19 January 2009

Bàn thêm về kích cầu

Các bạn thân mến: Gần đây tôi có đặt giúp Đầu tư Tài chính (thuộc SGGP) các bài về kích cầu của hai chuyên gia VN ở nước ngoài. Bài đã đăng trong ĐTTC số ra hôm nay, mời các bạn tham khảo.

1. Bài của ông Vũ Quang Việt (TS Kinh tế, nguyên chuyên gia Liên Hiệp Quốc)

Không bơm vốn vào tập đoàn

Có hai lý do để cầu giảm. Thứ nhất, trực tiếp nhất trong giai đoạn hiện nay là nền kinh tế thế giới suy thoái nặng, có thể kéo dài ít nhất là 18 tháng. Nhưng vì nạn thất nghiệp ở Mỹ hiện nay quá nặng (có đến hơn 2,5 triệu người mất việc trong vòng 5 tháng qua), chu kỳ đi xuống này mà dừng lại được vào giữa năm 2010 là may. Tôi chỉ dựa theo kinh nghiệm chu kỳ kinh tế của Mỹ trong quá khứ để đoán, chứ không dùng mô hình dự báo nào cả.

Thứ hai, các chính sách kinh tế thực hiện cho đến gần đây ở Việt Nam có thể nói là không còn hợp thời nữa. Tại sao? Đầu tư đã lên trên 40% GDP (có thể là 43% năm 2008), thuộc lại cao nhất thế giới trong giai đoạn này và trong lịch sử kinh tế thế giới, nhưng tốc độ tăng GDP lại thuộc loại tầm tầm và bây giờ đang giảm nhanh chóng, chỉ còn 6,2%. Bởi lẽ khối lượng đầu tư chủ yếu vào những nơi thiếu hiệu quả. Đó là các doanh nghiệp và tập đoàn quốc doanh. Đầu tư nhiều nhưng không tạo ra công ăn việc làm và lao động trong hai khu vực này đã và đang giảm là điều nghịch lý.

Thí dụ giai đoạn 2003-2007, lao động trong công nghiệp chế biến (ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển hiện nay) trong khu vực nhà nước giảm 150.000 người; xây dựng giảm 128.000. Lao động trong các tập đoàn cũng giảm. (theo số liệu Tông cục Thống kê).
Chính vì đầu tư quá trớn, bơm tín dụng quá trớn, không biết cách xử lý tiền vốn từ nước ngoài đổ vào, mà lạm phát trở nên phi mã. Nhờ có việc cắt giảm đầu tư vừa qua, lạm phát mới dừng lại.

Theo tôi, để kích cầu hiệu quả cần tăng phụ cấp đặc biệt cho công nhân viên nhà nước (thí dụ trả lương 12 tháng cộng vài tháng lương thêm mang tính giai đoạn cho đến khi nền kinh tế trở lại bình thường). Tăng chi tiêu của công nhân viên nhà nước có thể sẽ tạo được lực đẩy cho sức cầu hàng trong nước.

Một vấn đề khác là cần xem xét lại giá trị đồng nội tệ. Nếu điều chỉnh tỷ giá phù hợp sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập khẩu. Xuất khẩu đã giảm qua từng tháng, từ cao điểm trên 6 tỷ USD xuống 5 tỷ USD vào cuối năm 2008 và sẽ còn tiếp tục xuống nếu không có biện pháp đồng bộ.

Có người lo sợ tái lạm phát, nhưng tôi thấy nếu như cân bằng được xuất và nhập khẩu thì điều này sẽ khó xảy ra, đặc biệt là trong tình hình hàng hóa thế giới khó tăng giá trong năm 2009. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, khó khăn, theo tôi, cần giải quyết sớm việc cắt giảm đầu tư của doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước và chuyển khối lượng vốn đầu tư này sang chi tiêu kích cầu đồng thời làm giảm thâm hụt ngân sách.

2. Bài của ông Đinh Xuân Quân (TS Kinh tế, Cố vấn của Bộ trưởng Nông nghiệp Liberia)

Nên đầu tư xây dựng hạ tầng


Về cung, cần nhắm vào các mục tiêu gây dựng nhiều công ăn việc làm, nhưng không dành cho doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp này, như doanh nghiệp ngành xi măng chẳng hạn, đang gặp nhiều khó khăn vì đầu tư không có hiệu quả.

Một việc có thể làm là tung ra các chương trình xây dựng hạ tầng dùng nhiều nhân công để giảm thất nghiệp. Các chương trình này phải được quản lý một cách chặt chẽ vì rất dễ xảy ra thất thoát.

Tại các nước đang phát triển tôi từng làm việc và hiện nay vẫn làm việc (tôi đang tham gia chương trình kích thích kinh tế nông thôn ở Liberia), Liên Hiệp Quốc đã thực hiện khá nhiều chương trình kích thích cung dưới hình thức tạo ra thêm công ăn việc làm. Nhưng quản lý là cả một vấn đề nhức đầu.

Về cầu, Việt Nam chưa có một chương trình thuế vụ để giúp người tiêu dùng như tại cá nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Vậy Việt Nam cần thực hiện các chương trình trực tiếp đến người tiêu dùng. Nhưng khu vực nào? Nông thôn hay thành thị?

Ở trên là những điểm khó cần gỡ trong chương trình kích thích cung và cầu nền kinh tế.

#

No comments: