Các bạn thân mến: Mời các bạn đọc bài phỏng vấn ông Trần Văn Thình về các diễn biến kinh tế hiện nay. Thứ hai tới, Nhịp Cầu Đầu Tư sẽ đăng bài này.
Chúc tất cả vui.
---
Ông Trần Văn Thình, tiến sĩ kinh tế, là người rất am hiểu các vấn đề thương mại quốc tế. Trong nhiều năm liền, ông là đại sứ - đại diện các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tại các vòng đàm phán tự do thương mại toàn cầu trong khuôn khổ Hiệp định chung về Thuế quan và Thương Mại (GATT), tiền thân của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông sống ở Bỉ, Pháp và Thụy Sĩ, nhưng luôn nói mình là người « nặng lòng với quê hương » và từ 20 năm nay thường xuyên đi về Việt Nam để tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến thương mại quốc tế. Ông đã trả lời phỏng vấn của NCĐT về những diễn biến kinh tế gần đây ở nước ngoài cũng như trong nước.
NCĐT : Hiện nay, hầu hết các nước lớn đều muốn quay lại bảo vệ thị trường nội địa. Mỹ chẳng hạn, trong kế hoạch kích thích kinh tế, đã ghi công khai điều khoản về vấn đề này : Người Mỹ mua hàng Mỹ. (Tuy rằng có giảm nhẹ, khi « ghi thòng » : mua hàng Mỹ nhưng « phù hợp với những hiệp ước quốc tế mà Washington đã ký kết»). Ông nghĩ gì về hiện tượng này ?
Ông Trần Văn Thình : Bảo hộ kinh tế là một phản xạ tự nhiên của nhiều chính phủ. Người dân luôn hài lòng - đặc biệt là những người theo chủ nghĩa dân tộc - với động thái này. Tuy nhiên, họ hoàn toàn không hiểu rõ hậu quả tai hại của chủ nghĩa bảo hộ trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa, khi mọi quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Và cũng chính vì thế, mọi quốc gia đều phải phối hợp thực hiện các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Không một nước nào, dù là cường quốc đi chăng nữa, lại có thể vượt thoát khủng hoảng mà không cần được các nước khác hỗ trợ.
Nhưng chủ nghĩa bảo hộ đã và đang được thực hiện dưới những hình thức tinh vi. Chẳng hạn, khi một chính phủ dang tay cứu ngành công nghiệp xe hơi quốc gia. Việc này sẽ tác động lên cạnh tranh, giúp hãng sản xuất xe quốc gia chiếm ưu thế so với những hãng xe nước ngoài - đối thủ có mặt trên thị trường nội địa, làm méo mó thị trường. Đây là cách làm cần phải bị loại bỏ.
- Đâu là tác động đáng quan tâm nhất của chủ nghĩa bảo hộ ?
Bảo hộ, bảo vệ thị trường luôn luôn hấp dẫn, như đã nói ở trên. Nhưng các biện pháp bảo hộ đều mang tính phòng vệ, tức là không tốt. Một chiến lược tấn công dựa trên việc sử dụng mọi nguồn lực, khả năng sản xuất và tính cạnh tranh sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
- Như vậy hẳn rõ là Việt Nam không nên làm theo cách của các nước trên...
Đúng thế, bởi Việt Nam buộc phải tôn trọng những cam kết khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Sẽ là sai lầm đắt giá nếu Việt Nam không thực hiện những cam kết này. Nhiều nước - đối tác thương mại của Việt Nam sẽ trả đũa hoặc khiếu nại Việt Nam ra trước WTO ngay.
- Thế thì, theo ông, Việt Nam cần phải làm gì ?
Không phân biệt đối xử đối với các sản phẩm nhập khẩu theo chương trình miễn giảm thuế đã cam kết (theo điều khoản tối huệ quốc, tức không phân biệt đối xử). Cũng không áp dụng các hình thức phân biệt đối xử với sản phẩm nước ngoài đã được nhập khẩu và buôn bán trên thị trường nội địa (theo điều khoản đối xử quốc gia, tức bình đẳng).
- Xin quay sang một vấn đề khác: Đối với các công ty chuyên xuất khẩu 100% sản phẩm của mình, liệu thị trường nội địa có phải là một thị trường hấp dẫn về dài hạn hay chỉ nên xem đó là chiến thuật ngắn hạn trong khi chờ những ngày tươi sáng hơn khi suy thoái kinh tế thế giới kết thúc ?
Thị trường nội địa luôn luôn quan trọng đối với một nền kinh tế. Nước nào không quan tâm đến thị trường này thì nền kinh tế nước đó rồi ra sẽ phải lao đao. Cần đào sâu và phát triển thị trường nội địa dưới mọi hình thức, từ cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu cho đến hàng cao cấp. Thực hiện được những việc này, sẽ cân bằng được kinh tế quốc gia với kinh tế khu vực và cả kinh tế thế giới.
- Ông có cho rằng cạnh tranh sẽ ít khốc liệt hơn trên thị trường trong nước đối với các doanh nghiệp nội địa?
Về mặt lý thuyết, cạnh tranh không hề có biên giới. Nhưng nhà sản xuất trong nước có lợi thế về văn hóa và địa lý hơn so với nhà sản xuất nước ngoài.
- Ông có thể lý giải thêm ?
Các nhà sản xuất trong nước luôn chiếm thế thượng phong vì ở ngay trong lòng của thị trường nội địa. Nhờ đó, họ có thể nhanh chóng và dễ dàng đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng trong nước. Thông thường mà nói, hàng hóa của họ sẽ có tính cạnh tranh cao hơn so với hàng hóa cùng loại của nước ngoài được bày bán trên thị trường nội địa. Họ còn có thể tạo ra sản phẩm mới đáp ứng đúng sở thích và những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng nội địa. Đó là nhiệm vụ chung của của doanh nghiệp nội địa ( nhưng Nhà nước không nên giúp đỡ, can thiệp quá sâu vì như thế là sự phân biệt đối xử).
Theo tôi, thị trường thực phẩm, quần áo và các sản phẩm thiết yếu khác, đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân nghèo, là rất quan trọng.
- Vậy liệu có thể dễ dàng bán hàng cho những người ở nông thôn, thường là những người nghèo ? Bởi về chất lượng sản phẩm, có thể họ sẽ dễ tính hơn so người tiêu dùng thành thị ?
Nhu cầu cũng như sức mua giữa thành phố và nông thôn là khác nhau. Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm lớn khi bán sản phẩm kém chất lượng cho những người dân nông thôn.
- Hiện nay, đâu là những nhiệm vụ cấp bách mà một doanh nghiệp phải thực hiện nếu muốn khai thác thị trường nội địa ?
Hiểu biết sâu sắc về nhu cầu cũng như tiềm năng về nhu cầu là cơ sở để chiếm lĩnh thị trường hàng tiêu dùng. Giá trị gia tăng của sản xuất trong nước nhờ vào chế biến cần phải có hệ thống hơn để vừa có thể tăng sức mua hàng tiêu dùng, vừa hạn chế sự phụ thuộc vào ngoại thương.
Chắc chắn sự hiểu biết sâu sắc nhu cầu hiện tại lẫn nhu cầu tiềm tàng của thị trường là cơ sở để chiếm lĩnh thị trường nội địa. Nhưng các doanh nghiệp cũng nên tìm cách tăng thêm giá trị cho sản phẩm thông qua chế biến, để vừa có thể thúc đẩy sức mua, vừa hạn chế sự phụ thuộc vào ngoại thương. Muốn làm được điều này, các doanh nghiệp cần liên kết lại, hoạt động một cách đồng bộ, nhịp nhàng với nhau hơn.
Tôi nghĩ là cần phải có một mạng tin học nối kết các làng xã trong nước lại với nhau. Kết nối với cả các ngân hàng dữ liệu về sản xuất, thị trường, y tế… Đây có thể sẽ là nhân tố quyết định để chiếm lĩnh thị trường nông thôn.
- Ông có thể cho biết thêm về mạng lưới này ?
Tôi mời ông và độc giả NCĐT vào trang web « elangviet.net » để xem. Trang web này nói về một dự án mạng tin học nông thôn dành cho Việt Nam mà tôi ấp ủ nhưng phải tạm ngưng thực hiện vì thiếu vốn. Tôi đang hi vọng tìm được nguồn tài trợ cho dự án, thông qua một tổ chức phi chính phủ mà tôi là Chủ tịch danh dự. Đó là Viện hợp tác Âu-Phi-Á-Mỹ Latinh (Institut de Coopération Europe Afrique Asie Amérique Latine).
Đây là dự án giúp người nghèo tiếp cận thông tin nhưng doanh nghiệp cũng hưởng lợi từ dự án này. Cần nhớ : Mọi giải pháp vượt thoát khủng hoảng chỉ có thể đứng vững khi chú trọng đúng mức đến người nghèo.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
4 comments:
Thưa Thầy,
cái em quan tâm trong bài chính là những câu hỏi phỏng vấn. Nhận xét của em:
- Những câu hỏi phỏng vấn ngắn
- Mang tính gợi mở
- Có ích
Kính chúc sức khỏe thầy
Em
Phạm Trung
Cảm ơn em Trung.
Thầy biết trang tiếng Anh nào có đưa tin về bất động sản ko thưa thầy? Ví dụ như CNN. Cảm ơn thầy rất nhiều.
Song Thu
Cảm ơn em Thu.
Em xem trang web báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ phần tiếng Anh, thỉnh thoảng họ có bài về nhà đất.
Xem cả trang web của VNN, cũng có phần tiếng Anh.
Em đang nghiên cứu cho ai thế? Công việc em hiện nay như thế nào?
Chúc em 1 ngày vui.
Post a Comment