31 May 2008

Đọc báo và sách

Theo yêu cầu của một số bạn, tôi gởi thêm bài mới. Chúc tất cả vui.

Đề nghị các bạn đang học với tôi ở lớp báo chí Pháp Luật, Sàigòn Tiếp thị tham gia đóng góp ý kiến (có thể gởi qua thư điện tử, nếu không nhận xét ngay tại blog này được).

Đọc báo và sách

Nghiên cứu văn mẫu để viết theo không có gì xấu, “cọp dê” một đoạn văn, một trang viết của ai đó mới xấu.

Nếu là nhà báo, chắc bạn sẽ đọc tạp chí Nghề báo và các sách viết về báo chí như cuốn “Phóng sự - Từ giảng đường đến trang viết” của Huỳnh Dũng Nhân. Còn nếu bạn là người làm ăn, hẳn sẽ không bỏ qua các tài liệu giới thiệu kỹ thuật kinh doanh và Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Sách báo chuyên ngành thường cung cấp thông tin sâu về một ngành nghề. Không chỉ có thế. Chúng có thể giúp bạn nghiên cứu cả cách thức các cây bút chuyên nghiệp hay dùng để chuyển những thuật ngữ, khái niệm phức tạp thành loại ngôn ngữ tương đối dễ đọc.

Và nói ra e thừa, nhưng cứ vẫn phải nói: bạn cần đọc tạp chí và nhật báo thời sự tổng quát. Ngoài việc thông tin nhanh, giúp thích ứng với cuộc sống, các phương tiện truyền thông này còn hỗ trợ bạn trong viết lách. Nếu bạn biết “tìm vàng”. Báo ngày luôn để lọt lỗi ngữ pháp, dấu câu, chính tả; câu cú của nhiều bài lắm khi khá lộn xộn, chứ không được chỉnh như tạp chí kiểu Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tuy nhiên, thường mỗi số báo vẫn có một vài bài không sai tiếng Việt. Thậm chí khá hay.

Vậy bạn có thể trau dồi viết lách hằng ngày với nhật báo. Đặc biệt, nhờ báo ngày, bạn sẽ học được cách viết thẳng vào vấn đề - “chuyện chi nói lẹ ra đi” - rất cần thiết trong thời đại mọi thứ đều gấp gáp như hiện nay. Bạn cũng sẽ tìm thêm được đề tài, ý tưởng. Rồi hiểu được cách gom gọn các thông tin, nhiều khi chỉ vào trong có một câu ngắn. Và lối viết trong sáng, giản dị, dễ hiểu của một số phóng viên. Cách họ khéo léo trích dẫn lời người khác, sử dụng tài liệu, quan sát, v.v. giúp người đọc hiểu rõ vấn đề.

Đương nhiên, dẫu làm nghề gì đi chăng nữa, bạn vẫn cần đọc sách đủ loại - từ văn học cho đến …truyện trinh thám. Ông Nguyễn Văn Hà, quyền trưởng bộ môn báo chí - Đại học KHXH&NV TPHCM, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Áo Trắng, cho rằng “những người đọc nhiều, đọc có chủ đích luôn tham gia vào công việc viết lách dễ dàng hơn, cho dù đó là viết văn, làm báo, hay viết các văn bản hành chính, viết quảng cáo, ...”

Nếu đọc sách trinh thám, hành động, bạn có thể sẽ học được các thủ thuật nhà văn đã dùng để gợi sự hiếu kỳ nơi người đọc. Bạn có thể học được phương pháp xây dựng cốt truyện, dẫn dắt người đọc đến cao trào. Bạn còn nghiên cứu được cách dàn dựng sự kiện, nhân vật hoặc miêu tả nơi chốn một cách cô đọng. Hai trong số các bậc thầy hiện đại của loại văn này này là John Grisham (Mỹ), mà nhiều tác phẩm đã được dịch ra tiếng Việt, và Paul Sulitzer (Pháp).

Và bạn không nên bỏ qua các tác phẩm văn chương kinh điển, trong đó có tiểu thuyết của Balzac, Flaubert, Dickens, Mark Twain và truyện ngắn của Maupassant, Chekhov (hầu hết đều đã được dịch ra tiếng Việt). Bạn sẽ thấy, thời trước, các văn sĩ dụng ngôn tinh tế như thế nào nhằm truyền đến người đọc cảm xúc của họ. Và cả việc họ sử dụng từ ngữ khéo léo như thế nào để gây tiếng cười, tạo tiếng khóc.

Cũng nên đọc và “nghe” trong đầu. Nghe âm thanh của từ ngữ, giai điệu do chúng tạo nên. Và ghi nhận cách dùng dấu câu, ngắt câu cùng sự tiếp nối tự nhiên của thông tin.

Không biết bạn còn nhớ bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh? Nếu không, mời bạn đọc lại một đoạn trích để nghe và ghi nhận:

“Hằng năm cứ vào cuối Thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.

Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.

Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi lên giấy, vì hồi ấy tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.

Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương Thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”.

Ngọc Trân

25 comments:

ongdo said...

Thầy ơi!Sau bài học viết tin em thấy ở mỗi báo có cách viết tin riêng của mình không khuôn phép như thầy dạy.Em học theo cách viết của thầy sau này ra trường các báo sẽ không nhận tụi em vì là cách viết của em không hợp với tờ báo của họ mà chỉ phù hợp với ý của thầy thôi.Như vậy sau này đi viết tụi em sẽ gặp nhiều khó khăn để viết viết phù hợp với tòa soạn.Em nghĩ ko nên viết tin phải khuôn mẫu như Thầy vậy, mà còn nhiều cách viết cũng hay ko kém mà vẫn đảm bảo đầy đủ nội dung.Xin thầy cho em ý kiến ạ!!

Gatebeepers said...

Cảm ơn em ongdo (tên thật em là gi?). Trả lời:

Có lẽ em nên đọc kỹ trang tin các báo. Em sẽ thấy rằng có một số phóng viên viết theo kiểu thầy hướng dẫn.

Và em cho biết có tờ báo nào không nhận người viết theo cách thầy hướng dẫn thì cho biết.

Dưới đây là ý kiến của một sinh viên (đã viết báo):

Em cũng thấy thực tiễn giúp ta nhiều hơn, và học với người có nghề như thầy mau tiến bộ. Mặc dù thầy chỉ dạy một kiểu tin duy nhất nhưng đáng đồng tiền bát gạo. Còn hơn em học mấy tháng trời không viết được một cái tin cho đàng hoàng.Cảm ơn thầy lắm lắm ạ,hihi ...

Em tên là Phương Anh ạ, em cứ hay quên ghi tên.

Canh me blog thầy hoài mà không thấy bài mới. Buồn 5 phút.

Anonymous said...

Bạn có thể trau dồi viết lách hằng ngày với nhật báo. Đặc biệt, nhờ báo ngày, bạn sẽ học được cách viết thẳng vào vấn đề - “chuyện chi nói lẹ ra đi” - rất cần thiết trong thời đại mọi thứ đều gấp gáp như hiện nay. Bạn cũng sẽ tìm thêm được đề tài, ý tưởng. Rồi hiểu được cách gom gọn các thông tin, nhiều khi chỉ vào trong có một câu ngắn. Và lối viết trong sáng, giản dị, dễ hiểu của một số phóng viên. Cách họ khéo léo trích dẫn lời người khác, sử dụng tài liệu, quan sát, v.v. giúp người đọc hiểu rõ vấn đề.


Đọc. Đọc thật nhiều vào. Đọc các tài liệu lưu trữ. Đọc cả những tờ báo ngoại tỉnh. Không ai giữ bản quyền ý tưởng cả. Hãy nhặt các ý tưởng hay của các tờ báo khác, kể cả báo cạnh tranh. Có ý nào có thể cập nhật, khai thác lại thành bài khác? Có người nào trong bài của báo khác có thể trở thành đề tài của một bài chân dung? Cũng đừng bỏ qua mục quảng cáo; thỉnh thoảng bạn có thể tìm thấy các thông tin lạ trong đó.


Qua học thầy một số buổi ngắn ngủi về viết tin , cũng như đọc trang blogspot của thầy

Em thấy có hai điều tâm đắc nhất :

• Viết các tin hay viết các phóng sự báo nên học cách viết thẳng vào vấn đề là rất cần thiết thời đại hiện nay ( bạn sẽ học được cách viết thẳng vào vấn đề - “chuyện chi nói lẹ ra đi” - rất cần thiết trong thời đại mọi thứ đều gấp gáp như hiện nay )

• Hãy nhặt các ý tưởng hay bằng cách đọc thật nhiều vào , qua các tài liệu lưu trữ các tờ báo khác .v.v. Cập nhật các ý để khai thác thành bài “ Hãy nhặt các ý tưởng hay của các tờ báo khác, kể cả báo cạnh tranh. Có ý nào có thể cập nhật, khai thác lại thành bài khác? ”


PHẠM XUÂN HIẾU
Tổ :7
Lớp : K08 Báo chí & Truyền thông
Trường Đại học KHXNV

Anonymous said...

Kính gửi: thầy Ngọc Trân


Em rất thú vị và bổ ích về những điều mà em đã đọc được từ glog của thầy. Thú thật với thầy em đã có mấy năm làm CTV của một số báo, đài, trong đó có báo PL TP HCM. Em viết khá đều tay, nhiều bài được đăng,nhưng em gặp khó khăn trong việc triển khai phần tóm tắt. Em đến với nghiệp viết báo bởi sự háo hức và mong muốn tiếp cận nhiêu thông tin.

Tốt nghiệp đại học KHXH &NV TP HCM em làm một công việc chẳng có dính dáng gì đến báo, đài, nhưng vì mê nghề viết nên có thời gian là em lao vào viết nên dần dần cũng quen tay. Cái hạn chế nhất của em là tổ chức bố cục bài báo và điều đó hai tuần nay em đã học được từ thầy.

Em tin rằng sau khoá học này tay viết của em sẽ khá hơn.


Em tâm đắc phần “ý tưởng dề tài”

Ở phần này em vẫn gặp vướng nên những cách tư duy mà thầy chỉ ra đã làm em sáng ra nhiều vấn đề, trong đó cách duy theo kiểu truyền thống em vẫn thực hiện nhưng đôi khi vẫn gặp nhiều khó khăn.

Trước hết em là CTV nên cơ hội thâm nhập thông tin vẫn còn nhiều hạn chế.

Cơ hội trao đổi với bạn đồng nghiệp làm báo hạn chế.

Cách em vẫn thường thực hiện là đọc từ báo chí, internet.


Học viên: Nguyễn Phong Điền
Tổ 4-Nhóm 3
Lớp: Đào tạo PV Báo PL TP HCM & SGTT

Anonymous said...

Chào bạn ONGDO!
Ban khg phải lo lắng nếu sau này bạn cộng tác viết tin cho các báo theo công thức Hình tháp ngược mà không được đăng tin. Nếu như bạn có phát hiện ra cách viết nào hay hơn thì hãy cùng chia sẽ cho lớp chúng ta tham khảo! Minh thấy rằng hiện nay các báo vẫn viết tin theo kiểu Hình tháp ngược đấy bạn ạ!
Lúc Thầy đưa bài trên BLog có đoạn Thầy nói rẳng: "..Cứ 2 hoặc 3 câu thì xuống dòng..." Khi đó mình khg thể hiểu được, viết như thế có lọt chọt hay không, người đọc có thấy khó chịu hay khg? nhưng sau đó mình tìm đọc các báo nước ngoài lẫn các báo trong nước mà chủ đầu tư là người nước ngoài và kể cả báo điện tử BBC thì mình nhận ra tính hữu ích trong bài giãngmà Thầy đưa lên Blog cho ta.
Em xin Cám ơn Thầy ạ!
Chúc bạn ONGDO thành công với cách viết mà Thầy đã dạy.

Anonymous said...

Thế là chúng em đã kết thúc môn Viết tin của Thầy.
Sau khi kết thúc môn học, có thể trong số chúng em sẽ có nhiều bạn viết tin khá hơn ở nơi mà họ cộng tác, và cũng sẽ còn những bạn chưa quen với cách viết tin hình tháp ngược.
Em ấn tượng nhất câu của Thầy trong bài giãng "CHUYỆN CHI NÓI ĐẠI RA ĐI".
Em rất cám ơn Thầy đã bồi dưỡng cho chúng em kiến thức rất cụ thể trong viết tin.
Em tin rằng rồi đây chúng em sẽ nhanh chóng ứng dụng vào thực tế trong mỗi tin bài.
Em kính chuc Thầy luôn vui khoẻ để đào tạo thêm nhiều học trò tương lai.
Em Nguyễn Thị Lan Phương

Gatebeepers said...

Cảm ơn em.

Nhưng em cho biết tên.

Anonymous said...

Thua Thầy em xin lỗi vì đã "lợi dụng" blog của Thầy để trao đổi với các bạn Bloger. Xin Thầy thông cảm và bỏ qua cho em nhé!
em là Nguyễn Thị Lan Phương Lớp BCTC K08.
Em thấy trên Blog hôm nay có sự xuất hiện các BlOGER lạ đến từ lớp Đào tạo PV Báo PL TP HCM & SGTT! Phương pháp học của Lớp này có gì khác biết với lớp BCTC k08 khong Thầy, chung em có thể "học ké" lớp này khg? em thích được nghe Thầy " phê bình" hơn là sau này bị "Sếp" không nói gì cả mà chỉ vò giấy tin bài của PV thực tập và vứt vào sọt rac1 vì thế em thà rằng hôm nay được nghe Thầy "la" trên lớp còn hơn bị rơi vào tình huống "thê thảm" như vậy!
Hihihi
Em Kính chúc Thầy ngày nghĩ cuối tuần vui vẽ
em Nguyễn Thị Lan Phương Lớp BCTC K08.

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Lan Phương.

Trao đổi với nhau là tốt. Đó là việc làm lành mạnh và cần thiết.

Lớp PL và SGTT dành cho các học viên đã qua kỳ sơ tuyển của 2 báo này. Thầy cũng hướng dẫn giống y như hướng dẫn các em trong trường.

Nhưng họ học nhiều hơn; sẽ còn học với thầy cách viết bài tường thuật, ghi nhanh, phản ánh.

Anonymous said...

Em ganh tị quá, em chỉ được học với thầy môn viết tin. Ước gì có cơ hội học trực tiếp với thầy nữa ( mặc dù có lần em đi trễ thầy không cho vào lớp ^^ ). Thầy ơi, hôm qua em mới thi xong ạ. Em chọn ý gấp rút hoàn thành cầu thủ thiêm, không biết đã đúng trọng tâm chưa?
Còn một điều nữa, em đọc Thanh Niên và Tuổi trẻ, rất dễ nhận ra có nhiều tin viết theo dạng của thầy. Không lo đâu bạn ông đồ ơi...
Phương Anh

Anonymous said...

Lê Chí Lộc:

Nhà báo còn phải dùng từ ngữ chính xác, viết một cách đơn giản, gọn gàng và trực tiếp nếu muốn thông tin của mình đi thẳng vào tâm trí bạn đọc. Luôn luôn phải viết rõ ràng và dễ hiểu đối với bạn đọc. Đừng nghĩ chuyện bạn hiểu thì người đọc cũng hiểu. Có nghĩa là bạn phải làm nổi bật thông điệp chính của bài báo, sử dụng câu cú liền lạc, đúng ngữ pháp, sử dụng ngôn từ giản dị.

Phải chọn cách nhìn sự kiện. Nếu chúng ta đi lạc, bạn đọc sẽ lạc theophải chọn cách nhìn sự kiện. Nếu chúng ta đi lạc, bạn đọc sẽ lạc theo. Hơn nữa, không nên hỏi và ghi chép tràn lan; nhà báo là người chắt lọc, tìm những chi tiết có ý nghĩa.

Anh ta viết để giúp bạn đọc biết những gì xảy ra xung quanh, những gì độc gỉa của anh ta quan tâm.Truyền đạt ý tưởng hoặc thông tin mới là mục đích


Câu cú của nhà báo phải ngắn gọn và mỗi câu chỉ chứa một ý. Và thường trong loại tin trên báo ngày, cứ một hoặc hai câu lại xuống hàng một lần.Các bạn cũng nên dùng các động từ mạnh.tránh dùng tính từ, và viết tắt, viết tiếng nước ngoài.

viết xong toàn bản tin, bạn phải đọc lại, tự sửa chữa, tự rút ngắn, bổ sung thông tin nếu thấy cần.

Viết đúng chính tả, viết đúng tên họ người trong bài, là viết trên khác,
giữa bài khác, cuối bài khác.

Tin hình tháp ngược


Cách viết tin hiện đại là viết ngắn, đi thẳng vào vấn đề, không rề rà,
đưa ra kết luận trước, rồi vạch con đường dẫn tới kết luận đó cùng lý do tại sao mình kết luận như vậy.
Phần khởi, tức đoạn mở bài, sẽ quyết định bố cục của bài tin. Nên dẫn nguồn ngay từ phần khởi
Vai trò của con người trong các bài báo hoặc ảnh hưởng của bài báo đối với cuộc sống của con người.
Nên áp dụng nguyên tắc « show, don’t tell ». Không dùng tính từ và trạng từ nhiều. Nhưng điều đó không có nghĩa là bài không có hình ảnh.

Gatebeepers said...

Trả lời em Phương Anh:

Có ý chính (theo góc nhìn của mình) là được.

Em học giỏi, hiểu bài giảng nên hẳn đã làm rất tốt bài thi rồi.

Thầy ao ước có được nhiều sinh viên, học viên giống như em.

Anonymous said...

Em nghĩ rằng việc đọc sách báo nhiều là rất tốt và sẽ giúp ích nhiều cho người cầm bút. Đọc nhiều để có thêm kiến thức và dần dần tích lũy kinh nghiệm. Vốn từ sẽ được mở rộng, khả năng sử dụng câu sẹ linh hoạt hơn...

Đáng tiếc là tuổi trẻ như bọn em ngày càng lười đọc. Cho nên khả năng viết so với các thế hệ đi trước như thầy lúc còn ở tuổi như tụi em bây giờ là kém xa.

Bây giờ em cảm thấy bắt đầu hối hận vì trước đây đã không chịu khó đọc nhiều sách rồi. Cảm ơn thầy đã cho tụi em những lời khuyên bổ ích.

Chúc thầy sức khỏe và nhiều niềm vui!

Lê Hải Yến
MS: 122
Tổ 6 - nhóm 2, lớp PL SGTT

Anonymous said...

Kính chào thầy!
Em tên là: Trần Thụy Lâm Vy
Lớp: TCBC K08. Tổ 5

Người viết phải cần cù, hầu hết lại không thấy rằng những người làm công việc viết lách cũng phải luyện tập đều đặn và có hệ thống.

Điểm chung của tất cả những người viết lách chuyên nghiệp là họ biết tìm tòi để sáng tạo và viết. Họ không chỉ nói, không chờ cảm hứng và cũng không cần đợi có thời gian, mà sắp xếp thời gian để viết.

Dù cá nhân một người có giỏi đến mấy thì quá trình sáng tạo thật sự vẫn cần sự rèn luyện trí óc. Đó là công việc, một công việc vất vả. Bạn phải duy trì phong độ ở mức cao nhất, nhưng không phải bằng những phút xuất thần mà thông qua luyện tập mỗi ngày. Bạn ngồi xuống và viết, viết mỗi ngày.

Để tránh điều này, bạn cần có một biên tập viên hay một người thầy giỏi tận tâm bỏ thời gian cần thiết để đánh giá, phê bình bài của bạn. Đối với hầu hết các sinh viên, điều đó quả là việc gây khó chịu nhất. Khi nộp bài cho giảng viên, họ thường mong muốn nhận được lời khen cùng với điểm "A" chứ không phải là lời phê bình, không phải là vô số chỗ sửa lỗi hay ghi chú yêu cầu viết lại cả bài.

Nếu thật sự muốn trở thành một người viết hay, bạn sẽ phải học cách chấp nhận tiếp thu phê bình, thậm chí còn lấy làm mừng vì điều đó. Đó chính là cái bạn học được cho dù vất vả đến thế nào đi nữa. Nhiều sinh viên không nhận ra điều này. Thay vì trân trọng lời phê bình của giảng viên, họ tỏ ra không hài lòng, thậm chí tệ hơn nữa là thấy như mình bị xúc phạm, chẳng rút ra được bài học gì từ những lời phê bình đó.

Nếu bạn viết, bạn sẽ phải có người biên tập bài cho bạn. Trước mắt, người biên tập đó sẽ là thầy của bạn. Và một người thầy tốt sẽ làm mọi thứ có thể để cải thiện bài của bạn, dù đó là một bài tường thuật, một bài quảng cáo hay thông cáo báo chí. Hãy cảm ơn, đừng bao giờ tự ái hay bực bội.

Anonymous said...

Phan Thị Nga - Tổ 5. Lớp PL- SGTT

Em đã đọc qua Blog của Thầy, em tâm đắc nhất là phần Thầy dạy cách viết Tin và tìm ý tưởng.

Từ trước đến nay em chưa làm báo, em học bên chuyên ngành Chính trị của Học viện Báo chí- Tuyên truyền Hà Nội, em cũng có nhiều bài viết thiên về cảm xúc, bài thơ đã được đăng nhưng một tác phẩm về báo chí thì chưa.

Em đọc xong bài của Thầy, cứ mỗi lần đi ra đường em lại quan sát nhiều hơn về mọi thứ và đặt ra những câu hỏi. Em đã viết được hai bài về cảm nhận của em khi đến Tp Hồ Chí Minh có những gì khác so với Hà Nội.

Vì mới vô nên còn lạ, điều em thấy băn khoăn là ở tại các ngã tư, nơi có đèn báo hiệu, thường có những người tàn tật, cụ già, em nhỏ trông rất đáng thương bán vé số, xin ăn.

Em đang có ý định sẽ viết bài về những người đó, nhưng em chưa tiếp xúc được với họ...Em nhận ra rằng, học để làm phóng viên phải như thế nào thì tưởng chừng như rất dễ nhưng khi đặt bút để viết thì lại thấy khó.

Em sẽ cố gắng học hỏi nhiều và tập viết nhiều với nhiều ý tưởng. Còn sự thành công cũng phụ thuộc vào 1% thiên bẩm nữa, thiếu 1% đó cũng rất khó, nhất là trong nghề báo.

Em cảm ơn Thầy đã bớt chút thời gian đọc những dòng trên đây của em!

Anonymous said...

Ngọc Phủy

I) Bài tóm tắt: Tầm quan trọng của bạn đọc.

Bạn đọc không chỉ thích các sự kiện lớn. Họ muốn thấy mình trong các trang báo. Họ muốn được quan tâm đến mọi mặt. Bạn đọc không chỉ thích các sự kiện lớn. Họ muốn thấy mình trong các trang báo. Họ muốn được quan tâm đến mọi mặt. Đây là một trong những lý do để bạn phải tự nhủ, tự răn: ta không viết cho ta mà viết cho bạn đọc. Nhà báo phải biết chân dung và nhu cầu của bạn đọc, những người nuôi sống mình bằng cách mua báo.

Bạn đọc thích thông tin

Báo chí còn là nơi giúp cho bạn đọc mơ mộng và giải trí. Họ có thể bay tới những chân trời chưa biết, không thể biết. Họ có thể chìm vào trong cõi riêng tư của những người nổi tiếng và xúc cảm trước những cảnh tượng đẹp đẽ, huy hoàng.Nhưng bạn nên cẩn thận: đừng đi quá xa để biến mình thành nhà báo chuyên viết bài giật gân, moi móc đời tư người khác thì không hay.

Bạn đọc thích dễ đọc

Bạn đọc không thích những bài khó hiểu
Bạn đọc thích nghe kể chuyệnMột nguyên tắc cơ bản khác: đừng làm cho bạn đọc chán. Bạn có thể làm được việc này bằng cách đa đạng hóa chủ đề và cách viết (viết báo vẫn là một nghề sáng tạo, tuy cấp thấp). Bằng cả cách truyền sự vui thích và phấn khích của mình vào trong bài báo. Không có những bài báo buồn chán chỉ có những người viết báo buồn chán.

II) Bài tóm tắt: Viết dễ hay khó

Hãy viết mỗi ngày

Người viết phải cần cù.

Dù cá nhân một người có giỏi đến mấy thì quá trình sáng tạo thật sự vẫn cần sự rèn luyện trí óc. Đó là công việc, một công việc vất vả. Bạn phải duy trì phong độ ở mức cao nhất, nhưng không phải bằng những phút xuất thần mà thông qua luyện tập mỗi ngày. Bạn ngồi xuống và viết, viết mỗi ngày.

Để tránh bài viết là một mớ hỗn tạp , bạn cần có một biên tập viên hay một người thầy giỏi tận tâm bỏ thời gian cần thiết để đánh giá, phê bình bài của bạn. Đối với hầu hết các sinh viên, điều đó quả là việc gây khó chịu nhất. muốn trở thành một người viết hay, bạn sẽ phải học cách chấp nhận tiếp thu phê bình, thậm chí còn lấy làm mừng vì điều đó. Đó chính là cái bạn học được cho dù vất vả đến thế nào đi nữa. Nhiều sinh viên không nhận ra điều này. Thay vì trân trọng lời phê bình của giảng viên, họ tỏ ra không hài lòng, thậm chí tệ hơn nữa là thấy như mình bị xúc phạm, chẳng rút ra được bài học gì từ những lời phê bình đó. Nếu bạn viết, bạn sẽ phải có người biên tập bài cho bạn. Trước mắt, người biên tập đó sẽ là thầy của bạn. Và một người thầy tốt sẽ làm mọi thứ có thể để cải thiện bài của bạn, dù đó là một bài tường thuật, một bài quảng cáo hay thông cáo báo chí. Hãy cảm ơn, đừng bao giờ tự ái hay bực bội.

III) Bài tóm tắt: Tìm ý tưởng viết lách

Ngày nay, ý tưởng chỉ có thể nhiều thêm lên chứ không ít đi được vì tính chất của tin tức đã thay đổi - nhấn mạnh nhiều đến việc con người sống, làm việc và giải trí như thế nào. Vì thế, không khó để tìm ý tưởng viết lách. Dẫu vậy, đó cũng không phải là chuyện dễ đối với nhiều cây bút.

Muốn viết lách, phải có ý tưởng

Nếu không có ý tưởng, phóng viên chỉ là chân chạy viết tin bình thường.Muốn có ý tưởng, trước hết, bạn phải khép mình vào kỷ luật. Kỷ luật đó là mỗi ngày cố tìm cho ra một ý tưởng; mỗi tuần có thể trao đổi một lần với đồng nghiệp về các ý tưởng đã tìm ra.

Ngoài ra, phải biết thắc mắc về những gì diễn ra xung quanh và quan tâm đến chúng. Đây là hai tố chất sẽ dẫn bạn tới nhiều ý tưởng viết bài.

Tìm ý tưởng theo cách truyền thống

Một số cách thức truy tìm ý tưởng theo kiểu truyền thống vẫn là quan trọng.

Các yếu tố căn bản về tin tức, mà chúng ta từng thảo luận, có thể sẽ tạo ra ý tưởng để viết bài. Như các yếu tố thời sự, tương cận, tầm quan trọng, xung đột, lạ kỳ, nổi tiếng.
Bám thời sự.
Nghĩ đến sự tương cận
Hiểu tầm quan trọng của sự kiện và các xung đột.
Tìm tính lạ kỳ.
Không bỏ qua sự nổi tiếng.
Đi rảo và nghe ngóng
Đọc.
Xem thông cáo báo chí.

Quan sát

Nhận xét và khuyên thêm về tìm ý tưởng:

Thường người làm báo – một phần vì công việc đòi hỏi thời gian và tâm trí quá nhiều – nên ít khi rời khỏi công việc hằng ngày. Họ cũng hay nói về mình. Có người tự mãn, cho rằng mình là quan trọng. Những người như thế khó lòng có ý tưởng độc đáo để viết bài. Bạn không nên bắt chước họ. Nên khiêm tốn và thân thiện với mọi người.

Anonymous said...

Em cảm ơn thầy ạ. Em sẽ cố gắng trau dồi để sau này thầy không phải hối hận vì có một học trò như em. Chúc thầy luôn khỏe.
Phương Anh

Anonymous said...

Thưa Thầy! Em vẫn theo dõi các bài viết của Thầy, bài viết này của Thầy em đã đọc trên tạp chí Nghề Báo và nhiều bài viết nữa của Thầy.Hôm nay đọc lại bài này trên Blog của Thầy em vẫn rất thích thú.Cảm ơn Thầy rất nhiều ạh!
--------------------------------
Hoàng Thị Liu-tổ 3,BCTC K08

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Liu.

Pham Trung said...

Thưa Thầy,

Lớp BCTCK08 vừa thi môn Viết tin xong. Em không biết bài làm của mình có được tốt không nữa vì đề bài của Thầy tưởng dễ mà không phải dễ. Tuy nhiên thật thú vị khi được viết 1 bài tin với nhiều thông tin bắt buộc phải được chọn lọc như thế. Em chọn tít cho bài tin là " Hầm Thủ Thiêm - khẩn trương tiến độ xây dựng " và từ đó hình thành bài tin.

Hy vọng em sẽ có được điểm tốt ở bài thi này.

Kính chúc thầy sức khỏe và mong gặp lại Thầy ở các học phần sau.

Phạm Trung

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Trung.

Những người chịu khó học và hành như em hẳn sẽ được điểm cao. Nhưng có lẽ chuyện quan trọng hơn nữa là em đã bắt đầu yêu thích nghề viết, tập viết và mỗi ngày một thêm tiến bộ.

Anonymous said...

Em kính chào thầy!

Em đọc các trang bài của thầy trên blog, em nhận ra có rất nhiều điều mới lạ, hay và phong phú. Từ lâu, em đã nhận thấy được tầm quan trọng của đọc báo và sách, nhưng không thể chuyển tải thành lời như thầy. Khi đọc bài viết của thầy, em rất vui như chính mình gột tả tâm trạng đó.

Trong xã hội, phần lớn phụ nữ rất ít đọc sách và báo, có chăng chỉ là báo thuần tuý phụ nữ, nên tầm nhìn có phần hạn chế so với nam giới. Vì biết, nên em muốn thoát ra khỏi cách nhìn và suy nghĩ đó là vậy.

Khi được thầy dẫn dắt "cảm và nghe" bài “Tôi đi học” của Thanh Tịnh, dường như kỷ niệm ngày đầu tiên đi học của mình chợt ùa về, bồi hồi, lắng đọng. Âm thanh của từ ngữ, giai điệu do chúng tạo nên như lôi kéo cảm xúc chừng xa lắm vội quay ngược về. Càng khẳng định: Đọc sách và báo trao dồi cảm xúc, phong phú hoá thông tin, kiến thức và vốn từ vựng, đó chính là vốn quý không chỉ riêng cho nghề báo.

Châu Nguyễn (lớp báo PL, SGTT)

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Châu Nguyễn.

Em hãy cố gắng đọc tất cả các bài giảng trên blog.

Pham Trung said...

Thầy ơi,

Em định gửi tặng Thầy 1 tấm ảnh do em chụp và cảm thấy thích. Em nuôn gửi để thầy chia sẻ và góp ý cho em nhưng em lại không nhớ chính xác địa chỉ mail của Thầy.

nguyenngoctran@gmail.com đúng không Thầy? Thầy xác nhận lại địa chỉ mail này giúp em nhe.

Chào Thầy

Pham Trung

Gatebeepers said...

Cảm ơn em Trung.
Địa chỉ: ngngoctran@gmail.com