Mời các bạn đọc một bài phỏng vấn đăng báo cách đây 2 tuần.
Chúc các bạn vui.
--
IDG sẽ đầu tư thêm 400 TRIệU USD
Đó là cam kết của ông Patrick J. McGovern, Chủ tịch IDG, đối với Việt Nam, quốc gia mà ông nhận định là có tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất trong số các thị trường mới nổi.
Nguồn nhân lực có tay nghề và giá lao động rẻ là hai yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của ngành công nghệ thông tin Việt Nam, ông Patrick McGovern, Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG), nhận định. Tuy nhiên, để ngành công nghệ thông tin phát triển mạnh, theo ông, Việt Nam cần đầu tư mạnh vào giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cả về số lượng lẫn chất lượng. NCĐT đã trao đổi với ông McGovern về vấn đề này, bên lề Hội thảo Quốc gia về Chính phủ Điện tử lần thứ 8 tại TP.HCM (15-16.7).
Ông nhận xét gì về môi trường kinh doanh tại Việt Nam?
Trong số các thị trường mới nổi, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vào loại cao nhất, chỉ sau Trung Quốc. Hiện tại, IDG đã mở rộng hoạt động ra hơn 95 quốc gia và Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của IDG trong các lĩnh vực như dịch vụ giáo dục, thông tin, thúc đẩy đầu tư và thành lập các công ty nhỏ.
Hoạt động đầu tư của IDG tại Việt Nam trong thời gian qua như thế nào?
Chúng tôi đã đầu tư 150 triệu USD vào Việt Nam. Trong đó, 50 triệu USD vào lĩnh vực kinh doanh giáo dục và thông tin, 100 triệu USD là vốn đầu tư mạo hiểm. Các công ty mà IDG đang phát triển chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác thông tin qua điện thoại di động và internet, như cung cấp thông tin về các dịch vụ mua sắm, các công ty trò chơi trực tuyến, hệ thống thanh toán tiền qua mạng và chương trình giáo dục đại học. Khoảng 70% doanh nghiệp có vốn đầu tư của IDG đang khai thác các dịch vụ này qua internet tốc độ cao.
Sắp tới, ông dự định đầu tư vào các lĩnh vực nào?
Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào các dịch vụ dành cho camera điện tử trên internet, dịch vụ bảo mật, mua hàng, đào tạo qua mạng, dịch vụ dành cho trò chơi máy tính và video. Các công ty đặt nền tảng trên internet mà chúng tôi đầu tư đang tăng trưởng khá tốt. Đó là lý do chúng tôi cho rằng, Việt Nam là thị trường có nhiều tiềm năng phát triển.
Công việc kinh doanh của IDG tại Việt Nam như thế nào?
IDG vào Việt Nam từ năm 1992 với việc thành lập IDG Việt Nam, chuyên tổ chức sự kiện và nghiên cứu thị trường. Những năm qua, Công ty luôn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 30-40%/năm. Còn bộ phận đầu tư mạo hiểm - IDG Ventures - đã đầu tư vào 40 công ty và số tiền thu được gấp 75 lần vốn bỏ ra.
IDG sẽ có vị trí thế nào tại thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm tới?
Chúng tôi dự kiến thành lập một quỹ thứ hai có số vốn 150 triệu USD dành cho đầu tư mạo hiểm và một quỹ tăng trưởng mới với số vốn 250 triệu USD. Chúng tôi hy vọng sẽ tăng số công ty mà IDG rót vốn lên 80-90 trong vòng 5 năm tới.
Ông đánh giá gì về ngành công nghệ thông tin Việt Nam?
Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin xấp xỉ 20% trong năm 2009. Ngày càng nhiều công ty nhảy vào Việt Nam để sản xuất và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, vì họ nhận thấy người Việt Nam cần cù, thông minh, học hỏi nhanh và được đào tạo tốt về công nghệ thông tin.
Đó cũng bởi là vì giá nhân công ở đây rẻ?
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sản xuất vào Trung Quốc, nhưng giá nhân công đã tăng trung bình 30-40%/năm. Hiện nay, chi phí lao động tại Việt Nam thấp hơn Trung Quốc khoảng 40% (giá nhân công ở Trung Quốc trung bình khoảng 1,5 USD/giờ trong khi ở Việt Nam chỉ hơn phân nửa giá này). Nhiều công ty đang cân nhắc rút khỏi Trung Quốc và Việt Nam có thể là sự lựa chọn của họ vì có mặt bằng lương thấp và tay nghề cao.
