Các bạn thân mến. Lâu quá không có bài gởi lên đây. Hôm nay, gởi một bài phỏng vấn về mua bán tiền tệ, mời các bạn đọc (ở dưới).
Bản tiếng Anh của bài này tại:(You may read the English version of this story at:)
http://english.thesaigontimes.vn/Home/interviews/businesstalk/17873/
and
http://en.baomoi.com/Info/Financial-knowledge-is-key/5/159626.epi
----
Cần nhiều người thông minh tài chính
Phỏng vấn ông Nguyễn Lê Kha, Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư Sigma, về mua bán tiền tệ và những vấn đề liên quan. Theo ông, cần giáo dục cho người dân về tài chính, nhờ đó họ sẽ góp phần làm giàu cho đất nước.
--
- Ông có thể cho biết làm sao để mua bán tiền tệ ở Việt Nam?
Các ngân hàng tại Việt Nam đều có nghiệp vụ này. Cá nhân muốn kinh doanh ngoại hối thì phải nhờ đến một công ty tư vấn (*). Tuy nhiên, mua bán gì cũng phải thông qua ngân hàng.
- Rủi ro có lớn không?
Tất nhiên là có rủi ro. Quan trọng là chúng ta phải biết cách hạn chế nó và để hạn chế thì phải được đào tạo.
- Nhưng như vậy có nên khuyến khích việc mua bán tiền tệ ?
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu những mặt hàng có giá trị thấp và cũng mua công nghệ thấp của nước ngoài, không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng ta cần phải biết sử dụng đồng tiền, dùng tiền để tạo ra tiền. Chúng ta nên học tập Singapore, nước đã tập trung phát triển những ngành mang lại giá trị cao như dịch vụ tài chính.
Chính phủ nên tạo sân chơi cho người trong nước và cả nước ngoài kinh doanh ngoại hối, đầu tư vào lĩnh vực tài chính. Đây là một cách làm giàu cho đất nước.
- Vừa rồi khủng hoảng tài chính xảy ra đã tác động rất lớn đến nhiều quốc gia. Vậy nếu Việt Nam mở rộng việc mua bán tiền tệ thì liệu có gặp nhiều rủi ro hơn?
Kinh doanh ngành gì mà không gặp rủi ro. Trong nông nghiệp, chẳng hạn, trồng cà phê tức là đánh đố với thiên nhiên (thiên tai) và cả thị trường (giá cà phê sụt giảm). Quan trọng là phải đào tạo cho người tham gia kinh doanh để họ biết cách dự báo, phòng chống rủi ro.
- Theo ý ông là phải bắt đầu từ việc học. Còn vốn liếng?
Kinh doanh ngoại hối không cần nhiều vốn, thậm chí chỉ 2.00.000 đồng cũng đã bắt đầu được rồi. Nếu không có vốn mà có khả năng thì cũng có thể có người cung cấp vốn cho. Quan trọng là phải có kiến thức.
- Ông đã mất tiền vì mua bán tiền tệ chưa ?
Rồi. Tôi bắt đầu ngành này khi là một thông dịch viên. Lúc đó tôi tiếp cận với các tỷ phú và triệu phú của Mỹ, Anh và được họ định hướng, giúp ý kiến ; có thời gian tôi qua Mỹ du học cũng được biết qua về ngành này. Thế là tôi bước vào kinh doanh ngoại hối. Lúc đó tôi chưa có đầy đủ kiến thức nên thua lỗ. Vì vậy tôi xin nhấn mạnh: làm gì cũng phải học trước đã. Điều đặc biệt là trong ngành này mình có thể thực tập không tốn tiền thông qua các giao dịch ảo trên internet.
Năm 2004 tôi bắt đầu kinh doanh ngoại hối, đã lỗ mất 2 tỷ và xem như học phí. Sau đó, với kinh nghiệm riêng và lời khuyên của những người đã gặp gỡ, tôi đã biết khi nào thì nên dừng lại. Trước đó tôi không biết đâu là điểm dừng, khi mất càng nhiều thì càng muốn lấy lại. Và như vậy càng thêm lún sâu vào thua lỗ. Thị trường không vận hành theo ý muốn của bất kỳ cá nhân nào cả. Điều này giống như với thị trường chứng khoán, cần xác định thị trường xuống đến bao nhiêu thì ngưng giao dịch. Phải biết dừng, để nhìn lại và tái cấu trúc danh mục đầu tư.
- Sau đó thì thế nào ?
Nhìn chung, hiện giờ xác suất thắng nhiều hơn thua. Những lúc lỗ thì tôi cắt lỗ chứ không cố gỡ. Tôi cũng đặt ra quy định một ngày chỉ giao dịch 2 đến 3 lệnh. Hồi trước, mỗi ngày tôi giao dịch đến cả trăm lệnh vì thị trường ngoại hối giao dịch 24/24, không giống thị trường chứng khoán mỗi ngày chỉ giao dịch buổi sáng. Khi mình đã sai là sẽ sai liên tục. Cái sai đầu tiên là không đặt ra nguyên tắc hay quy định khi giao dịch. Có một số ngân hàng Việt Nam đã thua lỗ khi kinh doanh ngoại hối. Năm 2004, chẳng hạn, có ngân hàng đã lỗ đến 33 triệu USD khi thực hiện nghiệp vụ này.
Đối với người mới kinh doanh ngoại hối, nếu lỗ 2% trên tổng vốn đầu tư thì nên cắt lỗ ngay.
--
(*) Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng đã thực hiện nghiệp vụ này cho khách hàng cá nhân, thông qua sản phẩm “Tiền gửi gắn kết đầu tư”. Sacombank cho rằng sản phẩm này có khả năng tạo lợi suất lên tới 40%/năm và vốn luôn được bảo toàn.
---
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment