10 January 2009

Singapore: Không có quê mà về (ở Singapore không có đồng quê)

Mời các bạn đọc một bài dịch về đô thị hóa triệt để, toàn diện, quá mức của Singapore. Để suy gẫm.

Chúc tất cả an lành.
----

Singapore: Không có quê mà về

Có ngôi làng đã bị lãng quên trong cuộc chạy đua hiện đại hóa của một Singapore công nghệ cao và nhiều nhà cao tầng. Nhưng sự tồn tại của ngôi làng chỉ còn tính được bằng ngày.

Đó là “khu vườn địa đàng” ít người biết tới ở Singapore - một ngôi làng nhỏ bé mang tên Kampong Buangkok. Làng nằm lẫn giữa những tàn cây, có những cơn gió mát xào xạc trong tán lá dừa và chim hót líu lo. Tuy nhiên, xung quanh làng lại dày đặc chung cư.

Đó cũng là ngôi làng nông thôn cuối cùng của Singapore, diện tích chừng ba lần diện tích một sân bóng đá và chỉ có 28 căn nhà.

Kampong là từ địa phương dùng để chỉ làng mạc và cũng để định nghĩa cho cách sống thôn quê truyền thống đã trở thành quá khứ ở Singapore.

Chính phủ Singapore quyết định phá bỏ và quy hoạch lại Kampong Buangkok. Khi ngôi làng này không còn nữa, công tác đô thị hóa của Singapore xem như đã hoàn tất, một sự đô thị hóa triệt để nhất thế giới.

“Công cuộc cải tạo đã bắt đầu từ những năm đầu thập niên 1960,” Rodolph de Koninck, giáo sư địa lý Đại học Montreal (Canada) cho biết. Ông là đồng tác giả của cuốn “Singapore: Bản đồ về sự biến đổi địa giới không ngừng,”. Cuốn sách ghi lại những biến đổi địa lý của Singapore trong suốt 50 năm qua.

Nhiều năm đã trôi qua, Singapore, từ một vùng định cư miền nhiệt đới náo nhiệt, lạc hậu đã trở thành một đất nước phát triển, ngăn nắp, sạch sẽ. Bây giờ thì 90% dân số Singapore đã chuyển vào trong các khu cao tầng do Chính phủ xây dựng; và thường thì có nhiều người chuyển nhà ít nhất một lần nữa.

“Tất cả đều được ưu tiên cho tái phát triển đô thị,” de Koninck cho biết thêm. “ Ngay cả ở trung tâm thành phố, những gì được xây dựng trong những thập niên 1960 và 1970 cũng đang bị phá bỏ.”

Theo quy hoạch tổng thể của Singapore, trong tương lai gần (nhưng thời điểm chưa được công bố), Kampong Buangkok sẽ “ phát triển toàn diện thành khu nhà ở, trường học và những khu tiện nghi xung quanh,” bà Serene Tng, thuộc Ủy ban Quy hoạch Đô thị, cho biết.

Khi cha của bà Sng Mui Hong mua đất tại Kampong Buangkok để làm nhà vào năm 1956, đây chỉ là một ngôi làng bình thường như hàng trăm ngôi làng khác ở Singapore. Lúc đó không ai đoán được rằng nó sẽ là ngôi làng cuối cùng của Singapore.

Bà Sng Mui Hong, 55 tuổi, bây giờ là chủ đất và chủ nhà. Bà thường đạp xe quanh các ngôi nhà trệt lợp mái tôn mà bà đang cho thuê. Những người thuê nhà cũng là bạn của bà; họ chỉ phải trả một khoản tiền thuê nhà tượng trưng.

Chính phủ cung cấp điện, nước và thu dọn rác cho làng. Người phát thư cũng thường ghé qua đây.

Bà Sng đã lớn lên ở Kampong Buangkok, và nhiều người hàng xóm của bà là bạn của bà từ thuở nhỏ. Rất ít người ở Singapore thuộc thế hệ bà có thể tự hào nói được như vậy.

Hoa và quả mọc thành bụi trong làng. Chúng giống như những loài thực vật đang bị đe dọa trong một hệ sinh thái đang dần biến mất. Ở đây có những quả ổi nhỏ xíu và những trái đu đủ khổng lồ, khoai mì và khoai mỡ. Có cả cây thì là và tre, bông giấy và hoa dâm bụt. Rắn và thằn lằn bò lung tung trong các bụi cây. Những con cá nhỏ xíu thì đang bơi lội dưới khe nước nhỏ.

Nhìn tất cả bốn hướng qua các tán cây, người dân Kampong Buangkok đều có thể thấy thấp thoáng các khu cao tầng do Chính phủ xây dựng. Những khu nhà này cũng chính là viễn cảnh tương lai của họ.

Theo luật Singapore, Chính phủ có thể mua lại đất đai bất cứ lúc nào với giá định sẵn. Và bà Sng đã chuẩn bị cho ngày đó. “ Nếu có thay đổi, tôi sẽ không còn được gặp bạn bè nữa,” bà nói.

Không nghi ngờ gì nữa, Singapore đang rất cần đất. Dân số Singapore từ 1,6 triệu người vào năm 1960 nay đã tăng lên 4,8 triệu người. Họ sống trong một diện tích chừng 647,8 cây số vuông (tức khoảng một phần ba diện tích TPHCM). Vì vậy Singapore là một trong những nơi có mật độ dân số cao nhất thế giới. Các nhà quy hoạch dự kiến tới năm 2050 dân số sẽ tăng khoảng 40%, lên 6,5 triệu người.

“Chúng ta cần phải tối ưu hóa việc sử dụng đất, bằng cách cải tạo đất đai, xây nhà cao tầng hay sử dụng không gian ngầm dưới đất,” Mah Bow Tan, Bộ trưởng bộ Phát triển Quốc gia Singapore, gần đây đã phát biểu như thế với công chúng Singapore, khi để cập đến các kế hoạch liên quan đến phát triển dân số.

Để tạo thêm nhiều không gian hơn, Chính phủ Singapore đã san bằng các khu vực lân cận, hy sinh nhiều cảnh quan, xóa bỏ các nghĩa trang (một cách sử dụng đất được cho là không hiệu quả); xác đã chôn được mang đi hỏa táng rồi bỏ vào trong các quách nhỏ.

Rất ít người Singapore biết rằng còn có một ngôi làng vẫn tồn tại, ẩn mình trong những tán cây, chỉ cách xa lộ chừng 200 mét.

“ Ngay cả khi tôi muốn chỉ cho các con tôi thấy tôi từng được nuôi dưỡng như thế nào thì tôi cũng không thể làm được,” Ho Why Hong, một tài xế taxi 50 tuổi nói, khi ông tìm đường đến Kampong Buangkok. “ Mọi thứ đã bị phá bỏ hết rồi.”

“Hồi nhỏ chúng tôi không phải khóa trái cửa nhà,” ông nói. “ Vì tin nhau. Mọi người đều biết nhau. Người lạ mặt vào làng là chúng tôi biết liền.”

Nhưng nay hàng xóm ở Singapore rất ít quen biết nhau, theo lời bà Sarimah Cokol. Bà Cokol, 50 tuổi, từng lớn lên ở Kampong Buangkok. Hiện giờ bà sống ở một trong một căn hộ chung cư mà những người ở đó gọi là chuồng bồ câu.

“ Mở cửa rồi đóng cửa,” bà nói với thứ tiếng Anh nhát gừng của người Singapore. “ Đi làm về. Vào nhà. Đóng cửa.”



Chú thích ảnh: Bà Sng Mui Hong thường đạp xe quanh các ngôi nhà trệt lợp mái tôn mà bà đang cho thuê ở Kampong Buangkok.

6 comments:

Que Vien said...

Cám ơn anh Trân đã post lên một bài rất hay và gợi ra rất nhiều điều để chúng ta suy ngẫm vê vấn đề quy họach đô thị.

Quế Viên

Gatebeepers said...

Cảm ơn Viên.

Mình cần học Singapore, những thành công cũng như thất bại, sai lầm của họ - một trong những sai lầm là "mất hết nhà quê".

Anonymous said...

Những con chim bồ câu trong chuồng còn biết mặt nhau. Không lẽ cuộc sống càng phát triển, khoảng cách và tình cảm của con người với nhau càng xa dần?

Cảm ơn câu "Cần học cả những thành công lẫn thất bại" của thầy rất nhiều.

Song Thu

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Song Thu.

Hồ Quốc Nam said...

Theo em thì vấn đề đô thị hóa ở Singapore đã vượt khỏi tầm kiểm soát của chính phủ. Đối với họ giờ đây không còn là "còn hay mất quê" nữa mà là sử dụng quỹ đất còn lại như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất.

Cám ơn thầy về một bài viết thật hay!

Nam BCK07.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em. Đó là bài dịch.