05 June 2010

Để viết bài kinh tế cho hay

Mời các bạn đọc một bài dựa trên bài giảng trong lớp.

Chúc tất cả vui.


Viết kinh tế sao cho hay

Nhiều nhà báo viết về kinh tế không học về kinh tế nhưng vẫn viết được. Vậy cần gì phải học kinh tế và cách viết về kinh tế? Quả có như vậy thật. Nhưng thường những người đó chỉ dừng lại ở mức tường thuật, ghi nhận; nhiều khi sai đúng không biết. Như vậy để viết báo hay hơn và chính xác hơn, phóng viên kinh tế cần học thêm về kinh tế và cách viết lách phù hợp.


Kinh tế là lĩnh vực bao trùm mọi mặt đời sống xã hội, vì vậy tin bài kinh tế tác động đến tất cả. Một bài báo kinh tế hay sẽ tác động được đến nhiều người. Tuy nhiên, viết báo kinh tế không hề đơn giản. Có hai khó khăn lớn nhất mà những người viết báo kinh tế hay gặp phải là bài kinh tế thường phức tạp và tẻ nhạt. Khi nhà báo viết tin kinh tế không nắm vững về kinh tế, họ sẽ cảm thấy những vấn đề kinh tế thật phức tạp và không có gì hấp dẫn. Lúc đó, họ có thể trở nên chán bài báo và không viết hết sức mình. Chỉ khi nào học sâu về kinh tế và hiểu rõ các vấn đề thì mới thấy thích thú.

Chúng ta đã nghiên cứu các chủ điểm kinh tế nên có thể đã hiểu được phần nào, chẳng hạn tại sao thị trường chứng khoán lại đi xuống. Chứng khoán đi xuống là do lòng tham. Khi con người không thấy chứng khoán mang lại lợi nhuận nữa họ sẽ đua nhau bán ra. Trong kinh tế học, đó là nguyên tắc của sự tưởng thưởng: con người luôn thích được tưởng thưởng, tức là có lợi thì mới làm. Và khi có thông tin nào có lợi cho thị trường chứng khoán thì chứng khoán lại tăng điểm. Đó cũng là cách một bài tin kinh tế tác động lên tất cả. Bài báo càng hay và dễ hiểu thì càng nhiều người đọc, khi đó ảnh hưởng của bài báo lại càng lớn.

Người phóng viên phải viết cho chính xác, dễ hiểu và nếu được thì viết cho hấp dẫn. Nhà báo nào cũng muốn điều này nhưng không phải ai cũng làm được.

Viết dễ hiểu

Có ba nguyên tắc chính khi viết bài tin kinh tế: giải thích, giải thích và giải thích.

Không phải chỉ có tin kinh tế, bất cứ tin nào cũng cần viết dễ hiểu. Chẳng hạn như báo Tuổi Trẻ có phỏng vấn một người làm khí tượng, chuyên viết các bản tin dự báo thời tiết. Chính ông cũng thừa nhận bản tin thời tiết tại Việt Nam quá khó hiểu.

Những bản tin thời tiết của các kênh truyền hình nước ngoài như CNN hay TV5 rất dễ hiểu vì đối với người dân, bản tin thời tiết cực kỳ quan trọng, nhất là tại Mỹ và châu Âu, do thời tiết tại đây rất khắc nghiệt. Bản tin thời tiết tại Việt Nam toàn sử dụng từ chuyên ngành như “gió cấp 7, cấp 8”… Người nghe không thể hình dung được gió cấp 7, cấp 8 có tốc độ như thế nào. Đơn giản hơn chỉ cần nói “sức gió khoảng 150 km/giờ”. Hay nếu bão sắp đổ bộ vào Quảng Nam thì nên nói “cách bờ bao nhiêu km” bên cạnh nói ở kinh độ, vĩ độ nào.

Trong các bài báo kinh tế rất hay dùng các thuật ngữ kinh tế chuyên ngành. Và những từ ngữ này phần lớn người đọc không thể hiểu được vì họ không học kinh tế. Vì vậy khi viết bài kinh tế, nhà báo cần nghĩ đến bạn đọc và giải thích các thuật ngữ đó để mọi người đều có thể hiểu hết.

Nhưng muốn giải thích thì phải hiểu vấn đề, hiểu cả thuật ngữ kinh tế. Tuy nhiên, không phải nhà báo nào cũng có thể hiểu hết các thuật ngữ kinh tế vì đó không phải là chuyên ngành của họ. Phần lớn phóng viên kinh tế không thừa nhận mình kém về kiến thức kinh tế. Họ không can đảm hỏi lại nguồn tin hay tra cứu thêm, nên viết mà không hiểu. Họ lập luận rằng họ viết cho người hiểu biết, không cần giải thích những người này cũng hiểu. Nhưng đó là ngụy biện vì làm thế chẳng khác nào giới hạn lượng độc giả của chính mình và đó là những nhà báo không hiểu biết gì về kinh tế.

Mục đích của một tờ báo là bán báo, thu hút người muốn và cần biết về kinh tế, kinh doanh, tức là hầu như tất cả mọi người, chứ không phải tạo ra một tờ báo “sang trọng”.

Chẳng hạn tờ báo hàng đầu về kinh tế, kinh doanh, thị trường chứng khoán Wall Street Journal luôn giải thích nhưng uy tín tờ báo vẫn cao. WSJ viết rất giản dị, dễ hiểu, hình ảnh và màu sắc rất hấp dẫn. Đối tượng tờ báo hướng đến là toàn dân. Tại Mỹ, người chơi chứng khoán chủ yếu là dân lao động chứ không phải là những người có học thức cao.

Có những thuật ngữ tưởng chừng đơn giản và quen thuộc như GDP cũng được giải thích là “tổng sản phẩm và dịch vụ một nước làm ra trong 1 năm”. Người đọc không hiểu gì về kinh tế nhưng đọc báo này vẫn hiểu hết. Dù vậy, đây vẫn là tờ báo có uy tín và đứng đầu. Các tờ báo lớn ở phương Tây đều làm vậy, chỉ có các tờ báo lớn của Việt Nam chưa chú trọng đến việc giải thích các thuật ngữ chuyên ngành kinh tế.

Các tờ báo có thể làm một bộ tập hợp các thuật ngữ kinh tế và giải thích. Mỗi lần viết bài có từ nào cần dùng thì chỉ cần tra trên đó. Sau một thời gian sẽ có một bộ tra cứu rất nhiều từ và không phải mất thời gian tìm hiểu thêm nữa.

Một điểm chú ý khi viết báo kinh tế là luôn phải trả lời 2 câu hỏi về tiền và số lượng. Nếu là tiền thì “có bao nhiêu tiền”, “doanh nghiệp có làm ra tiền hay không”, còn số lượng thì “số lượng sản xuất và dịch vụ là bao nhiêu” … Nhìn chung, cần phải nắm được số liệu của các công ty, doanh nghiệp.

Bạn đọc luôn tò mò một người có bao nhiêu tiền và kiếm được bao nhiêu tiền. Trên thế giới có tờ Forbes chuyên viết về các tỷ phú của Mỹ mà bạn đọc rất thích. Các báo Việt Nam thỉnh thoảng cũng dịch bài từ tờ này. Hằng năm Forbes còn đưa ra bảng danh sách các tỷ phú. Chẳng hạn, năm trước Warren Buffett chiếm ngôi đầu bảng, chỉ trong một năm ông kiếm được 10 tỷ USD.

Nhà báo viết kinh tế còn phải biết cách đọc báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bởi những con số đó nói lên rất nhiều điều. Từ những con số chính xác có thể suy luận ra rất nhiều thứ. Nhìn vào số liệu phải thắc mắc và nhìn nhiều chiều.

Ngoài các con số, bối cảnh cũng rất quan trọng. Chẳng hạn mình cần biết so sánh tình hình kinh tế trong nước và tình hình kinh tế thế giới, tức biết mở rộng bối cảnh. Đó là về ngành kinh tế, còn đối với một doanh nghiệp kinh doanh ngành bán lẻ thì phải có những thông tin nền về ngành bán lẻ, về đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp đó, quy mô thị trường bán lẻ. Chẳng hạn ta có thể so sánh Việt Nam với Singapore hoặc Thái Lan. Và nếu có thêm biểu đồ, hình ảnh minh họa thì càng tốt.

Hay khi viết về một cơ sở sản xuất hoa đất thì phải biết ngành hoa đất ở TP. HCM như thế nào, bao nhiêu cơ sở cùng kinh doanh ngành này, có hay không có độc quyền và thị trường ngành hoa đất ra sao…

Như vậy, mục đích của tờ báo là nhắm tới mọi người. Để viết cho dễ hiểu, đừng đưa những con số dày đặc vào bài viết, chỉ cần nói một cách tổng quát. Nếu muốn đưa con số nên làm các mẩu đóng khung bên cạnh bài chính.

(còn tiếp)

2 comments:

Anonymous said...

Bài viết thật hay, thật bổ ít. Mình đang viết báo về kinh tế, nên những thông tin này thật cần thiết. Cám ơn tác giả thật là nhiều

Gatebeepers said...

Cảm ơn bạn. Bạn có thể cho biết đang làm báo nào?