này, chắc nên “nâng cấp” luôn cả chữ nghĩa - tiếng
Anh lẫn tiếng Pháp vì tiếng Pháp ở đây cũng bị viết sai.
Chú thích ảnh: Cần biên tập thêm.
###
No comments:
Post a Comment