Làm sao để Việt Nam có thể phát triển mạnh ngành công nghệ thông tin?
Cách tốt nhất là tăng cường đầu tư vào giáo dục. Hiện nay, chỉ có 11% sinh viên đại học đang theo học truyền thông máy tính và điện tử. Để nâng cao nguồn nhân lực cho ngành này, Việt Nam có thể mở rộng quy mô đào tạo của các trường đại học hoặc khuyến khích học công nghệ thông tin ngay từ trường phổ thông.
Nghĩa là theo ông, chúng tôi chưa có đủ nhân lực để phát triển ngành công nghệ thông tin?
Nếu muốn thu được nhiều hơn từ một dự án đầu tư thì cần có nhiều lao động hơn. Tại Việt Nam, có nhiều người có kiến thức tốt về công nghệ thông tin, nhưng như thế vẫn chưa đủ. Sự phát triển công nghệ thông tin luôn gắn liền với đội ngũ nhân lực được đào tạo tốt, phục vụ cho các công ty sản xuất hay cung cấp dịch vụ kỹ thuật (có thể xuất khẩu dịch vụ ra nước ngoài). Nguồn nhân lực phải được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Nếu có nhiều lao động tay nghề cao hơn thì ngành công nghệ thông tin sẽ phát triển nhanh hơn.
Việt Nam có thể theo chân Ấn Độ, chẳng hạn, trong lĩnh vực gia công phần mềm?
Tôi nghĩ là được. Tại Ấn Độ, chi phí dịch vụ kỹ thuật trong gia công phần mềm gấp 3 lần Việt Nam. Và bất cứ công việc gia công phần mềm hay các hoạt động tương tự cũng có thể thực hiện tại Việt Nam vì cả hai quốc gia đều có kỹ năng như nhau. Nhưng nếu đó là dịch vụ khách hàng thì các bạn cần phát triển thêm kỹ năng tiếng Anh.
Còn phần cứng như sản xuất IC (vi mạch) thì sao?
Chúng ta có thể nói đến Intel. Tập đoàn này đã quyết định xây dựng một nhà máy lắp ráp, kiểm định IC tại Việt Nam có quy mô gấp 2 lần nhà máy của Hãng tại các nước khác. Họ đã thăm dò nhiều nước, đánh giá năng lực của lao động tại đó và thấy Việt Nam là điểm đến lý tưởng.
Ông có thể so sánh với kết quả mà IDG đạt được ở Trung Quốc?
Chúng tôi đến Trung Quốc trước khi đặt chân vào Việt Nam. Dự án đầu tư đầu tiên của chúng tôi ở Trung Quốc bắt đầu vào năm 1980. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các bạn đang dần theo kịp trình độ phát triển của quốc gia này. Nhiều thứ đang được lặp lại tại Việt Nam như đầu tư vào giáo dục, sự khuyến khích, hỗ trợ của Chính phủ, sự phát triển của thị trường chứng khoán với vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho các công ty đang phát triển
Tỉ PHU PATRICK J. MCGOVERN
Ông Patrick J. McGovern là nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG), một trong những tập đoàn nghiên cứu, tổ chức sự kiện và công nghệ truyền thông hàng đầu thế giới.
Năm 1964, sau khi tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và thôi công việc trợ lý biên tập tại tạp chí Computers and Automation, McGovern đã thành lập Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC), nay là công ty con của IDG, chuyên cung cấp các thống kê thị trường công nghệ thông tin.
Ba năm sau, ông xuất bản tuần báo Computerworld, giúp người đọc cập nhật tin tức về công nghệ và sản phẩm mới. Kể từ đó, ông đã đầu tư xuất bản trên 300 tờ báo và tạp chí, mở rộng mạng lưới trực tuyến của IDG bao gồm hơn 450 trang web trên khắp thế giới. Các nhãn hiệu truyền thông của IDG tại hơn 90 quốc gia có thể kể đến là CIO, CSO, Computerworld, GamePro, Network World và PC World.
Năm 1980, McGovern thành lập liên doanh đầu tiên giữa một công ty Mỹ với doanh nghiệp Trung Quốc. Năm 1992, ông bắt đầu làm ăn tại Việt Nam.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment