14 August 2010

Cần thận trọng hơn khi viết

Gởi các bạn đọc tham khảo.
Chúc tất cả vui.

---
Gợi ý

Không nên viết "chim sệ cánh", "tỷ lệ chọi"


Có lẽ nhà báo không nên dùng những từ "tỷ lệ chọi" khi nói về chuyện ganh đua trong thi cử hoặc "chim sệ cánh" khi đề cập đến một loại bệnh ở chi trẻ em (báo Tuổi Trẻ ra ngày thứ sáu, 13/08/2010 cũng có bài giật tít lại như vậy: Vẫn còn “chim sệ cánh”). Thật tội nghiệp cho các em khi bị ví như gà, trâu, chim.
Thi cử là chuyện nghiêm túc; bệnh là khổ. Và trong tâm trí nhiều bậc cha mẹ, "chọi" còn mang ý nghĩa xấu. Những ai ở miền Nam, tuổi trên 50, có thể nhớ "thợ chọi" được dùng để ám chỉ loại người nào.

Vẫn biết viết như thế là hấp dẫn, có hình ảnh, dễ nhớ. Thật ra, dùng riết cũng thành nhàm, sáo rỗng, tức chỉ hay lúc ban đầu. Hiện nay, một số báo, đài đã hiểu ra và không dùng lại từ "chim sệ cánh" nữa, mà dùng “teo cơ Delta”, nhưng "chọi" thì chưa bỏ. Trước khi Tuổi Trẻ đăng tin đề cập ở trên vài hôm thì đài truyền hình trung ương cũng có tin về các em bị bệnh này và luôn dùng “bệnh teo cơ Delta”.

Vẫn biết nhà báo vô tình thôi và muốn viết cho nhanh, cho gọn. Nhưng chữ nghĩa có thể gây đau đớn. Hẳn đó không phải là mục đích chính của báo chí.

Có thể nhiều người cho rằng chuyện không đáng để nói vì hồi nào đến giờ không ai phàn nàn cả. Thực ra, cách đây vài năm, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn đã đăng bài của nhà báo Công Thắng nói về việc không nên dùng từ "chọi" đối với việc đăng ký thi cử của học sinh, sinh viên. Nhưng báo này ít nhà báo đọc, hoặc có đọc thì lâu ngày chẳng mấy ai còn nhớ đến nữa.

###

No comments: