23 August 2010

Tri thức châu Á

Mời các bạn đọc bài này cho biết một cái nhìn phương Tây về tri thức châu Á. TT sáng nay cũng có đăng một bản dịch(do người khác dịch), ngắn hơn bản dưới đây

Trông người lại gẫm đến ta.

----


Châu Á – vùng đất mới của tri thức

Venkatraman Ramakrishnan, Yoichiro Namamuba, Roger Y.Tsien… Trong nhiều năm gần đây, những cái tên châu Á đang dần thay thế Albert Einstein hay Pierre-Gilles de Gennes trên bảng danh sách các nhà nghiên cứu đoạt giải Nobel khoa học. Họ cũng là minh chứng cho sự lớn mạnh không ngừng của nền khoa học châu Á.

Năm ngoái, trong số 6 người đoạt giải Nobel vật lý và hóa học, có một người Anh gốc Ấn Độ và một người Mỹ gốc Trung Quốc. Năm 2008, có 3 người Nhật và 2 người quốc tịch Mỹ gốc Á cùng chia nhau những giải thưởng này.

Trong một chương của cuốn “10 ngày làm rung chuyển thế giới” (NXB Grasset, 2009) mang tên “Ngày những người châu Á giành tất cả các giải Nobel”, Alain Minc đã dự báo thời điểm mọi giải thưởng Nobel sẽ thuộc về người châu Á: đó là tháng mười năm 2021. Tất cả những người giành được giải sẽ là người Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ hay Singapore… Và đến khi ấy, các trường đại học phương Tây, vốn vẫn quen giành được giải thưởng danh giá này, đều bàng hoàng. Ông viết: “Bỗng nhiên, hồi chuông báo động vang lên liên hồi tại tất cả các viện hàn lâm phương Tây. Cú sốc này thật khủng khiếp ngay tại Harvard, Berkeley, Oxford, Heidelberg và cả tại Đại học sư phạm (Paris)!”

Phương Tây hết đặc quyền tri thức

Cho dù dự đoán này khó có thể thành hiện thực nhưng nó cũng cho thấy sự thay đổi đang diễn ra. Tri thức không còn là đặc quyền của riêng ai và khiến các nước phương Tây phải sững sờ khi phải đối mặt với một châu Á ngày càng lớn mạnh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Lâu nay các quốc gia phương Tây thuong không đánh giá cao trí thông minh và tính sáng tạo của người châu Á.

“Người Nhật hay mỉm cười một cách ngớ ngẩn và chụp hình mọi thứ chuyển động”; “người Trung Quốc chỉ giỏi bắt chước và làm nhái máy móc điện tử”; “người Ấn Độ chỉ biết gia công phần mềm”… Đằng sau những điều này, phương Tây đã không thể nhìn ra ý chí của một số nước châu Á cũng như tầm quan trọng của ngân sách những nước này đầu tư vào giáo dục bậc cao (đại học) và nghiên cứu khoa học.

Tại những trường đại học hàng đầu nước Mỹ, người ta lo lắng nhận thấy rằng các sinh viên gốc châu Á không chỉ chiếm sĩ số lớn trong các ngành học khoa học mà còn nằm trong số những sinh viên giỏi nhất. Kết quả là trong một số lĩnh vực, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia hay Singapore đang dần bắt kịp châu Âu, Mỹ, và đặt chân vào các ngành nghiên cứu mũi nhọn.

Là quốc gia mở đường, Nhật Bản đã vạch ra đường đi cho châu Á khi ngay từ cuối thế kỷ 19 (thời Minh Trị Thiên hoàng), nước này đã xây dựng cơ sở vật chất để phát triển khoa học và công nghệ. Và họ đã thành công như chúng ta đã thấy. Đất nước mặt trời mọc, quốc gia châu Á đầu tiên lọt vào câu lạc bộ các nước phát triển, hiện rất mạnh trong một số lĩnh vực.

Trung Quốc cũng dần tiến lên sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc vào cuối những năm 1970. Chỉ trong vòng 30 năm, Trung Quốc đã trở lại các nước tốp đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học.

Hội chợ triển lãm toàn cầu tại Thượng Hải là minh chứng cho thấy Trung Quốc đang hướng tới trong lĩnh vực khoa học, kinh tế và công nghiệp. Để xóa đi hình ảnh về một quốc gia đang phát triển vốn chỉ được coi là phân xưởng của thế giới, Thượng Hải đang cố gắng chứng minh cho thấy nơi đây đang trở thành một “Thung lũng Silicon” với 300 trường đại học, 17 viện hàn lâm khoa học, 35 “vườn ươm” khởi nghiệp kinh doanh.

Theo Thời báo Tài chính (Anh), tờ báo đã xuất bản một tài liệu nói về sự vươn lên của châu Á trong lĩnh vực khoa học hồi đầu năm, cứ theo đà hiện nay, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, và đương nghiên sẽ xếp trên cả Nhật, Đức, Anh và Pháp. Những dự đoán này dựa trên nhiều yếu tố, trước tiên là số bài báo khoa học của người Trung Quốc trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và nước ngoài: từ 20.000 bài vào năm 1998 tăng lên 83.000 bài trong năm 2006 và gần 120.000 bài vào năm 2008, xếp sau Mỹ (345.000 bài).

Hiện nay, số nhà nghiên cứu của Trung Quốc nhiều bằng số nhà nghiên cứu của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cộng lại. Nếu cách đây 10 năm Trung Quốc chỉ có 5 triệu sinh viên thì con số này hiện nay đã là 29 triệu. Hơn một nửa số sinh viên học tập tại 2.263 cơ sở đào tạo đại học của nước này. Mỗi năm cũng có gần 10 triệu học sinh thi đậu Gaokao, kỳ thi tuyển sinh đại học cực kỳ khắc nghiệt. Những người may mắn nhất sẽ được học tại các trường đại học hàng đầu như Thanh Hoa (Bắc Kinh), Jiao Tong, East China Normal University, Tongji (Thượng Hải) hoặc cả Đại học khoa học và công nghệ Hồng Kông.

Tuyển lựa rất khắt khe, giáo dục bậc đại học tại Trung Quốc đang đi theo mô hình kim tự tháp giống các Trường lớn tại Pháp (*). Đề án 211 của chính phủ Trung Quốc ra đời năm 1995 đã tập hợp khoảng 100 cơ sở đại học tốt nhất nhằm có thể xây dựng các trường này trở thành những đại học hàng đầu thế giới. Những trường này có khoảng 500 phòng nghiên cứu mà các trường đại học danh giá nhất Mỹ hay châu Âu cũng phải thèm muốn. Các phòng nghiên cứu này đào tạo ra các nhân tài và sử dụng đến 70% nguồn tài trợ của chính phủ dành cho nghiên cứu.


Trung Quốc, Ấn Độ đang nổi lên


Mục đích của chính phủ Trung Quốc rất rõ ràng: đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm tăng khả năng cạnh tranh của họ trong một số ngành chủ chốt như công nghệ nano, công nghệ sinh học hay công nghiệp không gian. Theo truyền thống, các ngành Trung Quốc có thế mạnh là khoa học vật lý (khoa học vật liệu, hóa học, vật lý), toán học, kỹ thuật hay công nghệ thông tin. Để đẩy mạnh các ngành này phát triển hơn nữa, chính phủ Trung Quốc dành cho nghiên cứu một khoản chiếm đến 1%-1,5% GDP. Đặc biệt, ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học đã tăng 18% mỗi năm trong giai đoạn 1995 – 2006, đứng thứ 3 thế giới sau Nhật và Mỹ.

Trong cuộc đua này, Trung Quốc dựa vào lực lượng lớn mạnh các nhà khoa học Trung Quốc trên toàn thế giới. Đây là chiến lược của Đặng Tiểu Bình, người đã quyết định tạo điều kiện cho các sinh viên đi học ở nước ngoài. Kể từ năm 1978, khoảng 1,2 triệu thanh niên Trung Quốc đã được đi học tại các đại học Mỹ và châu Âu. Một số người ở lại nước ngoài sau khi học xong, nhưng rất nhiều người có trình độ cũng đã quay về Trung Quốc (44.000 người vào năm 2007).

Chính phủ đã “trải thảm đỏ” đón họ trở về, tạo điều kiện cho họ được làm việc trong môi trường tốt nhất để đổi lấy kiến thức, năng lực và mạng lưới của họ, đặc biệt là tại Mỹ. Các nhà nghiên cứu này không chỉ dẫn dắt các phòng thí nghiệm, nơi đào tạo ra các nhà khoa học đoạt giải Nobel tương lai, mà còn đứng đầu các tập đoàn đa quốc gia. Các tập đoàn này sau khi đã di chuyển các nhà máy đến Trung Quốc cũng đang dời hoạt động nghiên cứu và phát triển đến Trung Quốc.

Là láng giềng và đồng thời là đối thủ của Trung Quốc, Ấn Độ cũng là điểm đến ưu tiên của các tập đoàn đa quốc gia. Ngày càng có nhiều tập đoàn đa quốc gia muốn chuyển các hoạt động nghiên cứu và phát triển đến Ấn Độ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ (bảo hiểm, lập hóa đơn từ xa…). Cũng giống như Trung Quốc, Ấn Độ có nhiều sinh viên và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học – công nghệ có khả năng gửi các máy thăm dò lên mặt trăng (envoyer des sondes sur la Lune) và có thế mạnh về toán học.

Tuy nhiên, chỉ với 25.000 bài báo khoa học được xuất bản trong năm 2009, Ấn Độ vẫn phải xếp sau Trung Quốc. Theo Thomson Reuters (hãng thông tấn có làm thống kê các ấn bản khoa học xuất bản khắp thế giới), Ấn Độ xếp thứ 12 thế giới về các ấn bản khoa học, sau Hàn Quốc và Đài Loan. Các nhà xã hội học giải thích rằng người Ấn Độ chưa mặn mà lắm với nghiên cứu khoa học, do thiếu sự khuyến khích về mặt tinh thần và cả ý thức hệ. Điều này khác với Đông Á, nơi các giá trị Nho giáo (tạo điều kiện cho giáo dục, lao động, thành tích cá nhân, sự hi sinh…) luôn được coi trọng.

Các nhà khoa học Ấn Độ lại cho rằng nguyên nhân là đầu tư dành cho nghiên cứu và phát triển chưa được chú trọng (chỉ 0,8% GDP) và thiếu cơ sở hạ tầng có chất lượng. Mới đây, cố vấn các vấn đề khoa học của Thủ tướng Ấn Độ đã gây sốc khi tuyên bố, 75% trong số 600.000 cử nhân tốt nghiệp các trường kỹ sư hằng năm không thể làm việc được do trình độ không đáp ứng yêu cầu! Chính phủ Ấn Độ rất có ý thức về tình trạng này và cố gắng đẩy mạnh nghiên cứu khoa học bằng cách nâng cao trình độ giáo dục và quốc tế của các cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Bộ Phát triển nguồn nhân lực Ấn Độ đã thông báo thành lập 14 trường đại học đẳng cấp quốc tế. Nhưng khác với Trung Quốc, tại Ấn Độ các trường đại học nước ngoài không được phép hoạt động và phải 10 năm nữa những cải cách nói trên mới cho kết quả.

Ngoài Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, các quốc gia mạnh về khoa học khác tại châu Á là Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, dù ngày càng lớn mạnh về khoa học, vẫn khó có ngày mà mọi giải thưởng Nobel đều thuộc về các người châu Á. Chất lượng của các nghiên cứu tại châu Á vẫn chưa đạt yêu cầu. Bằng chứng là những ấn bản khoa học của châu Á vẫn không xuất hiện nhiều trong các trích dẫn khoa học quốc tế, điều giúp đánh giá giá trị cũng như tầm ảnh hưởng của các ấn bản.

Tuy nhiên, sự lớn mạnh của châu Á trong lĩnh vực khoa học là điều không thể nghi ngờ. Trong khi chờ đợi các nhà khoa học đoạt giải Nobel cống hiến công sức và trí tuệ của mình cho đất nước vào một ngày nào đó, theo Alain Minc, “một vùng đất của tri thức đang hình thành từ Seoul đến Thượng Hải, Bắc Kinh, Delhi, Tokyo cho đến Bangalore, Đài Bắc và Singapore”.

Nền kinh tế tri thức có thể sẽ đóng vai trò quan trọng đối với châu Á cũng giống như Cộng đồng than, thép (tiền thân của EU) đối với châu Âu trong những năm 1950. Nó sẽ kết nối toàn châu Á thành một khối thống nhất, vượt ra ngoài phạm vi của văn hóa Nho giáo, điều mà Tôn Trung Sơn hay Nehru hằng mơ ước.

--
Theo tạp chí Pháp “La Revue”)
--
(*) Trường Lớn (Grandes Ecoles) của Pháp là trường phải thi tuyển, rất khó vào. Đây là nét đặc thù của hệ thống giáo dục bậc cao nước này. Các đại học Pháp thì không tuyển sinh theo kiểu thi tuyển, đậu tú tài là có quyền ghi danh vào học.

2 comments:

Hồ Quốc Nam said...

Em cám ơn thầy về một bài dịch rất hay! Hi vọng trong tương lai sắp tới sẽ giống như nhiều người nói: Kỷ nguyên của thế kỷ này là kỷ nguyên của người châu Á. Sau nhiều thế kỷ ngủ quên, châu Á sẽ trỗi dậy như một con rồng vừa mới tỉnh giấc.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em