06 June 2008

Kỹ thuật phỏng vấn báo chí

Gởi các bạn thêm bài về phỏng vấn. Phỏng vấn là kỹ thuật cơ bản nhất, cần thiết nhất nếu ta muốn "tư duy bằng chân". Mong nhận được ý kiến của các bạn về bài này.

Chúc các bạn học hành tiến bộ.


Để có bài phỏng vấn hiệu quả
Để có những cuộc phỏng vấn hiệu quả, nhà báo phải chuẩn bị một cách chu đáo và đặt những câu hỏi có thể giúp cho người được phỏng vấn trả lời một cách thoải mái. Các câu hỏi phải dẫn tới việc thu thập thông tin về một chủ đề mà nhà báo đã có trong đầu trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn. Nếu có chủ đề quan trọng xuất hiện trong quá trình phỏng vấn, nhà báo có thể phát triển thêm chủ đề đó.

Nhà báo thường thực hiện hai loại phỏng vấn:

Phỏng vấn để lấy tin: mục đích ở đây là thu thập thông tin nhằm giải thích một ý kiến, một sự kiện hoặc một tình huống tin tức.

Phỏng vấn để viết chân dung nhân vật: trọng tâm ở đây là một cá nhân nào đó; thời sự, nếu có, chỉ là cái cớ để viết chân dung.

Nhà báo ghi lại những gì người được phỏng vấn phát biểu, cách nói năng lẫn những gì người được phỏng vấn không nói ra. Nhà báo cần khuyến khích người được phỏng vấn thông qua cử chỉ, điệu bộ và biểu hiện của khuôn mặt để cuộc trao đổi không bị tắt tị.

Dẫn nhập
Hôm đó là ngày một viện nghiên cứu y học của TPHCM trở lại với tên cũ Viện Pasteur, và đồng thời khánh thành một khu xét nghiệm HIV. Trong số các quan khách nước ngoài có bác sĩ Luc Montagnier, người được xem là đã tìm ra virus gây bệnh Aids. Một phóng viên ghi nhận sự có mặt trên và đề nghị được phỏng vấn vị bác sĩ Pháp. Ông ta nhận lời, và sau buổi lễ chính thức, hai người ngồi lại với nhau.

Người phóng viên bắt đầu bằng một câu hỏi thẳng thừng: “Không biết vụ tranh chấp bản quyền khám phá virus gây bệnh HIV của ông với bác sĩ Mỹ.. tới đâu rồi?”

Bác sĩ Montagnier, thái độ khó chịu, nói: “Đây là một vấn đề hoàn toàn cá nhân. Tôi không muốn đề cập đến.”

Người phóng viên thử thêm lần nữa: “Nhưng mà đây là câu chuyện đang được nhiều người quan tâm, chúng tôi cũng rất muốn tìm hiểu.. .”

Vị bác sĩ: “Không ! Không ! Đừng có bàn đến chuyện đó nữa !”

Cuộc phỏng vấn tưởng chừng như đã bị cắt đứt. Người phỏng viên bèn lái cuộc phỏng vấn qua hướng khác: “Vậy thôi chúng ta hãy nói về cách phòng chống bệnh Aids vậy.”

Vị bác sĩ, thái độ hết khó chịu và hết căng thẳng, nói: “Như thế có phải được hơn không?”

Cuộc phỏng vấn thực sự bắt đầu và, cuối cùng, người phóng viên cũng kiếm được một bài xài được.

Câu chuyện trên nói lên điều gì ?

Nó cho thấy việc thực hiện một cuộc phỏng vấn không phải là đơn giản.

Nguyên tắc cơ bản về phỏng vấn

Để thực hiện một cuộc phỏng vấn, cần phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản:

Chuẩn bị một cách kỹ càng, làm quen với chủ đề bằng cách tìm thông tin nền càng nhiều càng tốt (người phóng viên trên có chuẩn bị đấy nhưng trên một chủ đề khác, may mà anh ta lanh trí biết tùy cơ ứng biến).

Tạo ra sự đồng cảm với nguồn tin để có được thông tin.

Đặt những câu hỏi thuộc thẩm quyền của nguồn tin và tạo hứng khởi cho nguồn tin trả lời.

Nghe và quan sát một cách chăm chú.

Vì rằng trong công việc hàng ngày, nhà báo phải luôn luôn hỏi han, nghe ngóng cho nên nắm vững kỹ thuật phỏng vấn là điều rất quan trọng. Bốn nguyên tắc nói ở trên tạo thành cái nền mà trên đó các cách thức kỹ thuật về phỏng vấn được hình thành. Nếu thiếu thông tin nền, chẳng hạn, nhà báo không thể đặt được những câu hỏi có thể cạy miệng nguồn tin.

Khi phân tích các mặt báo, chúng ta sẽ thấy rằng bài vở được hình thành từ ba nguồn: nguồn vật chất tức tư liệu; quan sát trực tiếp của nhà báo; phỏng vấn con người. Phần lớn các bài báo là sự phối hợp của hai hoặc ba nguồn trên.

Trong một cuộc phỏng vấn, cả hai phiá đều có một số mong đợi. Thường thì nhà báo mong người được phỏng vấn nói ra sự thật và và chịu trách nhiệm về những gì mình nói ra. Người được phỏng vấn lại giả định rằng nhà báo sẽ viết một cách đàng hoàng và trung thực. Cả hai đều thống nhất mà không cần nói ra rằng các câu hỏi và trả lời đều sòng phẳng và ít ra là phần trả lời được tường thuật đúng ý nghĩa.

Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ. Nguồn tin có thể ăn nói mơ hồ, bóp méo sự kiện và thậm chí nói dối khi tin rằng làm như vậy là có lợi cho mình. Nhà báo phải tỉnh táo và cảnh giác trước những người như thế. Trong chừng mực nào đó, một số nhà báo cũng ăn nói mơ hồ, bóp méo sự kiện và nói dối. Rất ít người chấp nhận hành vi này.

Ngoài ra, một số nguồn tin không muốn tiếp chuyện với các nhà báo kém cỏi hoặc muốn lợi dụng nguồn tin để mưu đồ riêng. Và cũng có nguồn tin lợi dụng nhà báo vì mục đích cá nhân. Bao giờ cũng phải tỉnh táo.

Thường thì có đến hơn 90 % nội dung tin tức đã được định sẵn và có địa chỉ, ít có loại tin bất ngờ, trừ phi đó là các tai nạn như rớt máy bay. Tại các buổi giao ban tin trong tòa soạn, các trưởng ban hoặc không có đủ trưởng ban thì phóng viên sẽ thông báo các tin mình định làm, và người chủ trì – thường là thư ký tòa soạn- cũng đưa ra những tin mà mình biết, và rồi hai bên bàn thảo và người chủ trì quyết định cái nào là tin ngắn, tin dài, cái nào thành bài lớn và giao cho trưởng ban (trong trường hợp tòa soạn có chức danh này) phân công lại cho phóng viên thực hiện.

Qui trình phỏng vấn

Mọi cuộc phỏng vấn do nhà báo nghiêm túc và có kinh nghiệm thực hiện thường đi theo một qui trình gồm ba giai đoạn:

- Nghiên cứu

- Sắp đặt cuộc phỏng vấn

- Thực hiện cuộc phỏng vấn: hỏi và đáp


A. Nghiên cứu

Chìa khóa dẫn đến một cuộc phỏng vấn thành công là thiết lập được quan hệ với nguồn tin. Muốn như vậy, người phóng viên phải “làm bài tại nhà” để khi đi phỏng vấn thì đã biết ít nhiều về quá khứ của nguồn tin và một số thông tin về chủ đề của bài báo. Các nguồn tin thường sẽ thoải mái và dễ mở miệng khi cảm thấy rằng họ đang nói chuyện với các phóng viên đủ trình độ và đủ thẩm quyền về nội dung của một chủ đề nào đó. Lắm khi, các nguồn tin cung cấp rất ít tin tức vì họ nghĩ rằng người phóng viên không đặt được những câu hỏi thông minh hoặc không hiểu biết gì về chủ đề.

a. Sử dụng tư liệu của tòa báo

Trong các tòa báo đều có một thư viện nhỏ, nơi người phóng viên có thể tìm đọc các tư liệu để chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn. Hầu như có thể tìm thấy nơi đây tất cả những gì mình cần.

b. Đi thư viện

Thư viện cũng là nơi người phóng viên có thể tìm thêm tư liệu

c. Hỏi đồng nghiệp

Nếu đã có các bài báo viết về nguồn tin trước rồi thì người phóng viên có thể trao đổi với người đồng nghiệp đã viết bài báo đó. Có thể đồng nghiệp sẽ cho biết sơ nét về nguồn tin chẳng hạn như nguồn tin là người khó tính hay là dễ chịu.

Một số nguồn tin có thể cũng là người viết văn. Nên đọc một số tác phẩm của họ vì mình có thể tìm thấy chính họ trong đó. Văn tức là người. Hơn nữa, không có gì thích bằng được người khác nói “Tôi đã đọc tác phẩm này của ông”. Những câu như thế sẽ làm cho nguồn tin trở nên dễ chịu. Nếu phoœng vấn nhà thơ kiêm nhà báo Đỗ Trung Quân thì ít nhất cũng đọc bài thơ Quê hương của ông.

Khi chuẩn bị phỏng vấn một nguồn tin chưa hề được phỏng vấn, mình nên tìm cách nói chuyện với nguời quen hay đồng nghiệp của nguồn tin trước. Tất cả những thông tin thu thập được qua các cuộc nói chuyện đó có thể làm cho tiến trình phỏng vấn trở nên dễ dàng hơn. Vì vậy đừng ngại ngùng gì mà không gọi điện để hỏi trước.


B. Sắp đặt cuộc phỏng vấn

Sau khi đã thực hiện các nghiên cứu ban đầu xong, là đến lúc phải sắp đặt cho cuộc phỏng vấn. Dưới đây là sáu bước nên đi theo:

a. Nếu giờ lên khuôn chưa tới gần lắm, thì nên gọi điện hay là viết thư gởi trước cho nguồn tin để đề nghị phỏng vấn

b. Cho biết mình là phóng viên, và của báo nào

c. Đề nghị thời điểm và nơi chốn thuận tiện cho người được phỏng vấn

d. Nói cho người được phỏng vấn biết một cách tổng quát về loại thông tin mình muốn có. Không cần cho biết cặn kẽ các câu hỏi, nhưng có thể báo cho nguồn tin rằng mình đang viết bài về chủ đề gì và muốn hỏi nguồn tin vài câu. Cũng nên cho nguồn tin biết là cuộc phỏng vấn sẽ kéo dài khoảng bao lâu

e. Ăn mặc phù hợp

f. Đúng hẹn


C. Thực hiện cuộc phỏng vấn: Câu hỏi và trả lời

Thường bạn nên soạn trước các câu hỏi ra giấy (dựa vào công đoạn nghiên cứu) để khỏi tắt tị sau khi hỏi được ba câu.

a. Đặt câu hỏi

Điều thuận lợi cho nhà báo là thông thường con người nói chung đều thích nói, nói thoải mái nếu mình biết cách cậy miệng họ ngay từ lúc gặp mặt. Nhưng, lúc đầu, bạn cần đặt câu hỏi ít có giá trị thông tin để phá vỡ khoảng cách với người được phỏng vấn. Những câu hỏi dẫn chuyện này cũng phải được chọn lọc một cách cẩn thận.

b. Câu hỏi trực tiếp

Ví dụ như một tai nạn chết người. Phóng viên tự động biết là mình phải tìm ra ai chết và chết như thế nào, ở đâu…

c. Câu hỏi mở và câu hỏi đóng


Câu hỏi mở không đòi hỏi một câu trả lời chính xác, rõ ràng. Trong khi đó câu hỏi đóng phải được trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm.. Chẳng hạn ngân sách thành phố có khó khăn. Phóng viên có thể hỏi Giám đốc Sở Tài chính rằng bà nghĩ gì về tình hình tài chính chung của thành phố. Đó là một câu hỏi mở. Và phóng viên có thể đặt tiếp một câu hỏi đóng : “ Thành phố cần tăng thuế không?”

Cả hai loại câu hỏi đều có giá trị nếu bạn biết sử dụng thích hợp. Nhưng đối với một vài nguồn tin, câu hỏi mở là dấu hiệu của một phóng viên thiếu chuẩn bị. Những phóng viên đi tay không thường đặt những câu hỏi mở vô duyên đại loại như : “Anh cảm thấy thế nào về cuộc đua xe đạp hôm nay?” Loại câu này giờ xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên các đài truyền hình.

Thực hiện một cuộc phỏng vấn không hề là chuyện là đơn giản như một số nhà báo lầm tưởng. Phỏng vấn tốt sẽ cho ra bài báo hay vì phỏng vấn có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về con người lẫn sự kiện.

Chắc hẳn sẽ còn nhiều vấn đề đáng bàn về phỏng vấn.

Ngọc Trân
-----

22 comments:

Anonymous said...

Em còn nhớ trong cuốn Nhà báo hiện đại, phần phỏng vấn có đưa ra câu chuyện:

Một tu sĩ trẻ bị khiển trách nặng nề khi hỏi bề trên rằng liệu anh ta có thể hút thuốc lá trong khi cầu nguyện hay không? câu hỏi gợi ý hay nhất đó là tu sĩ ấy nên đặt câu hỏi: liệu ta có được cầu nguyện khi đang hút thuốc không?

Đây là một kinh nghiệm chia sẻ mà em rất tâm đắc, vì cũng là một vấn đề cần hỏi nhưng cách sắp đặt và "kỹ năng" hỏi cũng khiến cho người hỏi thành công và thể hiện được đẳng cấp của người hỏi...

Tuy nhiên ở đây, em có một thắc mắc. Đó là, khi chúng ta đã chuẩn bị một vấn đề rất kỹ để hỏi, tuy nhiên. Khi phỏng vân có những vấn đề khác nảy sinh, nhiều khi lại đi ra ngoài kịch bản mà chúng ta định trước, việc đặt cây hỏi sẽ gặp một số khó khăn. vì lúc đó ta không muốn bỏ qua một vấn đề gì? Vậy, sẽ phải làm sao với những trường hợp như vậy...

Theo quan điểm của em, một câu hỏi đóng sẽ là loại câu hỏi hay và tiết kiệm thời gian, nhưng câu hỏi đóng này sẽ tự mở ra cho người trả lời vì họ cần giải thích rõ hơn. Tuy nhiên để hỏi câu hỏi đóng đắt giá, người đi phỏng vấn phải là một người nắm thông tin,đầy đủ, kịp thời, chính xác và hỏi những cây đại diện cho chính bạn đọc quan tâm hỏi chứ không phải vì mình thích mà hỏi như vậy hay mình hiểu nhiều mình sẽ hỏi nhiều. Đôi khi cách phỏng vấn chỉ là một chiêu bài đặt vào miệng một người nào đó một cây thực sự là ý của mình nhưng ta lại cần họ phát ngôn.

Pham Trung said...

Thưa Thầy,

sáng thứ 7 uống cafe, lướt web và học được thêm 1 bài học hết sức cần thiết nữa cho em từ blog của Thầy.

Cám ơn Thầy rất nhiều về bài " Kỹ thuật phỏng vấn ". em phải ghi lại bài này vao sổ tay gối đầu giường của em.

Kính chúc Thầy ngày cuối tuần vui vẻ.

Pham Trung

Anonymous said...

Em xin tóm tắt bài ạ:
Phỏng vấn không phải là đơn giản.
Phải dựa trên các nguyên tắc:
- Chuẩn bị một cách kỹ càng, làm quen với chủ đề bằng cách tìm thông tin nền càng nhiều càng tốt.
- Tạo ra sự đồng cảm với nguồn tin để có được thông tin.

- Đặt những câu hỏi thuộc thẩm quyền của nguồn tin và tạo hứng khởi cho nguồn tin trả lời.

- Nghe và quan sát một cách chăm chú.

Cần phải xác minh lại thông tin mà nguồn tin cung cấp.

Thưa thầy, em rất băn khoăn giữa câu hỏi đóng và câu hỏi mở. Nếu ta sử dụng câu hỏi mở sẽ moi được nhiều thông tin hơn, còn ngược lại, chỉ để củng cố những gì ta đã biết, có khi thừa vì điều đó ta biết chính xác rồi. Nhưng trong bài viết có đoạn thầy ghi :" đối với một vài nguồn tin, câu hỏi mở là dấu hiệu của một phóng viên thiếu chuẩn bị". Vậy theo thầy khi phỏng vấn nên sử dụng câu hỏi nào là tốt nhất?
Một thắc mắc nữa, hiện nay có rất nhiều báo,vì vậy ta có rất nhiều bài phỏng vấn khác nhau. Một nhân vật đôi khi được khai thác hơn chục lần, dẫn đến nhân vật chán nản nhà báo và thiếu thông tin mới để cung cấp. Khi gặp trường hợp này, dĩ nhiên ta nên viết theo một khía cạnh mới, đặt câu hỏi hay. Nhưng câu hỏi hay thì rất khó, thầy có thể hướng dẫn em cách để tìm câu hỏi hay không ạ?
- Cuối cùng, em có một điều thắc mắc hơi tế nhị. Khi mời nhân vật đi coffee, nhà báo trả tiền hay nhân vật trả tiền ạ? Theo kinh nghiệm "được" phỏng vấn của em. Một lần em không được nhà báo cho uống nước. Còn một lần khác em có việc về trước nên nhà báo trả. Hơi áy náy. Thế nào thầy nhỉ?
Phương Anh

Gatebeepers said...

Cảm ơn em (em hãy cho biết tên).

Đúng là khi phỏng vấn có thể có vấn đề nảy sinh. Lúc đó, ta bám theo để hỏi về những vấn đề đó (và phải lanh trí). Nhưng rồi cũng cần quay lại với những câu hỏi ta đã chuẩn bị. Bởi đó mới là nội dung chính của bài báo.

Không bao giờ đi tay không. Bao giờ cũng chuẩn bị câu hỏi; chừng 10 câu đến 15 câu, tùy vấn đề.

Nhờ có chuẩn bị, ta sẽ có thông tin đủ để viết một bài tương đối đọc được.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Phương Anh đã đặt câu hỏi rất hay:

Trả lời:

Cần phối hợp giữa câu hỏi mở và đóng. Đúng là khi ta dùng câu hỏi mở, nguồn tin có thể cho rằng ta thiếu chuẩn bị.

Thườg khi phỏng vấn, hãy bắt đầu bằng chuyện trời trăng mây mước, nếu có thời giờ, để gây sự thoải mái. Không có thời giờ thì hãy vào chuyện bằng câu hỏi đóng.

Muốn có câu hỏi hay, ta phải chuẩn bị. Chuẩn bị và chuẩn bị. Nghĩ ra 30 câu, lấy 10 câu, Tức phải động não dữ lắm. Và để động não, cần đọc thật nhiều về vấn đề mình định hỏi. Đọc cả những bài phỏng vấn của người khác làm về vấn đề đó, và xem họ có hỏi sót gì không. Và mình sẽ đặt thêm câu hỏi chỗ họ bỏ sót.

Đúng là có nhiều người luôn được phỏng vấn. Nhưng nếu ta chuẩn bị câu hỏi hay thì bài vẫn hay. Ngoài ra, ta có thể tìm thêm nguồn tin khác.

Về cà phê, có lẽ không nên câu nệ quá, ai trả cũng được.

Anonymous said...

Em chào Thầy!

Những kinh nghiệm mà thầy đúc kết trong bày này thật rất xác thực cho những ai chập chững bước vào nghề, cho những ai lúng túng khi làm nghề. Chiếc chìa khóa có được khi tác nghiệp chính là:

- Nghiên cứu

- Sắp đặt cuộc phỏng vấn

- Thực hiện cuộc phỏng vấn: hỏi và đáp

Đối với em bài giảng này rất cần thiết trong suốt quá trình làm nghề của mình.


Châu Nguyễn (Lớp PL, SGTT)

Anonymous said...

Thầy Trân mến!

Chào thầy em là Linh Giang, em vừa đọc qua một phần blog của thầy. Do blog của thầy nhiều ví dụ hơn là nói cụ thể về một đặc điểm cụ thể nào đó nên đọc gây loãng thông tin cho em khó tập trung. Em nghĩ thực tế của người này chưa hẳn là của tất cả mọi người hoặc sẽ lập lại ở một ng ười khác, nó chỉ là của cá nhân. Em đồng ý là có thế học được những kinh nghiệm từ đó. Nhưng em cũng muốn hiểu sâu hơn để có sự vận dụng riêng, cách tìm kiếm riêng của bản thân mình.

Qua cách thầy nói về cách săn tin, kỹ thuật viết tin v..v…Em thử rút gọn lý thuyết theo cách hiểu của mình, mong thầy thêm-bớt cho em khi có sai sót.

- Săn tin là đi, tìm hiểu và tìm kiếm→ đòi hỏi sự nhạy bén của người báo, phải biết tư duy và có kiến thức.

- Về Kỹ thuật viết tin: viết theo hình tháp ngược, theo công thức đưa phần quan trọng nhất của tin hay còn gọi là phần khởi lên đầu.

Các phần còn lại chủ yếu là diễn giải, trả lời cho 5W.

Phải chọn thông tin chính, giới hạn đề tài, trong tin hạn chế hoặc không sữ dụng tính từ.

Ở đây thầy có nói đến tầm quan trọng của bạn đọc. Vậy cho em hỏi “thế nào là một sự kiện được người đọc quan tâm.” Những gì có ảnh hưởng hoặc liên quan đến quyền lợi của bạn đọc thì bạn đọc quan tâm phải không? nếu vậy những cái tin toà an, tin trộm cướp v.v.. bạn đọc có quan tâm không? Hay chỉ đọc theo cảm giác tò mò?.

Yêu cầu và đặc điểm của một bản tin gồm hai yếu tố sự chính xác và kịp thời là đủ chưa? nếu không còn đòi hỏi điều gì? Em muốn biết yêu cầu và đặc điểm của một bản tin?

Em xin được trao đ ổi với thầy một số vấn đề trên. Hi vọng nhận được sự giúp đỡ của thầy. lần sau em sẽ trao đổi với thầy những vấn đề tiếp theo.

Chào thầy và chúc thầy khoẻ!

Em Linh Giang (Lớp PL, SGTT)

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Linh Giang.

Trả lời:

Tin tòa án, trộm cướp là loại tin gây tò mò nhiều.

Về quan tâm, có thể chia thành hai loại :

Quan tâm do liên quan (cơm áo gạo tiền, học hành, đi lại, vui chơi, ..Thường có tính hữu ích cao)

Quan tâm tự nhiên (trộm cướp, tin thế giới,...)


Phải có thông tin "độc", ngoài việc phải đưa tin chính xác, kịp thời.

Và đừng quên: viết nghiêm chỉnh, trước hết là đúng cấu trúc, đúng tiếng Việt, không chép văn bản.

Về bài vở nói chung, tất cả các em đều được học trong lớp. Và tại blog này.

Anonymous said...

Để nhận biết được nguồn tin trả lời có trung thực và có bóp méo sự kiện hay không, còn dựa vào kinh nghiệm của người phỏng vấn rất nhiều.
Phỏng vấn không đơn giản chút nào. Để đặt được câu hỏi thông minh cũng vậy. Thầy chỉ cho em bí quyết để đặt được những câu hỏi thông minh đi thầy.
Kiều Diễm

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Diễm

Trả lời: Nếu em cần cù, chịu làm thì cũng sẽ có bài đọc được. Và tiếp tục làm hoài thì đến lúc nào đó cũng sẽ có bài hay.

Không giúp em thông minh được, bởi "thông minh vốn sẵn tư trời..." (Truyện Kiều)

Chúc em thành công.

Anonymous said...

Thầy ơi cho em hỏi, nếu nguồn tin vì sợ trách nhiệm hoặc vì lý do nào đó mà lên tiếng phủ nhận những thông tin đã cung cấp cho phóng viên, mà đó là những thông tin thật sự quan trọng, thì phóng viên phải làm sao ạ? (trong trường hợp phóng viên không đem theo máy ghi âm, mà chỉ ghi chép)
Em cảm ơn thầy!
Công Nghiệp TCBCK08

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Nghiệp đã hỏi rất hay.

Trả lời: Chịu thôi! Đó là tai nạn nghề nghiệp. Có phóng viên kỷ luật, mất việc , thậm chí hơn thế nữa vì loại nguồn tin này.

Unknown said...

Chào thầy Ngọc Trân!
Em da coi bai huong dan cach viet bai tran thuat cua thay. Qua bai nay, thay da gioi thieu nhieu cach viet ma e rat thich. Dac biet voi cach dung thuat dong ho cat de du doc gia!
Nhung e co mot ban khoan la voi bai tuong thuat thuong kha dai, doc gia thuong mat nhieu thoi gian de doc. Nhung co ve thay khong nhan manh cach viet tran thuat theo kieu cau truc hinh thap nguoc nhu cau truc bai tin. Trong khi mot bai tin chi khoang 150 chu ta da so ko du duoc doc gia doc het neu khong biet ket qua va hap dap dan ngay tu dau bai tin. trong khi bai tran thuat dai hang ngan chu?Lieu dieu nay co mau thuan ko a?
Cam on va chuc thay luon khoe, vui voi cong viec cua mot nha lam bao!

Ngọc Khản, to 06, lop dao tao PV bao PL.TPHCM.

Anonymous said...

Thưa Thầy!
Phỏng vấn là một cuộc trao đổi giữa 2 người có thể mới quen hoặc chưa quen.Cho nên việc nắm bắt được trạng thái tâm lý của người được pv có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của cuộc phỏng vấn.Vậy mình sẽ làm cách nào để nắm bắt được nhanh trạng thái tâm lý cuả họ ạ?.
Và thưa Thầy,khi PV xong rồi thì có nên đưa cho họ đọc lại hay ko? Và nếu có thì trong trường hợp nào ạ?
Em là Lê Châu Tuấn. Tổ 06 - lớp ĐTPV PLSGTT 2008.

Gatebeepers said...

Xem trã lời tại trang liên quan thuật kể chuyện (3)

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Tuấn.

Về nắm bắt trạng thái tâm lý thì làm riết rồi quen. Nhưng có lẽ điều cần nhất là ta lịch sự, tôn trọng họ; ta cũng cần chuẩn bị trước câu hỏi.

Khi họ yêu cầu thì ta đưa lại cho đọc. Đừng gợi ý (kiểu "tôi sẽ cho ông, bà xem lại", ....

sonca442010 said...

Kính chào thầy!
Em đã xem trang bài giảng trên blog của thầy. Thầy viết rất dễ hiểu. Trang blog của Thầy rất đầy đủ nội dung và đẹp. Em tâm đắc nhất là trang viết về kỹ thuật Phỏng Vấn. Tài liệu này của Thầy giúp em rất nhiều trong thực hành. Em cảm ơn Thầy! Em chúc Thầy cùng gia đình luôn vui,khoẻ, hạnh phúc.

Em gửi bài phỏng vấn cho thầy rồi nhưng chưa thấy thầy hồi âm. Nếu Thầy nhận được rồi thầy góp ý cho em nhé.
Em là: Cao Thị Ca. MSSV: BBĐ 001.
Lớp: Báo chí Tại chức Bình Định - Trung Tâm GDTX Bình Định.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em. Sau khi từ Qui Nhơn về thầy cưa xem được bài của các em. Sẽ xem trong nay mai.

LanThuvov said...

Em chào thầy a.
Em rất thích bài Kỹ thuật phỏng vấn của thầy, vừa hôm qua cơ quan em tổ chức Hội thảo nhỏ bàn về " Phỏng vấn phát thanh - dễ hay khó" nhưng rút cuộc chẳng có lời kết luận nào cả,chỉ nói chung chung rằng người pv thực hiện cuộc PV cần phải có kiến thức sâu rộng mà không hề hướng dẫn các phóng viên mới vào nghề cách phỏng vấn thế nào để có thông tin(màcó phải ai cũng có kiến thức sâu rộng đâu, phải không thầy). Em rất tâm đắc với bài viết này của thầy vì làm báo nói như em thì phỏng vấn để lấy tin viết bài là điều hết sức cần thiết. Hôm nay đọc bài của thầy em thấy những lần hẹn phỏng vấn và sự chuẩn bị để phỏng vấn của em được thực hiện gần đúng "sách" của thầy. Em sẽ in bài này ra để làm cẩm nang làm báo của mình thầy nhé. Chúc thầy luôn khỏe ạ!

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Thu Lan. Chúc em thăng tiến trong công việc.

Trường Huy said...

Em chào thầy,
Gởi thầy link youtube đoạn clip những ngày lớp Báo chí Nha Trang học môn Phỏng vấn do thầy giảng dạy. Kính chúc thầy thật nhiều sức khỏe và công tác tốt!
Link: http://www.youtube.com/watch?v=qO8QoxpQmOk
Trường Huy (Lớp Báo chí Nha Trang)

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Huy.