18 July 2010

Chuyện chuyển đổi mô hình kinh tế

Các bạn thân mến: Gởi các bạn một bài thực hiện với một chuyên gia kinh tế Việt Nam ở nước ngoài, nhân việc chính phủ lại đề cập đến việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế. Bài này thực hiện hồi tháng 3 năm ngoái.

Chúc tất cả vui.

--

TS Đinh Xuân Quân:

Đừng suy nghĩ kiểu mô hình

Phỏng vấn về vấn đề chuyển đổi mô hình tăng trưởng của NCĐT với TS kinh tế Đinh Xuân Quân, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong thực hành phát triển kinh tế. Ông cho rằng một nền kinh tế không nhất thiết phải đi theo một mô hình nhất định. Để tăng trưởng tốt, điều quan trọng là biết uyển chuyển thay đổi tùy theo tình hình. Hiện nay, ông Quân là cố vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp Liberia (một nước thuộc Tây Phi).

- Một số chuyên gia đang kêu gọi chuyển đổi mô hình tăng trưởng, không dùng mô hình tăng trưởng cao dựa trên xuất khẩu, hao phí vốn và tài nguyên, tàn phá môi trường nữa; Chính phủ cũng muốn như thế. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Đinh Xuân Quân: Đâu cũng vậy, không có giao thương thì tăng trưởng sẽ thấp. Tuy nhiên, nếu cứ thúc đẩy trao đổi thương mại bằng cách phá rừng, hủy hoại tài nguyên thiên nhiên, tăng trưởng sẽ không bền vững. Dẫu vậy, xuất khẩu vẫn là đầu tàu kinh tế của Việt Nam.

- Nhưng ông có cho rằng làm hàng xuất khẩu theo hướng bền vững thì xuất khẩu sẽ đóng góp tốt hơn vào phát triển kinh tế bền vững?

Về thực chất, trong những năm qua đất nước đã tăng trưởng cao nhờ xuất khẩu, nhưng nay tình hình đã khác. Để đối phó với khủng hoảng tài chính, suy giảm và suy thoái kinh tế, các nước lớn - đặc biệt là Mỹ - đang muốn quay lại với chính sách bảo hộ mậu dịch. Tôi nghĩ xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn, ngay cả sau khi kinh tế các nước bạn hàng lớn của Việt Nam, chẳng hạn như Mỹ và một số nước thuộc Liên minh châu Âu, phục hồi. Như vậy, cũng không nên trông cậy quá nhiều vào xuất khẩu.

- Đâu là mô hình tăng trưởng Việt Nam nên theo?

Việc tìm mô hình chứng tỏ còn cứng nhắc trong cách nghĩ. Thị trường thay đổi từng giờ, từng ngày. Muốn thành công, ta cần uyển chuyển: không dùng mô hình mà chỉ xem xét, áp dụng những gì có thể đem lại thành công.

Khi cùng tiến sĩ Phạm Thanh Khâm, chuyên gia nông nghiệp, về Việt Nam làm việc vào năm 1992, anh Khâm và tôi có khuyến cáo Vinacafe nên trồng loại cà phê arabica, bởi arabica xuất khẩu sẽ có lãi cao hơn nhiều so với robusta. Nhưng lúc đó lảnh đạo Vinacafe chỉ hiểu mô hình sản xuất theo kiểu cũ - kế hoạch hóa cao độ và chạy theo số lượng nhiều hơn là chất lượng, nên chỉ trồng robusta mà thôi. Đó là một ví dụ về mô hình cứng nhắc.

Ví dụ thứ hai: một số người đi Hàn Quốc thấy mô hình Chaebol – bắt chước mô hình đại công ty tổng hợp nhiều ngành nghề Zaibatsu của Nhật trước đây – thấy hay nên về sao nguyên bản thành mô hình “Tổng công ty”. Vì thế nên Petro Việt Nam mới nay xây nhà mai lại xây khách sạn rồi làm ngân hàng…, thay vì tập trung vào ngành nghề chính là dầu khí. Như vậy cũng là cạnh tranh với người dân, khiến khu vực tư nhân khó phát triển.

Việt Nam không thể giống Hàn Quốc. Ta có thể học họ, nhưng học cái tốt, không sao chép nguyên bản. Sao y bản gốc cho thấy sức sáng tạo của ta còn yếu. Thực ra, Chaebol Hàn Quốc vẫn phải cạnh tranh, theo kinh tế thị trường. Đó là điều khác biệt với các tổng công ty quốc doanh Việt Nam vẫn tiếp tục muốn được độc quyền trong nhiều lĩnh vực.

- Trong thực tế, Chính phủ đang dần hướng đến một nền kinh tế mở cửa cho cạnh tranh nhiều hơn…

Đúng vậy thật. Nhưng tôi có cảm giác là chưa đủ “đô”.

Về cạnh tranh, kể cả ở cấp độ toàn cầu, doanh nghiệp tư nhân vẫn giỏi hơn doanh nghiệp nhà nước. Do họ không được đỡ đầu, cưng chiều nên phải bươn chải, chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Mà bươn chải nhiều, gặp rủi ro nhiều thì cũng cứng cáp, vững vàng hơn so với doanh nghiệp quốc doanh. Và đương nhiên sáng tạo hơn.

Trong lĩnh vực sản xuất hàng gia dụng, trang thiết bị nội thất, nào có mấy công ty quốc doanh tham gia. Tại sao? Bởi đây là lĩnh vực cần nhiều sự sáng tạo về thiết kế, mẫu mã, và cả sáng kiến kinh doanh để có thể thích ứng nhanh với những thay đổi về thị hiếu của thị trường.

Việt Nam có nhân công khéo tay, học hành cũng giỏi, có lẽ nên đi vào các lĩnh vực dịch vụ, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Nếu hướng nông dân vào việc trồng các giống lúa như Bashmati, Jasmin thì lúa của họ sẽ bán được với giá rất cao. Tại Liberia, nơi tôi đang công tác, một ký gạo Jasmin giá đến gần 6 USD. Bên cạnh đó, nông dân còn có thể thêm giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp bằng cách chế biến thành bún khô, gạo sấy, cháo ăn liền, …

Tôi thấy một số công ty tư nhân đã làm được như thế đối với một số sản phẩm, ví dụ như Cà phê Trung Nguyên. Tôi mong họ sẽ thành công nhiều hơn nữa trong tương lai.
Một ví dụ khác Việt Nam có thể học là từ Trung Quốc. Trước đây, công nghiệp xe hơi Trung Quốc chủ yếu là sản xuất theo mẫu nước ngoài. Nhưng nay một số hãng như Cherry đã bắt đầu tự thiết kể kiểu xe, áp dụng các chiêu thức tiếp thị quốc tế để bán xe ra nước ngoài.

- Hãy trở lại với vấn đề mô hình tăng trưởng. Không dùng mô hình vậy thì, theo ông, nên dùng gì?

Trước hết, ta cần xem xét các thế mạnh, những điểm yếu, các cơ hội của đất nước và cả những mối đe dọa, theo kiểu của người làm tiếp thị. Tức phân tích “SWOT” (strengths, weaknesses, opportunities, threats). Từ đó đề ra chính sách kinh tế tổng quát, tức có đường hướng (roadmap) để các doanh nghiệp theo đường, theo hướng đó mà đi. Đường hướng là uyển chuyển, linh hoạt, khác với mô hình cứng nhắc, khác với kế hoạch hóa cao độ.

Hiện nay, tại một số nước người ta gọi đó là compact roadmap. Nói một cách nôm na, compact roadmap là về cái bánh trong khi kế hoạch hóa là về cách chia cái bánh.

Uyển chuyển còn có nghĩa sẵn sàng thay đổi tùy theo tình hình. Một ví dụ dễ thấy là Mỹ. Dù có nền kinh tế tự do, nhưng khi gặp khó khăn Chính phủ Mỹ vẫn nhảy vào, dùng tiền đóng thuế của nhân dân - được Quốc hội, đại diện của dân, cho phép - để kích thích kinh tế, cứu nguy cho một số doanh nghiệp.

###

No comments: