06 August 2011

Mỹ: Cãi trần nợ để kiếm phiếu

Mời các bạn đọc một bài về nợ công của Mỹ (thực hiện trước khi Mỹ tạm giải quyết được vấn đề này).
Hôm nay trái phiếu Mỹ đã bị hạ bậc tín nhiệm, tức đồng đô la của nước Mỹ sẽ tiếp tục xuống giá.
Chúc tất cả vui.
--

Cãi trần nợ để lấy lòng cử tri

Vừa qua đã có một số thắc mắc về trần nợ của Mỹ - đó là gì, tại sao nó lại quan trọng, Mỹ có thể vỡ nợ hay không,… chúng tôi đã mời TS kinh tế Đinh Xuân Quân trả lời cho các câu hỏi này.

Ông Quân hiện ở Mỹ, sau khi kết thúc nhiệm kỳ 2 năm tại Kabul trên cương vị Cố vấn của Bộ trưởng Kinh tế Afghanistan.
---

Ông có thể cho biết trần nợ của Mỹ là gì?

Đó là giới hạn mà Quốc Hội Mỹ cho phép chính phủ nước này vay tiền để trả cho bội chi ngân sách.

Kể từ năm 1917, Quốc hội Mỹ lúc nào cũng cho phép nâng trần nợ một cách tự động. Trong quá khứ, trần nợ của Mỹ đã tăng trên 100 lần. Và tính từ thập niên 1980 trần nợ đã đi từ 1.000 tỷ USD lên đến 6.000 tỷ vào thập niên 1990. Nếu tính từ năm 2001 đến nay, trần nợ này đã được tăng 10 lần, với lần gần đây nhất là tháng 2 năm 2010, lên mức 14,294 tỷ USD.

Vấn đề là tính đến cuối tháng 6, nợ của Chính phủ Mỹ đã lên tới 14,460 tỷ USD, tương đương 98,6% tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2010 của nước này.

Mức 14,460 tỷ USD nói trên, theo ông có phải là quá cao ?

Nợ công của Mỹ đúng là đã tăng đến mức kỷ lục. Vì thế Chính phủ Mỹ buộc phải tiến đến giảm chi tiêu ngân sách. Để giới hạn phần nào chi tiêu, họ đã sử dụng một số biện pháp như chưa chi trả lương hưu (gửi vào Quỹ Hưu bổng) cho đến tháng 7. 2011

Ở cấp tiểu bang như ở California, vì ngân sách liên bang giảm, sinh viên trong hệ thống California State University (đại học công) phải đóng tiền học hằng năm cao hơn, lên khoảng 6.000 USD/năm. Các chương trình trợ cấp an sinh xã hội của tiểu bang này cũng bị cắt giảm.

Về ngân sách, có 2 vấn đề chính được bàn thảo: giảm chi tiêu công và tăng thuế. Phe Cộng Hòa tại Quốc Hội Mỹ sẵn sàng cho phép nâng nợ trần nhưng đòi Chính phủ Mỹ phải giảm chi tiêu công, phải có một ngân sách không bội chi. Trong khi đó, Chính Phủ ông Obama lại không muốn cắt giảm các chương trình chi tiêu công hiện hành (gồm nhiều chương trình an ninh xã hội) và cả các chương trình chi tiêu cho tương lai. Ông Obama đã tuyên bố Chính phủ không thể chấp nhận việc nâng trần nợ bằng cắt giảm một số chương trình chi tiêu công.

Và Chính phủ Mỹ muốn nâng trần nợ lên mức 2,200 tỷ USD cho đến năm 2012, trong khi phe Cộng Hòa chỉ muốn tăng tối đa là 1,900 tỷ, ngay trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm tới.

Việc gì sẽ xảy ra nếu trần nợ đó không được nâng lên?

Nếu Quốc Hội Mỹ không nâng trần nợ, Chính phủ Mỹ sẽ không có tiền trả các món nợ công và nước này có thể bị coi là “vỡ nợ”. Việc này chưa bao giờ xảy ra.

Kinh tế toàn cầu đang phục hồi và vấn đề trần nợ của Mỹ có thể tác động rất xấu đến thị trường tài chính quốc tế. Hai phe trong Quốc Hội Mỹ - Cộng Hòa và Dân chủ - đều cho là nếu trần nợ không được tăng thì kinh tế của Mỹ và của cả thế giới sẽ rơi vào thảm họa.

Hệ lụy lâu dài của việc không nâng trần nợ đối với Mỹ sẽ như thế nào?

Các công ty xếp hạng tín dụng sẽ hạ bậc tín nhiệm của Mỹ, từ AAA xuống AAA- chẳng hạn hoặc AA. Và như thế khi Chính phủ Mỹ đi vay thì sẽ phải trả lãi suất cao hơn hiện giờ - do đó số tiền trả lãi suất nợ công sẽ tăng. Hiện nay, một số nước cũng đang lo sợ Mỹ sẽ khất nợ.

Như thế, theo ông, tại sao hai đảng của Mỹ lại không nâng mức trần nợ lên ngay mà phải thương lượng gay gắt, thậm chí đi đến chỗ cãi vã nhau ?

Bởi lẽ giải pháp cho vấn đề bội chi ngân sách là giảm chi tiêu đồng thời phải tăng cả thuế nữa. Phe Cộng Hòa thân doanh nghiệp, thân nhà giàu nên không muốn tăng thuế, chỉ muốn Chính phủ giảm chi mà thôi. Dân chủ có nhiều chương trình an ninh xã hội cho nên muốn tăng chi tiêu công.

Đây là một động thái phải ở Mỹ mới hiểu: Năm 2012 là năm bầu cử Tổng thống, hai đảng muốn cho thấy là họ đang tranh đấu cho cử tri của họ. Thật ra cuối cùng thì hai bên cũng phải đi tới chỗ nhường nhịn nhau. Vì vậy tôi không tin là Mỹ sẽ vỡ nợ.

Nếu được Quốc hội cho phép, Chính phủ Mỹ thường dùng biện pháp gì để tài trợ cho nợ công?

Bội chi ngân sách của Chính phủ Mỹ được tài trợ bằng cách bán ra công khố phiếu. Tuy nhiên, tổng số trị giá các công khố phiếu phải nằm dưới mức trần nợ. Khi có bội thu ngân sách, Chính phủ Mỹ sẽ trả lại tiền vay và giảm bán công khố phiếu. Chuyện này từng xảy ra, như dưới thời Clinton.

Công khố phiếu Mỹ được mua bán ở khắp nơi trên thế giới. Trung Quốc, Nhật và Anh là 3 nước mua nhiều nhất để làm dự trữ ngoại tệ. Theo Bộ Tài chính Mỹ, tính tới cuối tháng 4.2011 (số liệu mới nhất), tổng số tiền Mỹ nợ Trung Quốc đã lên đến 900,2 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 11/2009. Nhật cũng mua thêm công khố phiếu Mỹ và nắm giữ tổng cộng 795,5 tỷ USD vào cuối tháng 4; Anh thì giảm từ 279 tỷ USD xuống 239,3 tỷ USD. Nhiều nước cũng mua công khố phiếu Mỹ để dự trữ (đây là lợi điểm của Mỹ).

Về thực chất, việc bán công khố phiếu không đồng nghĩa với in thêm tiền. Quốc Hội Mỹ cũng luôn kiểm soát và buộc Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu, qua đó giảm nợ xuống, để không đi đến chỗ phải vay tiền của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay các nước khác với lãi suất cao hơn lãi suất công khố phiếu.


Tại sao nợ công của Mỹ lại cao đến như vậy?

Lý do chính là dưới thời George W. Bush nợ đã tăng lên đến 4,300 tỷ USD do tiến hành chiến tranh quy mô tại Iraq và Afghanistan và cả do giảm thuế. Trung bình mỗi năm chi tiêu quốc phòng của Mỹ ở Afghanistan là 100 tỷ USD. Đó là chưa kể đến khá nhiều các chi tiêu khác. Dưới thời Obama nợ công của Mỹ cũng tăng thêm 3,900 tỷ USD vì phải kích thích kinh tế, giảm thuế vì kinh tế gặp khủng hoảng.
Nước nào cũng có nợ công cả. Nợ của Nhật đang ở trên mức 100% GDP; Pháp, 60%; Việt Nam, 42%. Riêng Hy Lạp đã lên đến trên 160% GDP do không kiểm soát nợ. Nước này đã phải cầu cứu IMF và Liên minh châu Âu cho vay để không bị vỡ nợ. Bồ Đào Nha cũng đang gặp khó khăn vì không kiểm soát kỹ nợ công.


Ông có thể cho biết thêm các nước khác có gặp khó khăn về trần nợ như Mỹ?

Các nước khác cũng có vấn đề trần nợ nhưng sự tranh cãi không lớn và ảnh hưởng không nhiều đến thế giới.


---

4 comments:

Hồ Quốc Nam said...

Em cám ơn thầy về một bài PV hết sức bổ ích về Kinh tế vĩ mô! Nam BCK07.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em. Em đã tốt nghiệp? Vậy làm ở đâu?

Hồ Quốc Nam said...

Dạ em vẫn chưa tốt nghiệp! Đến tháng 11 này em sẽ tốt nghiệp chung với các bạn lớp em. Hiện tại em đang làm chương trình Lục Lạc Vàng - Kết nối những miền quê, được phát sóng hàng tuần lúc 8h30 phút trên kênh VTV1.

Em chúc thầy thật sức khỏe! Nam BCK07.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em. Chúc em nhiều tiến bộ trong học tập và công việc.