Mời các bạn đọc. Chúc tất cả an lành.
.......
Doanh nghiệp: Thay đổi để tồn tại
Sức mua kiệt quệ, chi
phí đầu vào tăng, khó vay vốn… là những gì mà các doanh nghiệp hay than vãn
thời gian gần đây. Doanh nghiệp có thực sự đã vào đường cùng?
Giữa thời buổi khó khăn, người dân đã cố thắt chặt chi tiêu để
tiết kiệm. Trong khi đó chi phí đầu vào tăng khiến doanh nghiệp khó có thể giảm
giá bán để kích thích tiêu dùng. Lãi suất cho vay đã giảm nhưng họ cũng khó tiếp
cận được vốn giá rẻ vì tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đang lên cao.
Đó là những lý do nhiều doanh nghiệp đưa ra để giải thích
cho tình trạng làm ăn bết bát của mình. Họ mong muốn Nhà nước có những chính
sách thích hợp giúp họ vượt qua được giai đoạn ảm đạm này.
Tiên trách kỷ,...
Trước khi đổ lỗi cho Chính phủ - cơ chế không thông thoáng, cho
ngân hàng - không cho vay lãi suất thấp,
hay người dân - hạn chế chi mua sắm; doanh nghiệp nên nhìn lại mình. Thật ra,
nhiều doanh nghiệp là tội đồ chứ không phải nạn nhân. Trước đây, họ làm ăn quá
dễ dàng, nay gặp khó khăn nên lên tiếng kêu than, đổ lỗi.
PGS.TS. Nguyễn
Thị Mùi, Giám đốc trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietinbank, nhận
xét: “Các doanh nghiệp nhỏ và
vừa của chúng ta quá tham lam. Nhân sự, năng lực cạnh tranh thì hạn chế nhưng
lúc nào cũng thích đao to, búa lớn, quy mô kinh doanh phình to gấp nhiều lần
vốn tự có. Khi gặp khó khăn, số nợ này chính là gánh nặng cho doanh nghiệp
khiến họ không thể dứt ra được”.
Hiện nay, nhiều doanh
nghiệp phải trả giá cho sự tham lam của mình. Có những sản phẩm bán giá quá
cao, lãi quá nhiều, móc túi người tiêu dùng. Rồi có doanh nghiệp làm ăn gian
dối, bị người tiêu dùng phát hiện nên tẩy chay.
Một số công ty bất động sản, chẳng hạn, liên tục kêu khó
khăn nhưng vẫn giữ giá nhà đất ở mức cao ngất ngưởng tới mức kỳ quặc, vượt quá
khả năng của đại bộ phận dân chúng có nhu cầu an cư. Một trường hợp cụ thể cho
thấy các chủ đầu tư bất động sản đã tham lam đến thế nào là việc Hoàng Anh Gia
Lai vừa tung bán căn hộ ở Quận 7, TP.HCM, với giá chỉ bằng 50% giá của sản phẩm
ở cùng vị trí nhưng vẫn có lãi. Theo tính toán của người viết, dù có giảm đến
70% cũng vẫn có lời.
Hay như các công ty chứng khoán. Trong thời kỳ cổ phiếu bán
chạy như tôm tươi, hàng loạt công ty môi giới đã đua nhau ra đời. Vì tham lam, họ
cho khách hàng dùng đòn bẩy, tức vay tiền, một cách dễ dãi. Khi cổ phiếu rớt giá
thảm hại, nhiều công ty đã khốn đốn theo.
Một số doanh nghiệp thực phẩm cũng móc túi người tiêu dùng
khi cung cấp hàng chất lượng không đúng như cam kết; giá bán mỗi ngày một tăng.
Sữa là một ví dụ điển hình: cứ vài tháng giá lại tăng một lần, nhưng chất lượng
không tương xứng. Hay doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, điện… Giá bán luôn tăng
nhưng họ cứ mãi kêu lỗ.
Chính kiểu làm ăn như vậy đã khiến người tiêu dùng quay lưng
với nhiều doanh nghiệp và ngày càng trở nên đa nghi hơn. Một số người làm ăn
đang thiếu tâm lẫn tầm và đánh cắp niềm tin của người tiêu dùng. Liệu điều này
có phải là “truyền thống” của doanh nhân Việt hay không? Ngay từ năm 1915, trong
cuốn “Việt Nam phong tục”, nhà văn
Phan Kế Bính từng cho rằng doanh nhân Việt Nam không lớn lên được vì không
thành thật, chuộng sự giả dối, điêu ngoa, nói tốt bán của xấu.
Tầm
nhìn ngắn hạn cũng là bệnh của nhiều doanh nhân. Có người cứ thấy ngành nào dễ
kiếm lời là lao vào - tham gia mở ngân hàng, công ty chứng khoán, sàn vàng,
công ty bất động sản… Hoặc tập trung vào các ngành gây ô nhiễm như sắt thép, xi
măng, khai thác khoáng sản… Ô nhiễm vì họ sử dụng công nghệ lạc hậu nữa, hầu kiếm
tiền nhanh - trong vòng 1-2 năm, bất chấp rủi ro; không quan tâm đến việc xây
dựng các giá trị dài hạn như thương hiệu, uy tín,...
Đương nhiên, nói như thế không có nghĩa tất cả đều chụp giật.
Vẫn có những doanh nhân thực hiện tầm nhìn dài hạn, bản lĩnh, ra sức giữ gìn
chuẩn mực đạo đức kinh doanh. Tuy nhiên,
số này lại không nhiều.
Ngoài các khó khăn do chính doanh nghiệp gây ra, còn có
những khó khăn do tác động của bên ngoài như việc không dễ vay được vốn. Nhưng chẳng
thể nào trách ngân hàng vì nhiều ngân hàng dù có tiền nhưng lại vướng nợ quá
hạn, nợ xấu, không được phép cho vay thêm.
Hơn nữa, có ngân hàng thừa vốn nhưng không muốn cho vay với
lãi suất thấp bởi phải huy động vốn với lãi suất cao và còn phải kỹ trong xét
duyệt các dự án. Đừng quên họ làm như thế là có lợi cho những người dân gửi
tiền tiết kiệm ở ngân hàng. Không nên lên án.
Còn người tiêu dùng nói chung, do thu nhập giảm vì lạm phát,
vì tiền thưởng bị cắt, việc làm không ổn định, nên chi tiêu tằn tiện hơn trước rất
nhiều. Do vậy, sức mua đã suy giảm. Trong lúc này, các mặt hàng thiết yếu lại
đồng loạt tăng giá, tác động đến niềm tin, khiến họ càng thêm tiết kiệm hơn
nữa. Họ đang “tích cốc phòng cơ” giống như ông cha ta trước đây để phòng thời
nguy biến.
Tự cứu mình
Doanh nghiệp chẳng còn cách nào khác là phải đổi mới để cứu
lấy mình, đừng trông chờ ai cả. Điều họ cần làm trước tiên: lấy lại niềm tin của
người tiêu dùng. Không có người mua, doanh nghiệp sẽ chết. Điều quan trọng nhất
là phải thực sự tôn trọng khách hàng; không kiếm cách để tiếp tục “lừa” họ -
những người có thể kéo thị trường ra khỏi tình trạng ảm đạm hiện nay.
Doanh nghiệp cũng cần chú trọng
đến việc tìm hiểu nhu cầu của thị trường để cung cấp sản phẩm phù hợp. Làm kinh
doanh, điều quan trọng là nhanh nhạy nắm bắt được thị trường, chớp thời cơ. Và
phải trả lời cho được ba câu hỏi: Khách hàng của mình là ai? Nhu cầu của
họ ? Thỏa mãn nhu cầu đó như thế nào?
Thị trường luôn do người mua quyết định. Sản phẩm được tạo
ra phải phù hợp với khả năng và nhu cầu của họ. Đó là một trong những chân lý
của kinh tế thị trường.
Hiện nay, doanh nghiệp còn cần giảm giá – thậm chí bán lỗ,
để nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho, như đối với các công ty bất động sản.
Làm như vậy sẽ giảm được thiệt hại. Qua
đó, có thể thu hồi được một phần vốn liếng để tiếp tục làm ăn và cạnh tranh sau
này. Đây còn là dịp để các doanh nhân nhìn lại mình.
Việc thúc đẩy tiêu thụ trong nước bằng các chương trình vận
động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt cũng chưa chắc đã hiệu quả. Bởi lẽ, người
dân một mặt đang khó khăn, mặt khác lại không tin tưởng chất lượng hàng Việt,
và đang ưa thích hàng Thái Lan hoặc hàng nước khác. Vì vậy, các doanh nghiệp
cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá bán.
Doanh nghiệp cần chủ động tìm đầu ra bằng cách nghiên cứu,
tận dụng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, các hiệp định thương mại
tự do mà Việt Nam đã ký để xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Và cả những hiệp
định sắp ký như với Hàn Quốc.
Công ty Vạn Phát Hưng, chẳng hạn, đã quyết định chuyển nhượng đất dự án quận 2, 9, TP.HCM và cả đất làm văn phòng công ty tại quận 7 để tái cơ cấu vốn. Công ty này đã “mua” các dự án tại quận 2, 7, 9 với giá cao khi thị trường đất đai lên cơn sốt, nay chấp nhận bán rẻ để cắt lỗ. Ước tính nếu chuyển nhượng được các dự án này, Vạn Phát Hưng có thể thu lại khoảng 140 tỷ đồng.
Một
số chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu không cứu doanh nghiệp thì sẽ không thể vực
dậy được nền kinh tế. Thế còn người dân? Tại sao lại không cứu họ?
Kinh tế về thực chất là quan hệ giữa sản xuất với tiêu dùng.
Nếu tiêu dùng suy yếu, nền kinh tế chắc chắn sẽ lao đao. Có lẽ cần suy nghĩ cho
thấu đáo về lưu thông tiền – hàng – tiền trước khi nghĩ đến chuyện khác. Tiền -
hàng hiện đã bị đứt; hàng khó chuyển hóa thành tiền. Nếu Chính phủ kích cầu
người dân, nối lại lưu thông tiền – hàng, thì may ra mới có thể giúp được cho doanh
nghiệp.
Hiện nay, dường như sự việc diễn biến theo chiều ngược lại: kích
cung thông qua việc hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp, tăng đầu tư công với mỗi tháng khoảng 22.000 -
23.000 tỷ đồng có thể được giải ngân cho đến cuối năm, ứng trước 30.000 tỷ đồng
của tài khóa năm 2013 cho đầu tư công.
Để kích cầu, có thể trợ giá các mặt hàng thiết yếu như xăng
dầu, điện, khí đốt, lương thực, thực phẩm. Đây là cách Malaysia đã làm trong năm 2009, và
hiện vẫn tiếp tục thực hiện. Cũng nên giảm thuế giá trị gia tăng và thuế thu
nhập cá nhân. Đây là hai loại thuế ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền người tiêu
dùng. Thuế giá trị gia tăng đang ở mức 10%, hoàn toàn có thể giảm
xuống còn 3% hoặc 5%.
Gánh nặng thuế, một khi được cất bớt, có thể khiến
người dân lại mở rộng hầu bao.
No comments:
Post a Comment