13 February 2013

Cà phê Tây (Coffee Bean, Starbucks) ở Sài Gòn



Mời các bạn đọc một bài cho vui. Chúc tất cả một mùa Xuân an lành, hạnh phúc.


Bài chưa biên tập:

Cà phê Tây ở Sài Gòn
Người Sài Gòn thường thích ngồi quán cà phê. Và cà phê Tây cũng đã chiếm được một phần thị trường.
Một sáng chủ nhật gần ngày Tết, tôi hẹn các bạn cùng cơ quan đi uống cà phê Starbucks. Thương hiệu này vừa mới xuất hiện tại Việt Nam.  
Đi Starbucks
Hai ngày trước đó, Starbucks đã khai trương quán tại khách sạn New World, đường Lê Lai, ngay góc mũi tàu. Quán có lề rộng, một số bàn ghế được bày ra bên ngoài, giống như Coffee Bean ở tòa nhà Metropolitan nhìn ra nhà thờ Đức Bà vậy.
Bên hông Starbucks có bãi giữ xe gắn máy, nhưng đã hết chỗ. Người giữ xe mời khách gởi trong khách sạn New World; ở đó thì phải xuống một, hai tầng hầm, đi rất lâu. Thấy bên kia đường, trong một chung cư, có nhận giữ xe, tôi liền đến đó gởi rồi đi bộ băng quay lại quán.

Xếp hàng để vào Starbucks.
Trước cổng chính của Starbucks, mới chín giờ, đã thấy khách xếp hàng rồng rắn dài khoảng năm mét. Nhìn vào bên trong, cũng thấy người ta sắp hàng để mua cà phê.
Starbucks là hệ thống cà phê nổi tiếng thế giới; dân Việt Nam đồn thổi nhiều quá nên nhiều người muốn vô uống thử cho biết.
Chiều thứ sáu khai trương, khách đã sắp một hàng dài. Chắc thứ bảy cũng thế và chủ nhật người ta nghỉ ngơi nên đi uống cà phê nhiều. Có người trên xe hơi bước xuống, vô sắp hàng.
Trước đó tôi đã giao hẹn với các bạn nếu tới thấy sắp hàng, sẽ rút lui, chuyển đến Coffee Bean trước nhà thờ Đức Bà. Thế là gọi cho các bạn để dời địa điểm.
Diệp Thủy nói Coffee Bean thì thôi, không đi. Chỉ có Bảo Trâm và Kim Quang đồng ý ra. Đối với Bảo Trâm, chỗ này quá quen thuộc, nói hầu như chủ nhật nào cũng ra đây uống cà phê, ăn sáng rồi đi chơi.
Đến Coffee Bean
Nói về địa điểm, Coffee Bean tốt hơn Starbucks nhiều và cũng bày bàn ghế ở bên ngoài. Coffee Bean này là một phiên bản của Starbucks - "Starbucks - like".
Ở đây khách rất đông. Quán để dù màu đỏ của rượu vang Bordeaux, còn Starbucks thì màu xanh, giữa xanh dương với xanh nước biển.

Coffee Bean góc Đồng Khởi - NguyễnDu.
Đã chín giờ rưỡi, tôi ngồi chờ các bạn. Trời mát, êm dịu, thật thoải mái. Nhìn qua nhà thờ Đức Bà, nắng sáng chan hòa rọi vào làm sáng rỡ màu đỏ của lớp gạch xưa. Mái ngói màu đỏ nâu, lâm thâm đen. Xe cộ cũng vừa phải, xe hơi, taxi chạy nhiều, chủ yếu là taxi Vinasun. Lác đác cũng có một, hai chiếc Mai Linh, Hoàng Long chạy xuống hướng đường Đồng Khởi. Có lẽ các xe này từ những quận ven chạy tới, không phải ngay trong quận trung tâm. Nhìn qua bên kia bưu điện, thấy người ra, kẻ vào. Khu vực này nhiều khách du lịch.
Thứ bảy, chủ nhật chắc chắn đông người ra uống cà phê. Khách đến đây, thanh niên có, trung niên có, nhưng không phải thanh niên trẻ mà ở độ tuổi đi làm, có một ít tiền.
Một người bạn làm ở Capitaland trong cao ốc Kumho kể rằng nhiều thanh niên làm việc trong đó, trưa ăn cơm hộp hai mươi, hai mươi lăm ngàn thôi, nhưng sáng ra, đi thang máy, ai cũng cầm ly cà phê Coffee Bean. Họ tỏ vẻ hớn hở và hơi “hip”, hơi ta đây một chút là mình uống cà phê sang. Chắc họ không nhiều tiền, nên chứng tỏ bằng cách uống cà phê Tây. Có thể sau này họ sẽ tới Starbucks mua đem đi - take away, để ... chứng tỏ tiếp.
Cà phê Starbucks nổi tiếng khắp thế giới. Hồi xưa tôi đã uống ở trời Tây; bây giờ mỗi lần đi Thái Lan, Singapore hay Malaysia cũng kiếm uống. Starbucks thường mở các quán nhỏ nhỏ trong những trung tâm thương mại.
Ngồi đồng thoải mái 
Starbucks đặc biệt hay ở chỗ không đuổi ai ngồi lâu cả. Sinh viên rất thích vào đấy, vì uống một ly cà phê có thể ngồi từ sáng tới trưa, tới tối, thậm chí mua thêm một miếng sandwich ăn, ngồi học bài với nhau thoải mái. Sau này đã có những cà phê khác bắt chước để thu hút khách.
Nguyên tắc làm ăn của Starbucks: xem khách hàng là thượng đế thứ thiệt, không phải như nhiều chỗ chỉ hô khẩu hiệu. Huấn luyện được ý thức đó cho nhân viên Việt Nam sẽ là một kỳ công; người mình không có thói quen hầu hạ, chiều chuộng ai hết. Và khách ngồi hơi lâu một chút đã thấy khó chịu rồi. Những người làm công, Starbucks gọi partner - đối tác, không gọi nhân viên.
Đấy cũng là kinh nghiệm làm ăn. Xem khách hàng như thượng đế, đặt khách lên hàng số một, không thể nói khẩu hiệu được, mà phải thực tế.
Trong thời kỳ làm ăn khó khăn, nên hiểu rõ khách hàng không phải chuyện nói cho có nữa. Thượng đế không thương, mình đói rã họng.
Hồi xưa, có lúc họ cần mình thiệt, như trong bất động sản, vì hàng ít, mua được bán ra có lời liền, nên thượng đế cần chủ đầu tư. Nhưng bây giờ thì ngược lại - khách hàng rất quan trọng. Không có họ, chủ đầu tư méo mặt.
Người nào thấm nhuần đạo lý đó sẽ làm ăn giỏi. Lẽ dĩ nhiên sản phẩm phải tốt, dịch vụ hậu mãi phải chu đáo, v.v. Nhưng điều chắc chắn, cần thiết nhất là phải bán được hàng.
 
Ngày trước, hãng chuyển phát nhanh FedEx, sau thời gian chuẩn bị, đã mua 10 chiếc máy bay. Ngày khai trương, ông chủ hỏi: "Có hàng chở không?" Mọi người cuống lên vì chỉ có 2, 3 kiện hàng thôi. Lúc đó, họ mới hiểu phải cần tới thượng đế, nếu không máy bay sẽ bị xếp xó. Lại thêm một bài học thú vị về khách hàng.
Hãy trở lại với Coffee Bean. Bây giờ mới có Kim Quang ngồi đây thôi, bữa nay mặc áo thun tím rất đẹp, quần trắng, đang gọi điện thoại cho ai đó.
Tôi kiếm được chỗ ngồi ngay gần lề đường. Không phải dễ. Hồi nãy, cũng phải chờ, vừa có người đứng lên là nhào vô ngồi liền, mà chỉ được bàn hai ghế thôi. Cái bàn nhỏ, mặt giả đá màu trắng, đường kính chừng hơn nửa mét, trụ bằng inox, chân đế xòe ra. Ghế kiểu giả mây, màu nâu, khung sắt, tay tựa có mặt gỗ ở trên.
Trong khi chờ (không phải Godot)
Kim Quang và tôi ngồi đây, chờ Bảo Trâm. Giờ mời Kim Quang uống cà phê; cô chọn cappuccino đá.
- Kêu lâu lắm! Em thấy không, anh kêu nãy giờ mười lăm phút rồi mà chưa đem ra tới, tôi nói.
Ở đây, muốn gọi cà phê, phải vô quầy trả tiền. Bước vào, có người mở cửa. Bên trong, khách đứng chờ rất đông.
Quán cà phê như thế này coi như cỗ máy in tiền, cứ mở ra là có khách. Lẽ dĩ nhiên, vị trí này -  prime location, tốn rất nhiều tiền mới thuê được, tức là chỗ phải thật tốt. Thuê chỗ  tại Metropolitian này không thể rẻ.
Cà phê ở đây order rồi cũng phải chờ. Tôi đặt mười lăm phút rồi mà chưa ăn thua gì.
Cũng có người dùng thẻ thành viên.
- Thẻ thành viên được bớt bao nhiêu em? Tôi hỏi một cô nhân viên.
- Dạ, giảm 10%. Mà bây giờ hết thẻ để bán rồi, cô ấy trả lời.
- À, bao nhiêu một thẻ?
- Hai trăm ngàn một thẻ. Quà tặng là ly nước uống đầu tiên; sinh nhật tặng thêm một ly nữa.
- Nhưng mà ly có quy định bao nhiêu tiền không?
- Regular, mọi thứ. Không có quy định gì hết.
- Mà tối đa một ly là bao nhiêu tiền?
- Một trăm ngàn.
- Giờ cho anh một ly cappuccino đá.
- Regular size? Còn gì nữa không?
- Thế thôi.
- Của mình tám mươi ngàn.
- Không có quẹt cạc được hả?
- Dạ không.
- OK. Thế thì tiền đây em.
Order này là cho Kim Quang; cũng phải chờ thôi. Bước vô đã thấy hai, ba người đứng chờ mua cà phê.
- Ồ, anh… anh Lưu. Trời ơi! Chào anh.
Tôi gặp lại người anh Việt kiều Mỹ, về đây làm cố vấn cho phân hiệu Houston Community College, Texas, Hoa Kỳ ở trường SaigonTech trong Công viên Phần mềm Quang Trung.
- Anh Lưu có thẻ thành viên Coffee Bean tại Metropolitan, có nghĩa anh đi đi về về, nhưng mà chắc ở Việt Nam nhiều hơn.
- Thấy cái phiếu này biết liền, anh Lưu cười, nói.
Chờ cà phê lâu quá, hơn mười lăm phút rồi.
- Chưa có hả em? Tôi hỏi một cô nhân viên mặc áo thun màu màu đỏ bầm hồng quân, giống màu chiếc dù, đang coi tờ hoá đơn của tôi.
Sau khi tính tiền ở quầy, họ đưa hóa đơn và miếng mica ghi số, như tôi số 07, của Kim Quang số 23. Số 07 mà đã hơn mười lăm phút rồi chưa có gì. Thế thì 23 chắc phải chờ lâu hơn nữa.
Về nguyên tắc, cà phê mười lăm phút là hơi bị lâu.
- Đông quá ha, Kim Quang nói.
- Sáng chủ nhật mà, không đông sao được.
- A, cappuccino của tôi. Rồi cám ơn em. Cà phê đã có.
Cà phê khác
Cappuccino của Coffee Bean cũng giống như của Highlands không trang trí hình lá hay trái tim. Ở trên, chỉ có một lớp sữa trắng tươi, viền cà phê bột nâu nâu. Tách cappuccino to như cái bát nhỏ nhỏ vậy. Nói chung về mặt trình bày là thua Trung Nguyên.
Nhưng Trung Nguyên pha theo kiểu Việt Nam nên hơi đậm. Cà phê Central, chỗ Sunwah, cũng pha đậm, hợp với gu Việt Nam hơn, và trình bày rất đẹp.
Tĩnh vật.
Thôi giờ uống thử coi, rồi phê bình tiếp. Cà phê đánh bọt lên nhiều. Họ cho hai ống đường. Một là white sugar, đường trắng; cái kia, brown sugar là đường nâu. A, mình muốn đường ăn kiêng, để hỏi coi có không.
- Cháu cho chú một cái đường ăn kiêng.
Cô nhân viên đưa ra hai gói đường ăn kiêng hiệu Equal nhập của Thái Lan. Về nguyên tắc nhân viên không đem đường ăn kiêng ra; mình phải yêu cầu mới có.
Có lần tôi đi dạy ở Long Xuyên. Quán cà phê Trung Nguyên và một số quán khác tại đó cũng có loại đường này. Họ gọi là đường thuốc, chứ không gọi đường ăn kiêng.
- Bài vở xong hết rồi hả Quang?
- Chiều hôm qua mới xong. Hồi nãy anh có gọi Bảo Trâm không? Cô ấy trả lời.
- Gọi Bảo Trâm rồi.
À, số 23 lại có nhanh, năm phút thôi. Số 07 của tôi thì bị lâu.
Cappuccino đá, màu nâu, có nước đường kèm theo nữa, để trong ly nhựa, ở trên có nắp chụp. Ống hút màu tím, rất hợp với màu áo của Kim Quang.
- Ủa anh, chiều mai anh cũng đi, đúng không?
- À, chưa biết, vì bà vợ còn mổ xẻ. Không, mai đưa bà ấy đi nhà thương. Thứ hai đi khám, thứ ba mới mổ.  
Tôi đưa máy ảnh cho Kim Quang xem mấy tấm hình chụp lúc sáng:
- Starbucks nè. Quang thấy sắp hàng chưa.
- Mới mà, Quang nhận xét.
Có lẽ Starbucks vừa ra mắt nên đông khách sắp hàng; chứ vài bữa nữa thì thôi, hết. Nhưng với đà này, họ mở thêm một chục tiệm nữa cũng được. Không ngờ sự hấp dẫn của thương hiệu lại lớn như vậy.
Thật ra cà phê Starbucks không dở đâu. Họ nghiên cứu rất kỹ. Vô Việt Nam họ nghiên cứu gu của người Việt. Tiền của họ vô thiên lủng, bỏ ra một triệu đô là nghiên cứu tới trời luôn.
Ông chủ Trung Nguyên nói, "Họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường" là không đúng. Ông không hiểu - hoặc giả đò không hiểu - rằng một số người Việt Nam thích uống cà phê lạt, sữa nhiều cà phê ít, gọi theo tiếng Tàu là pạc xỉu, gần giống với cappuccino. các quán của ông cũng bán pạc xỉu. Nói xấu Starbucks chứng tỏ ông chủ công ty này không lịch sự. Người làm ăn giỏi không bao giờ chê đối thủ, thậm chí còn tôn đối thủ lên.
Ông từng đăng đàn diễn thuyết nói mình bảo vệ nông dân trồng cà phê. Nhưng có ai buôn cà phê mà bảo vệ họ? Không bóc lột, lấy gì giàu? Ông ấy cũng bóc lột; trả giá cao hơn nhà buôn khác được sao, đâu thể phá giá thị trường. Ông ấy đang mị thanh niên. Nhưng đấy lại là một câu chuyện khác.
Hãy trở lại với cà phê Coffee Bean. Tôi uống một ly cappuccino. Ở đây nó lạt, sữa nhiều hơn cà phê. Trong khi ở Trung Nguyên thì cà phê nhiều hơn sữa, cũng na ná gu của khách cà phê Central.
Cần biết thêm: Central mở lâu rồi, cũng đông nghẹt. Còn Trung Nguyên thì mới mở được hai, ba tiệm thôi.
Có điều lạ, hai quán cà phê Trung Nguyên, cùng nằm trên đường Đồng Khởi, rất đắt tiền, nhưng cách nhau chưa tới một trăm mét. Nên tất yếu chỉ một quán ở khúc trên, trước khách sạn Sheraton, có khách. Quán xích lên, gần mé bờ sông thì bán không được.
Nhưng gốc vẫn là gốc rạ, quản lý kiểu rạ, chẳng sang trọng được.

Ra cả nhà

Bây giờ Bảo Trâm đến, kéo cả bầu đoàn thê tử theo. Hai vợ chồng, con trai thì bỏ vô xe đẩy, rồi ba đứa em nữa. Chồng cô đang đẩy xe.
Có một bàn sắp đứng lên, phải chiếm ngay cho Bảo Trâm:
- Chắc là… Quang, em phải qua đó liền nghe.
Khách ở đây rất đông.
- Em ơi, bên đây có chỗ. Kiếm được ngay cái chỗ gọi là prime location, ngay cái bàn góc luôn, góc của góc luôn. Thôi ngồi đó đi.
Gia đình Bảo Trâm kéo tới.
- Nói họ lấy thêm ghế; coi như năm người.
Thời may có người đồng ý đổi bàn. Giờ phải thêm ghế nữa chứ không đủ; hai cái bàn cũng bé thôi.
- Chào thầy.
- Chào các em. Nói chung là có em bé ra uống cà phê luôn. Em bé muốn uống cà phê gì?
- Uống cà phê sữa thôi, Bảo Trâm nói.
- Em bé uống cà phê lạt gọi là pạc xỉu. Đúng cappuccino rồi.
- Thiếu một cái ghế. Chắc em phải qua bên kia quá, Kim Quang nói.
- Ờ qua bên kia ngồi bớt đi.
Rất đông và vui. Chúng tôi đổi ra được cái prime location này.
- Nhưng mà có quy định không ra ngoài gạch màu đỏ.
Tôi nhìn xuống, thấy nền gạch màu đỏ.





No comments: